Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Phần 7

Chiến dịch Hồ Chí Minh
 đánh chiếm Thành phố Sài gòn _Gia định
 (Nhật ký chiến tranh trang.....)

Chỉ sau 3 ngày đêm chiến đấu liên tục, trung đoàn 66 và sư đoàn 10 chúng tôi đã loại khỏi vòng chiến đấu lữ dù 3 � Lực lượng tinh nhuệ dự bị của địch trên con đèo MaÐrắc.Tiêu diệt và bắt sống 1 chi đoàn xe thiết giáp, thu 22 khẩu pháo 105 ly và155 ly, 84 xe quân sự cùng toàn bộ vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự của lữ đoàn này.
Lữ dù 3 bị tiêu diệt, lá chắn phía tây Ninh Hoà bị san phẳng, con đường xuống đồng bằng ven biển đã mở. Thừa thắng sốc tới, trung đoàn 24 lập tức đánh chiếm trung tâm huấn luyện Lam Sơn. tiểu đoàn 3 của trung đoàn 28 kết hợp cùng tiểu đoàn 6 trung đoàn 24 giải phóng căn cứ� Dục Mỹ và tiến về thị xã Ninh Hoà.
Cả sư đoàn 10 bừng bừng khí thế theo đường 21 tiến về đồng bằng. Chúng tôi lên xe khi chiều tà gần tắt nắng, dừng lại ghé thăm Hoan, thấy chỉ còn những hố đất trống trơ, người ta bảo: Trung đoàn lệnh chuyển liệt sỹ của ta vào cái bản cháy kia kìa! Ðể gần đường quá sợ bom đánh bay đi mất!
Vĩnh biệt Hoan tôi lên xe chạy thẳng về phương đông, tương lai và niềm hy vọng khi dáng núi thưa dần. Ơi đèo Phượng Hoàng, gửi lại mày cả một niềm kiêu hãnh và đau sót: Những thằng bạn vĩnh viễn ở lại để bánh xe chúng tôi lăn nhanh về phía trước, nơi đó kẻ thù hung hãn vẫn hùng hổ, điên cuồng hòng ngăn chặn những đoàn quân ra trận.
Qua quãng đường vòng, thấp thoáng đã thấy biển trước mặt. Chao ôi, biển, biển của tôi, một cảm giác mãnh liệt đưa dần tôi vào niềm mơ mộng. Quả thực chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đặt chân đến vùng biển Nha Trang đẹp như thế kia. Chợt nhớ đến một trận đánh trên đất Kon Tum, tôi còn giữ lại một tấm hình của người con gái trên đất Cam Ranh gửỉ cho anh trai mình là lính chiến nay đã chết trận. Tấm hình đó nắn nót dòng chữ của nữ sinh trường sư phạm Cam Ranh viết như thế này: �Em gởi cho anh tấm hình để làm kỹ niệm, vì lạnh quá mà cố gắng cười lên, nụ cười trở nên méo mó! Anh hai nhận nụ cười méo này vậy!� Hồi đó nghĩ đến Cam Ranh, tôi muốn giữ tấm hình mong ngày gửi lại cho người con gái đáng thương kia nhưng thấy nó xa vời và viển vông quá chừng. Cho đến bây giờ, không biết chủ nhân của nó khi đọc lại những dòng chữ này, có còn nhớ xuất sứ của tấm hình đó nữa hay không!
Qua Ninh Hoà, thị xã nằm ngay trên ngã ba ra đường số 1. Những căn nhà tầng cao vút với dàn hoa giấy leo bên hiên đỏ rực. Cờ sao vàng nửa xanh nửa đỏ treo rợp đường phố. Dáng chiều đang buông, phố xá yên bình với dòng người ngược xuôi chen chúc trên các ngã tư làm cho người ta tưởng rằng: Chiến tranh đã không còn nữa.
Qua đồng bằng miền trung, những xóm thôn bình dị với hàng cau như những bàn tay vẫy trong bầu trời cao lồng lộng. Chợt nhớ về quê mẹ, cũng cánh đồng lúa vàng trổ bông lốm đốm như thế kia, cũng cánh cò chiều bay về bảng lảng�
Ngã ba đường 1 đi Nha Trang � Ra đến đây mới thấy khí thế đang lên toàn mặt trận. Những chiếc xe thiết giáp hiên ngang nghiến xích trên mặt đường, những đoàn xe kéo pháo, những chiếc xe bắc cầu, xe tải, xe chuyển quân nối đuôi nhau chạy về phía nam. Dân đứng chật hai bên đường vẫy tay chào đoàn quân ra trận, chúng tôi thấy mên mang một niềm vui khó tả.
Dừng lại ở một thị trấn nhỏ ven biển thuộc quận lỵ Cam Ranh. Từ đây, Nha Trang đã ở về phía bắc khuất sau dãy núi màu xanh nhạt ( Sau này tôi mới biết đó là đèo Rù Rì )
Tiểu đoàn đóng quân bên phải đường 1 trên một dông đồi thoai thoải toàn đất pha cát. Ðại đội tôi nằm cạnh con suối nhỏ, bên kia là cánh đồng hẹp lúa đang đỏ đuôi. Nương đồi ở đây đã đượm màu của cát, lưa thưa sót lại vài cây rừng đơn côi với vạt sắn ngả trên nương cằn cỗi. Khí hậu đầy nắng và gió biển, dừng lại ở đây có vài ngày mà thấy ai cũng đen như sâm.
�Ngày 13 tháng 4. Anh nuôi lên tiểu đoàn nhận về một khiêng cá biển. Tối hôm ấy Chuốt cùng Vui sữa( Anh ta quê ở Vĩnh Tường-Vĩnh Phú-Khi đến đây trong ba lô ai cũng có nhiều sữa, người ta thách anh ta uống một lúc hết hai hộp và thế là đau bụng quằn quại phải đi cấp cứu)� đến cạnh võng tôi nằm:
-Anh xem thế nào, đêm hôm qua chúng em đi gác, ăn cơm ở bếp anh nuôi về thấy nó nhức đầu và sốt suốt đêm!
Tôi sờ trán và cấp� thuốc giảm sốt cho họ, hẹn ăn cơm xong lên kiểm tra và cặp nhiệt độ lại.
Buổi sáng Ninh lấy cơm về, chúng tôi ngồi quanh mâm cá biển, thấy nó rất ngon vì lạ miệng, anh nuôi lại ưu tiên cho đại đội bộ hơi bị nhiều.Thấy còn thừa một khúc cá to, anh Ðiệp phó chính trị viên đại đội bảo Ninh y tá:
-         Của cố, của được, công lao đi lấy cơm, ăn cho hết đi!
Tôi vừa đứng dậy đã thấy choáng váng, mặt mày xay xẩm. Tôi bảo: Có khi ăn phải cá say rồi! Tôi vội vàng ra nương sắn nôn cho bằng hết. Ninh móc họng cũng không nôn ra được, bụng căng cứng, lăn ngược lăn suôi, tôi chạy sang hầm bên cạnh, tất cả cùng triệu trứng như vậy vội vàng báo các B cho bộ đội uống nước đường giải độc và điện cho quân y tiểu đoàn biết. Vậy Chuốt và Vui đi gác đêm hôm qua về đã bị say cá mà không biết, hình như cả trung đoàn ăn phải cá say, một kỷ niệm đáng nhớ!
Dừng lại ở cái thị trấn nhỏ này, ngoài tinh thần chuẩn bị chiến đấu, khi có lệnh là lên đường ngay, chúng tôi còn phải kiêm thêm công tác dân vận.
Lệnh của tiểu đoàn giới nghiêm khu vực đóng quân, chỉ có cán bộ đại đội và các đồng chí có trách nhiệm mới được ra tiếp xúc với dân ngoài thị trấn.
Khu vực này dân tứ sứ chạy di tản và mắc kẹt ở đây: Từ Quảng Trị, Huế,Tam Kỳ Quảng Nam cho đến Ðà Nẵng�Hàng chiều, bóng áo trắng của nữ sinh, áo quần loè loẹt của các con chiên đến nhà thờ cầu chúa.
Thấy bộ đội giải phóng, đàn ông, đàn bà, sinh viên rồi con gái bu lại. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn về phía chúng tôi, vừa âu yếm, vừa hoài nghi. Họ hỏi chúng tôi về quan điểm cách mạng đối với những người và gia đình họ tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn, về lời tuyên truyền của bọn tâm lý chiến: Việt cộng xẽ có cuộc trả thù đẫm máu�
Họ bảo nhau:
-         Trời đất ơi! bộ đội giải phóng trẻ măng và hiền khô không à! Chú nào cũng mập dữ há! Thế mà tụi nó bảo: Bảy thằng Việt cộng leo lên cành đu đủ không gãy�
� Các cô gái bẽn lẽn hỏi:
-         Anh giải phóng ơi! Chúng em có bị bẻ răng và rút móng tay hông? Tụi bạn em có đứa sơn móng tay vội vàng tẩy và cắt ráo chọi à!
Người nào thực tế hơn thì họ hỏi về chủ trương của Cách mạng có tạo điều kiện cho họ trở về quê cũ hay không? Nhà cửa, của cải họ bỏ lại và vội vàng chạy đi di tản, hiện nay không có gì để ăn vậy thì xin trợ cấp ở đâu�
Chúng tôi động viên họ tìm mọi cách quay trở về quê cũ. Cách mạng có bắt đồng bào đi di tản đâu! Hai nữa nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, không thể đưa dân hồi hương được. Những khó khăn trước mắt, bà con gặp Uỷ ban quân quản khu vực tìm cách giải quyết!
Hôm ấy, tôi và anh Ðiệp đi vào khu chợ, người ta thấy bộ đội giải phóng đến vội vàng che che, đạy đạy. Tôi hỏi cô gái bán tạp hoá:
Có cái gì mà phải cất vội vàng thế, cô bé!
Sau phút lúng túng đỏ au đôi má, cô ta cho chúng tôi xem cuốn Album nhấp nháy một cô gái nửa kín nửa hở. Thấy tôi cười, cô ta bảo:
-Chú giải phóng mua đi!
-         Bộ đội hổng có tiền!
-         Vậy thì xin biếu mổi chú một cuốn làm kỷ niệm nha!
Chúng tôi xin cảm ơn và ra khỏi khu chợ trước ánh mắt ngạc nhiên của bao nhiêu người nhìn theo.
Một hôm, chính trị viên tiểu đoàn cho gọi tôi lên, trong căn hầm của ông đã có: Hình (Trinh sát) Chắt ( Thông tin ) và tôi, ba cây công chính của đội bóng chuyền tiểu đoàn. Ông bảo:
-Dân ở đây họ đem cột bóng cắm trước tiểu đoàn bộ nghe có vẻ khiêu khích, chiều nay cho phép các anh ra thi đấu với họ, làm sao đánh là phải thắng để cho người dân thấy rằng: Bộ đội cách mạng ngoài đánh giặc giỏi giang, phong trào văn hoá, thể thao đều giỏi cả!
Chúng tôi hăm hở ra sân.
Sờ tay lên mặt lưới thấy thấp hơn bình thường rất nhiều, tôi nghĩ bụng: Lưới thấp như thế này thì chúng mày chết với ông rồi. Khi vào trận, cứ chuẩn bị chạy, cát dưới chân lún xuống làm mất đà và lại đánh hụt. Cuối cùng, chúng tôi thua liểng xiểng.
Chiều rút kinh nghiệm, tiểu đoàn vẫn cay cú, cần phải tăng cường thêm cầu thủ nào cho điều ngay lên. Vẫn như hôm trước, dân ở đây họ đã quen với đất đai, thổ nhưỡng nên chúng tôi dù rất cố gắng nhưng vẫn thua. Ông chính trị viên gầm lên:
-Không đánh thắng thì từ nay, tôi cấm các anh bén mảng ra đấy nữa!
�Thế là hàng chiều nhìn ra sân bóng mà bực mình.
