Viện B80 tỉnh đội Kon Tum
( Kỷ niệm những ngày điều trị vết thương tại BV Tỉnh đội Kon-Tum)
Bệnh viện nằm bên dãy núi đá trên một dông đất khá bằng phẳng. Những lán trại ở đây có vẻ hiện đại hơn bệnh xá của trung đoàn rất nhiều. Nhà làm trên mặt đất, cao ráo, vách nứa đan nong đôi vuông vức. Hai đầu hồi có hai cửa thông nhau, hành lang đi giữa, hai bên hai dẫy giường mỗi bên 6 chiếc là 12 người một nhà. Các ngôi nhà nằm im lìm trong một rừng cây cao bóng phía dưới đã được chặt hết cây con tạo thành mặt sân nhẵn nhụi. Lán nọ cách lán kia vài chục mét có hệ thống hầm hào từ trong nhà thông sang nhau và chạy ra sau rừng, nghe nói phía núi đá có con suối rất trong và một khu rừng hoang đầy hang động. Tôi được xếp vào lán bất động, toàn thương binh què và cụt không đi lại được. Từ đây đi về nhà khám và điều trị của bệnh viện khả xa, hình như đây là lán cuối cùng của cả khu.
Bác sỹ và nhân viên toàn người miền nam, Kon Tum, Quảng Nam , Quảng Ngãi..có cả. Chúng tôi không đi lại được nên không biết viện trưởng là ai, kể cả các bác sỹ khám và cho thuốc, chỉ còn nhớ vài nhân viên trực tiếp điều trị của mình mà thôi.
Chị Liên Ytá, hộ lý gầy gò lúc ấy khoảng 27 tuổi, chưa chồng, người Quảng Nam . Cái tỉnh mà khi phát âm ra ngữ Việt thì chữ nam thành Quảng Nơm-Quảng Ngở. Một con người khắc khổ, hiến trọn tuổi thanh xuân cho Cách mạng. Chị đã quá lứa và yêu ai ở cái nơi khỉ ho cò gáy, đàn ông thì già mà đàn bà lại quá nhiều này. Chị tần tảo chiều chuộng cung phụng thương binh bao nhiêu thì chúng tôi quý mến chị gấp bấy nhiêu lần và ngay cả những khi ngồi viết lại những dòng chữ này.
Hàng ngày chị mang cơm, tiếp nước cho cả lán, thay băng, giặt giũ cho những thương binh nặng, thôi thì hầm bà làng trăm công việc. Cái quý nhất là chị luôn yêu đời và không cáu gắt với ai bao giờ.
Trong lán có thương binh Nếnh người Nghệ An- Tiểu đoàn trưởng bộ đội địa phương Kon Tum, gãy hai đùi và một cẳng chân, bó bột trắng xoá. Lúc ấy khoảng ngoài 30 tuổi anh có vẻ thích chị Liên và cũng nhận được tình cảm trìu mến của chị.Thế là chúng tôi cứ hún vào:� Chị Liên- Anh Nếnh gọi hoặc: Anh nhờ chị thay quần áo kìa!..
Suốt ngày nằm rồi ngồi, loanh quanh trên giường chán quá thế là chúng tôi hát, đồng ca rồi đơn ca, người nọ kích động ngưòi kia, ai cũng hát. Hát hay nhất là tôi và một chiến sỹ đội Văn nghệ xung kích tỉnh đội Kon Tum bị thương mất một hòn cà. Anh ta kể: Tôi đang cầm súng lom khom thì thằng Cán Gáo ào đến quăng lựu đạn. Mảnh US bay giữa hai bẹn cắt luôn một bên, tôi nhìn xuống thấy hòn cà nằm còng keo dưới đất vẫn còn lòng thòng sợi dây buông xuống, tôi nhặt lên, nhét vào và băng lại.Về đến đây bác sỹ hội chẩn và bảo: Cắt cho nó an toàn, một hòn vẫn còn đẻ tốt !khéo mắn quá lại không nuôi hết! Mỗi khi thấy chúng tôi ca nhạc, chị Liên lại thập thò mang nước lên lán: Chị Liên ơi, vào nghe anh Nếnh hát! Anh Nếnh đỏ mặt: Ði đi, không được vào!
Sau 10 ngày từ khi tôi bị thương, ngày 24 tháng 4 năm 1972 thì giải phóng Tân Cảnh, 4 ngày sau, thương binh lũ lượt từ mặt trận đổ về. Ðủ loại đui mù, què cụt, cháy xém. Mỗi giường xếp hai người, trừ trường hợp quá nặng. Có một chiến sỹ xe tăng nghe đâu bị bom đánh cháy. Anh ta lợt lạt khắp người, cởi trần như nhộng, ngón tay dính vào nhau như chân vịt, nước chảy nhớp nhúa, vừa tanh, vừa khẳn. Người ta hơ lá chuối rừng làm chiếu, hàng đàn ruồi bu quanh màn, đen như dán đỗ.
Sơn người (Bản nguyên- Lâm Thao �Phú Thọ) bị thương vào mông và mu bàn chân khi đánh vào Tân Cảnh. Vết thương nhiễm trùng bị dòi đẻ, mổ moi ra hàng bát. Hôm nay lại bị dòi rúc, kêu la nhờ tôi xuống báo cho phòng thường trực. Khi bị dòi đẻ, vết thương thối khủng khiếp, Sơn lại ngồi đầu cửa hướng gió, thốc vào lán, khẳn lằm lặm. Anh em trong lán bảo: Thằng Hậu ra nằm thay chỗ thằng Sơn không thì chết ngạt hết bây giờ!
Tôi chống gậy xuống báo cho bác sỹ trực, Sơn đau quá không chờ nữa, bò bốn chân xuống phòng mổ, vừa bò vừa khóc, tôi chống gậy theo sau. Ðến chiều người bác sỹ cõng lên Sơn lán và bảo: Anh này nhát như mèo! Lần sau còn để ruồi nó đẻ thì chúng tôi cắt chân luôn!
Sơn vội lấy túi bơi Trung Quốc đút chân vào đó, thấy con ruồi nào bay đến anh ta vỗ cho bằng chết!
Bệnh viện tăng cường thêm một nữ bác sỹ ngoài Bắc vào, chưa chồng. Nhìn qua vẫn còn phảng phất cái nét một thời vàng son của người con gái. Bây giờ Tầm tuổi đã ngoài 30 rồi, không rõ do điều động hay chị xung phong vào chiến trường này. Tưởng đồng hương Miền Bắc chị ta quan tâm hơn, thế nhưng bà này hắc xì dầu lắm, quát tháo liên tục: Còn cái cậu này nữa, đã bảo đi được thì xuống phòng khám thay băng cho vệ sinh, không sợ nhiễm trùng à! Một lần tôi bảo: Chị xem vết thương của em có miếng thịt mọc thừa ra như cái lưỡi đây này! Chị ta cởi băng ra xem, ghé luôn chiếc kéo giáp mặt đùi và cắt xập một cái, máu tràn ra: Ðể cho nó đẹp, sau này ra Bắc con gái khỏi chê! Và bây giờ xem lại , vết thương ngày ấy cũng phẳng phiu lắm!
Thương binh về đã kín các lán trại, không biết có bao nhiêu lán bất động, nghe chị Liên nói cũng khá nhiều thương binh nặng.Vấn đề đặt ra cho bệnh viện là: Lấy cái gì cho thương binh ăn? Không còn hạt gạo nào cả, nếu có huy động toàn dân khu vực này thì trong dân cũng đang giáp hạt, không có gạo. Tỉnh can thiệp bằng cách: Tất cả vì tiền tuyến, ai có gạo đem gạo, ai có mỳ giúp mì�Ngày nào cũng lũ lượt đồng bào gùi hạt Bom Bo cho bệnh viện. Chúng tôi ăn hạt Bom Bo thay cơm.
Ðói thì đầu gối phải bò, các lán thương binh nhẹ thay nhau ra nương dân (cải thiện), có cái gì ăn được là họ tha về. Có hôm bệnh viện bắt thu hồi hàng ôm mía tím, họ đem cho lán thương binh nặng ăn: Ðàng nào thì lán thương binh nhẹ cũng đã vi phạm chính sách dân vận rồi, các đồng chí ăn đi!
Chị Liên kể: Hổm rày bệnh viện có đàn lợn hơn chục con, mổi con chừng 7-8 ký, mấy ổng này lừa bắt thịt ráo chọi luôn, còn hai con chết hụt ngơ ngơ ngác ngác!
Mấy hôm sau nghe Nguyễn Xuân Viện- Cùng quê (Tứ Xã-Lâm Thao-Phú Thọ) cùng nhập ngũ- Bị thương vào phần mềm ở trận đánh ven Tân Cảnh sang lán kể: Ðói! rau xanh không, thịt không, đi ra nương vặt rau tàu bay càng sốt ruột. Chúng nó nghĩ ra mẹo bắt lợn thịt: Lấy cơm Bom Bo rắc trong lán dử lợn con vào, hai thằng ngoài cửa cầm sẵn võng, trong thì đuổi, bên ngoài chỉ việc nâng võng lên, túm lại là hết éc. Hai thằng, một ăng gô, một dao găm ra sau rừng là có đủ luôn cả lòng sốt đem chia cho cả lán. Mỗi hôm một con cho đến khi bị phát hiện.
Hơn một tháng không được tắm giặt, người vừa hôi, vừa mốc, ngứa ngáy rất khó chịu. Một hôm tôi đang nằm thấy như con gì rơi buồn buồn trong bụng, lật áo lên, rùng hết cảngười: Rận!
Hàng đàn Rận trắng nhởn, mũm mĩm chậm chạp di chuyển theo các kẽ vải, Rận đông đúc, hành quân xếp hàng trong các lớp băng vết thương. Cả lán rộn cả lên: Bắt Rận, anh nào cũng lột quần áo ra, vừa bắt, vừa giết.
Ngoài mặt trận đưa tin về: Ta giải phóng xong Ðắk Tô-Tân Cảnh, lấy nốt Diên Bình-Võ Ðịnh và hiện nay đang áp sát Kon Tum. Chúng tôi dù ăn đói nhưng cũng thấy ấm bụng hẳn lên.
Ðánh lớn như vậy, đơn vị tôi ai còn, ai mất, bất giác tôi thấy nôn nao trong người.
Tôi đã đi lại được,Viện đưa tôi ra suối tắm giặt. Rất lâu mới lại được sống giữa thiên nhiên như thế này. Phía sau lán, dãy núi đá sừng sững, tím biếc trong chiều tà, khu rừng hoang sơ im lìm trong áng chiều bảng lảng. Phía đó là bao nhiêu hang động, bao nhiêu cây rừng và những con chồn hoang, thú dữ. Một con thác như mành tơ buông trắng xoá phía thượng nguồn, nước trong suốt, mát lạnh nổi gai gà: Ðáng ra mình đi tắm từ trưa có phải đỡ lạnh hơn không!
