Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Chương III : Hồi Ký_Một thời trận mạc

Hành quân đi B


 Điều linh cảm của Thoa thật đúng. Chúng tôi sắp sửa phải xa nhau dài hơn, kể cả không gian và thời gian. Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc, chúng tôi được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Để chuẩn bị hành quân đi xa, người lính chúng tôi phải chuẩn bị nhiều thứ. Mấy ngày nay chỉ vật lộn với chiếc ba lô mà không xong. Chiếc ba lô thì căng phồng mà vẫn còn nhiều thứ chưa cho vào được. Ngày ra đi Cha đã dặn, trong chiến đấu thiếu thốn đủ thứ. Cái gì cũng cần cho cuộc sống của người lính. Chưa nói gì đến cái ăn, cái mặc, chỉ một chuyện rất nhỏ thôi, rất đời thường thôi mà thanh niên như tôi chẳng bao giờ lo nghĩ tới, nhưng trong chiến đấu lại vô cùng quan trọng. Ví dụ như cuộn băng bông đề phòng khi bị thương, cái kim sợi chỉ để khâu quần, khâu áo khi bị rách…Nghe các dũng sĩ diệt Mỹ kể chuyện thì trong chiến trường còn thiếu thốn đủ thứ, cố mà mang vào để có cái dùng. Rồi còn những lá thư của Cha, chị và Thoa thì nhất thiết phải mang đi cùng. Mình đã hứa với Thoa là có chết cũng mang thư bên người mà. Sau khi đã chuẩn bị tương đối, tôi mang thử ba lô. Ôi chao. Có đến 60kg chắc? 60 kg trên vai mà vượt Trường Sơn thì gay go đây, tôi thầm  nghĩ vậy. Tôi đang chuẩn bị thì mấy lính trẻ đến. Đó là Trữ, Loan, Dung, Xuân, Ngọ, những người cùng quê, cùng học và cùng nhập ngũ một ngày. Thấy tôi chuẩn bị chưa chu đáo, Xuân hỏi:
-Bát ăn cơm đâu rồi, chưa cho vào à? Xuân vừa nói vừa vỗ vào chiếc ba lô căng phồng. Tôi bảo:
   - Có chứ. Cho hết vào trong ba lô rồi mà lị. Nghe vậy, Xuân nhìn tôi lắc đầu:
        - Không được đâu cậu ạ. Thế dọc đường cần bát dùng thì cậu tính làm sao?                      Nghe Xuân nói, tôi nghĩ khi hành quân cũng chẳng cần gì đến bát ăn. Nhưng ý của Xuân khiến tôi phải cân nhắc. Cái bát ăn cơm phải để ở con cóc thì sẽ tiện sử dụng hơn. Đại loại là như vậy. Chúng tôi góp ý, bổ sung cho nhau. Là người lính cùng quê nên rất quý và thương nhau. Dung đưa hai tay nhấc chiếc ba lô, nhìn tôi:
 - Ôi. Có đến trên 60 ký nhỉ. Tớ cũng như vậy. Nhưng không hiểu có mang nổi không. Dung có dáng người nhỏ hơn nhưng lại rất nhanh nhẹn. Nhìn chiếc ba lô như thế này Dung cũng lắc đầu. Không phải chỉ có Dung mà ai cũng rất ngại mang vác nặng. Chúng tôi đang bàn về chiếc ba lô thì Trữ cho chúng tôi một tin rất mới:
 - Nghe nói, đợt này chúng mình vào chiến trường B5 đấy. -Tôi nhìn Trữ hỏi lại:
 - B5 là ăn cơm Bắc đánh giặc Nam phải không? Nếu vậy thì được gần nhà hơn đi B dài nhỉ. Dung mỉn cười vỗ vai hỏi tôi:
          - Thế cậu tưởng vào B5 gần hơn thì được về nhà chắc? Thoa có hay gửi thư không? Hôm tiễn đi ở sân kho HTX xem chừng cô nàng bịn rịn lắm. Thế đã gửi gắm được gì chưa? Tôi đấm nhẹ vào vai Dung cười:
     - Có gì mà gửi với gắm. Cầm tay mà chẳng dám nữa là. Xuân  nhìn tôi cười:
          - Thế là cậu kém lắm. Gặp phải Dung chắc là cá cắn câu rồi. Chúng tôi nhìn Dung cười sảng khoái. Còn Dung thì phân bua:
          - Chuyện đó thì không biết chừng. Chẳng ai biết ma ăn cỗ được. Thoa xinh thế mà cậu không làm gì thì thật phí của giời. Tôi hơi đỏ mặt vì câu nói của Dung. Thế mới biết Dung cũng là tay chịu chơi. Tôi trợn mắt:
  - Nghe mấy anh kể rằng, khi ra trận, cậu nào mà đã léng phéng với người yêu rồi là hay bị vỡ gáo lắm. Thế thì quá sợ.