Ðêm 17 tháng 4, chúng tôi chuẩn bị ba lô, súng đạn chờ xe đến đón hành quân vào hướng Phan Rang, Phan Thiết. Ninh cùng Chuốt và mấy chiến sỹ khiêng hàng ra bến xe trước. Tôi can thì Ninh bảo: Ðàng nào mà chẳng ra ngoài đó! Ra đấy ngắm bà con thị trấn cho khuây khoả!
Tôi và anh Ðiệp trải tấm ni lông cạnh hầm tranh thủ ngủ lấy sức. Khoảng quá nửa đêm, tôi nghe tiếng máy bay và tiến bom rít ngay trên đầu. Một loạt tiếng nổ rung chuyển cả khu vực, tiếng người kêu khóc, tiếng bước chân người chạy dần dần vào trong khu đồi. Bom đánh ngoài bến xe rồi! Tôi cầm túi cứu thương cùng anh Ðiệp lao ra bến xe.
Bộ đội đang chạy quay lại vị trí trú quân. Tôi hỏi thì họ bảo: Ninh bị thương, Thằng Chuốt không thấy đâu cả! Mấy bố lái xe chủ quan bật đèn sáng quắc chạy vào bến nên mới bị lộ đấy chứ!
Tôi và anh Ðiệp ra bến xe, Hơi bom còn khét lẹt, mấy căn nhà siêu vẹo, cây cối ven đường bị phạt đổ ngổn ngang. Mẹ kiếp! Dân di tản về đây đông như thế này mà lũ nguỵ liều mạng ném bom! Tiếng trẻ con, người lớn chí choé gọi nhau chạy chốn vào đồi.
Không còn chiếc xe nào cả, anh Ðiệp gọi Chuốt, không ai trả lời. Thấy có tấm ni lông lù lù ven đường, tôi lật lên: Ôi Chuốt! Thằng Chuốt chết rồi!
Mảnh bom xuyên qua bụng Chuốt đút lọt ba ngón tay, Chuốt nằm đó, mắt vẫn mở như có điều gì oan khuất. Những ngày ác liệt chống lấn chiếm năm 1973, Chuốt xin ở lại lập công chuộc tội. Và hôm nay, khi chiến thắng đã gần kề�
Chúng tôi đưa chuốt về an táng ngay dưới gốc cây cạnh hầm đại đội bộ. Sợ cát trôi không tìm lại được, chúng tôi lấy tấm tôn đục lỗ ghi tên người con của quê hương Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc. Xin được mặc niệm, vĩnh biệt Chuốt rồi lên xe chạy về phía nam.
Sáng ra, biển lặng lẽ với những đám mây mù. Xe chạy quanh một khu rừng dừa chĩu quả, tránh chiếc cầu xập với những hố bom toang hoác trong rừng dừa. Từng chùm quả lăn lóc với những thân dừa bị bom phạt tướp ra, úa vàng.
Qua một xóm� nằm ven đường thấp thoáng ngôi nhà nhỏ. Có lẽ dân ở đây đã chạy hết, chỉ thấy bóng mấy cô tự vệ, cổ khoắc khăn rằn cầm súng đi� trong rừng dừa. Một vài anh lính áo xanh mắc võng đung đưa có vẻ phớt đời. Gớm! Thanh bình quá nhỉ!
Tôi nhìn sang hai bên đường, biển đã bị dãy núi phía đông che khuất, con đường như sợi chỉ xuyên qua hai bên núi như thế này.
Qua một chiếc cầu bị đánh gục, hàng trăm chiếc xe đủ loại chổng vó tại đây. Chiếc đổ nghiêng trên bờ, cái thì chìm sâu dưới nước. Xe leo qua chiếc gầm công binh mới bắc, chúng tôi càng thấy rõ thất bại ủ ê của nguỵ quân Sài Gòn, giờ tận số của chúng đang điểm.
Chúng tôi dừng lại ven đường, nắng bắt đầu nhuộm vàng những cánh đồng mía, sương tan dần trên đỉnh núi phía xa.
Có một đoàn tù binh nguỵ bị dẫn đi ngược chiều chúng tôi, toàn quân dù với áo quần loang lổ. Lại lính dù, cái sương sống của Nguyễn Văn Thiệu đang bị bẻ gãy.
Bỏ quốc lộ 1 chúng tôi rẽ sang trục lộ 450 sau đó theo đường 20 về Ðơn Dương, Bảo Lộc. Con đường đất sóc nẩy người, những đơn vị hành quân đi trước bị máy bay đánh bom ác liệt.� Xung quanh đường, những hố bom sâu hoắm, những vạt rừng bị bom phạt trụi. Có chiếc xe gát chở quân trúng bom bị hất ngiêng bên đường, nhiều bộ quần áo bộ đội bỏ lại bê bết máu, có chiếc ba lô rách bươm mắc tòng teng trên bụi le. Xe chúng tôi luôn tránh những hố bom đánh trúng mặt đường còn in vết xích xe kéo pháo. Nghe đâu thằng địch cố tìm và ngăn chặn sư đoàn 10 chúng tôi hành quân.
Buổi trưa, dừng quân ở một rừng cây thưa ven đường, anh nuôi tìm nước nấu cơm, chúng tôi giải ni lông xuống sườn đồi ngủ lấy sức. Qua trưa nhận lệnh quay lại, không hiểu ý đồ tác chiến của chỉ huy chiến dịch như thế nào.
Tối hôm ấy lại quay về đúng vị trí đóng quân hôm trước. Ði ngang qua nghĩa trang, có 8 ngôi mộ mới tinh, chắc những người dân vô tội, sấu số đêm hôm qua đây. Tôi thở dài não nùng: Chiến tranh mà!
Buổi chiều, từ biệt Chuốt ở lại với gió biển, chúng tôi lên xe trở về Ban Mê Thuột. Xe chạy trên con đường mịn mà, gió căng mũ và vờn trên hàng mi đến chảy nước mắt. Xe quân sự chen nhau ngược xuôi đầy đường số 1, những binh đoàn đang hăm hở ra trận tại sao chúng tôi phải quay về Tây Nguyên?
Qua thị xã Ninh Hoà với những ngôi nhà sang trọng, rẽ về đường 21 đi cao nguyên. Thấy có một người cầm mũ đứng giữa đường chặn xe tôi lại:
-         Này! Xe C7 phải không?
Tôi nhảy xuống đường, một toán người vừa dân, vừa lính đứng túm tụm ven đường. Hoá ra chiếc xe chở ban chính trị trung đoàn 66 đi đến đây thì bị lật, toàn bộ số người đi trên xe đều bị thương.
Chúng tôi lục tục xuống đường nhường xe chở thương binh về bệnh viện. Họ cần một quân y đi theo hộ tống, ừ thì đi, thử về Nha Trang xem sao!
Tôi đi theo xe với 6 thương binh băng đầy mặt, họ nằm thêm thiếp, lắc lư theo bánh xe lăn.
Xe lượn vòng vượt đèo Rù Rì. Ðứng trên đỉnh đèo, toàn cảnh thành phố Nha Trang hiện ra trước mắt. Nắng chiều phớt nhẹ trên những dãy nhà cao tầng, phía xa kia là biển xanh như vô tận. Dưới chân đèo là chiếc cầu Bóng bắc qua eo biển với những chiếc tàu và ca nô đủ màu sắc. Những cánh chim hải âu trắng ngần chao liệng trên những hòn đảo chơi vơi trên đại dương mà thấy thanh bình làm sao.
Thành phố Nha Trang người xe đông đặc như nêm, đến ngã sáu, không biết bệnh viện đi hướng nào. Khi nghe tin bộ đội bị thương, có một người dân leo lên xe áp tải vào bệnh viện thành phố.
Ðó là một bệnh viện rất sạch và đẹp, những chiếc giường bằng sắt không ghỉ trải đệm trắng muốt, những hành lang rộng rãi phẳng lỳ với những chậu hoa cây cảnh, xinh sắn và đẹp hơn công viên. Những nhân viên y tế mặc áo quần trắng muốt mẫn cán trong công việc chữa chạy cho thương binh. Các cô gái ở đây thấy ai cũng phúc hậu, xinh sắn và đầy khuyến rũ. Giá như mình cũng bị thương nhưng thật nhẹ để được ở lại đây nhỉ. Bất giác tôi nghĩ dở hơi như vậy.
Chia tay những thương binh còn tỉnh, cảm ơn sự quan tâm của y bác sỹ bệnh viện. Chúng tôi quay ra đã thấy người ta cáng anh Quyết - Chủ nhiệm chính trị vào nhà xác. Ðau đớn quá, sáu người hy sinh một, bất kỳ việc gì, chủ quan khinh địch thì đều nhận lấy thất bại đáng tiếc.
Ðêm buông cho Khánh Hoà một vẻ bình dị, biển đã bắt đầu khuất dần theo bánh xe lăn, những dãy núi đen xẫm đang lùi lại gần.� Vài ánh đèn pha xe chạy ngược chiều quét đi, quét lại, chúng tôi� rúc vào nhau ngủ.
Ðến Ban Mê Thuột từ lúc nào, chúng tôi xuống xe chui vào trong rừng cà phê mắc võng. Sáng hôm sau lại lên đường.
Qua Quảng Ðức với núi rừng trùng điệp, con đường nhựa nham nhở sóc nảy người. Ðến Ðức Lập, trận đánh hôm qua vẫn còn chưa khô máu, xe chui vào màn đêm mông lung.
Dừng lại ở một rừng cao su già cỗi, tôi cũng không biết đây thuộc tỉnh nào nữa, mắc võng vào gốc cao su ngủ mê mệt. Ðêm trở gió và cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ xuống, chúng tôi lục tục bò dậy mắc tăng thì nghe đánh dầm một cái. cây cao su đổ xuống đập vào ngang lưng anh Ðiệp, chỉ thấy Ðiệp hự lên, quằn quại dưới đất. Thế là lại khênh cáng, xe pháo đưa nhau đi bệnh viện.
Xe cứ chạy qua ngày rồi sang đêm, con đường như những ô cờ xuyên qua vạt rừng cà phê và cao su bằng phẳng. Qua một điểm chốt mới bị nhổ vẫn còn chênh vênh một chiếc tháp canh. Khu vực này từ lâu đã là vùng giải phóng, nghe đâu thuộc huyện Dầu Tiếng � Tây Ninh thì phải.
Chiều ngày 23 tháng 4 đóng quân trong một khu rừng ven suối, nắng gay gắt, không có một luồng gió nào thổi về, có lẽ trời đang chuyển mưa rồi. Mắc võng tòng teng trong rừng nghe tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, chúng tôi ồn cả một góc rừng làm cho mấy ông cán bộ phát hoảng. Thiệu nào thì đến nước này rồi cũng phải cuốn gói, chúng tôi thấy chiến thắng như đã gần kề.
Ðêm 28 tháng 4, bắt đầu phải đi bộ vì xe không vào được nữa, gần địch lắm rồi. Bỏ con đường lớn àm ì xe kéo pháo, chúng tôi lần ra bờ sông.
Quãng này sông Sài Gòn không rộng lắm, nước chảy êm đềm in ánh trăng lung linh. Ra quân mùa trăng thật đẹp, chiếc cầu phao nhún nhẩy dưới chân, tiếng khua nước, mấy ông lính công binh hỏi thăm đồng hương, đồng khói. Tôi chậm chạp nhìn gợn sóng lăn tăn, trông về phía đông tìm ánh đèn thành phố. Sài Gòn của tôi sao mà xa thế, tất cả vẫn chìm trong ánh trăng mông lung.
Dừng lại bên cánh đồng hoang dã của đất Củ Chi, đất đồng khô cứng bao nhiêu năm không người cày cấy. Củ Chi đất thép, một vốc đất trộn lẫn bao nhiêu mảnh gang của bom đạn Mỹ mà có thật không ngoa.
Một đêm hành quân với bao nhiêu đường đất, tang tảng sáng dạt vào một bản nhỏ bỏ hoang ăn lương khô với nước lã, mẹ cái sứ này khan nước quá!