Vài hôm nữa Viện trở về đơn vị, chúng tôi liên hoan, chia tay nhau bằng cách: Hai thằng đi ra nương lấy rau tàu bay và hái nấm. Một bãi rẫy của dân cách không xa bệnh viện là bao, những cây cổ thụ bị đốn gục bằng dao quắm, có cây dài đến vài chục mét. ở đó mục nhĩ (Nấm mèo) mọc chi chít từ gốc đến ngọn. Ðất tơi xốp, ẩm mục cho các loại rau đua nhau mọc, ngọn tàu bay mập to như ngón tay người. Ðầy hai gùi, chúng tôi hăm hở về lán.
-Chị Liên đâu? Cho anh Nếnh mượn chiếc ấm đun nước!
-Âm để làm chi zậy! Hổng có nước thì tôi lấy cho, việc gì phải đun!?
-Nước của các bà chưa sôi..
-Sao lại chưa sôi..
-Thì cứ đưa ấm lại đây, mặc xác chúng tôi!
Cho rau tàu bay vào ấm- Luộc! Vớt ra đưa vào cái chậu nhựa thường lấy cơm, đút vào chăn hai người ngồi trên giường, chùm lên - Lại luộc! Hết rau tàu bay đến mục nhĩ, có ai đấy bảo: Thôi chết rồi, bà Liên đến!
Chị Liên vào lán, bà này biết chắc chúng tôi có cái gì đấy, lúng ta lúng túng, khói lại tự nhiên từ trong chăn ông Nếnh bay ra.
-Kìa, nước sôi rồi kìa!
-Cứ để cho nó chín kỹ..Thế chị Liên hôm nay không phải làm gì à!
-Hông!
Bà ta ngồi xuống cạnh bếp, chả lẽ để cho rau chín nhừ thành cao! Tôi đành nói thật và nhờ chị xin thêm ít muối.
-Biết rồi! Làm kheo khéo nghe - Hổng bà bác sỹ biết là mệt cho tụi tôi lắm !
Gần 3 tháng nằm viện, có quân lực trung đoàn đến đón về đơn vị.Tôi được ra viện. Hôm chia tay, thấy chị Liên rơm rớm nước mắt : Anh Hậu đi may mắn và mạnh giỏi nghe!
Kết thúc những ngày điều trị vết thương ở bệnh viện tỉnh đội Kon Tum.
------------------------------------------------------------------
Lâm Thao tháng 08 Năm 2007
Hoàng Kim Hậu
ÐT:0210.785.060
DD:0934.441.239
-------------------------------------------------------------------------------
Trở về Trung đoàn
Chúng tôi có hơn 10 người cùng đơn vị được ra viện. Nói của đáng tội: Toàn quân sứt sẹo cả, kẻ băng đầu, người băng tay bước thấp bước cao khập khiễng ngang quân thất trận.
Tôi nhìn bên ngoài còn lành lặn hơn cả: Các vết thương đều ở kín trong người, sau hai tháng nằm viện lại trắng trẻo, béo ra như tân binh.Thế nhưng đi khoảng vài tiếng đồng hồ, lên thác, xuống khe, cơ bắp vận động, hai chân bắt đầu trở trứng: Vết thương mảnh còn ngập sâu trong đùi sưng tấy lên, cơ đùi co giật tê buốt. Hai vết thương xuyên mặt trong hai đùi mới lên da non cọ sát vào quần tấy đỏ như phải bỏng. Gần trưa, cái nắng càng oi nồng, mồ hôi túa ra sót như tra muối, vừa đi, vừa nghỉ.
Ðến một khe nước chảy ven đường, có ai đó cắm một ống nứa đón mạch nước từ trên vách đá, nước chảy tong tỏng, mát lạnh. Chúng tôi dừng lại ăn cơm trưa.
Xung quanh rừng cây um tùm, gió từ dưới thung lũng ào qua mát lạnh. Ðứng trên bờ khe nhìn xuôi con suối, xa tít tắp chỉ thấy núi rừng xanh biếc, nhấp nhô như vô tận.Tỉnh lỵ kiểu gì mà trập trùng ngang trường sơn, không biết bao giờ mới đến đồng bằng đây.
Nghe người sỹ quan quân lực nói: Nếu đi nhanh thì hơn một ngày là đến thị trấn Tân cảnh. Còn dọ dẹo như chúng tôi cầm chắc hai ngày mới ra đến cầu Ðak Mót. Từ đấy đi về toàn đường nhựa và đường đá, địa hình trống trải, máy bay rà sát suốt ngày, nếu ra đấy vào buổi chiều mà hành quân đêm là hay nhất.
Tôi cởi phăng quần dài cho đỡ vướng, dùng hai cuộn băng bó chặt vết thương bên đùi cho khỏi rát, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Khoảng hơn một tiếng, có một con đường cắt ngang, một thanh nứa người ta vạt nhọn đầu kẹp vào thân cây ven đường ở đó kẻ chữ : K 4A. Chúng tôi rẽ vào. Ði khoảng 20 phút thì đến kho gạo, mỗi người nhận 6Kg rồi tấp tả quay ra. Ơ đây rừng có vẻ bằng phẳng hơn, phía xa không thấy núi chắn trước mặt, nghe nói cũng xắp ra đến bờ sông Pô Cô rồi, chúng tôi dừng lại nấu cơm. Mắc võng tòng teng ven suối chẳng hầm hố gì cả, xa xa có tiếng máy bay vọng lại, hình như vẫn đang đánh nhau ở ven thị xã Kon Tum.
Sáng hôm sau lại cơm nắm lên đường, thỉnh thoảng đã thấy có mấy đơn vị chuyển quân qua, một vài đoàn đi về kho lấy gạo, không gặp ai quen mà hỏi thăm cả.
Qúa trưa ra đến bờ sông, đại đội công binh đang bắc cầu treo qua sông. Bốn sợi cáp đã được kéo căng từ gốc cây bờ bên này sang lùm cây bờ bên kia, tán cây xoè ra hai bên sông không đủ che kín cho đoạn cáp ở giữa dòng.Tôi nghĩ bụng: Thế này khi cầu làm xong thì nguỵ trang kiểu gì để che mắt thằng VO10 được đây. Qua sông bằng một mảng nứa kéo tay, có ai đấy bảo: Trên bờ chú ý thằng VO10 đấy, có gì thì gọi to lên! Ðến bờ, chúng tôi đi một đoạn rồi ra đường 18, cả đoàn nghỉ lại ăn cơm trưa.
Con đường giải nhựa đã bong vẩy, đá lởm chởm, chỉ cách đây có vài tháng thôi, nó là mạch máu giao thông huyết mạch của địch ầm ầm xe tải và xe nhà binh, hôm nay vắng lặng phơi mình dưới nắng. Phía đông, một khoảng trời rộng mở, những sườn đồi thoai thoải bám theo con lộ, thấp thoáng đã thấy những bản làng nhà tôn sáng lấp loá ẩn hiện trong vườn cây ăn quả.Gió từ phía đông mên man bò theo sườn dốc rồi ào xuống thung lũng mát lạnh. Ðã lâu lắm rồi chúng tôi mới được phóng tầm mắt xa đến như vậy, một vùng giải phóng rộng lớn mà biết bao nhiêu đồng chí của tôi đã ngã xuống mới giành lại được.
Mỗi người vác một cành cây trên vai, vừa che nắng vừa nguỵ trang. Chúng tôi hàng một bám theo ven đường hành quân. Ðang quen leo đèo, lội suối nay đi toàn đường bằng thấy gan bàn chân như căng ra, bắp chân mỏi dừ thế mới lạ.
Sau lưng chúng tôi là căn cứ PLâyCần lọt giữa vùng giải phóng. Hình như nó cũng biết thân phận cá nằm trên thớt của mình nên không dám quăng pháo vô tội vạ như trước nữa, con đường tiếp tế cho chúng chỉ còn dựa vào hàng không mà thôi.
Có tiếng VO10 bay đến, chúng tôi tạt vào ven đường. Chiếc máy bay nghiêng ngó dọc bờ sông rồi bay về phía quận lỵ.
Ðến một bản ven đường cách Ðak tô 2 (Sân bay Phượng Hoàng) không xa, chiếc VO10 quay lại, nó chổng mông bắn đạn khói, hai chiếc A37 từ đâu ào đến quăng bom xuống bãi gỗ cạnh sân bay. Khói cuồn cuộn bốc lên, những thân cây bị bom văng quay mấy vòng trên trời, đất đá tung lên mù mịt. Chúng tôi chui vào một ngôi nhà sơn toàn màu đỏ( Sau này đặt tên là Bản đỏ) đứng xem máy bay địch hùng hổ thừa bom đạn. Có đơn vị nào ở đấy mà chúng nó đánh dữ thế không biết, thôi tốt nhất là dừng lại nấu cơm, tối đến hành quân đêm cho mát.
Ban đêm trời mùa mưa mây bảng lảng, thỉnh thoảng còn sót lại vài ngôi sao trôi vật vờ rồi chìm vào khoảng đen sâu thẳm. Gió lành lạnh thổi ngược đường, phía thị trấn Tân cảnh tối mịt mùng không thấy ánh điện đâu cả.
Qua bãi gỗ, đất đá văng ra khắp đường, mùi khét của khói bom, mùi gỗ mục xen lẫn mùi cao su cháy dở nhắc người ta trở về với hiện hữu: Chiến tranh đã ở ngay trước mặt.
Dọc đường 18 quang tinh trập trùng, chỗ đen, chỗ trắng, hai bên đường trống trơ không thấy có cây cối nào cả. Qua căn cứ 42- Chỉ huy sở của sư đoàn 22 nguỵ-Tôi nhận ra nó giống y như xa bàn cát đã học. Hướng cửa mở của K8 là đây: Vượt qua bãi lầy, đào hầm sát chân đường, tiền nhập qua mặt đường 18, giáp tà luy là hàng rào đầu tiên của căn cứ.
Lớp hàng rào bùng nhùng bị phá bung ra thành lối vào cửa mở. Phía trong kia, hàng lô cốt đầu cầu bị đánh xụp thành những đống đen sì, thảm hại. Giáp cửa mở một tháp nước đổ ụp, nằm chông chênh, hai cột bị bẻ cong xuống và hai cột còn lại như� hai bàn tay của chúa chọc lên trời.
Không biết bao nhiêu đồng đội của tôi hy sinh trên cửa mở này, nghe nói C6 đánh qua cửa mở là bị thương và hy sinh gần hết. Anh Hậu đại đội trưởng cùng hai chiến sỹ hy sinh trong cùng một hố pháo dưới chân tháp nước kia. Tôi nhìn lướt qua, rồi đi xuôi theo con dốc, qua cầu cùng đoàn người tiến vào thị trấn Tân Cảnh.
Ðêm hôm ấy, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà không chủ nghỉ tạm. Sáng hôm sau, đi tham quan một vòng thị trấn, một vài pho tượng Ðức Bà bị bắn vỡ đầu. Phía ngoài thị trấn, một qủa bom ném trúng mặt đường 14, hơi nổ cày lên từng mảng bê tông nhựa to bằng tấm phản, mảnh bom cào sước mặt đường thành những vệt loang lổ. Quá trưa thầy trò lục tục chui vào rừng đi về trung đoàn bộ.