  Mấy anh em đồng hương gặp nhau tếu táo rồi lại chia tay nhau về chuẩn bị tiếp. Mọi việc cũng đã xong. Chúng tôi ngoắc tay nhau quyết tâm cùng hành quân đến đích. Sau đó mọi người lại tranh thủ viết thư về nhà để báo tin ngày hành quân vào Nam đã đến. Tuy lo lắng chuẩn bị vào chiến trường để quần nhau với giặc nhưng chúng tôi vẫn hăm hở, rộn ràng với một nhiệt tình cháy bỏng của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh quyết sống mái với quân thù.
  Một buổi tối đầu tháng 6 - 1968, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đến biểu diễn phục vụ đơn vị. Nghe các ca khúc mới sáng tác với phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ, chúng tôi, những người lính trẻ như sống trong không khí hào hùng, khát vọng chiến thắng và cháy bỏng niềm tin về sự tất thắng của cuộc kháng chiến. Tôi còn nhớ, sau khi nghe Tường Vi trình bày ca khúc Tiếng đàn Ta Lư, các chiến sĩ trẻ vỗ tay không ngớt. Tường Vi lại hát lần thứ hai. Cả đơn vị lại im phăng phắc để thưởng thức nhạc phẩm:
“Bộ đội giải phóng quân ơi.
Anh thắng trận miền tây Khe Sanh.
Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy.
Đồn Đồng Tri xác Mỹ chất đầy.
Kia trông. Một, hai, ba , bốn, năm, sáu chục.
Tên lính thuỷ đánh bộ Mỹ kia.
Nó bỏ xác trên rừng.
Bộ đội giải phóng quân.
Các anh đánh hay hu…”.
  Về nằm trên giường, ca khúc trên đây cứ vang vọng trong tôi niềm kiêu hãnh của anh bộ đội giải phóng quân. Chỉ một bài hát thôi, cũng có tác dụng động viên bộ đội rất lớn, nhất là trong thời gian chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu như thế này. Tôi nhớ Thoa quá, tranh thủ viết thư cho em:
  Em yêu. Mấy hôm nay anh và đơn vị rất bận rộn vì phải chuẩn bị hành quân đi B em a. Ôi biết bao việc phải làm. Có em bên cạnh lúc này chắc anh sẽ đỡ được nhiều việc. Em ơi. Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa thôi là anh và đơn vị phải hành quân vào Nam rồi. Thế là khoảng cách giũa anh và em lại càng dài hơn, muốn gần mà chẳng được em ạ. Không hiểu lúc nào chúng mình lai được gần nhau em? Anh tưởng chỉ vào bộ đội vài tháng là thống nhất rồi anh và em sẽ được gần nhau, sẽ được hồn nhiên bên nhau của tuổi học trò. Thế mới biết đời học sinh đẹp biết nhường nào. Vào đây mới biết còn gian lao và ác liệt lắm em ạ. Dù sao anh sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như đã hứa với em. Anh biết dạo này máy bay ném bom quê mình dữ dội lắm. Anh cầu cho em học tập tốt và bình an. Anh nhớ em, nhớ lớp học vô cùng. Cầu mong cho sự đoàn tụ của chúng mình.
Tôi vội ra bưu điện gửi thư cho em rồi lại vật lộn với chiếc ba lô. Chiều mùa hè nơi miền núi Nghĩa Đàn này cũng khá oi ả. Xã Nghĩa Thọ như chảo lửa làm cho đất đỏ đường làng cuộn lên từng đám bụi hồng bám đầy cây cối hai bên đường. Tiếng chim bìm bịp gọi nhau bay về tổ. Tiếng ve sầu râm ran, vang động cả xóm thôn nơi đóng quân. Xa xa tiếng máy bay gầm rú phá đi sự tĩnh mịch của vùng miền sơn cước Nghĩa Đàn. 