Những bước chân mệt mỏi lê trên cát, con đường bị bịt cứng với một� bảng chữ đề rõ ràng: Ðường này có địch, không đi! Phía ấy khẩu cối đang quăng đạn ra xung quanh, gần lắm, chỉ khoảng hơn một cây số thôi.
Qúa trưa, chúng tôi tập kết trong một khu rừng lúp xúp, cây cao không quá đầu người. Tôi dọn một bãi đất trong bụi cây che tăng, vì ở đây đã lác đác có những trận mưa rào.
Trong khi các mũi tiến công của sư đoàn 10 � Quân đoàn 3 từ hướng tây bắc đánh xuống, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng ồ ạt.
Ơ hướng đông Sài Gòn, Quân đoàn 2 đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu quân sự Long Thành, vượt đường 15, bao vây quận lỵ Long Tân. Sư đoàn 3 quân khu 5 đánh chiếm chi khu Ðức Thạnh, tiến về giải phóng Bà Rịa Long Khánh. Quân đoàn 4 tiến công căn cứ Trảng Bom, uy hiếp Hố Nai � Biên Hoà. Hướng tây -� nam, chủ lực quân khu 8 cắt đường 4, chia cắt bao vây các sư đoàn số 7 �9 � 22 quân nguỵ vùng Tây � Nam bộ. Ðoàn 232 đánh chiếm đầu cầu An Ninh, Lộc Giang. Hướng bắc, quân đoàn 1 tiêu diệt địch trên lộ 13, tiến công Thủ Dầu Một. Quân đoàn 3 từ hướng tây � bắc đánh cắt đường 22 và đường 1, đánh chiếm Trảng Bàng, Ðồng Dù, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, tạo bàn đạp cho các đơn vị luồn sâu đánh chiếm nội đô Sài Gòn.*( Lịch sử sư đoàn 10 � Ðại tá Lê Hải Triều - NXB Quân đội ND)
Cho đến giờ phút này, nguỵ quyền Sài Gòn đã như cá nằm trên thớt, chờ ngày tận số.
Sáng ngày 30 tháng 04 - Các đơn vị bạn đang tiến công sư đoàn 25 nguỵ trong căn cứ Ðồng Dù. Tiếng liên thanh từng chập lại rộ lên, tiếng đại bác, tiếng bom xen lẫn vào nhau. Phía đông, khói đen cuộn cuộn bốc lên, mấy quả pháo vượt tầm nổ ùng oàng vào bãi lầy trước mặt. Bên phải, những chiếc xe� tăng, xe K63 kéo pháo phủ đầy lá nguỵ trang vẫn ùn ùn từ trong rừng chui ra đi về phía súng nổ. Trung đoàn 66 chúng tôi hôm nay là lực lượng tổng dự bị đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch: Nội ô thành phố Sài Gòn!
Tiếng súng vẫn không ngớt vọng về ngày một xa. Phía đông, hàng đàn máy bay địch thay nhau bổ nhào trong cơn tuyệt vọng. Tiếng bom thỉnh thoảng lại giật phập phồng trên mái tăng, phía ấy chắc là ác liệt lắm.
Các đơn vị bạn đang mở thông đường, chúng tôi� chuẩn bị hành tiến bằng xe tăng và xe thiết giáp. Cuộc tiến vào nội ô Sài Gòn chắc là ác liệt lắm. Người dân thành phố đón chúng tôi như thế nào đây, trận đánh cuối cùng này mình còn hay mất? Bất giác tôi chợt nghĩ đến mẹ và gia đình. Bố hy sinh khi mình chưa đầy một tuổi bỏ lại người vợ với đàn con nhỏ dại. Chiến tranh tàn khốc lắm, nước mắt của mẹ bao nhiêu lần chảy nữa khi đứa con út� của mẹ không quay trở lại. Nhưng dù sao chúng tôi đã áp sát sào huyệt của địch, nếu có hy sinh chăng nữa thì cũng gục ngã trên đường phố Sài Gòn hoặc trên cánh tay của các cô gái biệt động thành mà tôi chưa bao giờ gặp mặt.
Gần trưa, mấy chiếc máy� bay A37 nhào lộn hướng Sài Gòn, khói đen cuồn cuộn cùng với tiếng dền như bom toạ độ. Sau này tôi mới biết không quân của ta dùng máy bay địch xuất kích đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Thế thì không còn chỗ nào cho chúng mày dung thân nữa rồi, tôi thấy nóng ruột quá, bao giờ cho xe vào đón chúng tôi đây!
ánh nắng thu dần bóng lá nguỵ trang thêm tròn, nóng cả dép, tôi đi tới bụi cây có mấy chiến sỹ đang đun nước bằng thùng lương khô bỗng tiếng súng từng chập rộ lên, phía trước, phía sau, đạn bay chiu chíu. Có khi tàn binh địch từ Ðồng Dù chạy ra rồi, đại đội điều quân bám về các hướng, bóng người lom khom bên những bụi mua trổ hoa tím ngăn ngắt. Có một người dân đi ngang qua, ông ta bảo: Hổng có biết! Thấy trong cơ quan tỉnh đội cũng bắn lần dần à!
Hơn 12 giờ trưa, đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đưa tin: Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng vào 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Chúng tôi nhảy lên ôm chầm lấy nhau, hạnh phúc quá, sốn sang quá. Ba mươi năm tranh đấu và tôi tròn 5 năm tuổi quân để có được ngày hôm nay. Biết bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau, biết bao nhiêu đồng chí của mình máu đổ, xương rơi để đổi lấy ngày toàn thắng, nam bắc một nhà, giang sơn thu về một mối.� Có lẽ giờ này nhân dân miền bắc đang tràn ra đường tung cờ hoa đón mừng chiến thắng. Thế rồi bạn bè của tôi, ai còn ai mất. Làng quê yên bình bắt đầu ngóng tin chồng con ngoài mặt trận và rồi ai xẽ trở về. Những giọt nước mắt lăn tròn trên má chúng tôi không buồn lau mà cứ ôm nhau nhảy múa, bao giờ cho xe đưa chúng tôi vào tiếp quản thành phố Sài Gòn đây.
Xế chiều, có hai chiếc xe vào đón đội phẫu tiền phương đi trước, chúng tôi nóng hết cả ruột gan, mong xe hơn mong mẹ về chợ. Gần tối, xe đến, chúng tôi trương cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng, có xe hai ba cờ xếp hàng chạy ra đường. Qua một vạt ruộng khô nứt nẻ sóc nảy người, xe leo lên con đường nhựa với những xóm làng trù phú, dân cư đông đúc. Qua một thị trấn đầy cờ nữa là vùng đồng bằng mênh mông trải rộng đến vút tầm mắt. Cái cảm giác� mên man của gió vờn trên hàng mi để cho tôi một niềm vui khó tả. Khi dáng chiều đang buông, làng quê yên bình với những vườn xoài trĩu quả chạy đến rồi lùi dần về phía sau. Bên trong những ngôi nhà với màu xanh cây trái kia, những con người ở đó họ có vui không? Những bàn tay trẻ nhỏ vẫy chúng tôi trong màu cờ đỏ rực sao mà xúc động và thân thương đến thế.
Những toán quân nguỵ tơi tả bị dẫn ngược chiều, toán thì cởi trần, có lũ vẫn còn nguyên những bộ quân phục loang lổ. Hàng trăm tù binh mà cũng chỉ thấy mấy cô tự vệ áp tải, có toán tự giác cầm cờ giải phóng trật tự đi ngược chiều, thấy xe chở bộ đội còn toét miệng cười, giơ tay vẫy vẫy.
Có đoạn đường ngập đầy dầy cao cổ của Mỹ nhìn xa không khác một đàn vịt thả rông trên mặt lộ. Lại gặp một đoàn tù binh lúc nhúc, mấy cô du kích tay cầm AK, cổ quàng khăn rằn với cặp mắt sáng long lanh trong áng chiều đỏ rực.
Bóng tối đổ ụp khi chúng tôi đến ngoại ô thành phố, tôi cũng không rõ đây là phố
�gì chỉ thấy những tiệm buôn và nhà lầu san sát. xe dừng lại lấy săng, tôi nhảy xuống mặt đường. Thành phố đã lên đèn.
Trước mặt tôi là thành phố Sài Gòn theo đường Lê Văn Duyệt. Màn đêm như bị xé ra bởi những loạt pháo hiệu đủ màu bắn lên. Những vệt xanh đỏ phóng lên trời rồi xoè ra như năm ngó tay chụp xuống thành phố, có khi hàng chục quả pháo cùng bắn lên một lúc, tôi thấy trong lòng rạo rực.
Thành phố Sài Gòn với những ngôi nhà cao ngất, những dàn hoa leo trên lan can cửa sổ với những bảng hiệu lạ lùng: Nhà buôn Thành Ðông, Bác sỹ Tấn Hưng�
Chạy đến một ngã tư thì dừng lại vì lạc đường, bên trái lửa vẫn cháy bập bùng, chắc mấy giờ trước ở đây đánh nhau ác liệt lắm. Có một chiếc xe lam của biệt động thành� chạy đến, các cô gái nội ô đem cơm và nước tiếp tế cho bộ đội với nụ cười tươi tắn trên môi.
-Này cô tự vệ thành ơi, cho anh xin một bi đông nước!
Cô gái nhanh nhẹn nhận lấy với nụ cười cởi mở. Tôi chợt nhớ tới hôm học xa bàn đánh vào thành phố: Thương binh đã có nhân dân lo, cơm nước thì tự vệ thành tiếp tế, ta chỉ có tiêu diệt địch để giải phóng Sài Gòn.
Chiếc xe lam như một con thuyền cặp vào các chiến hạm khác như tiếp thêm ý trí và niềm vui cho bộ đội. Quân dân như cá với nước, Ðảng của ta! Nhân dân của ta! Không có một thế lực nào chia cắt được. Tôi thấy một niềm kiêu hãnh dâng trào.
Xe chạy qua cổng sân bay Tân Sơn Nhất, có ba chiếc xe tăng T54 của ta nằm ngay trên cửa mở, lửa vẫn cháy đùng đùng trong tháp pháo. Không biết những đồng chí của tôi bao nhiêu người hy sinh ở đây! Họ vĩnh viễn ở lại và tồn vong cùng lịch sử. Ðất nước ta, nhân dân ta xẽ không bao giờ quyên công ơn của họ. Thời khắc hạnh phúc nhất của người lính là toàn thắng thế mà họ thì không bao giờ thấy được. Ðất nước thanh bình đã đổi biết bao nhiêu người con ưu tú như họ. Thế rồi lịch sử xẽ ghi nhận công lao của họ như thế nào đây!
Khoảng 8 giờ tối, xe đổ chúng tôi xuống : Bộ tổng tham mưu nguỵ. Cái mũi tên vạch trên xa bàn mà chúng tôi đã đến theo đúng hợp đồng binh chủng.
Buổi sáng ngày 01 tháng 5 năm 1975. Tôi dậy sớm nhìn qua lớp rào kẽm gai, một đại lộ người và xe chen nhau như mắc cửi, thành phố vẫn ồn ào náo nhiệt, chiến tranh cơ hồ như chưa từng xảy ra ở đây. Phía bên kia dãy phố, trên ban công của một căn nhà hai tầng, có hai cô gái nhỏ đang tranh nhau treo cờ giải phóng. Một hình ảnh vừa tự hào, vừa thơ mộng làm sao. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không bao giờ quyên kỷ niệm mộng mơ mà tràn đầy hạnh phúc ấy.