Trung đoàn nằm trong một cánh rừng phía sau thị trấn Tân Cảnh. Sau giải phóng, địch cay cú đổ quân, tung biệt kích thám báo hô hào tái chiếm Ðak Tô-Tân Cảnh. Chỉ cần nghi ngờ cánh rừng nào là bom dội xuống, B52 trà đi sát lại như muốn huỷ diệt toàn bộ những gì còn sót lại trong rừng. Bởi thế ở đây hầm hố đã được sửa sang lại, hầm thùng đào sâu xuống đất, phía trên lợp bằng cỏ gianh hoặc máng vầu, bên cạnh là một cửa thông vào hầm chữ A chắc chắn.
Thấy đoàn thu dung vạ vật trước hầm quân lực chờ phân bổ về các đơn vị. Một người dáng gầy còm đến hỏi tôi:
-Này, mới ở bệnh viện về à! Cậu quê ở đâu!
-Em ở Lâm Thao � Phú Thọ.
-Thế tớ cũng ở Lâm Thao - Ơ Tiên Kiên đây!Vào chỗ tớ uống nước đã!
Tôi khoác ba lô theo anh vào một căn hầm cách đấy khoản 10 m. Qua câu chuyện tôi biết anh vào chiến trường từ năm 67, hiện nay là y sỹ của trung đoàn bộ, anh bảo tôi:
-Trung đoàn chuẩn bị mở một lớp y tá tại C 21 quân y. Theo anh, trắng trẻo đẹp trai như cậu cứ theo học ở trên này một thời gian, ra trường có gì anh xin ở lại trung đoàn hoặc làm y tá các tiểu đoàn cũng đỡ ác liệt hơn, nếu nhất trí anh báo quân lực rồi ở đây luôn với anh!
Nghe anh nói tiểu đoàn 8 nhất là C6 thương vong gần hết, sau đánh Tân Cảnh, Kỳ được phong lên làm tiểu đội trưởng, đánh quân biệt kích đổ bộ xuống Ðak Tô, Kỳ dẫn đầu tiểu đội bám địch không may bị mìn hy sinh gần hết tiểu đội. Số lính cũ hầu như không còn người nào, bây giờ về đơn vị chỉ toàn là quân mới bổ xung mà thôi!
�Thấy thế, tôi đã nản lòng và nghe anh ở lại trung đoàn bộ.
�Những ngày ở trung đoàn chờ� quân số các đơn vị gửi lên, tôi quay về thăm tiểu đoàn 8.
Ðơn vị đóng quân phía ngoài vị trí tập kết cũ, trong một cánh rừng sơ sác vì B52. Gặp lại mấy sỹ quan quân lực và sỹ quan hậu cần, tôi hỏi về trận Ðak tô - Tân cảnh. Anh ta kể:
Sau khi tôi bị thương, địch tiếp tục đổ quân và nống ra ven thị trấn hòng phát hiện lực lượng chủ lực của ta và chiếm lĩnh các cao điểm. Các đơn vị phải tổ chức đánh vét chúng xuống để lấy vị trí tập kết cho pháo binh chiếm lĩnh trận địa.
15 giờ ngày 21-4-72 mở màn chiến dịch giải phóng Ðak Tô - Tân Cảnh. Pháo binh và tên lửa B72 của ta khai hoả bắn phá chỉ huy sở sư đoàn 22 và các căn cứ xung quanh Tân Cảnh.
Ðêm 23 �4 �1972 một tổ thông tin gồm: đ/c Ðệ� tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn thông tin, đ/c Bản� đại đội phó đại đội 16 cùng Phùng Văn Tích chiến sỹ thông tin PRC 25 và 4 trinh sát cắt rừng ra ven quận lỵ ÐakTô đón xe tăng của ta. Ðoàn người đi trong ánh đèn dù của máy bay C130 và pháo sáng từ căn cứ địch bắn lên. họ phải tránh các đồn bốt của địch chốt ven đường, áp sát đường 14 chờ xe tăng của ta. Ban đêm cờ giải phóng cắm trên xe rất khó nhận diện, sợ nhầm phải xe tăng địch. Theo hợp đồng: xe tăng của ta nòng pháo được buộc thêm một bó nứa. Khoảng gần 21 giờ có 9 chiếc xe từ phía ngầm Pô Cô hạ đi lên. Mấy điểm chốt của địch ven quận lỵ bắn ra như vãi đạn. Biết chắc là xe tăng của ta, họ leo lên đường 14 chạy bộ đuổi theo. Hình như đại đội thiết giáp nhận hợp đồng có quân ta đón ở khu vực này, họ phát hiện có người đuổi theo và dừng lại. Hai bên gặp nhau và nhận lệnh: Từ giờ phút này đại đội thiết giáp gặp bất kỳ ổ đề kháng nào của địch đều có quyền tiêu diệt. Cứ theo trục đường 14 này� 03 giờ sáng ngày 24 � 04 - 1972 phải vào đến thị trấn Tân Cảnh kết hợp cùng K9 và các đơn vị phối thuộc giải phóng thị trấn, sau đó một bộ phận theo hướng cửa mở K7, số còn lại theo cửa mở K8 đánh chiếm sư đoàn 22 nguỵ và tiếp cận đánh Ðak Tô2 và sân bay Phượng Hoàng.
04 giờ sáng ngày 24- 4 -1972 xe tăng của ta cùng K9 giải phóng thị trấn Tân Cảnh.
Phía cửa� mở K8 � Do tiểu đoàn trưởng Bùi Thanh Hiêm chỉ huy cho bộ đội tiền nhập áp sát đường 18 từ 21 giờ tối ngày 23- 04. Bộ phận dò gỡ mìn, cắt rào, gá bộc phá đã hoàn tất trước 5 giờ sáng. Ðúng 05 giờ 10 phút ngày 24 � 04 - 1972 pháo binh ta trút bão lửa xuống căn cứ 42 � Chỉ huy sở sư đoàn 22 nguỵ.
Mìn phá rào đồng loạt nổ, cửa mở được khai thông, xe tăng cùng bộ đội ào ạt tiến vào cửa mở. Ðịch điên cuồng phản kích, pháo ta, đạn địch mù mịt, bộ đội theo sát xe tăng tiến công. Ðịch cho xe tăng M48 cùng bộ binh ra bịt cửa mở, nhiều chiến sỹ K8 đã hy sinh.
Chiếc xe tăng đi đầu nòng pháo vướng vào hàng rào bùng nhùng phải lùi lại, đạn địch bắn ra như mưa, nhiều chiến sỹ nằm sát xe tăng không quan sát bị xe tăng chèn phải, có người chui từ gầm xe tăng chui ra.Tiểu đoàn trưởng Bùi Thanh Hiêm và đại đội trưởng Hậu cầm súng ngắn chạy lên , chạy xuống đôn đốc bộ đội nhanh chóng chiếm lĩnh cửa mở.Có chiến sỹ ôm bộc phá 5 Kg đánh lô cốt đầu cầu và hy sinh trong tư thế oanh liệt: Người và bộc phá áp sát lô cốt, tay cầm điểm hoả, anh dựa vào tường thành, những bao cát tung ra phủ lên đầu, lên cổ.
Không ai lường được trên tháp nước có một trung đội địch chiếm giữ, ÐKZ, súng phóng lựu và đại liên bắn ra như mưa. Ðại đội trưởng Hậu cùng một chiến sỹ B40, một chiến sỹ AK tiến đến chân tháp nước thì hy sinh trong cùng một hố pháo. Xe tăng địch phản kích đều bị tên lửa B72 của ta tiêu diệt, khi phát hiện trên tháp nước có địch, xe tăng ngóc nòng pháo bắn hai quả đạn xuyên thủng, nước trên tháp chảy ồ ồ xuống đất. Ðến khi tên lửa B72 bắn trúng, tháp nước đổ gục, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, bộ đội ta ào ạt tiến vào cửa mở.
Ðại đội 6 sau khi chiếm lĩnh được khu vực đầu cầu chỉ còn lại không đầy 10 tay súng. Luận ( Bảo Thanh-Phù Ninh) hy sinh trong lô cốt đầu cầu, một số bộ đội bị thương tự bò ra hoặc được vận tải cáng ra ngoài. Ðại đội 5 và đại đội 7 chia làm hai gọng kìm đánh thọc vào khu trung tâm. Ðịch điên cuồng ném bom và bắn pháo bừa bãi xuống cửa mở.
Phía cửa� mở K7 càng ác liệt, đến giờ hợp đồng tác chiến, xe tăng của ta chưa vào đến cửa mở. Lệnh nổ súng, bộc phá điểm hoả mở cửa không hết, còn một hàng rào trong cùng. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Vượng lệnh cho bộ đội ôm bộc phá đánh công kiên. Xe tăng và đại liên trong lô cốt của địch quét dọc cửa mở, bộ đội chưa ôm bộc phá đến nơi đã thương vong, tình thế vô cùng căng thẳng.
Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Vượng xin trung đoàn chi viện hoả lực tiêu diệt xe tăng địch và khu vực lô cốt đầu cầu. Anh xông xáo cùng bộ đội đặc công đoàn 37 đánh cường tập, phá hàng rào, thông cửa mở và đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Ðược hai xe tăng ta kịp thời chi viện, trung đội trưởng đại đội 2 Ðỗ Văn Sử (Việt Trì-Phú Thọ) cùng tiểu đoàn trưởng Vượng ( Lúc đó đã bị thương) chia làm hai mũi dẫn bộ đội đánh chiếm khu trung tâm, bắt liên lạc với K8 và các đơn vị bạn trong căn cứ.
11 giờ trưa ngày 24 tháng 04 năm 1972 lá cờ giải phóng đã tung bay trên căn cứ 42- Chỉ huy sở Sư đoàn 22 nguỵ. Ðại tá Lê Ðức Ðạt - Sư đoàn trưởng và cố vấn Mỹ bị tiêu diệt. Sư đoàn phó Vi Văn Bình cùng toàn bộ 429 sỹ quan, binh lính bị bắt làm tù binh.
Trong chiến dịch Ðăk Tô - Tân Cảnh, trung đoàn bổ sung thêm quân số( Ðoàn Hoà Bình �Vĩnh Phú � Hoàng Liên Sơn). Sau chiến thắng, ta củng cố lại lực lượng, bao vây và giải phóng nốt cứ điểm PlâyCần. Nhưng do không nắm chắc địa hình và lực lượng của địch trong cụm cứ điểm này. Phía ta có tư tưởng tự mãn,� chủ quan khinh địch nên trận Plây Cần bị thất bại, tổn thất rất lớn. Ðó là bài học đắt giá mà trung đoàn phải rút kinh nghiệm. Trong trận này: Nguyễn Văn Tịnh,� nhập ngũ một ngày với tôi,� Bường và� Ngôn cùng quê (Ðoàn Vĩnh Phú mới bổ xung) đã hy sinh tại đây.