 16h chiều ngày 3 – 6 – 1968, chúng tôi được lệnh hành quân đi B. Đứng trong hàng quân, bỗng có giọng ai đó nghe hơi lạc quan tếu: Không mau vào chiến trường lúc này thì chỉ có mà nhặt ống bơ rỉ thôi!  Sau tiếng còi báo động, đợn vị trong tư thế hàng ngũ chỉnh tề, ba lô căng phồng, dập dìu dưới cành lá ngụy trang. Đồng chí nào cũng cầm gậy trông rất vững trãi. Mệnh lệnh hành quân đựơc phát ra. Đơn vị tập hợp thành hàng dọc. Đi đầu là đại đội trưởng Nguyễn Trọng Ê. Ông là người chỉ huỷ có tài với nét mặt nghiêm khắc mà mỗi lần tôi gặp đã thấy sờ sợ. Ông cũng đã từng trải qua chiến trường nên có nhiều kinh nghiệm trong hành quân. Hành quân vào Nam mà có người chỉ huy như Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Ê thì ai cũng yên tâm.
 Từng đoàn thanh niên, công nhân nông trường cà phê và bà con nơi đóng quân ra tiễn chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt. Hàng quân đi rung lá nguỵ trang dài tít tắp. Đi trong hàng quân hôm nay mình thấy đã lớn lên rất nhiều. Mảnh đất Nghĩa Thọ gắn bó với đời chiến sĩ chúng tôi chưa đầy ba tháng nhưng đã để lại bao kỷ niệm buồn vui trong thời gian huấn luỵên, ngày càng xa dần. Chúng tôi hành quân gần sáng thì dừng nghỉ. Nơi đơn vị dừng chân chỉ cách nhà có vài km, nhưng vì cuộc hành quân được coi là bí mật nên không được về thăm nhà. Mất ngủ suốt đêm mà không sao chợp mắt được. Cha ơi. Con đã về đến quê hương Nam Đàn rồi. Con đóng quân gần nhà lắm nhưng không được về thăm Cha và gia đình. Em Thoa ơi. Anh đã về đến mảnh đất mà chúng mình đã gắn bó với nhau suốt tuổi học trò. Bao nhiêu kỷ niệm dưới mái trường, bao nhiêu kỷ niệm bên em cứ cuồn cuộn hiện ra. Càng hành quân xuống đồng bằng thì cảm thấy máy bay quần đảo bắn phá nhiều hơn. Không khí chiến tranh càng ngột ngạt, khốc liệt.
   Sáng nay ngủ dậy sớm. Chúng tôi được phổ biến: Vì bí mật của cuộc hành quân và để bảo đảm an toàn, tất cả phải hành quân đêm. Những tiếng bom nổ ầm ầm phía thị trấn, những loạt pháo cáo xạ nổ lốp bốp trên bầu trời cũng không cắt đứt dòng suy nghĩ miên man về quê hương, về tuổi thơ trong trẻo của tuổi học trò. Đêm đó chúng tôi vượt sông Lam để sang Nam Hoành. Đến bên bờ sông nước mênh mông, những kỷ niệm gắn với dòng sông tuổi thơ cũng chập chờn hiện ra. Thế là ta phải xa sông Lam mãi mãi. Không hiểu đến bao giờ mới được về lặn ngụp trong làn nước mát trong của sông Lam yêu dấu. Tất cả sông nước, quê hương và biết bao con người còn tần tảo vật lộn với cuộc sống của chiến tranh cứ xa dần, xa dần trong bóng đêm dày đặc. Đoàn quân rung lá nguỵ trang vẫn lầm lũi miệt mài theo hướng Nam mà đi…
  Chúng tôi hành quân qua đất Nam Đàn thì đến Hà Tĩnh. Từ đây, bộ đội hành quân theo đường giao liên xuyên qua rừng núi phía tây Hà Tĩnh. Vì vậy, chúng tôi được hành quân ban ngày. Ngày đi, đêm nghỉ. Những ngày đầu hành quân, chân anh nào cũng sưng to. Tối đến phải ngâm bằng nước muối. Có đồng chí còn bị loét chân, có đồng chí bị thối chân do đi dày không quen. Chiều đến, tiểu đội ngồi ăn cơm mà gặp phải đồng chí nào thối chân lười rửa thì mùi thum thủm như cóc chết thật kinh khủng. Tôi mà ngửi thấy mùi chân thối là hay buồn nôn. Nhưng vì đói quá nên cố mà ăn cho xong bữa. Tối đến, sau buổi họp tiểu đội, chúng tôi lại ngồi với nhau bên cánh võng hát nghêu ngao bài chiếc gậy Trường Sơn của Phạm Tuyên:
Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân.
Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn.
Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi.
Luyện cho tinh thần mà chỉ tiến không lui.
Gậy trong tay mô hôi đã bóng.
Màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân.
Như nhắn nhủ những ai lên đường mà lời hứa với bao người thân.
Trường Sơn ơi. Nơi núi mờ xa mà ta chưa qua.
Có suối reo có gió ngàn cây.
Có dốc cao vực sâu mất lối.
Mây trắng quyện dưới chân bước bồi hồi.
Có nắng lửa đốt thiêu vách núi ơ.. ơ…
   Chúng tôi hát với nhau thật say sưa. Nằm trên cánh võng dưới tán rừng bạt ngàn của dãy Trường Sơn mới thấy ý nghĩa đẹp đẽ, hùng hồn và tự hào biết bao của bài hát. Chúng tôi vừa hát vừa nghĩ chặng đường đã hành quân qua mà ngủ lúc nào không biết.
    Có những ngày đi qua các đỉnh núi, trông xuống đồng bằng loang loáng ánh nắng chói chang với các cơn gió Lào cuốn bụi mù mịt những con đường đất đỏ. Xa xa, có những cột khói đen bốc cao và những tiếng nổ ầm ầm. Chắc là máy bay ném bom cầu phà hay trọng điểm nào đó. Hành quân qua Hà Tĩnh thì đến đất Quảng Bình. Đứng trên các triền núi mới thấy hết sự ác liệt và sự tàn phá đến khủng khiếp của chiến tranh phá hoại đối với tuyến lửa Hà Tĩnh, Quảng Bình. Những lúc hành quân qua tỉnh Quảng Bình mới thấy hết ý nghĩa sâu sắc và đẹp đẽ của bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân:
“Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới.
Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi.
Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta đồng lúa tốt.
Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa…”




 Bước chân rong ruổi được 15 ngày thì vào đến miền núi Quảng Trị. Quảng Trị - vùng đất xưa nay được mệnh danh là “ô châu ác địa”, nổi tiếng về khí hậu khắc nghiệt, cây kén đất, bàn tay người lam lũ quanh năm vẫn không hết khổ. Cái nghèo cũng tản mạn khắp nơi và đeo bám dai dẳng con người. Nơi đâu cũng có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Vậy mà mảnh đất này chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa, người ta thường nhắc đến vùng đất của gió Lào cát trắng. Mùa khô, mở mắt ra đã thấy nắng chói chang, nóng hừng hực, cộng thêm những trận gió Lào khô rát, thổi như bão khan rất khó chịu. Nắng chạm vào da, vào thịt làm cho da dẻ con người chẳng còn tươi sáng. Thường thì sau Tết âm lịch, những cơn gió Lào đầu tiên đã xuất hiện mà dân ở đây thường gọi là gió Nam ra. Mùa khô hay còn gọi là mùa nắng thường kéo dài từ tháng hai âm lịch đến hết tháng tám ta, thời gian còn lại trong năm là mùa mưa.
    Chúng tôi hành quân vào đến nơi thì Quảng Trị cũng bắt đầu mùa mưa. Mưa Quảng Trị cũng khá dữ dội và kéo dài triền miên, mưa như làm cho đất thấm nước đến tận đáy. Những lúc nằm dưới rừng nghe mưa rơi thấy não nề, mưa rào rạt, xối xả, suối ngàn như sôi lên trắng xoá. Mưa tưởng đến mức hết nước mà vẫn dai dẳng, tôi là lính tráng mới vào nên gặp thời tiết khắc nghiệt như thế này cũng thấy nao nao lòng. Bộ đội hành quân vào mùa này thật vất vả vô cùng. Đường hành quân không chỉ phải vượt núi cao, dốc đứng, suối sâu, mà đường thì trơn như đổ mỡ. Những người trước tôi cứ vít bám vào dây rừng mà đi, người sau cũng như vậy. Có lúc cây bị bật rễ thì cả người và ba lô lăn lốc, người đi sau cũng bị ngã theo, máu rỉ loang ra bàn chân, bàn tay. Chiếc gậy Trường Sơn lúc này càng có ý nghĩa. Mưa thì mặc mưa, người lính vẫn lầm lũi đi trong mưa. Những cuộc hành quân xuyên rừng luôn luôn thường trực đối với người lính. Hành quân vào mùa mưa là gian khổ, nhưng dù gian khổ thế nào bộ đội vẫn hành quân. Hành quân để vào kịp với trận tuyến, trong kia mọi người đang chờ đợi chúng tôi vào để bổ sung lực lượng.