 Lâm Thao Trung tuần Tháng 2 năm 2004


Hoàng Kim Hậu


Phần 6

Chiến dịch Ðăk -Xiêng

Tháng 11 năm 1972

Sau chiến thắng Pờ-Lây-Cần, mảng cứ điểm phía tây Kon Tum bị san phẳng. Phía bắc, căn cứ Ðăk xiêng-Trung tâm huấn luyện biệt kích của nguỵ quyền Sài Gòn ở Tây Nguyên như thách thức trung đoàn 66.
Ðể mở thông hành lang Ðông-Tây đưa lực lượng lớn vào áp sát thị xã, trung đoàn 66 chúng tôi nhận lệnh tiêu diệt cứ điểm này.
Ðại đội quân y thành lập đội phẫu tiền phương, cùng bộ đội hành quân vào mặt trận.
Tiến lên phía Ðông -Bắc, tiết trời cuối năm se lạnh, núi ở đây khá dốc, lác đác có những cây thông mọc xen trong cánh rừng thưa, nghe đâu cắt về phía đông là xuống đến Quảng Nam - Quảng Ngãi gì đó.
Ðội phẫu nằm trong một cánh rừng tương đối bằng phẳng,cách Ðắc Xiêng khoảng hơn 01 Km đường chim bay. Bên ngoài điểm đóng quân có một đường xe ngựa bỏ hoang, nghe nói cứ theo con đường nây là về đến cứ điểm.
Không khác gì các đơn vị chiến đấu, ngoài lo hầm hào cho mình, chúng tôi còn phải húc hầm phẫu, hầm chứa thương binh, hầm pha chế thuốc...Có nghĩa là bàn tay của người thầy thuốc, ngoài mổ xẻ, tiêm chọc và băng bó ra, chúng tôi cũng phải thêm một tiêu chuẩn nữa: Khoẻ để đào hầm và nhiều khi phải cáng thương binh nặng về tuyến sau.
Trung đoàn 66 gồm có 3 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo và các C trực thuộc Trong mặt trân này, K7 và K9 cùng các Xê phối thuộc tiền nhập làm hai hướng mở cửa đánh vào chốt dưới sự chi viện của pháo binh trung đoàn, pháo phòng không của mặt trận. Tiểu đoàn 8 dự bị làm thê đội hai, sẵn sàng chờ lệnh.
Các hướng tiến quân bí mật vào vị trí tập kết.� Pháo binh, súng cối , DKZ chọn vị trí thuận lợi cố gắng nhằm bắn trực tiếp cho có hiệu quả. Trinh sát trung đoàn, tiểu đoàn cùng cán bộ tham mưu, tác chiến và các cấp đại đội liên tiếp đi địa hình, chui vào hàng rào,� vẽ từng lô cốt và� cách bố phòng trong đồn địch.
Ðịch nghe thấy có hiện tượng không bình thường quanh điểm chốt. Chúng yêu cầu đánh bom vào những vị trí nghi ngờ, máy bay do thám vè vè suốt ngày quanh đỉểm chốt. Ðêm về, C130 thả pháo sáng và bắn 20ly phía ngoài đường xe thồ. Mặt trận vẫn yên lặng, trực thăng và máy bay hạng nhẹ của địch thỉnh thoảng đáp xuống sân bay tăng cường quân số và cung cấp súng đạn, lương thực cho cứ điểm.
Trước kế hoạch nổ súng một ngày thì� K7 bị lộ: Người ta cáng vào đội phẫu một thương binh bị mìn dập nát hai bàn tay. Nghe đâu� đoàn cán bộ tác chiến và trinh sát K7 đi địa hình. Ðịch phát hiện nổ súng, đúng hướng chọn làm cửa mở , ta hy sinh một trinh sát, bị thương một người.Tự nhiên tôi hỏi người cáng thương binh:
-Này ông gì ơi, trinh sát tên là gì?- ừ để tôi cố nhớ xem.!.- Có phải là Ninh không!
-à đúng rồi-đúng tên là Ninh, trinh sát K7. Vào năm 71 !
Thôi chết rồi, Ninh cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày với tôi! Tại sao lại là nó!Tôi mong cho người cáng thương kia nhớ nhầm.
Trưa hôm ấy, tôi thực hành là Y tá vô trùng chuẩn bị y cụ cho ca mổ cắt cụt này.
Ðó là anh lính trinh sát còn trẻ măng, 18 tuổi, hai má vẫn còn như bụ sữa, trắng trẻo, đẹp trai. Anh ta bảo:� Em dò mìn vướng phải loại mìn lá này, nó nổ luôn trong tay, may mà mặt mũi không việc gì! Các anh cố giữ tay cho em, đừng cắt cụt.
Kíp mổ gồm : Anh Dao mổ chính, Trịnh Minh Tước phụ mổ, một Y tá gây mê, hồi sức và tôi: Y tá vô trùng Y cụ.
Khi người thương binh đã được gây mê, người ta dán vào cạnh lỗ mũi thương binh một ít bông để cho y tá gây mê theo dõi nhịp thở. Khi bóc toàn bộ bông băng ra khỏi hai bàn tay thì� bác sỹ đành phải lắc đầu: Không thể bảo lưu được, hai bàn tay đã có dấu hiệu hoại tử. Ðể an toàn tính mạng cho thương binh thống nhất hội chẩn : Cắt cụt cả hai bàn tay!
Bắt đầu từ dưới khớp bàn tay, một đường dao tiện tròn đến giáp xương ống, hai đường xẻ ngược lên nghiêng hai bên ống tay, dùng nạo đẩy ngược các mô còn bám vào xương, vuốt ngược hai lớp� thịt cho hở xương ống ra và bắt đầu dùng cưa cắt như cưa gỗ. Khi nghe tiếng: Cấc một cái, một bàn tay rời ra. Anh Dao ném nó vào góc hầm và khôi hài: Thôi, cái này để chiều về hầm lấy bát canh măng!
Chèn tuỷ sống, Mài xương, Cắt ba via , thắt mạch máu và thần kinh xong rồi khâu lại. Trong vòng hơn hai giờ đồng hồ hai bàn tay mà tạo hoá ban tặng, cha mẹ sinh thành ra con người đã bị chiến tranh tước bỏ. Nhìn người thương binh ấy chỉ còn hai cùi trỏ, tôi tháy tái tê một nỗi buồn vô hạn, ngày mai khi tỉnh dậy anh ta xẽ như thế nào đây!
Do cửa mở bị lộ, sư đoàn quyết định đánh theo phương án hai: Pháo binh khai hoả vào ba giờ chiều cùng ngày, bộ binh dưới sự yểm trợ của pháo tầm xa và hoả lực các loại, mở cửa đánh công kiên.
Tiếng đạn nổ rền trên điểm chốt, DKZ 106,7 của ta trên sườn đồi bắn áp đảo pháo binh địch, mỗi quả đạn là một lô cốt bị hạ. Ðịch kêu gào máy bay kể cả B52 đánh ngay vào thằng khói vàng!
Ðăk Xiêng chìm trong lửa khói mù mịt, các hướng của ta phát triển tốt, lô cốt và các điểm hoả lực của địch lần lượt bị khống chế và tiêu diệt. Trên trời máy bay các loại quần đảo, ném bom bừa bãi vào các khu rừng quanh điểm chốt, nhất là dông đồi khói vàng có khẩu DKZ 106.7 của ta.
Chập tối tiếng súng thưa dần, tiếng bộc phá tảo trừ trận địa, truy kích và bắt tù binh. Ðứng trên cao nhìn vào chốt thấy chỗ nào cũng lửa cháy đùng đùng. Dứt điểm rồi!
Không phải vào mặt trận, không đối mặt với cái chết trên cửa mở mà chúng tôi thấy thật hồi hộp, thật sung sướng. Nghe nói ta bị tổn thất không đáng kể, ôi hạnh phúc biết bao!
Khoảng 8 giờ tối, điện thoại từ sở chỉ huy tiền phương điện về: Ta chiếm được một kho có rất nhiều thuốc quí của địch, bộ đội đang bảo vệ nhưng lửa cháy xắp đến nơi, yêu cầu quân y trung đoàn cho người xuống chọn và lấy thuốc ra.
Thế là đội phẫu chọn 12 người -Bác sỹ có, y sỹ và y tá có - Ðem theo gùi xuống ngay điểm chốt. Có ai đấy bảo: Ðiện cho trinh sát về đẫn đường chứ! Tối thế này biết đàng nào mà lần!
-Ôi dào, ra đấy quân mình cáng thương, lấy hàng lũ lượt đầy đường, lạc thế nào mà lạc!
Chúng tôi thấy cũng có lý, ra ngoài kia thấy lửa trong chốt cháy sáng rực,� cứ cắt đường mà đi!
Ðoàn người bám nhau ra đường xe ngựa, không thấy có ai mà hỏi, đi một đoạn có một con đường mòn rẽ về điểm chốt - Ðúng là đường này rồi- Ði đi!
Chúng tôi đi một đoạn khá xa thì thấy con đường như lượn vòng ra bên cạnh, phía bên phải, lửa dưới chân đồi sáng rực: Khéo nhầm mẹ đường rồi các ông ơi!
Cũng vừa đến đấy thì cụt đường, phía trước là một bãi B52 địch mới đánh hồi chiều, cây đổ như phát nương, mùi nhựa cây hăng hắc và mùi khét của khói bom vẫn còn khét lẹt. Chúng tôi đang lúng túng tìm đường ra thì có một người như bóng ma từ dưới đất chui lên: - Ðơn vị nào đấy!
- C21 quân y! ở đây là đâu?- Xuống chốt đi đường nào hả đồng chí!
-Các bố đi nhầm đường rồi! Ðây là trận địa DKZ- B52 đánh suốt từ chiều rồi đấy! các ông quay ra ngay không chết cả lũ bây giờ!
Chúng tôi tá hoả, nháo nhào tìm đường quay ra. Cùng lúc ấy, có tiếng ì ì đùng đục và tiếng bom rít ngay trên đầu.� B52 rồi -� nằm xuống!
Ðỉnh đồi phẳng lỳ, không có hầm hố, khe rãnh nào để rúc, mười hai cái đầu cùng châu vào một gốc cây to khoảng một người ôm đã bị B52 phạt lưng chừng, thân cây tướp ra.
Tôi nằm dán xuống mặt đất, một tiếng nổ như xé màng tai và kèm theo tàn lửa bay lên như pháo hoa, đất tung lên phủ kín người, dông đồi lắc lư như� nằm trên võng.� lồng ngực nghẹn lại, xóc lên như bị buộc chặt vào lưng con ngựa phi nước đại.Tai ù đặc, miệng đắng ngắt mùi thuốc bom.
Có ai đấy hực lên mấy tiếng, thằng Hiếu bị rồì!� Chúng tôi càng nằm như dán xuống mặt đất, mười phút sau, tiếng B52 ù ù rồi xa dần , quả bom đầu tiên rải thảm cách chúng tôi khoảng 10m� sau đó rê về phía trước mặt .Sau tiếng ù ù đặc khét trong tai, dông đồi trở lại bình lặng.
 Chúng tôi chạy lại dìu Hiếu chui qua bãi rừng đã bị bom phạt quang tinh, cây cối đổ ngang dọc,� mùi nhựa cây xen lẫn khói bom vừa hắc, vừa cay. May quá, Hiếu chỉ bị sức ép, máu mồm, máu mũi ộc� ra.
 Về đến nhà đã hơn mười giờ đêm, chui xuống hầm , đất cát bám đầy đầu, đầy cổ, Chẳng cần tắm gội gì cả, thật hú vía!
 Người ta lục cục cáng thương binh về, mặt trận nào mà chẳng có tổn thất, có thương binh thì chúng tôi lại sẵn sàng� phục vụ kể cả suốt đêm..
 Sáng hôm sau, trung đoàn điện cho quân y quay lại Ðăk Xiêng lấy thuốc, nhiều đại ca tối hôm qua chết trượt trận B52 lắc đầu tháo lui. Tôi lại xung phong đi trong tốp ấy.
Theo một đoàn vận tải, chúng tôi đeo gùi hăm hở lên đường. Trên đầu, máy bay L19 cứ vè vè� lượn quanh điểm chốt, thỉnh thoảng lại xèo xèo bắn đạn khói cho máy bay oanh tạc vào dông đồi đặt pháo tầm xa của ta. Mặc xác chúng mày, chúng tôi vừa đi vừa tránh những khoảng rừng trống xuôi dần về Ðak xiêng.
Khác với các trận đánh nhỏ lẻ hoặc đánh giáp căn cứ của địch. Tảo trừ xong trận địa là chúng tôi vội vàng lao vào rừng tránh bom, tránh pháo . Nếu chốt lại thì lăn lưng húc hầm để giữ gáo. đây Ðak Xiêng lọt thỏm trong hậu cứ của ta, nhổ xong cứ điểm này vùng giải phóng như� rộng mãi ra, rừng núi ngút ngàn vô tận địch biết đâu mà dội bom cho xuể.
Từng đoàn người xuôi ngược, bắt tay nhau thôi thì đủ cả: Thằng 40 pháo binh , thằng C19 đặc công, đoàn vận tải..Lại còn đoàn bộ đội địa phương, Kinh có , Thượng có, những bộ quần áo dân tộc chen trong màu xanh áo lính .
Chúng tôi đi vòng đường băng sân bay vào chốt.� Bên ngoài những chiếc cờ ba que vứt tung toé, .có một mảnh cờ trắng cắm ở bìa sân bay không rõ để làm gì. Xác người chết ngổn ngang chưa kịp thu dọn, khói đen cuồn cuộn khét mùi xăng dầu.
Leo qua mấy hàng rào kẽm gai thưa, chúng tôi lọt vào trong chốt. Một căn cứ biệt kích Ðak Xiêng quá nhiều nợ máu với chúng tôi hôm nay xụp đổ. Những khẩu pháo 105, Cối 106.7 từng ngạo mạn hú ù ù tác oai tác quái bây giờ nằm đó, không động cựa. Những căn nhà, doanh trại từng huấn luyện lũ biệt kích xuyên rừng với những trang bị hiện đại nay tan tành. Những mảng hầm ngầm, kho tàng đang được bộ đội tháo dỡ.
Trinh sát đưa chúng tôi xuống một căn hầm rộng, trong đó ngổn ngang các loại
thùng các tông, thùng gỗ, mùi dầu, mùi hắc của hoá chất dị ứng rất nhanh với mũi của lính: Chúng tôi quen sống cảnh rừng rú nên mùi nước hoa, mùi cồn, mùi cao su cháy gây hắt hơi ngay. Có sỹ quan hậu cần bảo: Mẹ, toàn chất dễ cháy, kiểu này là dễ cháy kho lắm đây!
Mặc cho mấy ông y sý chọn thuốc, chúng tôi vào một kho dù: Thôi thì đủ loại dù, vô thiên lủng: Dù hàng to như� chùm kín sân kho hợp tác, một đống� kếch sù với những đường gân có sợi dù to tổ bố luồn bên trong. Dù hoa loang lổ, dù pháo sáng trắng ngần....Tôi dùng dao găm phay luôn nửa chiếc dù hoa: Loại này nhẹ đẹp , vừa làm chăn đắp lại có thể nguỵ trang.
Ði lùng sục xung quanh hầm được mấy gói gạo xấy, mấy hộp thịt có ai đó không đeo hết bỏ lại góc hầm, thế rồi tôi leo lên mặt đất.
Nắng tràn trên điểm chốt, nhìn ra đường băng sân bay ánh nắng như hơi nước loang loáng, vằn vện bay lên. Bộ đội hầu như chui cả xuống hầm tránh nắng. Chiếc L19 vẫn cay cú, lượn vòng, nghiêng ngó xuống cứ điểm. Không thấy nó gọi bom đánh vào chốt, có thể vẫn còn hầm ngầm hoặc tàn binh.
Tôi đi lại phía cửa mở K9, hỏi thăm loanh quanh người ta bảo: Ông Viện C9 phải không? Ðang gác tù binh ở phía sau khu kia kìa!
Tôi chạy lại, Thấy Viện ( Cùng quê) đang cầm súng gác lũ tù binh dưới hầm. Tôi thông báo tin Ninh đã chết, Viện bảo: Tôi cũng nghe loáng thoáng như vậy, không biết thực hư ra� sao! Chiều nay ông có ghé qua vị trí tập kết của K9 được không? Hầm của tôi còn nhiều hộp lắm, đến đấy gùi ít về mà ăn!
Quay về hầm quân y cho các loại thuốc đã chọn vào gùi, chúng tôi lục tục ra khỏi chốt.
Không gian như loãng ra, những ngày căng thẳng chuẩn bị cho chiến dịch đến nay đã thắng lợi hoàn toàn. Bộ đội được nghỉ ngơi lấy sức, thỉnh thoảng vẳng lại tiếng máy bay do thám buồn bã, cam chịu của kẻ thua trận.
Tôi hỏi thăm và lần tìm đến hướng cửa mở của K7.
Ðơn vị đóng quân trong một khu rừng nứa đại, bộ đội ở đây chẳng ai nằm hầm mà mắc võng tòng teng trong rừng, anh nào cũng có vẻ mới tắm giặt sạch sẽ lắm. Hỏi thăm người ta chỉ sang tiểu đoàn bộ và tôi lần sang trung đội trinh sát, nơi trước Ninh ở.
Người trung đội trưởng trinh sát nói:
-Trinh sát chúng tôi cùng ban tác chiến, ban tham mưu đi trước chuẩn bị địa hình căn cứ Ðắc Xiêng hàng tháng trời. Nghiên cứu sa bàn, bản đồ, chọn hướng cửa mở thế rồi: Ðêm chui vào hàng rào kiểm tra thực địa, có bao nhiêu loại hàng rào, mìn nhiều hay ít. Ngày về sửa lại sa bàn , đêm lại chui vào cửa mở.
Hàng tháng trời thức đêm căng thẳng như vậy, ngày ngủ chẳng là bao. Ðêm cuối cùng phân công cho Ninh cầm súng gác ngoài cửa mở, chúng tôi đang ở trong hàng rào. Khoảng gần 5 giờ sáng thấy có tiếng súng phía� Ninh cảnh giới. chúng tôi bò ra thì thấy một toán địch đang túm phía ngoài hàng rào. Có lẽ mệt quá Ninh ngủ quyên mất, khi địch đi tuần phát hiện thấy nó ngủ dựa vào gốc cây và bắn chết .Chúng tôi đành phải nổ súng dù biết rắng đã hoàn toàn lộ cửa mở. Ðịch chết hai tên,� số còn lại bỏ chạy tán loạn.
Ninh vất vả từ nhỏ, mẹ là vợ kế cùng em gái đi lấy chồng khác, Ninh ở lại với bố và các anh con bà vợ cả. Nhà đông người, tần tảo quanh năm, con trai mà làm đủ mọi việc trong nhà, ngoài đồng. Từ sàng sảy, giã gạo, xay lúa đến cày bừa, cấy hái� úp nơm, đẩy nhủi việc gì cũng hay làm. Cùng nhập ngũ một ngày với tôi,� Ninh bảo:
-                               Là người lính vào đến chiến trường, một là sống, hai là chết. Chết xanh cỏ mà sống phải đỏ ngực, không bao giờ quay lui, đầu hàng!
Hôm nay Ninh đã vĩnh viễn nằm lại ven căn cứ� Ðak Xiêng này, thế rồi chúng tôi, ai còn, ai mất. Ai xẽ quay trở về để báo tin cho gia đình� Ninh đây!
Tôi buồn nản quay về đội phẫu.� Thế là quá rõ ràng - Chiến tranh mà! Ai mà lường hết được.