-----------------------------------------------------------------------
Ngày 17 Tháng 08 Năm 2007
Hoàng Kim Hậu
Lớp y tá trung đoàn
Tặng cán bộ học viên bệnh xá trung đoàn 66 �Sư đoàn 10 � QÐ 3.
Lớp y tá gồm 25 người được gửi từ các đơn vị trong trung đoàn lên. Lớp học khai trương bên cánh rừng thưa cạnh một con suối khá dốc, phía trên chúng tôi là nơi ở của nhân viên, bên kia là khu điều trị thương bệnh binh trong bệnh xá.
Chúng tôi chia ra 4 người ở trong� một nhà hầm lợp bằng máng vầu, hai người một giường, ở giữa là chiếc bàn uống nước. Bên này tôi và Giáp còn giường bên kia là Kế với Hà (Cùng nhập ngũ � Cùng quê Lâm Thao)
Ðêm đầu tiên trong căn nhà mới không có gì để liên hoan, chúng tôi ra cạnh rừng bẻ vội mấy ngọn măng về ca cóng. Cũng định nấu đến sáng mai lấy cơm về ăn thêm. Nhưng khi nồi măng vừa chín, cái đói cồn cào, người này nếm thử, kẻ kia ăn theo, nồi măng vừa đắng vừa he mà nhoàng một cái đã hết sạch.
Lớp học lợp bằng phên nứa, bàn ghế là những chiếc cột chôn xuống đất, ghế buộc bằng thân vầu bổ đôi. Còn bàn thì tuỳ theo học viên tự tìm kiếm : Người mảnh gỗ, kẻ kiếm được mặt bàn lấy từ ngoài thị trấn đem về, kê lên nhìn đến là hay.
Y sỹ Trịnh Minh Tước- quê ở (Thanh Sơn- PT) được phân làm chủ nhiệm lớp, lúc ấy anh khoảng 23 tuổi. Ðó là một anh chàng� hay khôi hài, nắm chắc nghiệp vụ và rất có năng khiếu sư phạm. Thân hình to béo nên chúng tôi vẫn bảo: Ông này mà bị thương thì chắc nằm lại sau cùng, thằng nào cũng tranh nhau chọn thương binh bé nhất để cáng! Anh Tước cười: Bởi thế cho nên tao không bao giờ bị thương cả! Thời gian này, lớp y tá học cả sáng và chiều. Một hôm tôi bảo anh Dao- y sỹ-giáo viên dạy khoa ngoại:
-Ðại đội em chúng nó chôn rất nhiều hộp trong hầm, có đứa bị thương không quay lại lấy được, hai anh em đi về đấy tìm đi!
Nghỉ trưa, chúng tôi cầm súng sách gùi cắt rừng về khu vực tập kết của K8. Qua những khu rừng bị bom đánh cây đổ ngả nghiêng, những hố bom cỏ đang lên xanh mơn mởn, lần đến hầm của đại đội tôi ở.
Lúi húi bới tìm, gần chục hầm mới thấy 4-5 hộp, toát cả mồ hôi, chúng tôi ngán ngẩm quay ra.
Ðến một cánh rừng, qua khoảng trống thấy một chá Sơn Dương (To bằng bê con) đang ung dung gặm cỏ. Anh Dao vội đưa súng lên bóp cò. Con hoãng nhảy dựng lên rồi lồm nhồm lao vào rừng để lại những vệt máu loang lổ. Tiếc quá, tý nữa thì được bữa thịt cho đội phẫu ngon lành!
Ngoài những giờ lên lớp, cứ mỗi tháng chúng tôi phải từ hai đến ba lần đi qua thị trấn Tân Cảnh, về cầu Ðăk Mót lấy gạo. Một phần cho chúng tôi và nhân viên trong bệnh xá, một phần phục vụ các bệnh nhân đang điều trị.
Sau thất bại Ðak Tô Tân Cảnh, địch co cụm củng cố và tăng cường các vị trí phòng thủ nhất là ven thị xã Kon Tum.
Phía ta, đang giữa mùa mưa, mọi hoạt động tiến công tạm dừng lại. Các đơn vị ổn định tổ chức, học tập chính trị, bổ xung quân số và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Ðường hành lang từ hậu cứ ra phía trước đã được thông thoáng, gạo đạn và các nhu yếu phẩm cho bộ đội tương đối đầy đủ. Chúng tôi không bị đói như đầu năm 1972, có hôm đi lấy gạo, mỗi hầm để lại cả bao gạo để nấu dần mà cũng không ai buồn ca cóng.
Một đêm trời mưa rất to, con suối sau nhà nước chảy như thác, ngày mai đi lấy gạo rồi, thấy trời mưa, ai cũng ngán. Bỗng có con gì nhảy lạch tạch trên giường, tôi vùng dậy:
- Giáp kìa � Rắn rết- rắn rết!
Chúng tôi vùng dậy lấy đèn soi thì không phải, một con giun gần bằng ngón tay, đỏ quạch dãy dụa trên giường. Mẹ kiếp, giun lại muốn ngủ cùng với người!� Ngày mai đi lấy gạo có điềm gở gì đây!
Sáng hôm sau chúng tôi khoác gùi đi lấy gạo. Qua thị trấn Tân Cảnh đi về phía cầu treo Ðak Mót. Chiếc cầu bắc nối giữa hai lùm cây, đoạn giữa được nguỵ trang bằng cây song đã khô lá. Sàn cầu lát bằng các thanh gỗ với bốn sợi cáp rất chắc chắn.
Ðến kho gạo chúng tôi nghỉ ăn cơm trưa. Ðầu tôi cứ láng máng hình ảnh con giun đất từ mái nhà rơi xuống giường đêm hôm qua. �n xong, đóng gạo vào bao, chúng tôi lục tục quay về.
Ðến gần cầu treo, có tiếng OV10 bay dọc bờ sông, nó vòng đi, vòng lại. Thế rồi máy bay lao xuống kèm theo tiếng ụt ụt như động cơ bị tắc, một loạt tiếng nổ chát chúa ngoài bờ sông, lại một loạt tên lửa nữa bắn xuống. Cầu treo bị lộ rồi! OV10 dến thế nào cũng bị bom, chúng tôi được lệnh sơ tán vào khe suối.
Thế mới mệt đây! tối nay có vượt được sông hay không? Cầu hỏng thì đi bằng cách nào? chỉ tại con giun đất, mày hại chúng tao quá!
Khoảng gần tối máy bay cút, chúng tôi mò ra bờ sông.
Ra đến đường xe thồ, thấy bộ đội cáng nhau ngược chiều, máu vẫn còn loang trên võng:
-Nó đánh chỗ nào đấy hả đồng chí? Mình bị thương có nhiều không?
-Nó đánh vào hai đầu cầu! Ðứt cầu treo rồi!
Người cáng thương vừa đi vừa trả lời cho xong việc. Bây giờ làm thế nào đây, ra bờ sông hay chốt lại. Ðàng nào cũng không ổn, ở lại thì ăn bằng gì, ngủ ở đâu trời mùa mưa thế này tăng võng không mang theo. Cuối cùng chúng tôi quyết định cứ ra bờ sông rồi tính sau.
Tối một lúc thì ra đến bờ sông, hai đầu cầu cây cối nghiêng ngả, mùi khét của thuốc bom còn chưa tan hết, có mấy chiến sỹ công binh cầm súng đứng ở ven cầu.
-Này đồng chí ơi, chúng tôi xê 21 quân y, sang sông bằng cách nào hả đồng chí!?
-Không có thuyền đâu, các ông phải chờ đến ngày mai xem thế nào!
Chúng tôi ngồi bệt xuống đất thở rốc, xui xẻo quá, kiểu này ở đây đến nhịn đói, ngồi làm mồi cho muỗi và dĩn, biết đâu đêm nay B52 mò đến sơi tái cả lũ cũng nên. Nếu gùi gạo quay lại khu vực an toàn thì có mà sáng.
Cầu treo bị bắn đứt hai sợi cáp cùng một bên, sàn gỗ buông xuống một đầu vẫn bám vào sợi cáp, hai đầu cầu vẫn hở trên mặt nước còn đoạn giữa chìm sâu xuống lòng sông.
Có một đoàn cán bộ từ bên kia đi sang, họ bám tay vào sợi cáp trên, còn chân thì đi lên sợi cáp dưới, ở giữa sông nước ngập ngang đùi:
-Cứ sang đi, không việc gì đâu! Chết nó có số rồi!
Thấy vậy một đoàn vận tải đi gùi hàng hăm hở lên cầu. Có ai đấy bảo: C21 đâu, chuẩn bị sang sông!
Người ta đi được thì mình cũng đi được, chúng tôi sắn quần, khoắc gùi trên vai có vẻ quyết tâm lắm.
Nhìn sợi cáp to gần bằng cổ tay vít chắc chắn vào gốc cây, tôi cũng yên bụng. Kìa ông này, lên đi! Chú ý đi thưa ra! Từ từ thôi!
Chúng tôi lần lượt lên cầu, ở đầu bên này, cáp bị nước kéo căng nên có vẻ chắc chắn. Ðến khi ra đến giữa dòng, cáp chìm sâu xuống nước, những thanh gỗ sàn cầu vẫn bám vào sợi cáp lại bị lực nước cản, cứ đu đưa như đánh võng. Cáp trùng xuống mà sợi trên thấy như cao thêm, nước ngập đến quá đùi, sơ sảy một tý là trượt chân rơi xuống dòng nước xoáy.
Thế rồi chúng tôi cũng lần lượt sang sông, ướt hết quần áo. Thôi thế là may lắm rồi, đi ra ngoài đường nhựa rồi hãy nghỉ, khẩn trương lên!
Vừa đói, vừa mệt, mò mẫm đến gần sáng chúng tôi mới về đến đội phẫu, người như muốn lả đi.
Sau ba tháng học lý thuyết, chúng tôi chuyển sang vừa học vừa thực hành. Phân theo ca trực cùng y, bác sỹ, tiêm và thay băng cho thương binh, kiến tập các ca phẫu thuật nhỏ trong bệnh xá.
Có một bệnh nhân của K9 tên là Hồng. Một sinh viên đại học bách khoa năm thứ tư thì nhập ngũ. Anh ta đã bị sốt rét ác tính, sốt đi sốt lại nhiều lần và trở thành tâm thần phân liệt. Theo lời của người cáng bệnh nhân đến thì thời gian nằm viện của anh ta nhiều hơn thời gian ở đơn vị. Người ta sẵn sàng quy cho là bệnh tư tưởng và không thiếu điều ong, tiếng ve. Bởi thế bệnh tình ngày một nặng thêm.