  Hành quân vào đến nơi thì chúng tôi được bổ sung cho tiểu đoàn K 8A của mặt trận B5. Tôi được bổ sung vào Đại đội 4. Đây là Đại đội hỏa lực của tiểu đoàn. Tôi được biên chế vào khẩu đội đại liên Côlinốp do anh Vương Tử Hoàng làm tiểu đội trưởng. Anh Hoàng quê ở Thanh Hóa, nhập ngũ 1964. Anh là người đã kinh qua nhiều trận đánh nên có khá nhiều kinh nghiệm trong xử lý tình huống trong chiến đấu. Buổi đầu vào tiểu đội được anh Hoàng kể rất nhiều chuyện chiến đấu ở mặt trân B5. Sau khi củng cố nơi ăn ở, chúng tôi bắt đầu huấn luyện sử dụng súng đại liên Côlinốp. Lúc này mặt trận B5 đang tập trung vây lấn cứ điểm Khe Sanh. Huấn luyện được hai tuần thì chúng tôi được giao nhiệm vụ chi viện cho lực lượng vây lấn Khe Sanh.
  Khe Sanh là thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa ở miền Tây Quảng Trị, cách biên giới Việt- Lào khoảng 20km. Từ Đông Hà ngược theo đường số 9, chừng 80km sẽ đến Khe Sanh, một vùng đất đỏ bazan lãng đãng mù sương. Khe Sanh với địa hình đồi núi rậm rạp, trập trùng. Khe Sanh lúc này trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ “ngăn cản sự xâm nhập của Cộng quân vào Nam” do Măc-na-ma-ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ vạch ra. Đây là căn cứ quân sự của Mỹ có nhiệm vụ chốt chặn bước tiến của ta vào Nam ở Đông Trường Sơn. Hơn nữa chúng muốn tạo thế mạnh ở miền Nam để uy hiếp miền Bắc. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 của ta đã giáng một đòn bất ngờ và quyết định làm thất bại chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam.
  Bị vây ép, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân nống ra hòng chiếm lại những khu vực đã bị mất xung quanh thị trấn đẫm máu này. Đơn vị chúng tôi hành quân chiếm lĩnh trận địa tại đồi Cháy phía Nam sông Bến Hải có nhiệm vụ diệt quân Mỹ nhảy dù đánh vào phía sau hậu cứ. Qủa đồi mà tiểu đội đại liên chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ là Động Nóc, anh em thường gọi là đồi Cháy. Vì toàn bộ quả đồi bị bom đạn cày xới, mọi vật có trên mặt đất bị cháy thui. Mấy ngày nay máy bay B52 thi nhau rải thảm, pháo bầy của giặc từ Tà Cơn, Dốc Miếu thi nhau trút bão lửa xuống trận địa. Rừng già tan hoang, đồi trọc bị cày xới bởi hàng trăm hàng nghìn hố bom, hố pháo. Chỉ cần một đợt bom rải thảm là cánh rừng bị tan hoang còn hơn trận bão. Sau những trận bom, pháo cây cối đổ nghiêng ngả, hầm hào sạt lở tùm lum, địa hình địa vật đổi thay lạ hoắc. Đêm và ngày ùng oàng tiếng bom rơi đạn nổ, không gian sặc sụa mùi thuốc bom, đạn nghe gây người. Có những trái pháo, quả bom nổ đúng hầm. Đồng đội tôi có người bị thương, hy sinh. Chúng tôi phân công nhau người trực chiến đấu, người vận chuyển thương binh, người chôn cất tử sĩ. Người lính ngoài mặt trận như cái máy, công việc suốt ngày, suốt đêm. Có khi vài ngày không được ngủ. Mỗi người được tiếp tế ba nắm cơm vắt cho ba bữa sáng, trưa và chiều.