Ngày 16 Tháng 04 Năm 2004

 Hoàng Kim Hậu

Ðánh chiếm cụm cứ điểm Ðak-pét

 Tháng 5 Năm 1974

 Ðầu tháng 5-1974 hầu hết các cứ điểm phía tây và tây bắc tỉnh Kon Tum đã được giải phóng.
Trên trục đường 14 Kon tum đi Quảng Nam, Quảng Ngãi, cụm cứ điểm Ðăk Pét của địch án ngữ đồng bằng khu 5 lên cao nguyên trung phần.
Ðể mở thông đường hành lang Ðông - Tây, nối cao nguyên với đồng bằng trung bộ, trung đoàn 66 sư đoàn 10 lại nhận lệnh tiêu diệt cứ điểm này.
Ðầu mùa mưa, con đường tiến về phía đông bắc lác đác có những trận mưa nhỏ. đất ba dan đỏ quạch như� muốn bám lấy chân người lính. Nhìn về phía đông, xa tít tắp có một dãy núi xanh biếc phủ mây trắng bồng bềnh làm người ta tưởng rằng: leo lên cái đỉnh nhòn nhọn kia là xẽ nhìn thấy biển.
Tiến về phía đông, rừng ở đây có vẻ bằng phẳng hơn. Lác đác đã gặp những cánh rừng thông già, rất thưa, cây to bằng một người ôm, phía dưới là một thảm cỏ xanh như thảo nguyên vậy. Thỉnh thoảng gặp một vạt rừng toàn cây Vạn tuế, nghe nói loài cây này mỗi năm chỉ ra có một hàng lá, có cây cao đến 5-6 mét. Vậy nó đã có mặt ở mảnh đất này hàng mấy trăm năm rồi.
Chúng tôi đóng quân ven một con suối nhỏ cách Ðak Pét không xa lắm. Phía bên dông đồi là một rừng thông già, một vài khoảng rừng mảnh pháo đã găm vào thân cây từ bao giờ, nhựa cây đọng lại thành vệt dài, vàng màu mật ong, trong suốt như kẹo kéo.
Hai ngày húc hầm, ngày thứ ba bắt đầu lên đường đi gùi gạo và đạn. Không giống như mặt trận Tân cảnh, ở đây chúng tôi ra đường đông vui hơn.
Ðơn vị này chuyển quân, đơn vị kia kéo pháo, nghe đâu trận đánh Ðak pét là thí nghiệm cho trận hiệp đồng binh chủng: Dưới đất thì bộ binh được pháo binh và xe tăng yểm trợ, trên trời có pháo phòng không 14,5 và pháo 37 ly đánh trả máy bay địch. Khí thế ra quân hừng hực và phấn trấn lắm.
Phải hôm gùi gạo nó còn êm lưng, những ngày gùi đạn nhất là cối 82 ly hoặc cối 120 ly chẳng hạn, nó lủng ca lủng củng trong gùi như đàn lợn con vậy. Ra đường thấy đơn vị pháo họ có kinh nghiệm: Bẻ cong hai thanh tre bánh tẻ, kẹp tráo đầu đuôi xếp quả cối thành hàng, họ gùi được đến 6 đến 7 quả đạn.
Một hôm tôi cùng Tích ( Trung đội trưởng- Quê ở Hà Bắc) gò lưng gùi đạn, gặp một� đơn vị bạn hành quân ngược chiều, bỗng� Tích đứng sững người kêu to:
-Ôi anh Bằng!(Hay là Bình-Tôi không nhớ lắm)
Người đàn ông kia sững lại, nhìn như dán vào mặt Tích, thế rồi hai người ôm ghì lấy nhau, Tích nức nở:
-Anh ơi, người ta đã báo tử anh rồi! Mẹ đã lập bàn thờ cho anh rồi, anh ơi!
Tôi bỏ gùi đạn xuống đất, đỡ chiếc gùi trên vai xuống cho Tích. Người anh hạ ba lô xuống ven đường, lấy khăn lau nước mắt cho em còn trên gương mặt của mình thì nước mắt rơi lã chã.
Tôi vặn lưng cho đỡ mỏi, đi xuống suối rửa mặt để cho anh em họ dốc bầu tâm sự. Thế đấy, chiến tranh đến bao giờ cho chấm dứt để không còn cảnh vừa sót sa lại vừa ngọt ngào hạnh phúc như thế kia! Có lẽ người anh đang vội, họ đành phải chia tay nhau, nắm chặt tay tôi, anh bảo:
-Ðây là thằng em ruột, tôi cũng không biết nó vào chiến trường này đâu! Tôi ở trung đoàn 40 pháo binh. Sau chiến dịch này xẽ đến thăm các đồng chí!
Tích gạt nước mắt, bịn dịn nhìn theo chiếc ba lô của anh khuất sau cánh rừng.� Tích nói: Gia đình nhận được giấy báo tử của anh ấy, địa phương đã tổ chức lễ truy điệu rồi. Có lẽ do bị thương lạc đơn vị, ra viện lại chuyển từ đơn vị bộ binh sang trung đoàn pháo binh nên đơn vị cũ báo tử nhầm!
�-Thôi, gặp nhau ở chiến trường thế này là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Cùng đánh Ðak Pét cả, sau chiến dịch đến thăm ông ấy sau! Tôi động viên Tích rồi hai người đeo gùi lên vai hăm hở đuổi theo đơn vị.
Tối hôm sau, chúng tôi nhận lệnh lên dông đồi giáp căn cứ địch� đào hầm cho pháo binh ta bắn thẳng.
�Bám nhau theo một con suối� khá dốc, những vỉa đá trơ trơ cho làn nước gợn qua nhìn trong như thạch. Hai bên suối, loang lổ vết pháo địch bắn đến, có ai đấy đã khoét vội mấy chiếc hầm ếch vào khe suối để tránh đạn. Vậy khu vực này đã nằm trong tầm� pháo và cối của địch rồi.
Chúng tôi leo lên một dông đồi khá bằng phẳng, một vài cây thông cổ thụ thưa thớt đứng trong đêm . Trăng đầu tuần nhạt nhoà, cỏ dưới chân mịn như lụa giải quanh những gốc thông mờ mờ trong sương núi. Phía trước mặt, chỉ thấy mây dăng dăng, có tiếng đề pa khẩu cối của địch đẩy tiếng nổ sang phía bên kia dông đồi, tiếng đại liên kéo hàng băng dài như đe doạ.
Tối hôm sau, công việc vẫn tiếp tục, tổ vác đà cứ vác, tổ cưa gỗ cứ cưa, tổ đào hầm cứ thế mà đào. Không biết do địch bắn hú hoạ hay biệt kích, thám báo phát hiện ra chúng tôi ở đây: Nghe tiếng nổ đầu nòng của khẩu cối đánh kịch một cái, tiếng quả đạn 106,7 xoè xoè bay đến và một tiếng nổ chói tai. Ðịch bắn ngay trên đỉnh đồi , một quả rồi quả nữa, có tiếng rít ngay trên đầu, chúng tôi tranh nhau lao xuống hầm. Trần Xuân Binh( Người Cao Bằng) không còn chỗ nào vội nằm đè lên đầu chúng tôi. Một tiếng nổ long óc, đất cát hất đầy đầu đầy cổ. Bính kêu lên: Tôi bị thương ! Rồi không ai bảo ai tất cả vùng chạy quay về phía sau.Tôi đứng lên, Quả đạn nổ cách hầm không đầy hai mét, đất và cỏ bị quét sạch đến giáp miệmg hầm, xung quanh tôi chẳng còn ma nào cả. Nhìn lên trời trăng vẫn sáng, chiếc túi cứu thương treo trên ngọn le vẫn gật gù sau tiếng nổ. Tôi leo lên giật lấy túi cứu thương và vội vàng đuổi theo họ. Lại một quả đạn nữa bay đến, cả lũ ngu dốt tự nhiên bỏ hầm nằm tơ hơ trên dông đồi, châu đầu vào một cây thông cổ thụ đơn độc giữa rừng hứng pháo. Sau tiếng nổ , toán người bỏ chạy về phía sau đỉnh đồi, nằm bẹp trong khe suối.
Mấy ngày hôm sau, địch cấp tập bắn pháo và cối vào dông đồi chúng tôi đang đào hầm, chúng gọi bom đánh dọc theo khe suối và những cánh rừng ven cứ điểm. Ban ngày thì máy bay trà sát, pháo bắn vô tội vạ, đêm đến cối của địch quăng lung tung, không biết giờ nào hướng nào mà lần.
Hôm sau,chúng tôi bàn giao lại hầm hào cho công binh và đơn vị pháo, chuấn bị súng đạn xuất kích.
Chập tối ngày 14� tháng 5 năm 1974. Tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 7 chia làm hai hướng tiến công Ðăk Pét. Chúng tôi bí mật luồn theo bìa suối, leo qua những hàng rào bằng nứa và chông đã được trinh sát gỡ thành lối đi, qua những vạt nương không biết dân họ trồng những gì, đến sát hàng rào kẽm gai của căn cứ đào hầm.
Ðêm trập trùng, chỉ thấy một vài ánh đèn leo lét, một vệt đèn pin quét đi quét lại. Tiếng súng bắn cầm canh, tiếng chó sủa râm ran rồi lan ra xung quanh cứ điểm. Tôi ngước nhìn lên chốt, phía cửa mở K8 không thấy có tháp canh, không thấy dãy lô cốt và lỗ châu mai nào mà tất cả lù lù, đen sẫm như� trên� sườn đồi.
Các tổ dò gỡ mìn, cắt rào và gá bộc phá bò lên cửa mở. Chúng� tôi đào hầm nín thở căng thẳng chờ từng khắc trôi qua.
05 giờ sáng ngày 15� Tháng 05 Năm 1974, pháo binh ta đồng loạt trút đạn xuống cứ điểm địch, khói lửa bao trùm căn cứ . Lệnh cho bộc phá điểm hoả, một mảng hàng rào vừa chông, vừa tre và hàng rào kẽm gai bị hất tung lên, quét sạch một lối lên cửa mở. 8 giờ sáng, pháo binh ta chuyển làn vào khu trung tâm và phía sau căn cứ, không thấy địch chống cự, chỉ thấy đạn pháo của ta nổ đan vào nhau, kèo hầm và bao tải cát bị hất văng ra xa. Trên trời, máy bay địch ào đến, quăng bom sát hàng rào, mấy chiếc trực thăng bị pháo phòng không của ta hất quay trở lại, đạn pháo 37 ly vàng choé� nối đuôi nhau bám chặt máy bay địch làm cho chúng không dám lại gần cứu giúp đồng bọn.
Lệnh C7 tiến lên chiếm lĩnh lô cốt đầu cầu. Chúng tôi vọt ra khỏi hầm, người nọ bắn ghìm đầu địch cho người kia tiến lên cửa mở. tiếng AK điểm xạ, tiếng lựu đạn nổ lụp bụp phía trong hàng rào. Nguyễn Văn Tròn (Vô Tranh-Hạ Hoà-PT)Nằm sau một gốc cây cụt bắn quả B41 vào chiếc lô cốt đã bị đạn pháo làm sập một góc. Vốn trước là xạ thủ B40, thấy ngứa chân tay,Tôi lom khom bò lên bảoTròn:
- Ông cho tôi bắn một quả đi!
Có ai đấy ra lệnh: B41 Thôi không bắn nữa! B 1 khẩn trương chiếm lô cốt đầu cầu, đánh thẳng lên đi!.B 2 vòng sang bên trái, B3 đánh sang� phải! Nhanh lên!
Tôi cùng bộ đội nhảy xuống một đoạn chiến hào, chẳng thấy xác thằng nguỵ nào cả. Tiếng AK bắn găm, tiếng bộc phá tảo trừ đánh vào lô cốt và các ngăn hầm của địch, bộ đội tổ chức đánh ngược lên đỉnh đồi.
Tôi và người chính trị viên phó tiểu đoàn đi vào một căn hầm cửa rát rộng.Hình như là một kho hàng thì phải, những thùng gỗ và vỏ đạn cối lăn lóc. Một tên lính nguỵ bị thương, cởi trần chùm mảnh dù nằm trên� cáng kê sát chân tường. Thấy chúng tôi vào,� mặt xanh biếc, nó bảo:
-Các anh ơi, Hầm thằng tiểu đoàn trưởng ở ngay hầm bên đó!
-Tại sao mày lại nằm ở đây!
-Dạ - Em là lao công đầu binh bị chúng nó bắt đi gùi đạn đó mấy anh!
- Lao công đầu binh phải cạo trọc đàu hoặc nuôi tóc dài chứ! Mày là lính pháo binh hôm qua bắn chúng tao gần chết còn nhận là lao công hả?! đưa súng đây cho tôi.
Ông cầm súng, mở khoá an toàn và không cần ngắm, một loạt đạn lia sát sàn sạt mặt tên lính nguỵ, bụi đất bay mù mịt, phủ đầy người hắn.
-Lại còn lao công đầu binh hả, Bao nhiêu đồng đội tao hy sinh vì chúng mày rồi!
Chúng tôi tiến lại gần, tên nguỵ bỗng nhiên mở mắt ra:
-Anh tha cho em các anh ơi, em còn mẹ già các anh ơi!
-Nó chưa chết, ông đưa súng đây! Một loạt đạn găm vào người tên lính nguỵ, tay chân hắn đồng loạt giựt lên, mắt trợn ngược bắt chuồn chuồn. Tôi cầm súng và đi ra ngoài.
Ði ngược theo chiến hào sang sườn đồi bên, có hai chiến sỹ đang chĩa súng xuống một căn hầm, lũ nguỵ lúc nhúc chui ra, giơ tay hàng. Tôi ra lệnh:
Bỏ súng xuống, tập trung vào căn hầm này! đứa nào chạy tao bắn chết!
Ðể cho hai chién sỹ gác tù binh, tôi đi về phía súng nổ, có ai đấy gọi: Anh Tích ơi, hầm bên kia có địch!
Tích từ chiến hào vọt lên, bắn một loạt điểm xạ và quát:
������� Ðầu hàng đi! Giơ tay lên!
Bỗng: Bụp một tiếng, Tích ngã huỵch xuống đất- A, địch chống cự, anh Tích bị thương rôi! Bộc phá đâu? .
Hai quả thủ pháo cùng ném sang đoạn chiến hào bên. Không được, để nó đấy cho tôi! đem quả bộc phá ống lại đây!
Bích (Nam Hà) cầm quả bộc phá ống chuyên phá hàng rào, dài hơn một mét, to bằng bắp chân, giật nụ xoè rồi lao vào đoạn chiến hào có địch. Một tiếng nổ rung cả chiến hào, bộ đội ào sang.
Dưới hầm, địch đứa thì chết, đứa bị thương, số còn lại ngơ ngác như kẻ mất hồn nhưng tất cả chúng đều nhớ một điều: Giơ cao hai tay qua đầu xin hàng.
Lũ tù binh bị đưa lên hầm, một thằng tù binh lắp bắp tâng công: Anh ơi, thằng thượng sỹ này vừa rồi bắn anh giải phóng đó, mấy anh!
Thằng nào!? thằng này à! Thế thì thịt thằng này đi thôi !
Tên nguỵ đã bắn anh Tích bằng khẩu Côn 60 mặt cắt không còn hột máu, nó lem lém cúi đầu, mắt liếc ngang dọc. Tôi nhìn nó mà máu sôi lên, nhiều lần định vác súng gì vào cổ tên nguỵ ấy mà bóp cò.�
Một đoàn cán bộ ban chính sách đến làm công tác tù hàng binh, tôi� cùng Bính đi dọc chiến hào lục soát,. ở đây các căn hầm đều đào vào trong lòng đất, phía trước để một khoảng� đi tương đối rộng. Có một căn hầm cửa vẫn khoá, Bích đi tìm búa đập, tôi bảo:
-Cần gì phải búa, đưa súng đây!
Ghé súng vào khoá nảy cò, cửa bật ra, tôi tống một quả lựu đan khói- Vào đi!
Khói đặc quánh, không nhìn thấy gì cả. Thôi, sang hầm khác!
Phía cửa mở K7, Xe tăng của ta đã chiếm khu vực trung tâm, căn cứ Ðak Pét thất thủ hoàn toàn, cờ giải phóng tung bay trên sở chỉ huy của địch, nhìn sang khu A và B chỗ nào cũng thấy bộ đội ta áp tải tù binh. Những chiếc máy bay không bắt được liên lạc, trút bom bừa bãi xuống ven cứ điểm rồi chuồn mất. Còn lại thằng VO10 lảng vảng ngoài xa chứng kiến thêm một cụm cứ điểm bị trung đoàn 66 chúng tôi xoá sổ.
Tích đã hy sinh, chúng tôi đưa anh về đỉnh đồi có những cây thông đơn côi và� vạt cỏ mịn như thảo nguyên chôn cất. Anh nằm đó, mặt hướng về phía biển, nơi có những con sóng ầm ào, có một khoảng trời bao la mà anh hằng� mơ ước.
Ngày hôm sau, người anh trai của Tích tìm đến, có ai đủ can đảm để chứng kiến cảnh bi thương này hay không. Họ gặp nhau trong nước mắt và vĩnh biệt nhau trong hoàn cảnh trớ trêu đầy đau thương như vậy.Tôi không đủ sức cùng anh ra viếng mộ Tích mà ở nhà chùm chăn mắc võng trong rừng, tôi như muốn quyên đi tất cả.