Nhìn anh ta có lúc như kẻ mất hồn, lúc tỉnh táo lại có vẻ rất thông minh, với hai con mắt mở to, cằm hơi nhọn và cái trán vừa rộng, vừa hói. Chúng tôi được lệnh giám sát anh ta với một câu chuyện: Một bệnh nhân tâm thần phân liệt ở một đội phẫu nọ, khi thấy bộ đội cáng thương binh vào bệnh xá vô tình để súng ở ngoài cửa lán. Anh này cầm súng và bắn luôn vào đầu tự sát. Ây thế là còn may đấy, ví thử anh ta cầm súng mà lia luôn cả băng vào tất cả thương binh đang điều trị trong bệnh xá thì cái gì xẽ sảy ra đây!?. Bởi thế ca nào cũng phải áp sát người bệnh nhân tâm thần phân liệt này.
Một đêm chúng tôi đang ngủ thì có lệnh báo động mất bệnh nhân Hồng. Tất cả y bác sỹ đến học viên toả đi các hướng tìm kiếm, tang tảng sáng thì thấy anh ta ngồi lù lù cạnh một thác nước rất sâu sau đội phẫu. Chúng tôi bảo nhau: Hay là cũng định tự tử!? Xét về mặt tâm lý : Một người đang ốm đau, bệnh tật mà lời động viên quan tâm của đơn vị thì thiếu, trong khi đó câu trì triết chụp mũ lại qúa là thừa. Một chiến sỹ có hiểu biết, có trình độ lại phải chịu dưới sự chỉ huy, quản thúc của một người cán bộ thiếu năng lực chẳng hạn thì khó có sự đồng cảm. Thường thì những người như thế lại rất hay máy móc, nguyên tắc và bài bản dở hơi.
�Trong bệnh xá, còn có một chiến sỹ công vụ cho ông Dần � Trung đoàn phó � Chiến sỹ này tôi không nhớ tên, quê ở Thái Bình. Thường thì lính công vụ đều nhanh nhẹn tháo vát và đẹp trai. Viên đạn xuyên qua làm gãy xương hàm phải và trái, đứt đôi lưỡi, khuôn mặt méo đi không thể nhận ra gương mặt khả ái ngày xưa nữa. Anh ta kể trong ngọng ngựu, tiếng được, tiếng mất, có câu phải luận mãi mới ra: Vừa giải phóng xong, tôi và mấy trinh sát cùng thủ trưởng Dần ra ngay thị trấn Tân Cảnh. Chưa đi đến hết bìa rừng thì gặp một toán tàn binh nguỵ. Chúng sả súng bắn rồi bỏ chạy vào rừng. Thủ trưởng Dần ngã xuống, tôi thấy mặt mình biêng một bên và tê đi, máu trong mồm chảy tràn ra, nhổ mãi không hết. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ một điều: Chạy ngay về đội phẫu! Thế là tôi chạy quay lại, về gần đến đây thì ngã xuống không biết gì nữa!
Nghe đâu trung đoàn phó Dần đã hy sinh, còn người công vụ này chờ vết thương ổn định rồi chuyển ra bắc. Không biết số phận người chiến sỹ ấy hiện nay ra sao!
Tháng 10 Năm 1972 chúng tôi theo đội phẫu tiền phương đi phục vụ chiến dịch PLâyCần đợt hai. Rút kinh nghiệm trận đánh trước, lần này toàn trung đoàn ra quân với khí thế quyết chiến quyết thắng, tập trung nhân vật lực và vũ khí hiện đại hiện có, tiêu diệt bằng được cụm cứ điểm này. Nơi tiểu đoàn 95 biệt động biên phòng nguỵ được Nguyễn Văn Thiệu gắn huân trương bội tinh và tuyên dương( Anh hùng cao nguyên trấn) chiếm giữ.
Lệnh khai hoả! pháo binh tên lửa, tầm xa tầm gần, đồng loạt nhả đạn. Pháo bắn hai ngày hai đêm, lũ nguỵ long óc, một số hoảng loạn liều mạng vượt rào, đứa này bị mìn chết đứa kia leo lên lưng nhảy qua kẽm gai chạy ra rừng.
10 giờ sáng Ngày 12 Tháng 10 Năm 1972 ba mũi tiến công của K7, K8, K9 và tiểu đoàn 37 đặc công cùng các đơn vi phối thuộc đồng loạt tiến công vào cứ điểm. Ðịch ngoan cố chống cự trong hoảng loạn. Sau 5 giờ chiến đấu ác liệt, ta làm chủ hoàn toàn trận địa.Tiêu diệt 404 tên, bắt sống 40 tên, bắn rơi 6 máy bay các loại, thu hồi toàn bộ phương tiện chiến tranh và kho tàng của địch. Thế là Bến Hét-Cụm cứ điểm PlayCần -Tiểu đoàn 95 biệt động biên phòng của nguỵ quyền Sài Gòn- Bị xoá sổ.( Lịch sử sư đoàn 10 � Ðại tá lê Hải Triều- NXB QÐND)
Cuối Tháng 10 đầu Tháng 11 Năm 1972 chúng tôi lại theo đội phẫu đi phục vụ chiến dịch Ðak Xiêng.
Sau trận Ðak Xiêng này, lớp y tá quay về bệnh xá trung đoàn tổ chức thi tốt nghiệp. Hầu hết học viên đều nắm chắc lý thuyết, thực tế đã cùng đội phẫu qua các trận đánh, đủ kinh ngiệm về chuyên môn nghiệp vụ để trở về đơn vị chiến đấu.
Tôi được điều về làm y tá tiểu đoàn� 8 Trung đoàn 66. Lại một trang mới gay go và ác lệt phía trước.
-------------------------------------------------------------------------------
Lâm thao Ngày 14 Tháng 11 Năm 2007
Hoàng Kim Hậu
---------------------------------------------------------------------
Chống lấn chiếm trên bản Ðak - rơ - cót
Kon tum
Tặng cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 8 bộ binh - Trung đoàn 66 - Sư đoàn 10 - QÐ 3.
Tháng 12 Năm 1972 hội nghị Pa - Ri về Việt Nam bế tắc, Mỹ đơn phương chấm dứt đàm phán, đưa máy bay chiến lược B52 đánh phá Hà Nội- Hải Phòng và một số tỉnh phía bắc, hòng chiếm ưu thế trên bàn hội nghị.
Hàng ngày nhìn những tốp B52 hùng hổ bay ra phía bắc, chúng tôi thấy tim mình như nghẹn lại, lo thay cho hậu phương lớn. ở đây là một vùng rừng núi bao la, B52 giải thảm chắc gì đã huỷ diệt được những người lính như chúng tôi đã từng chung sống và quen với bom và đạn Mỹ. Nếu B52 mà ném bom xuống Hà Nội , Hải Phòng, xuống nhà trường, bệnh viện và làng quê bình yên của miền bắc thì sự huỷ diệt của nó tàn bạo đến như thế nào đây.
Nhìn lên trời, hàng tốp B52 không cần máy bay tiêm kích hộ tống, đen xẫm phun khói ngạo mạn bay ra miền bắc. Thế nhưng rồi chiều hoặc sáng hôm sau lại thấy một hoặc hai chiếc lầm lũi như kẻ cắp bị đòn lủi thủi bay về phía Thái Lan. Qua bản tin thời sự của Ðài tiếng nói Việt Nam , quân và dân Miền Bắc anh hùng đã bẻ gãy cuộc tập kích chiến lược của địch, bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 chiếc B52. Con bài ngáo ộp cuối cùng của Mỹ bị thất bại buộc chúng phải ngồi vào bàn thương lượng tại hội nghị Pa Ri về chấm dứt chiến tranh Việt nam.
Tiểu đoàn bộ nằm sau thị trấn Tân Cảnh trong một cánh rừng loang lổ vết bom. Quân y tiểu đoàn có 3 người, Nguyễn Kiến Ðào -Y sỹ bệnh viện Yên Bái nhập ngũ theo đoàn Hoàng Liên Sơn vào chiến trường cuối năm 1971 (Hiện nay là viện phó BVÐK Yên Bái). Ðó là một y sỹ còn rất trẻ, cao ráo, đẹp trai, rất quyết đoán trong mọi công việc. Anh Tuấn y tá, quê ở Hà Tây- Có cái đầu to, tóc quăn luôn chải bồng về phía sau nên trông lại càng to, tiểu đoàn quen gọi lóng là (Tuấn cán gáo), Người thứ ba là tôi- Hoàng Kim Hâu y tá mới vừa ra trường.
Về tiểu đoàn bộ được một tuần thì đài kỹ thuật của ta báo về: Toạ độ Y+2 vĩ tuyến bắc và N-1 vĩ tuyến nam khẩn trương sơ tán. Trong khi chưa kịp di chuyển đơn vị- Bắt buộc từ nay tất cả phải nằm trong hầm chữ A, không ai được nằm hầm thùng!
Toạ độ đó đúng vị trí đóng quân của tiểu đoàn 8 chúng tôi. Có lẽ lũ biệt kích cắt rừng phát hiện ra vị trí đóng quân của ta, chúng điện về xin B52 đánh bom. Bộ phận đài thông tin� kỹ thuật của sư đoàn bắt được.
Tôi dọn lại hầm chữ A, thế nhưng lâu không ai vào, nó vừa hôi, vừa mốc. Anh Ðào bảo: Thôi, cứ mắc võng trong hầm thùng, có gì chui vào đó sau cũng được!
Khoảng 1 giờ sáng ngày hôm ấy, tôi chỉ thấy ba bên bốn bề sáng quắc lên, đất đá ào ào phủ lên lán hầm, tiếng huỳnh huỵch xung quanh, tai ù đặc, võng lắc như ngồi trên thuyền vượt thác. Tuấn kêu to: B52 rồi! Thế là ba người cùng một lúc lao vào cửa hầm chữ A.
Một quả bom nổ rất gần hất bay mái lán, ba lô, thuốc thang để trên giá cũng bay đâu mất. Cây cối, đất đá phủ đầy hầm, xung quanh quang tinh để tơ hơ ba ông quân y cùng chen nhau vào cửa hầm mà không ai vào được. Chiếc chăn dù hoa một đầu quấn vào chân tôi và một đầu vẫn loài thoài trên võng.
Hết ba loạt bom, tim đập thình thịch, chúng tôi sờ soạng tìm ba lô và túi thuốc. Anh Ðào bảo: Chú ý nghe xem có hầm nào kêu cứu hay không.? Mẹ nó, may mà còn ôm theo túi thuốc cấp cứu - Ðèn pin của ông Tuấn đâu? đèn của tôi bay bố nó đâu mất rồi!
Ðầu tháng 1 Năm 1973 hội nghị Pa Ri về chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được ký sơ bộ. Ðể đáp ứng công tác chính trị trong điều kiện mới và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng- Chúng tôi nhận lệnh hành quân.
Cắt về phía đông, qua dãy núi Ngọc-Bầu-Biêng, những cánh rừng hoang sơ cây cổ thụ cao 4-5 chục mét đã bị chất độc màu da cam huỷ diệt. Những thân cây cao lêu đêu, trơ trụi lá, cành cây khẳng khiu như cánh tay quỷ giơ cao lên trời. Vượt trên triền núi, gió từ phía đông thổi rất mạnh làm cho cây và cành khô gãy răng rắc. Có ngày vượt qua một khu rừng cháy đen, trơ trụi lá, đất tơi xốp bốc bụi mù mịt. Lệnh trên hàng quân truyền xuống: Bộ đội dùng nước trong bi đông thấm ướt khăn mặt thay cho khẩu trang! Khẩn trương vận động qua bãi chất độc hoá học! Không ai được dừng lại!
Qua mấy ngày hành quân, chúng tôi đã tập kết cạnh chân cao điểm 601- Ven đường 14 phía bắc thị xã Kon Tum khoảng 8Km. Ðại đội 7 và một khẩu đội 12 ly7 của C14 thay cho đơn vị bạn chốt giữ cao điểm 601. Tiểu đoàn bộ nằm trong bãi nương bỏ hoang của dân, lúp xúp cây cộng sản mọc thưa thớt.
Hết bom lại pháo, trên cao điểm không lúc nào tan khói. Thằng địch đang cố đẩy ta ra khỏi chốt, tận dụng hết uy lực của bom đạn Mỹ trước khi hiệp định Pa Ri được ký kết.
Từ tiểu đoàn bộ nhìn lên, khói bom bao trùm cao điểm, cứ nghe hàng loạt tiếng đề pa của pháo là từng cột khói dựng lên trên chốt như đang xem phim thời sự vậy. Hết pháo, bộ binh địch mò lên, tiếng AK đồng loạt điểm xạ, B40 ùng oàng chớp lửa. Ðịch bỏ chạy, bom và pháo lại trùm lên cao điểm. Người lính hàng ngày kiên gan đọ sức cùng bom đạn Mỹ như thế, chắc gì mày đã đánh đáo trúng hầm của bọ? Nếu trúng thì bọ hy sinh còn không cứ cho quân chúng mày lên đi!
Một buổi chiều, có chiếc trinh sát L19 bay đến, nghiêng ngó dọc khe suối cạnh tiểu đoàn bộ. Hai chiếc AÐ6 từ Kon tum bay lên, đạn khói được phóng xuống thượng nguồn con suối, thế là hai chiếc máy bay cứ thế bổ nhào ném bom.
Có lẽ địch nghi ta trú quân dọc theo khe suối, chỗ nào có cây xanh là chúng huỷ diệt. Rất may đến quả bom thứ 12 địch choang đúng bụi le cạnh bềp anh nuôi và hầm quân y tiểu đoàn. Quả bom rơi cách chúng tôi khoảng 6 m, hơi bom làm sập một góc hầm quân y, bụi bay mù mịt. Nồi quân dụng cơm đã chín để ngập trong bếp Hoàng Cầm bị hơi bom lật úp, bật ra ngoài. Tiểu đoàn bộ chốt trong bãi nương bình yên vô sự, đó cũng là một chiến thuật trú quân mà thằng địch không thể lường hết được.
Một buổi trưa, không gian vắng lặng, bỗng nghe có tiếng nổ đùng đục làm rung chuyển cả căn hầm. Chúng tôi nhìn lên chốt, một cột khói đen bốc cao quấn theo cây cọc và đất đá lên trời, có ai đấy bảo: Bom nổ chậm rồi!
Một lúc sau, từ trên chốt điện về báo cho quân y tiểu đoàn chuẩn bị cấp cứu. Khoảng 20 phút, một thương binh được cáng về đội phẫu. Ðó là người đại đội phó của đại đội 12 ly7.Vết thương cắt ngang qua mặt, sống mũi bị chia làm hai, môi trên xệ xuống kín cả miệng. Trước khi để cho chúng tôi băng bó, anh đẩy hai cánh mũi lên, cúi xuống cho máu chảy ra và bảo:
-Có lẽ lần này tôi nằm viện rất lâu, ngày mai là ngày chuyển Ðảng chính thức của tôi, các đồng chí ở lại làm thủ tục cho tôi được chuyển Ðảng đúng hạn định. Còn thằng Kế cố gắng tìm và chôn cất cho nó được chu đáo! Sau đó anh mới để cho chúng tôi băng lại.
Qua những người cáng thương kể: Khẩu đội 12,7 ly từ trong cao điểm 601được lệnh chuyển� ra ngoài hàng rào để đủ tầm bao quát chi viện cho bộ binh và bắn máy bay địch. Hầm đào gần xong, Phùng Văn Kế , cùng nhập ngũ một ngày với tôi- Quê: (Thuỵ Vân-Lâm Thao-Phú Thọ) y tá đại đội và chiến sỹ liên lạc vào rừng chặt kèo hầm. Khi về đền nơi, người đại phó đang lúi húi sửa lại hầm. Vừa nặng, vừa mệt, Kế lao bó gỗ xuống bên cạnh, không ngờ trúng luôn quả mìn chống tăng của địch chôn từ trước, cả người và bó gỗ bay lên trời.
Hiệp định Pa ri có hiệu lực từ 7 giờ sáng Ngày 28 Tháng 01 Năm 1973. Với bản chất hiếu chiến của Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn. Ðúng 6 giờ sáng cùng ngày, 3 loạt B52 còn đánh xuống khe suối dưới chân cao điểm. Lý Sài Quẩy, anh nuôi đại đội 7 vừa đưa cơm trên chốt quay về, may mà không có ai việc gì.
Ðúng 7 giờ Ngày 28 � 01 � 1973 hiệp định Pa Ri về Việt nam có hiệu lực, lệnh ngừng bắn được ban bố, các bên tham chiến giữ nguyên vị trí tập kết của mình, cắm cờ phân chia khu vực dưới sự giám sát của uỷ ban quân sự bốn bên. Không thấy tiếng động cơ máy bay và tiếng pháo gầm rú. Xung quanh vắng lặng bỗng đâu vẳng tiếng gáy của chú gà hoang gọi bạn. Chúng tôi chạy ùa lên hầm: Hoà bình rồi, cờ đâu treo lên để đón máy bay Liên hiệp quốc!
C7 bàn giao cao điểm 601 cho đơn vị bạn, K8 chuyển về khu vực Kông Trang kla-Kông Trang Kép và� Ðak Rơ Cót làm nhiệm vụ giữ đất, cắm cờ.
Chỉ huy nhẹ tiểu đoàn gồm: Ông Lợi- Chính trị viên phó, một tổ trinh sát, một thông tin PRC 25 và một công vụ, cùng C7 cắm cờ trên bản Ðakrơ Cót. Tôi, y tátiểu đoàn tạm thời về tăng cường cho C7.��
Ðó là một bản nhỏ bỏ hoang còn sót lại vài ngôi nhà sàn siêu vẹo, những tấm tôn hoen rỉ rơi vãi cong vênh. Ði đến góc nào của bản cũng gặp cồng chiêng lớn bé, chum vại đủ loại nằm lăn lóc.
Phía đông là một dông đồi cao ráo với vạt rừng thưa, phía bắc có con đường mòn đi ra cao điểm 601 và đường 14. Phía tây bản là một bãi lầy loang lổ hố bom ngập đầy nước, xung quanh cỏ và rau cần hoang mọc xanh rì.
Trong thời điểm này, cả ta và địch luôn giữ khoảng cách giữa chiến tranh và hoà bình: Súng đạn lúc nào cũng sẵn sàng nhưng không ai được nổ súng.
Hàng ngày chúng tôi cắm cờ trên bản, chia nhau đi tuần tra toàn khu vực, cho bộ đội đi cắt gianh, củng cố lại hầm hào và lán trại.
Thằng địch ngoài vị trí chiếm đóng ra, chúng còn cho từng toán quân chui vào vùng giải phóng của ta để treo cờ nguỵ. Hôm ấy tổ tuần tra phát hiện toán địch mũ sắt lố nhố, một tên gài lá cờ ba que sau đít đang leo lên ngọn cây.
- Ai cho phép chúng mày cắm cờ ở đây!?
Quân nguỵ quay ra đã thấy bộ đội ta đứng ngay bên cạnh, phong thái đàng hoàng dõng dạc vội vàng bỏ chạy tán loạn, tên nguỵ trên ngọn cây hoảng sợ tụt ngay xuống đất, bỏ cờ lủi mất.
Trung đoàn tổ chức các điểm tiếp xúc với nguỵ quyền Sài Gòn, thành lập nhà hoà hợp dân tộc cho các đội công tác tuyên truyền chính sách của mặt trận đối với gia đình và binh sỹ nguỵ quyền. Giải thích các điều khoản về hội nghị Pa Ri, về hoà hợp dân tộc và hoà bình đang được vãn hồi.
Hầu hết binh sỹ nguỵ đều mong mỏi hoà bình, chấm dứt cuộc đời đi đáng thuê, chết thay cho Mỹ. Lũ sỹ quan ác ôn và bọn tâm lý chiến thì ngoan cố, quanh co nhiều khi còn đưa ra những đòi hỏi láo sược.
Một hôm, ba tên nguỵ sách theo chai rượu và mấy con cá mực đi đến. Cán bộ ta lấy kẹo lạc ra mời và xin lỗi: Bộ đội giải phóng không uống rượu trong khi đang làm nhiệm vụ.
Ba tên ra về, cách nhà một đoạn, chúng ngồi bệt xuống đất, đem rượu và mực ra chén sạch sau đó mới trở về nơi đồn trú.
Ðêm hôm ấy tôi đang ngủ, thấy tiếng leng keng trong bản, anh Lan thức dậy cắp súng đi kiểm tra. Mất cờ! Ðến hỏi trung đội� nhận ca ban chiều giao cho trung đội ca đêm cờ vẫn còn. Chiến sỹ nhận ca đêm bảo tối quá không nhìn thấy cờ. Thế thì biệt kích mò vào bản lấy trộm cờ rồi! Lệnh báo động. Cả đại đội nháo nhào, đến khi người đại phó trong hầm chui ra bảo: Tối hôm qua đi kiểm tra thấy cờ vẫn treo trên cột, sợ mất trộm nên tôi gỡ cất đi rồi!
Thế cái gì leng keng trong bản? Không phải địch thì là gì? Ði kiểm tra một vòng thấy có rất nhiều vết chân trâu trong bản.
Sáng hôm sau, tổ trinh sát bắn chết một con trâu mẹ và trâu con dưới bãi lầy. Trâu mẹ được chia về cho các đại đội trong tiểu đoàn, trâu con thì để lại chỗ thầy trò ông Lợi. Từ đó bộ đội gọi lệch ra biệt danh là ông Lợi nghé!
Ðịch bắt đầu lén lút phá hoại lệnh ngừng bắn. Chúng cho quân mò sang vùng giải phóng, gài mìn trên đường đi tuần của ta. Hôm ấy tổ tuần tra gồm Sơn tiểu đội phó, Chuốt ( Hai người cùng quê Vĩnh Tường ) và Phòng (Nhìn anh ta lúc nào cũng lôi thôi nên gọi là ông thợ cối) đi đến bãi gianh thì vướng mìn. Sơn hy sinh tại chỗ, Phòng bị thương, Chuốt bỏ chạy về bản. Khi ra đến nơi, bãi gianh cháy lan sang người Sơn, tóc tai và áo quần cháy nham nhở, các vết thương bị cháy xém nứt ra.