Ngày 09 Tháng 05 Năm 2004


Hoàng Kim Hậu
Dưới chân núi Chư-Mom-Ray

Tháng 3 - 1973 chúng tôi chuyển hậu cứ về chân núi Chư-Mom-Ray. C7 đóng quân cạnh một con suối khá rộng. Phía tây, một dông đồi thoai thoải với cánh rừng thưa xen lẫn nứa và giang. Lán trại nằm trên bãi đất bằng phẳng ven suối, những bụi nứa và cây con đã được chặt quang tinh để lại cây to nguỵ trang và làm bóng mát. Phía trước là một con suối lớn, một vũng nước sâu có những cây cổ thụ mọc nghiêng ra� rủ bóng dương sỷ nhìn có vẻ hoang sơ lắm. Mặt nước xanh biếc vắng lặng im lìm như miệng hang động. Tôi cứ mường tượng ở dưới đó� có hàng đàn cá sấu và thuồng luồng trú ngụ.
Ven suối là bếp và nhà của anh nuôi, cách 6-7 mét là nhà quản lý , văn thư, y tá đại đội. Chếch bên trái nhà hội trường, sang bên phải là nhà đại đội bộ. Các trung đội làm tản ra xung quanh cách nhau từ 10 đến 15 mét. Riêng tiểu đội cối của Khoản chốt trên đỉnh đồi phía tây để bao quát toàn đại đội.
Nghe tiểu đoàn phổ biến ở đây xây dựng hậu cứ lâu dài nên các lán trại làm đẹp đẽ, đầy đủ hầm hào và chắc chắn. Trung đội này nối với trung đội kia nền sân được quét dọn sạch sẽ, rất mát và thoáng.
Ðại đội có khoảng gần 50 người, anh Choáng (Quê Cao Bằng) làm đại đội trưởng, anh Chung (Hoà Bình) đại phó. Anh Lan (Tư Mỹ-Tam Nông-Phú Thọ) chính trị viên trưởng, Nguyễn Văn Chương(Nam Hà) làm liên lạc đại đội.
Lán của tôi lợp bằng phên nứa, xung quanh vách nhà đan nong mốt rất vuông vắn. Trong nhà có hai giường, ở giữa là chiếc bàn uống nước, bên kia Tạ Văn Sang (Hưng Hà-TháI Bình) quản lý và Trần Xuân Thu (Sơn Dương-Tuyên Quang) văn thư đại đội.Tôi và Nguyễn Văn Ninh (Hoà Bình ) hai y tá nằm chung một giường.
Ðại đội có 4 anh nuôi, mỗi người một quê: Trần văn Hợp dân tộc Mường (Thanh Sơn-Phú Thọ ), Hoàng Văn Ðường (Tam Ðường-Lào Cai), Lý Sài Quẩy dân tộc dao (Sa Pa-Laò Cai) và Tô Văn Mậu người Nùng ( Tân Văn-Bình Gia-Lạng Sơn).
Hàng ngày, đại đội cử hai chiến sỹ đi cải thiện lấy măng và� rau rừng, còn lại tất cả lên thao trường tập quân sự. Anh nuôi vừa phục vụ ba bữa cơm cho bộ đội, vừa chăn nuôi và trồng rau cải củ ven suối. Ninh theo bộ đội lên thao trường,� còn tôi ở nhà chăm sóc bệnh nhân sốt rét, viết báo tường và trang trí cho đại đội.
Con suối chảy qua đại đội về đến đây chia làm hai dòng chảy, bên kia suối có một bản nhỏ bỏ hoang từ thời Ngô Ðình Diệm dồn dân, bom đánh cả vào bản, những cột nhà cháy đen xì, xung quanh cỏ gianh mọc lút đầu người. Con đường lên tiểu đoàn bộ phải đi dọc theo bản mất 7 đến 8 phút đi bộ, mỗi lần qua thấy rợn cả tóc gáy. Hợp bảo: Hổ báo thường hay trú ngụ trong rừng gianh như thế này lắm!
Ðể củng cố vững chắc hậu cứ, tự túc một phần lương thực và thực phẩm. Trung đoàn khuyến khích các đơn vị chăn nuôi sản xuất, phát nương làm rẫy. Ðể kịp thời vụ gieo hạt vào đầu mùa mưa, đại đội để các đồng chí ốm yếu ở nhà coi lán trại, số còn lại mang tăng võng lên rừng phát nương.
Trong đại đội còn lại anh Chung� đại đội phó, Sang quản lý, y tá là tôi và hai anh nuôi. Hàng ngày tôi lên các trung đội kiểm tra sức khoẻ của bộ đội, nhắc nhở vệ sinh toàn khu vực, Phát thuốc và tiêm cho bệnh nhân nặng. Thời gian rỗi, tôi vác khẩu Cacbin đi dọc theo suôí săn bắn.
Xuôi theo dòng suối phia dưới đại đội có một con thác nhỏ, nhìn sang bờ bên lau sậy mọc um tùm. Bờ bên này là một dải đất bằng phẳng, mọc rất nhiều cây trám xanh, quả rụng trạt gốc. Một lần Hợp bảo: Các ông có biết người ta hái trám như thế nào không? Nếu hái từng quả thì bao giờ cho được trong khi cây trám nào cũng to và cao. Phải biết cách, thích thu hoặch cả cây hay từng cành cũng được, chỉ cần dùng dây thép đánh nín hoặc buộc bó muối xung quanh gốc là sáng mai trám rụng bạt ngàn!� Ði một đàng học một sàng khôn -Mấy cái ông "Tông dật" này cũng nhiều ngón nghề lắm!
Có đàn khỉ thoáng thấy người đã nhảy xuống đất chạy ào ào vào rừng , có con chim xanh như chim chả cá bắn một phát nó bay đi đâu mất. Tôi ngồi ven thác xem những đàn cá vượt dòng rồi sách súng quay về đơn vị.
Phát nương và trồng tỉa xong, đại đội trở lại hậu cứ huấn luyện. Những ngày đầu mùa mưa, khoa mục chiến thuật không tập được vì thao trường lầy lội, ướt bẩn. Bộ đội chuyển sang học xạ kích, đem theo tăng để che lên bệ bắn. Một hôm tôi đang� đứng trước nhà cắt tóc cho Chương thì thấy một loạt AK bắn ngay sau đại đội. Thường thì trong hậu cứ, công tác bí mật quân sự luôn được nhắc nhở, không mấy ai bắn súng trong vị trí trú quân cả. Hôm nay ai đó lại kéo hàng tràng tiểu liên. Biệt kích đổ bộ hay có vấn đề gì đây? Cả đại đội nháo nhác.
Thấy Viện (Quê Hà Giang ) trung đội trưởng lên báo ban trên tiểu đoàn về bảo: Có một con� Nai ra vườn củ cải của đại đội ăn rau đã bị bắn chết, cho người ra khiêng về ngay!
Thế là chúng tôi vui như� hội, con Nai hơn hai tạ được kéo theo suối về nhà bếp. Hai chiếc sừng mới thay, nhung mọc nhú dài hơn gang tay, mềm nhũn được cắt một chiếc cho vào nấu cháo chia toàn đại đội. Còn lại chiếc kia theo luật ở rừng: Phần thưởng của người săn thú.
Vấn đề đại đội quan tâm là: Có nên báo cho tiểu đoàn biết hay không? Nếu báo tiểu đoàn thì chắc chắn con Nai này phải chia cho các đơn vị trong toàn tiểu đoàn.. Thế là chúng tôi cố ý im luôn. Ngoài thịt tươi để lại ăn trong vài ngày, chúng tôi cho lên bếp xấy khô. Số còn lại Hợp đem ướp trong các thùng đạn đại liên để ăn dần.
Chẳng biết ma sui, quỷ khiến thế nào lại đến tai ông Vũ Văn Kết-(Quê Nam Ðịnh) Chính trị viên trưởng tiểu đoàn. Nghe chừng để lại không có lọt, đại đội cử� hai người gánh thịt lên biếu tiểu đoàn bộ.
- Tiểu đoàn bộ không ăn thịt này- Ông �Kết môi đã thâm vì sốt rét nay lại càng như xám hơn.- Ðại đội 7 gánh ngay lên cho anh em thương bệnh binh của ta đang điều trị tại bệnh xá trung đoàn!
Ðấy cũng là bài học về đạo đức tác phong, lối sống lành mạnh liêm khiết vì tập thể mà chúng tôi nhận được từ người chính trị viên liêm khiết và rất nghiêm khắc này.
Vào trung tuần tháng 7- 1973. Chúng tôi đang chùm áo mưa làm cỏ lúa trên nương thì nhận lệnh quay về chuẩn bị súng đạn xuất kích: Nguyễn Văn Thiệu trắng trợn phá hoại hiệp định về ngừng bắn, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Lợi dụng mùa mưa, chúng tung quân đánh chiếm hậu cứ của trung đoàn 95-Khu vực Ngô Thanh-Tà Rộp ven thị xã Kon Tum.
Ðó là một chiến dịch đầy khó khăn gian khổ, đầy hy sinh mất mát và cũng là bản anh hùng ca của các anh hùng, liệt sỹ, những người cán bộ và chiến sỹ của trung đoàn 66 chúng tôi.
Sau gần hai tháng, trung đoàn� 95 vừa đánh địch vừa di chuyển hậu cứ. Trung đoàn 66 dùng hai tiểu đoàn -(K8 và K9 cùng các đại đội phối thuộc) chiến đấu với 3 trung đoàn nguỵ quân Sài Gòn (53 - 44 - 45 ) có xe tăng và máy bay yểm trợ tối đa trong điều kiện xa hậu cứ và đang vào mùa mưa dữ dội. Lúc xuất kích quân số đại đội tôi có gần 60 người .Khi trở về hậu cứ, chúng tôi còn lại 10 người kể cả anh nuôi văn thư và quản lý đại đội. Anh Lan chính trị viên tử trận, anh Choáng và đại phó Chung bị thương, đại phó Thấu lãn binh nhận án kỷ luật.
Sau khi rút về hậu cứ, chúng tôi thiếu cán bộ nghiêm trọng. Trong thời gian chờ cán bộ tăng cường, mấy anh em tự quản, chia nhau vào các lán gần nhà đại đội bộ nghỉ ngơi cho ấm cúng. Thế rồi mấy chiến sỹ sốt rét và bị thương nhẹ cũng lục tục quay về đại đội.
Cuối mùa mưa, con suối trước nhà đã cạn đi nhiều và có vẻ trong hơn. Hàng chiều, chúng tôi cứ tồng ngồng cởi trần từ trong nhà chạy ra nhảy ùm xuống vũng nước trước cửa đại đội tắm giặt. Có hôm hứng trí kẻ cầm súng, người sách túi cơm cứ tồng� ngồng đi dọc theo suối bắn cá. cái vùng này đi cả ngày đường cũng chẳng gặp một người dân nào, may ra chỉ có lính với lính mà thôi.
Một hôm Hợp rủ tôi đi săn. Hai thằng hai khẩu súng đi ngược con suối lớn rồi rẽ sang con suối bên trái vào chân dãy Chư Mom Ray.
Con suối vòng vèo mang đầy vẻ hoang sơ bí hiểm. Hai bên bờ, chuối rừng mọc chen trong cánh rừng nhiệt đới với những cây cổ thụ già cóc cáy, những dây leo to bằng bắp đùi vằn vèo quấn vào nhau ẩn hiện dưới tán cây� trông như một con trăn đang rình mồi. Cánh rừng im lìm, huyền bí vi vút gió ngàn và văng vẳng tiếng vượn hú gọi bầy. Hợp kể: -Năm ngoái ở hậu cứ Chư hinh, có những hoang rừng mà hầu như chỉ có lính mới đặt chân tới. Từng đàn vượn tranh nhau ăn quả - Ðoàng một phát, một con lộn cổ xuống, những con khác vội vàng vít lá che vào đit rồi nhòm xuống đất. Cứ như thế có hôm một đàn mà bắn được ba bốn con rồi lũ vượn mới ù té chạy. Có đoạn suối khi lội xuống, nước trong vắt nhìn rõ cả bàn chân, hàng đàn cá tung tăng bơi đến lượn quanh chân của lính., nếu có một sải lưới thì thao hồ mà ăn cá.
Bỗng Hợp bấm tay tôi, có một đàn lợn rừng vừa từ dưới suối đi lên, Hợp ra hiệu cho tôi dừng lại và lom khom tiền nhập tới gần. Hai loạt điểm xạ, đàn lợn chạy phá lên rừng, lại một loạt đạn nữa bắn ngược đỉnh đồi, chẳng thấy con nào kêu eng éc cả. Chúng tôi tìm qua quýt rồi bỏ đi:
-Mẹ nó, rõ ràng mình thấy hai con đứng xo le nhau trong bãi lá dong này, chắc mẻm trượt con này thì dính con kia thế mà lại hỏng ăn cả, xui xẻo quá!
Ðến một vũng nước có một ụ đá ở giữa dòng, nghiêng ngó một lát, Hợp bảo: Dừng lại thôi! Thế rồi hai thằng đặt súng, ôm đá to cả bằng chiếc mũ quăng xuống suối. Cởi quần áo và lao xuống, Hợp bảo:
-Ông lấy đá chèn hết các cửa hang bên ấy, để lại một hang thò tay vào mà bắt!
Tôi làm theo, hàng đàn cá cựa lục cục trong hang, một tay bắt cá quăng lên bờ còn tay kia giữ chặt hang đá. Thế rồi cá vào sâu bên trong, tôi thò chân vào hang, khi thấy cá bò theo chân ra đến đùi là chộp lấy. Chúng tôi tay không mà bắt được gần một yến� cá rồi vội vàng kéo nhau ra về. Ngày hôm sau lại đi bắt cá, Hợp vẫn cay cú ghé qua bãi lá dong, thấy bó lạt của ai bỏ lại, tôi bảo:
-Hôm qua không thấy bó nạt này, có khi con lợn bị bắn chết, có thằng nào tìm thấy hớt tay trên bọn mình rồi cũng nên!
Lúc ghé qua tiểu đoang bộ, thấy Lê -Y tá tiểu đoàn quê (Hạ Hoà-Phú Thọ) cười:
-Hôm qua biết hai lão đi săn thì mời luôn về tiểu đoàn bộ ăn bữa lòng sốt có phải vui không!
Thế có cú không cơ chứ!
Thời gian sau, anh Tẩm ra viện về phụ trách đại đội. Trung đoàn điều anh Nguyễn Văn Mão-Quê (ở Thanh Oai-Hà Tây) làm chính trị viên trưởng. Tôi hỏi thăm Khoản, anh Tẩm bảo: Khoản bị cứng khớp gối đang chờ làm thủ tục ra bắc, không quay lại đây nữa đâu!
Một lần Hợp bảo chúng tôi tập trung tát vũng nước trước nhà, tôi lắc đầu: Suối sâu, đá lởm chởm thế kia lấy gì đắp bờ giữ nước mà tát cá?. Hợp nói: Không biết thì cứ làm đi rồi người ta bảo!
Thế là chúng tôi, kẻ bê đá, người khai luồng, Hợp như nhạc trưởng đứng chỉ huy, Xong xuôi, anh ta hô người dỡ tấm nứa lợp mái chuồng lợn xuống, xếp chắn dòng chảy về vũng nước, lấy mấy chiếc tăng ni non đặt lên thế là nước chảy sang dòng bên ngon lành.
Biết chắc không bao giờ tát suối lại cạn hết nước, anh ta lên rừng tha về một ôm vỏ cây và bảo chúng tôi đập ra, ruốc cá. Vũng nước tự nhiên chuyển màu vàng như nghệ, các chàng cá nhà ta thi nhau thò cổ lên ngáp. Kinh nghiệm ở rừng thì chúng tôi chịu thua cái lão Hợp này thật !
Cuối năm, tiết trời se lạnh, sương muối bay mờ mờ đỉnh núi phía xa. Chiều về hoặc tang tảng sáng, nghe dông đồi phía xa kia, từng đàn vượn hú gọi nhau đến nao lòng.
Một buổi sáng, Lý Sài Quẩy dậy sách nước nấu cơm hớt hải chạy về: Xung quanh nhà mình có Hổ!
Chúng tôi chạy ra, vết chân Hổ to bằng miệng bát B52 in bên bờ suối. Từ ngày bé đến giờ tôi mới nhìn thấy vết chân hổ, kể cũng đáng sợ thật.
Sáng hôm sau lại thấy vết chân con Hổ hôm qua lượn cạnh bếp anh nuôi, có lẽ nó phát hiện ra đàn lợn đại đội nuôi trong chuồng nên rình mò để bắt. Anh Tẩm lệnh cho bộ đội đóng cọc chắc chắn bên ngoài chuồng lợn chống Hổ. Trong cuộc giao ban� thông baó cho bộ đội: Ði ra ngoài phải có từ hai đến ba người và mang theo súng!
Thế là huyền thoại chúa sơn lâm được người ta thêu dệt đủ loại, ly kỳ nhất vẫn là câu chuyện của Viện ( Hà Giang ) kể: Hồi chưa nhập ngũ, Hổ vào nông trường bắt mất một con ngựa giống, Bảo vệ nông trường toé loe đi tìm và thấy Ngựa đã bị Hổ ăn hết gần một nửa. Cái giống ăn thịt này bao giờ cũng không quyên miếng mồi cũ và thế là nông trường nhờ đơn vị biên phòng đóng quân bên cạnh phục kích bắn Hổ. Ði săn thú dữ không phải ai cũng dấm đi, cả đơn vị chỉ có một chiến sỹ người Cao bằng nhận lời và nhờ tôi đi cùng.
Chúng tôi hai người hai khẩu AK, hai đèn soi thật sáng, leo lên một cây cao có ba trạc cạnh con Ngựa ngồi rình. Ðể thật yên tâm, chúng tôi dùng dây buộc chặt người mình vào cành cây cho chắc ăn.
Ðêm mùa đông, sương muối lạnh giá, tôi đang khật khưỡng, lơ mơ thì thấy có mùi vừa khét lại vừa thum thủm. Bật đèn nhìn xuống, thấy như có ai đang cầm đóm hút thuốc bên dưới gốc cây. Quái lạ, tôi véo vào đùi đau điếng, không phải mình ngủ mê. Nhìn kỹ thì� ra một con Hổ vằn vèo,� chân trước đang đặt lên đầu con Ngựa, nhắm một bên mắt, ngiêng đầu nhìn lên ngọn cây. Mắt Hổ bắt đèn màu đỏ, không phải màu xanh như các loài thú khác. Lông my vừa cứng lại vừa dài, chớp chớp một bên như tàn lửa đang rơi xuống. Tôi run lên, cùng như một lúc, chiến sỹ bên cạnh cũng vừa nhận ra con Hổ, không ai bảo ai, hai người đồng loạt nảy cò.
Con Hổ chồm lên một đoạn rồi lăn vào một bụi cây, người tôi lạnh buốt, răng khua vào nhau lập cập, cứ thế chúmg tôi ngồi ôm nhau trên cây mong cho trời mau sáng.
Con Hổ rúc vào trong bụi, thò đuôi ra ngoài. Chờ cho sáng thật rõ mặt người, chúng tôi bắn thêm mấy phát nữa cho chắc chắn thế rồi mới dám cởi dây tụt xuống đất.
Hình tượng chúa sơn lâm đối với chúng tôi lại càng đáng sợ.
Thời gian này, đại đội nhận thêm một đợt tân binh quê ở Vĩnh phúc, hầu hết từ Vĩnh tường trở xuống. Có một chiến sỹ tên là Xuân, người béo trắng, nghe đâu hồi nhỏ bị chó dại cắn chữa chạy thuốc nam đã tạm ổn định. Nhập ngũ đi trên đường dây lại bị sốt rét ác tính, nay chuyển sang như người tâm thần. Rát thích khen đẹp trai, ai bảo hò là hò, bảo hát là hát ngay. Anh ta thích nhất bài hát Nổi lửa lên em -Các cụp cum- Bụm môi làm nhạc thay cho cối gĩa. Cứ thấy mặt anh ta là Sang lại bảo: Làm bài cắc cụp cum đi!
Có một tân binh đến tìm tôi, anh ta là tiểu đội trưởng khung huấn luyện, ở lại chiến trường và được biên chế vào khẩu đội cối.
-Anh ở Tứ Xã phải không? Năm 1972 em về nhận quân ở quê anh rồi đấy!
Anh ta tự giới thiệu tên là Phạm Hồng Quân- (Quê Phú Lộc-Phù Ninh-PT).Trong chiến trường, gặp người cùng tỉnh đã là thấy quý lắm rồi,Quân và tôi lại cùng một huyện, tự nhiên� chúng tôi thấy thân nhau hơn. Có câu chuyện gì Quân đều cho tôi biết kể cả mối tình đầu đã ăn dạm với Liên, người con gái cùng xóm.
Cách đây mấy tháng, trung đoàn gửi lợn giống cho các đơn vị nuôi để chuẩn bị cho ngày 22 Tháng 12 và tết âm lịch 1974.
Không hiểu con lợn của chúng tôi đi tư tỏi kiểu gì lại chửa chềnh ềnh ra đấy, thế là ngày 22 - 12 - 1973 - Ngày tết quân đội -Chúng tôi đành phải nuôi cho nó đẻ để lấy giống. Ngày lễ trông chờ vào nguồn thực phẩm của trên cấp và một phần vào rừng tự túc. Năm ấy, chúng tôi tổ chức khá rôm rả: Gạo nếp nương đem sôi và nấu các loại bánh, đường, sữa cho vào nấu kẹo vừng, kẹo lạc. Ban ngày cho các trung đội thi kéo co, đêm về tổ chức văn thơ, hái hoa dân chủ...
Sáng hôm sau anh nuôi báo mất con lợn nái. Nhìn xung quanh không thấy có vết máu hoặc vết chân Hổ. Anh Ðường và Hợp chia nhau đi tìm.
Ðến một bụi gianh trên dông đồi sau nhà, thấy có tiếng lợn mẹ hộc lên và tiếng lợn con kêu eng éc. Tưởng rằng Hợp đang dồn đàn lợn về, vừa lẹp kẹp đôi guốc mộc, vai khoắc khẩu súng AK, nhòm vào bụi gianh, Ðường hỏi:
- Thế nào? Nó đẻ mấy con hả ông?!
Con Hổ to lớn ngồi chồm hỗm trong bụi gianh, đang nhai lợn con, mồm và máu be bét. Lợn mẹ bị vuốt Hổ móc lòi hai mắt đang cuồng lên hộc văng mạng sang hai bên. Không còn hồn vía nào nữa, Ðường chạy tháo lui, tay kéo cò, súng khoắc trên vai cứ nổ tằng tằng theo từng bước chân, đôi guốc văng đi đâu mất, miệng líu lên: Hổ-Hổ-Hổ Hổ!
Tôi nhảy tót vào nhà vớ lấy khẩu AK, đại đội nháo nhào như chuẩn bị đánh nhau với biệt kích. Hợp ở đâu chạy về cùng Viện và mấy chiến sỹ cắp súng lò dò tiến lên đồi như mò vào cửa mở.
Con Hổ chạy mất, để lại lợn mẹ mù hai mắt và một lợn con bị Hổ ăn mất một nửa.
Vuốt Hổ sâu lút ngón tay, chúng tôi dồn về và giao cho Ninh, y tá - Kiêm thêm chức thú y đại đội. Lợn mẹ và đàn lợn con được ưu tiên chăm sóc đặc biệt. Sau này cả đàn lợn đều trưởng thành và đã hy sinh theo đúng nghĩa của nó.
Một buổi tối, Sang đi họp về bảo Thu-Văn thư đại đội:
-Quân lực tiểu đoàn điện cho ông lên ngay nộp bảng tổng hợp quân số hiện có, trang bị hiện nay như thế nào! Lại chuẩn bị xuất kích hay sao ấy!
-Biết rồi, nhưng sao lại phải đi ngay bây giờ?
-Chắc là rất cần thiết nên quân lực mới yêu cầu ngay lập tức! Ông thử điện thoại lên xem!
Thu vội vàng chạy lên� đại đội bộ. Vừa ra khỏi nhà, Sang nói với tôi:
-Tý nữa thằng Thu về, Tôi thì nâng cao quan điểm nhiệm vụ chiến đấu, còn ông cứ tán Hổ mạnh vào nhá! Nó sắp kết nạp Ðảng, để lần này thử thách nó luôn!
Thu về mặt méo xệch:
-Không biết có cái gì nghiêm trọng mà các lão ấy bắt lên đêm hôm như thế này!..
-Biết đâu lại xuất kích ngay như đợt Ngô thanh!? súng đạn mà không đủ thì toi, mình lại là quân lực!..
Tôi biết Thu trùng trình là sợ con Hổ trong rừng gianh vẫn loanh quanh bên suối.
-Thế nhưng sương lạnh thế này, Hổ là hay đi rình mồi lắm!
-Ư đúng rồi!Lôi thôi là toi mạng với nó chứ chẳng bỡn!
- Nhưng nhiệm vụ chiến đấu không thể bỏ qua được! Rất cần thì tiểu đoàn mới gọi!
-Nhưng mà đi qua bãi gianh tối như thế này cũng nguy hiểm lắm! Hổ lại hay rình mồi cạnh đường mòn!
Thu đi ra rồi lại đi vào, một phần đi, hai phần không.
Sang bồi thêm:
- Mà hình như ông đợt này kết nạp Ðảng hay sao ấy! Không hoàn thành nhiệm vụ là chúng tôi cũng khó nói lắm!
Ðến nước ấy Thu đành quyết định sắn quần lên đường. Trước khi ra khỏi nhà, hắn dặn:
-Thôi, sống hay mái cũng phải đi. Nhưng thế này nhá: Tôi lên khỏi suối sẽ bắn ba phát, đến đầu bản làm ba nhát nữa, chạy đến giữa bản cũng như vậy và ra khỏi bản là ba phát kết thúc! Còn nếu tôi kéo liên thanh hàng tràng dài là các ông phải ra cứu đấy!
Hắn lùi lũi cắp súng qua suối, chúng tôi ôm nhau bảo: này chuẩn bị đoàng!
Ðúng như hợp đồng, Thu bắn đủ bốn loạt loạt đạn, sau đó không gian trở lại yên lặng. Sáng sớm hôm sau thu mệt mỏi quay về:
- Các bố ấy lại bảo-Tối quá thì mai lên cũng được, làm mình sợ gần chết!
Gần đến tết Nguyên đán, đại đội cho Hợp và Quẩy đem theo áo quần, tăng võng lên cắm chốt trên sườn núi Chư-Mom -Ray săn bắn thú rừng. Ðược bao nhiêu xấy khô, đầy hai gùi thì quay về để chuẩn bị tết! Chúng tôi ở nhà người thì giã bột, người chuẩn bị lá bánh, xảy vừng, chọn Lạc để nấu kẹo.
Ðúng Ngày 27 tết, đại đội đang họp tổng kết thi đua năm 1973, Thu lên tiểu đoàn đón tân binh bổ xung cho đại đội. Bỗng ào một cái, máy bay địch lướt qua, tiếng bom rít qua đầu và một loạt tiếng nổ rung hội trường.
Chúng tôi được lệnh sơ tán và chuẩn bị xuất kích.
Tiểu đoàn điện về đại đội:
- Bom đánh trúng tiểu đoan bộ! Ðường dây điện thoại bị đứt, quân y tiểu đoàn bị thương gần hết! Cho anh Hậu lên ngay tiểu đoàn và mang theo thuốc cấp cứu!
Tôi cầm thuốc đi lên ngay tiểu đoàn, qua bãi gianh đã thấy một đoàn cáng thương đi ra, tôi hỏi:
-Thương binh có nhiều không hả đồng chí? Thằng Thu C7 có sao không?!
-Thu bị thương đang cáng đàng sau ấy!
Tôi giữ đoàn cáng Thu lại, hắn bị thương vào chân và mông, không gãy cụt đâu cả. Thế là may lắm rồi. Tôi động viên hắn mấy câu, đoàn cáng thương cũng vội vàng đưa thương binh về phẫu.
Ðến tiểu đoàn bộ, bom đánh sập nhà hội trường tiểu đoàn, mái tranh bị cháy dập lửa chưa hết vẫn còn bốc khói. Hầm quân y quả bom nổ ngay bên cạnh, lật bay ụ đất đắp nóc hầm, đứng trên mặt đất nhìn xuống nền hầm rõ mồn một. Anh Ðào và y tá Lê bị sức ép, máu mồm và máu tai chảy ra nhưng vẫn đang quyết tâm cứu chữa thương binh.
Ðoàn tân binh mới bổ xung về đến tiểu đoàn bộ, quân lực đang phân cho các đại đội thì bị bom oanh kích. Một số hy sinh và bị thương, có vài tân binh đang rửa chân hy sinh ở ven suối. Trung đội thông tin nằm phía bên kia suối, tiểu đội trưởng Khắc hy sinh ngay trên bếp khi đang tráng bánh.
Ðó là bài học về công tác phòng gian, bảo mật, an toàn khói lửa nơi đóng quân. Chỉ cần chủ quan, sơ sảy một tý là đổi bằng xương và máu của bộ đội.
Liệt sỹ được chôn cất trên dông đồi sau trung đội thông tin. Ngay tối hôm ấy, con Hổ mò đến bới tung ngôi mộ của Khắc, may mà ở hậu cứ, liệt sỹ được an táng rất sâu nên nó bới không tới.
Năm ấy chúng tôi ăn tết tuy đầy đủ về vật chất và tinh thần nhưng vẫn có một nỗi buồn thật khó tả.