Nhìn thấy đồng đội của mình như vậy, là lính mới vừa vào chiến trường, Chuốt hoảng sợ, nhân lúc một mình đứng gác đã dùng kíp mìn tự thương.
Tôi cùng đại đội và ban chính sách trung đoàn vượt qua bãi lầy ra ngay điểm chốt. Chuốt bị cụt ba ngón tay trái tính từ ngón út. Khi xét kỷ luật, Chuốt thành thật nhận lỗi về mình. Xin không quay ra Bắc mà ở lại chiến đấu, lập công chuộc tội.
Tháng 03 Năm 1973, Nguyễn Văn Thiệu trắng trợn phá hoại lệnh ngừng bắn, thực hiện chiến dịch vết dầu loang: Ðưa quân lấn chiếm từng vùng giải phóng, khu vực nào không dúi được thì chúng giả vờ ngồi bàn hiệp thương và hoà hợp dân tộc. Phía ta vẫn kiên trì quan điểm hoà giải, từng khu vực giữ vững vùng giải phóng.
Khu vực Cơrong-Trung Nghĩa, bản Ðak Rơ Cót-Kông Trang Kép, Kông Trang Kla địch lấn chiếm ác liệt, khu vực này đã trở thành mũi tiền tiêu chống lấn chiếm. Tôi nhận lệnh quay trở về đội phẫu của tiểu đoàn bộ.
Chúng tôi đóng quân trong cánh rừng le khá bằng phẳng. Tôi chịu không xác định được mình đang ở khoảng nào và hướng nào của bản Ðak Rơ Cót. Xung quanh pháo bắn mù mịt, thương binh từ các đại đội lần lượt cáng về.
Cấp cứu rồi sơ cứu, phân loại thương binh cho chuyển về phía sau. Suốt ngày chui lên hầm, chui xuống hầm, tiêm thuốc băng bó cho thương binh, lo tránh pháo.
Ðêm hôm ấy có thương binh của C5 cáng về. Anh ta tên là Giang ( Tôi không nhớ quê). Vết thương xuyên cột sống, liệt toàn bộ từ thắt lưng trở xuống. Ðáng ra phải chuyển thương binh này về tuyến sau, nhưng thương binh được đưa về quá muộn nên chúng tôi phải cấp cứu và thay nhau trực.
Anh Ðào bảo:
- Tôi mệt quá rồi, ông trực mấy tiếng sau đó gọi (Tuấn cán gáo) thay cho!
- Anh phải gọi lão Cán gáo này gác trước sau đó để lão gọi em mới được, ông
này ngang lắm!
Anh Ðào đi các hầm, thò cổ vào: Tuấn ơi! ới Tuấn!Không có ai thưa.
Kiểu này là hắn trốn tiệt trong hầm rồi! Thôi, ông cứ trực thương binh đi, lúc nào mệt quá thì gọi tôi!
Thương binh nằm ngổn ngang trong hầm, người nọ gác vào người kia. Có một thương binh ban chiều còn kêu được vài câu bây giờ đã chết, Người thương binh cột sống này một nửa người đã lạnh giá, anh ta bảo tôi kéo chân anh chàng đang ngáy bên cạnh ra không thì nó cựa và đạp vào mặt.
Bên ngoài pháo địch câu đến, trong hầm leo lét ngọn đèn đốt bằng ống tiêm, mùi mồ hôi lẫn với mùi tanh của máu.
Tôi dựa vào vách hầm và ngủ mất. Tỉnh dậy sờ vào người thương binh đã thấy cứng ngắc, anh ta chết từ bao giờ, ca trực của mình mà không biết, hai chân người thương binh bên cạnh lại còn khư khư gác lên cổ.
Tôi cố lay gọi, hai tay anh ta lạnh giá, sờ vào cổ, vẫn còn hơi ấm. Thôi được rồi, tôi leo lên hầm đi gọi anh Ðào.
Trăng thượng tuần chênh chếch sau cánh rừng, có lẽ là cuối của tháng âm lịch. Gió ào qua xe lạnh, anh Ðào lập cập cầm túi cấp cứu cùng tôi chui xuống hầm.
-Ông cầm đèn soi đi!
- Qua ánh đèn pin tối mù mù, bàn tay người thầy thuốc lách kim tìm tĩnh mạch. Chỉ một lúc sau, thương binh tỉnh dần, anh ta còn bảo:
-Gãy cột sống thế này thì chết thôi! Tiêm làm cái gì cho mệt ra!
- Chết là thế nào? Mai đưa ông về đội phẫu chữa chạy xẽ khỏi, cuối năm lại ra bắc cưới vợ, yên tâm đi!
Người thương binh này sáng hôm sau cáng về đến đội phẫu thì hy sinh.
Ðầu tháng tư, chúng tôi được lệnh rút về hậu cứ, bàn giao cho đơn vị bạn giữ chốt.
Ðường hành quân phải qua một bãi tráng rộng khoảng 500 m, phía bên kia là con suối có chiếc trực thăng rơi, ai đó đã lấy cánh quạt máy bay kê làm cầu qua suối. Bởi thế cho nên người ta gọi tên là: Suối trực thăng rơi cho dễ nhớ.
Chúng tôi ba lô, thuốc thang cồng kềnh lần lượt rút quân. Tuấn đi đầu đã vượt được gần một nửa bãi tráng, tôi và anh Ðào ra cách bìa rừng một đoạn bỗng hai chiếc trực thăng từ sau bìa rừng ào đến, đại liên bắn sối sả xuống bãi tráng, cánh quạt hắt thuốc súng xuống khét lẹt.
Tuấn lăn kềnh ra bãi tráng, tôi và anh Ðào chạy quay trở lại, nhảy xuống một khe suối nhỏ. Anh Ðào bảo: Tuấn cán gáo chết rồi! Tuấn cán gáo chết rồi!
Máy bay ào qua một lúc thì thấy ông cán gáo lạch bạch chạy về: Mặt mày tái mét, Tuấn bảo: May quá, nó bắn ở bên kia suối trực thăng rơi!
Kết thúc những ngày cắm cờ đầy gian nan mà ác liệt/
----------------------------------------------------------------------------------
Lâm thao trung tuần tháng 11 Năm 2007
Hoàng Kim Hậu
------------------------------------------------------------------------------------
Ðánh vào trung tâm tiểu đoàn bảo an
Bắt sống tiểu đoàn trưởng
Tháng 10 Năm 1974, tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 nhận lệnh cùng đại đội 19 đặc công, luồn sâu đánh vào sở chỉ huy tiểu đoàn Bảo an Nguỵ đang chốt giữ trên điểm cao 827 phía Tây Bắc, giáp thị xã KON TUM.
Tiểu đoàn Nguỵ đóng trên bốn dông đồi có thế liên hoàn ứng cứu lẫn nhau: Chỉ huy sở đóng ở trung tâm trên một cao điểm không dốc lắm, ba đại đội Bảo an địch án ngữ theo thế chân kiềng rất gần trong tầm cối 60 chi viện cho tiểu đoàn bộ và các điểm chốt.
Ðồng chí Tạ Ngọc Oanh- Quê Phú Xuyên Hà Tây-Tham mưu phó trung đoàn trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Nhiệm vụ của tiểu đoàn 8 là: Luồn sâu bỏ qua ba đại đội vòng ngoài, đánh thẳng vào trung tâm tiểu đoàn bộ, bắt sống sở chỉ huy của địch, buộc chúng phải co cụm về thị xã.
Ðường hành quân loanh quanh trong rừng, chúng tôi cứ theo trinh sát dẫn đường mà đi, chẳng biết Ðông Tây Nam Bắc là hướng nào cả. Có lẽ cũng rất gần thị xã, ban ngày thấy tiếng máy bay lên xuống rất thấp. Ðêm về C130 lượn xung quanh, thỉnh thoảng bắn 20 ly và thả cái gì nghe hun hút như cắm cây nhiệt đới.
Sau ba ngày hành quân, đến vị trí tập kết, các đại đội bí mật cưa gỗ làm hầm, Ngày hôm sau, để một số đồng chí yếu sức khoẻ ở lại trông ba lô, còn tất cả hành quân về phía trước.
Thường ngày, y tá đại đội họp giao ban cùng các B chiến đấu, nhận xét công tác vệ sinh phòng dịch của các trung đội, kiểm tra giếng nước, bếp ăn của anh nuôi, các trường hợp chiến sỹ bị ốm đau bệnh tật, báo cho đại đội biết quân số đủ điều kiện sẵn sàng chiến đấu.
Trong trường hợp xuất kích, chiến sỹ nào ở lại vị trí tập kết đều do y tá đại đội đề xuất ý kiến.
Trận đánh này rất ác liệt, bỏ qua ba đại đội vòng ngoài đánh thẳng vào chỉ huy sở tiểu đoàn địch, hy sinh mất mát là khó tránh khỏi. Trong khi đó Phạm Hồng Quân Cán bộ trung đội khung mới vào chiến trường. Quê (Phú Lộc Phù Ninh PT) dạo này đang bị sốt do viêm hạch, chân đi tập tễnh, tôi xếp cho Quân ở lại cùng nhóm coi ba lô. Quân vui vẻ, không có ý kiến gì cả.
Chiều hôm ấy, tôi và Nguyễn Văn Ninh Y tá ( Quê: Hoà Bình) đang chuẩn bị thuốc men thì Quân đến:
-Tôi đi xuất kích, không ở nhà nữa đâu!
-Tại sao lại không ở nhà?
- Lão Bính (Trần Xuân Bính � Ngưòi Cao Bằng - Thay Khoản làm tiểu đội trưởng cối 60) đi giao ban về nói tôi chẳng ra gì cả!
- ông Bính bảo sao?
- Lão ấy bảo: Cái lũ cán bộ khung ngoài Bắc vào thằng nào cũng hèn nhát! Chưa chiến đấu đã rụt vòi vào! Hơi sốt một tý đã mò lên đại đội xin ở lại!
- Ông Bính tiểu đội trưởng, ông là tiểu đội phó, kể ra có ông cùng đi thì nhiệm vụ của tiểu đội cũng nhẹ nhàng hơn! Nhưng mà danh sách ở lại đã duyệt qua đại đội rồi!
- Duyệt rồi tôi cũng không ở nhà, tức lắm!
- Chú Quân- Tôi thay đổi cách xưng hô thân mật như người nhà- Trận đánh này ác liệt lắm đấy! Chú lại chưa trải qua chiến đấu bao giờ cả, mặc xác lão Bính!
- Không! Chết thì chết, tôi cứ đi!
- Khoảng 5 giờ chiều, đại đội bỏ ba lô lại vị trí tập kết, mỗi người mang theo súng đạn, tăng võng và gỗ làm hầm vác trên vai hành quân vào phía trước, Quân nhất quyết đuổi theo đơn vị.