Nhớ câu thơ của Xuân Quỳnh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.

Có bao nhiêu mẹ liệt sỹ như thế

Mẹ già lắm rồi. Không biết bao nhiêu lần ông mặt trời soi qua khe cửa. Bao nhiêu buổi hoàng hôn tím ngắt để rồi mẹ ngồi bên bậu cửa, ngóng đứa con trai của mẹ trở về.
Tôi và Phùng Văn Kế cùng nhập ngũ tháng 12 - 1970. Kế ở Thuỵ Vân -Việt Trì-Phú Thọ. Cùng vào chiến trường, cùng học lớp Y tá tại bệnh xá của trung đoàn 66- F10-QÐ3 mặt trận Tây Nguyên.
Tháng 10 -972 chúng tôi theo đội phẫu tiền phương phục vụ chiến dịch giải phóng cứ điểm PLây Cần (Bến Hét).Tháng 11 - 1972 lại phục vụ chiến dịch Ðak Xiêng. Ðêm hôm ấy hai đứa cùng đội phẫu lạc vào trận địa DKZ của ta và bị B52 vùi xuýt chết.
Cuối năm 1972 tôi được điều về làm Ytá của đơn vị bộ binh, còn Kế về đơn vị pháo 12 ly7.
Tháng 1 - 1973 đơn vị tôi đánh chiếm điểm cao 601( cách Kon Tum khoảng 8Km về phía bắc). Ðại đội 7 cùng khẩu đội 12.7 ở lại giữ chốt. Hàng ngày đội bom, đội pháo đánh lui hàng chục đợt phản công của bộ binh Nguỵ.
Ðể giảm bớt quân số trên cao điểm, giảm thương vong và mở rộng tầm bao quát chi viện cho chúng tôi đánh bộ binh và bắn máy bay của địch. Kế cùng khẩu đội chuyển ra ngoài hàng rào đào hầm.
Hôm ấy khoảng hơn 3 giờ chiều. Bom im, pháo địch vừa ngừng bắn. Bỗng có tiếng nổ làm rung chuyển cả điểm chốt. Tôi chui ra khỏi hầm, một cột khói đen xì bao trùm phía ngoài hàng rào, cây cối, đất đá bay tơi tả. Có ai đấy nói vội vàng: Bom nổ chậm rồi!..
Phía khẩu đội 12.7 thấy bộ đội chạy xô đến vị trí vừa nổ, không biết có ai việc gì không. Tôi đang phân vân thì điện thoại� của đơn vị Kế gọi Ytá bộ binh sang ứng cứu.
Tôi sách túi cứu thương cùng mấy chiến sỹ len qua hàng rào kẽm gai chạy sang. Trước mặt tôi cảnh vật thật thê thảm: Khói đen nát bét cây cỏ xung quanh, người ta đang nhặt những mảng còn sót lại của liệt sỹ. Một thương binh máu đỏ lòm đầy mặt chỉ còn hai con mắt chớp chớp.
Tôi được biết: Ðào gần xong công sự chiến đấu, Kế cùng một chiến sỹ liên lạc vào rừng chặt gỗ về làm hầm.Người đại đội phó ở nhà sửa sang và hoàn thiện nốt công việc còn lại.Kế vác bó gỗ về, vừa nặng lại vừa mệt, Kế lao bó gỗ xuống cạnh hầm không ngờ trúng luôn quả mìm chống tăng của địch còn sót lại. Cả người và bó gỗ bay lên trời.
Người đại đội phó đang lom khom xúc đất dưới hầm, mảnh mìn cắt ngang qua mặt, sống mũi bị chia làm hai, môi trên xệ xuống không nhìn thấy mồm đâu cả, máu phì phì tuôn ra từ cái miệng vết thương toang hoác ấy.
trong trường, chúng tôi được học cách sử lý các vết thương phức tạp như: Vết thương đứt động mạch cổ, vết thương sọ não, vết thương ổ bụng�Ðứng trước người thương binh này tôi thật lúng túng. Băng bó, cầm máu làm sao đây, sống mũ gồ ghề, nếu băng thật chặt thì thương binh thở bằng cách nào trong khi mồm và mũi đều tịt cả. Máu cũng có thể chảy ngược trong khoang mũi và tràn vào trong phổi. Dù sao cũng phải băng vết thương lại. Trước tiên tôi tiêm cho anh hai ống thuốc cầm máu.
Người đại đội phó ấy ra hiệu cho tôi dừng tay. Anh cúi xuống, nhổ cục máu đông trong miệng, hai tay đẩy hai cánh mũi lên cho miệng hở ra, máu chảy qua lỗ mũi thành dòng.Anh nói:
-Lần này có thể tôi phải nằm viện rất là lâu. Ngày mai là ngày chuyển Ðảng chính thức của tôi, các đồng chí ở lại làm thủ tục cho tôi được chuyển Ðảng đúng hạn định. Còn thằng Kế, các đồng chí cố gắng tìm kiếm, thu gom và an táng cho nó chu đáo. Nói xong anh để cho tôi băng bó. Tôi cuốn một lượt băng dưới lỗ mũi, vắt qua hai bên tai, kéo ngược về sau gáy cho miệng vết thương liền lại và mồm rộng ra để thở, sau đó đặt gạc ngang qua mặt và băng thật chặt. Tôi bảo:
-Anh cứ cúi xuống cố gắng thở bằng miệng. đừng nằm ngửa máu dễ tràn vào phổ lắm đấy.! Sau đó người ta dìu anh về đội phẫu tiền phương. Từ ngày ấy đến nay tôi cũng không rõ người đại phó ấy quê quán ở đâu và số phận sau này ra sao nữa.
Sau chiến tranh, những người lính còn sót lại họ tìm đến nhau mừng mừng, tủi tủi. Cho dù cuộc sống còn nhiều vất vả gian nan nhưng họ thật tự hào cho quãng đời đầy oanh liệt của mình.
Tìm đến các gia đình liệt sỹ. Trước gương mặt dăn deo khắc khổ và dòng nước mắt của mẹ, chúng tôi như những đứa trẻ đầy tội lỗi: Con của mẹ đâu? Tại sao nó không cùng về? Nó nằm ở chỗ nào? Sao con không quay lại cứu nó cho mẹ?! Không một câu ca thán, không một lời trách thốt nhưng chúng tôi giống như một kẻ hèn nhát, bỏ đồng đội để chạy thoát thân một mình.
Chính vì vậy mà sau hơn 20 năm tôi mới tìm đến gia đình liệt sỹ Phùng Văn Kế.
Hỏi thăm loanh quanh thì có một cháu gái dẫn đến tận nơi. Ngôi nhà lá hai gian nhỏ bé vách đố cửa phên vắng lặng. Nghe tin có đồng đội của liệt sỹ đến thăm, bà con lối xóm, anh em họ mạc cận kề chạy đến. Người ta bảo nhau đi tìm mẹ về.
Bố Kế mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi ba đưa con ăn học.Trên Kế là anh trai, . sau Kế là cô em út. Chiến tranh kết thúc, cả anh và em đều yên bề gia thất nhưng mẹ không ở cùng với ai cả. Một mình mẹ với căn nhà lá đơn sơ như ngày nào Kế đi nhập ngũ.
Người ta dìu mẹ về. Một cụ già gầy gò chừng 80 tuổi, mẹ nhận ra gương mặt lạ hoắc của tôi giữa đàn con cháu quen thuộc của mình. Một ánh mắt ngời sáng chợt loé lên rồi vụt tắt: Nó không phải là thằng Kế! Mẹ lầm lũi bước lên thềm.
Ngôi nhà lá hai gian một trái, phía bên kê chiếc giường tre của mẹ, gian giữa kê bộ bàn ghế cũng bằng tre cũ kỹ, dọ dẹo. Bên kia, một bàn thờ khói hương nghi ngút ở đó có tấm ảnh liệt sỹ phóng to bằng sơn mài.
Kế ở đó trẻ trung và tươi tắn như ngày nhập ngũ. Tôi chợt nhận ra rằng: Ðối với mẹ, Kế không bao giờ chết, nó vẫn ngây thơ như ngày nào và rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Ðã xa lắm rồi, lâu lắm rồi nó không về thăm mẹ nhưng rồi nó xẽ trở về và ôm chầm lấy me, nó nhận ra hơi ấm của người mẹ đã dưỡng dục và sinh thành ra nó. Chiều chiều khi đặt nồi cơm lên bếp mẹ lại ngóng ra đường, mẹ cứ chờ, cứ đợi trong hoài niệm, chập chờn nhận ra bóng thằng Kế chạy về.
Chính vì thế mẹ cứ một mình ở trong ngôi nhà xưa ấy không cho ai sửa chữa lại. Mẹ sợ khi thằng Kế trở về nó xẽ không nhận ra ngôi nhà, mảnh sân và con đường thân thuộc của mình. Nếu như nó thật sự không bao giờ trở lại thì hàng đêm hình ảnh nó vẫn còn bên mẹ, ở trong ngôi nhà ấy và mẹ con sưởi ấm cho nhau.
Tôi xin phép gia đình thắp cho liệt sỹ nén hương, mẹ nhìn tôi lặng đi trong nước mắt. Khi mùi hương lan toả đôi vai gầy của mẹ run lên, những tiếng nấc sót xa và thương con sâu thẳm.
Tôi lúng túng khi thấy người ta đặt mẹ nằm xuống giường và thay nhau xoa lên ngực cho mẹ. Người anh trai của Kế bảo: Năm nào cúng giỗ cho chú ấy mẹ đều nấc lên như vậy đấy! Thôi chú sang bên nhà uống nước.

Thế đấy! Ngày xưa chúng tôi ra đi tuổi xuân phơi phới có bao giờ hiểu thấu nỗi lòng người mẹ mong nhớ những đứa con của mình sống trong lửa đạn như thế nào. Chúng tôi từng giờ, từng phút đối mặt với cái chết và cũng sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Người ở nhà, một nỗi chờ đợi mỏi mòn dai dẳng và sợ hãi đến nhường nào.
Tôi gặp mẹ của liệt sỹ Nguyễn Ðức Kiến xã Tiên Kiên ,Lâm Thao,PT có một con liệt sỹ. Gặp mẹ Hà Thị Ðào Xã Tứ Xã -Lâm Thao,PT có hai con liệt sỹ hy sinh cùng một tháng. Ðời sống của các mẹ và gia đình chính sách còn nhiều khó khăn lắm. Nhưng các mẹ dành dụm, chắt chiu từng đồng tiền trợ cấp ít ỏi năm này sang năm khác để mong tìm thấy các con và đón chúng nó trở về.
Các mẹ liệt sỹ đều vào cái tuổi xưa nay hiếm, trái chuối chín cây không biết ngày nào rung. Con của mẹ ở đâu? Cuộc đời còn lại của mẹ chỉ mong ước một điều: Tìm thấy nó và đưa nó trở về với mẹ. Một việc tưởng như� giản đơn thế mà có khi không bao giờ thực hiện được. Con của mẹ đang ở một vùng nào xa xôi lắm, cũng có đồng, có ruộng, có những người đồng đội bên cạnh, cũng có những người mẹ yêu thương như chính con đẻ của mình. Các con đã hoà vào non sông đất nước, là hìmh tượng mà dân tộc ta thờ phụng.
Lâm Thao ngày 05-12-2007
Hoàng Kim Hậu
ÐT: 0210.785.060
DD:0934.441.239