Ðến nước này thì tôi đành phải van xin:
- Trong chiến trường, có người can ngăn mà không nghe là dở lắm đấy!
- Không!
�Cùng lúc ấy, ông Lợi chính trị viên phó tiểu đoàn đi đến, tôi trình bày:
- Báo cáo thủ trưởng: Ðồng chí Quân hiện nay đang sốt, đại đội phân công coi quân trang tại vị trí tập kết nhưng cố tình chống lệnh ạ!
- Không chấp hành mệnh lệnh thì thu súng lại!
- Thủ trưởng thu súng thì tôi lấy súng của tử sỹ để đánh nhau! Là người lính đi chiến đấu tôi không có tội!
Thấy Quân lý sự như vậy, người chính trị viên phó thôi không nói nữa.
- Quân này, trong chiến đấu anh gàn mấy trường hợp họ không nghe đều hy sinh cả đấy! Chú nghe anh quay về đi!
Quân không nói không rằng, lầm lũi đuổi theo đơn vị.
Tiểu đoàn tôi chia làm ba mũi đánh vào cứ điểm. C7 đi theo ba hướng: Trung đội 1 cùng đại đội đặc công đánh vào tiểu đoàn bộ, trung đội 2 cùng khẩu đội cối của Quân tiến lên sát đại đội bảo an vòng ngoài pháo kích, quấy rối không cho địch ứng cứu lẫn nhau. C5 và C6 trong tiểu đoàn dùng 2 trung đội đánh vào hướng chính, một trung đội kiềm chân đại đội bảo an vòng ngoài, bắt chúng phải tự đối phó, bỏ trống chỉ huy sở tiểu đoàn cho chúng tôi làm thịt.
Tôi cùng trung đội 3 Trung đội trưởng Trần Quốc Thăng (quê Gia Lâm-Hà Nội) nhận nhiệm vụ độc lập: Ði vòng ra sau cứ điểm của địch, chốt chặn không cho tàn binh chạy về thị xã Kon Tum.
Khoảng 8 giờ tối ngày 27-10-1974 các mũi tiến quân cuả ta đã đến giáp hàng rào chỉ huy sở địch đào hầm. Trinh sát dẫn đường cùng chúng tôi vẫn mải miết cắt rừng về phía sau chốt địch. Khoảng 10 giờ đêm, có tiếng lựu đạn nổ trên chốt, hình như quân ta vướng phải mìn, nếu lộ ra, địch xẽ câu pháo đến, trong khi đó chúng tôi vẫn còn lang thang trên mặt đất như thế này.
Trung đội tôi chốt trên sườn đồi, ở đây cây rừng mọc nhiều tầng nhiều lớp. Trinh sát tiểu đoàn chỉ hướng cho chúng tôi phục kích sau đó quay về địa điểm xuất phát. Phía lên dốc trước mặt là chốt địch, sau lưng là sườn đồi thoai thoải chắc có một con đường chạy về thị xã Kon Tum.
5 giờ sáng ngày 28 -10 - 1974 cối và DKZ của ta đồng loạt bắn lên cao điểm. Hoà cùng tiếng nổ ầm ầm ấy, pháo của địch từ các hướng cũng nhất loạt câu về. Không phân biệt đâu là đạn ta, đâu là đạn địch, chỉ thấy phía trước tiếng nổ như quyện vào nhau.
Pháo địch từ phía sau câu đến, qua đầu chúng tôi tầm đạn đã xuống rất thấp, qủa đạn xé không khí vụt qua réo ù ù.
Gần 10 giờ trưa, không thấy súng nổ trên cao điểm. Phía trước mặt, pháo địch vẫn không ngừng bắn lên dông đồi, tiếng nổ nối thành dây trên chốt, hay là chúng nó thất bại, huỷ trận địa đi rồi.
Ðứng dưới hầm, chúng tôi căng mắt tìm địch, bỗng có tiếng người lao sao lại gần, qua kẽ lá, mấy bóng đen loang loáng.
Ðịch, địch! Tằng tằng, cắc bụp.
Trần Quốc Thăng nhanh tay lia một băng đạn, chiến sỹ M79 vội vàng bắn phóng lựu nhưng tầm gần quá đạn không nổ.
Hai bóng đen ngã bật ngửa ra rừng và hét lên: Ta ! Ta !
Chúng tôi nhảy khỏi hầm:
- Ði đâu mà không gọi, không nói gì thế!
-Nói thế còn nói thế nào nữa!? Ði gọi chúng mày về mà còn bắn cái con c...người ta!
-Thôi, thôi! Không cãi nhau nữa, hai ông có ai việc gì không?
Người trinh sát đi đầu là Nguyễn Văn Tá - Quê Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc khoác khầu AK trên vai, tay phải đặt lên ốp tay trên, loạt đạn bắn, bay ốp che tay dưới mà không hề sứt sẹo. Luồng đạn bay sát da bụng, áo bám khói đen xạm lại.
Tôi bảo: Quân ta không chiến thắng quân mình là may lắm rồi! Mình rút chứ! Hai chiến sỹ trinh sát hình như vẫn còn bực mình, họ không nói gì cả, lầm lũi quay về đi như chạy. Sợ lạc đường, chúng tôi cố bám đuổi theo.
Lên đến đỉnh đồi, pháo bắn loang lổ tan tành từng khoảng rừng, cây đổ ngang dọc. Các đơn vị trong tiểu đoàn đang rút quân, mạnh ai nấy chạy lục tục xuôi theo dông đồi. Pháo địch vẫn đang cay cú bắn ùng oàng phía trước, có ai đấy kêu lên: Ong đốt các bố ơi! Chạy nhanh lên!
Ðến vị trí đào hầm dưới chân đồi, tự nhiên pháo ngừng bắn. Mạnh (Hạ Hoà-Phú Thọ) bảo: Một thằng thông tin nguỵ đeo PRC chạy đến đâu là gọi pháo bắn đuổi theo đến đấy! Mình bắn chết thằng thông tin ấy, thế là pháo địch tịt luôn!
Tôi nhảy xuống hầm, Bích (Hải Phòng) bảo:
Tròn ( Vô Tranh , Hạ Hoà - Phú Thọ) và Quân chết rồi, ông đã biết chưa?
-Chết ở chỗ nào ?! Liệt sỹ hiện nay để ở đâu rồi!
-Thằng Bình chạy qua vẫn thấy Tròn tay bịt mặt kêu cứu, lúc quay lại thì nó thấy đã chết rồi! Hình như cối 82 của thằng C8 bắn đuối tầm, đít quả đạn nằm cạnh hai liệt sỹ của mình. Kìa, đang cáng về kia kìa!
Tôi chạy lên, Quân bị một mảnh đạn cắt ngang mặt trong khuỷ tay trái, trên người lăm nhăm mảnh đạn, máu chảy đẫm ngực áo. Tôi tháo ví lấy toàn bộ ảnh và kỷ vật, hy vọng có ngày quay trở về trả lại cho gia đình Phạm Hồng Quân.
Tròn bị mảnh đạn bay mất một bên mắt phải, vừa mới hy sinh, sờ lên người còn mềm và nóng. Tôi đang bóp tim hồi sức cấp cứu cho tròn thì pháo bầy của địch lại câu đến, nhảy đại xuống căn hầm bên cạnh:
-Ông nào đây! lên đi! Ông nào đây, tránh ra, hầm tù binh!
Tù binh hay không thì cũng giữ lấy gáo đã, hết đợt pháo bầy, tôi leo lên khỏi hầm đã thấy quân vận tải lục tục cáng thương binh và liên sỹ về vị trí tập kết.
Về đến nơi, thấy quân tướng mặt mày sưng húp cả. Ông Oanh bị mấy mũi châm vào tay, ông Lợi chính trị viên phó mặt méo một bên, tay trái bị ong đốt sưng tấy, y sỹ tiểu đoàn Nguyễn Kiến Ðào (Hiện nay là viện phó bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái) đang tiêm thuốc giảm đau. Có chiến sỹ bị ong châm không mở nổi mắt. Tôi hỏi tổ ong ở chỗ nào, họ bảo trên đỉnh dông đồi, pháo bắn trúng tổ ong đất (Ong bầu lỗ ), bộ đội chạy qua thế là nó túa ra đuổi theo. Tôi chạy ngay sau ông Lợi mà không bị châm mũi nào.
Lũ tù binh cứ hai thằng trói vào với nhau bằng dây dù, ngồi tụm ở ven rừng. Tên thiếu tá Nhân tiểu đoàn trưởng và một sỹ quan tâm lý chiến, một quân y sỹ bị đưa ra hỏi cung sơ bộ.
Hắn nói: Chập tối hôm ấy tự nhiên tôi thấy hai bên tai nóng như lửa, trong người bứt dứt không yên. Khoảng hơn 8 giờ tối, sỹ quan tác chiến báo cáo có hiện tượng không bình thường quanh khu vực đóng quân. Tôi cầm máy báo về trung tâm hành quân, trung tâm trả lời: Bên ngoài các anh còn có 3 đại đội chốt chặn, hai nữa ở đây xa hậu cứ của cộng sản, các anh cứ bình tĩnh đi! Hơn 10 giờ tối, có tiếng US nổ trong hàng rào ( Hướng đại đội 5 bị vướng lựu đạn gài) thực ra cũng có nhiều khi cành cây khô gãy đổ hoặc chồn thú đi qua làm nổ mìn. Ðể cho thật an toàn, tôi xin pháo bắn xung quanh căn cứ từ 500 m trở ra. Gọi sang các trận địa pháo, họ bảo: Ðêm tối rất khó căn chỉnh tầm hướng thật chính xác, sợ bắn nhầm vào các đại đội đồn trú bên cạnh. Càng về khuya, tiếng động càng rõ hơn, tôi báo động cho 3 đại đội bảo an có kế hoạch ứng cứu. Sáng hôm sau thì tất cả chúng tôi đều bị pháo kích.
Chôn cất liệt sỹ xong, ngay chiều hôm ấy chúng tôi rút quân. Trinh sát dẫn lũ tù binh đi với nhau, mấy ngày hành quân chúng nó cũng phải có nồi để nấu cơm. Một trinh sát tiểu đoàn bảo:
- Mày là tiểu đoàn trưởng ăn bơ thừa, hộp cặn của Mỹ nhiều rồi hôm nay phải đeo nồi!
Tên công vụ vội vàng đỡ lấy.
- Này thằng kia! Từ hôm nay mày với nó bằng nhau, để đấy cho nó!
Anh ta buộc luôn chiếc nồi quân dụng vào lưng ngài tiểu đoàn trưởng, cả lũ tù binh nửa buồn cười nửa sợ, Bộ đội lần lượt dẫn chúng quay về hậu cứ.
-----------------------------------------------------------------------------
Lâm Thao Ngày 02 Tháng 1 2 Năm 2007
Hoàng Kim Hậu
------------------------------------------------------------------------------