    Sau một trận chiến đấu, đơn vị nhận được lệnh lại tiếp tục hành quân đêm sang trận địa khác để chốt giữ đánh địch nống ra. Vừa đến trận địa mới lại phải bắt tay đào hầm trú ẩn ngay. Rồi lại tiếp tục canh gác và chiến đấu, ngày cũng như đêm, căng như dây đàn. Những ngày đầu vào chiến đấu, gặp những cảnh căng thẳng và ác liệt thế này tôi lo lắng đủ mọi thứ, nhất là khi nhìn thấy những đồng đội ngã xuống do mảnh bom, đạn có lúc tôi đã giật mình ghê sợ vì cái chết nhìn thấy thật thảm hại. Trong hoàn cảnh như vậy chỉ biết im lặng nén đau thương, căm thù và gạt nước mắt. Những lần mai táng đồng đội của mình, trong túi áo chỉ vẻn vẹn với những dòng địa chỉ tên tuổi ngắn ngủi và chiếc nilong để cuốn xác. Nhìn nấm mồ mà thấy cuộc đời người lính thật mong manh, mỗi người nằm xuống có biết bao nhiêu người đau, đâu phải chỉ có người chôn cất như chúng tôi mà có cả người thân, gia đình mà cả xóm làng đang ở xa tít tắp.
   Vẫn biết chiến tranh là ác liệt, hy sinh nhưng tôi cũng không ngờ nó lại ác liệt đến mức thế này. Sự nghiệt ngã của chiến tranh hoàn toàn không giống như tôi hằng tưởng tượng, suy nghĩ theo kiểu lãng mạn như hồi còn là  học trò. Nếu như biết trước sự khốc liệt như thế này chắc tôi còn phải đắn đo và suy nghĩ nhiều hơn trước khi nhập ngũ. Thế mới biết lời căn dặn của Cha trước lúc lên đường đúng như thế nào. Cách suy nghĩ giản đơn, pha chút lãng mạn của tuổi học trò hoàn toàn đối nghịch với sự khốc liệt của chiến trường. Khi còn ở nhà, tôi nhìn thấy ở chiến trường chỉ có chiến thắng và vinh quang, chỉ có anh hùng và dũng sĩ, chỉ có tiến lên và quân thù ngã gục. Ôi! Nếu vậy thì quả là lý tưởng. Tuy cũng có lúc vẫn biết chiến tranh là sự hi sinh, gian khổ nhưng tôi không tưởng tượng ra nổi sự khốc liệt và nghiệt ngã đến vậy. Không nghĩ rằng, mình lại thức trắng trong nhiều đêm liền để hành quân, để đào hầm, để cảnh giác quân thù…Tôi cũng không tưởng tượng nổi suốt ngày chỉ có ăn cơm nắm với muối trắng như thế này. Cũng chẳng bao giờ nghĩ là mình phải cùng đồng đội lại đi chôn cất đồng đội nhiều đến như thế. Ngày ở nhà, mỗi khi trong làng Ngũ Phúc có đám ma là tối đó không giám đi đâu, sợ nó bắt mất.
 Câu chuyện sau đây là minh chứng về sự thử thách lớn lao đó đối với người lính ở chiến trường. Hôm đó, chúng tôi được lệnh hành quân chiếm lĩnh đồi cháy (Động Nóc) để làm nhiệm vụ đánh địch đổ bộ hòng cắt đứt đường tiếp viện cho mặt trận Khe Sanh. Tiểu đội đại liên chúng tôi quần nhau suốt ngày với máy bay địch. Từ sáng sớm, máy bay và pháo tầm xa thi nhau bắn vào đồi Cháy. Cả quả đồi trong chốc lát đã bị khói bụi bao phủ mịt mù. Những tiếng rít của quả bom và trái pháo nghe như xé vải và tiếp đó là những tiếng nổ đinh tai nhức óc, thật rợn người. Qủa đồi như rung lên bần bật. Đất đá văng tứ tung, khói bụi mù mịt. Những đám lửa cháy bập bùng để lại những cột khói nghi ngút, đen quạch. Không khí hầm hập, oi bức và ngạt thở. Đầu tóc, mặt mũi, áo quần người lính nào cũng nhoem nhuốc, lấm láp, trông thật nhếch nhác.
Sau đợt ném bom của máy bay và bắn phá của pháo tầm xa là may bay VO10 bay trinh sát. Có lẽ chúng nghĩ trên đồi cháy này không thể có một sinh linh nào sống nổi dưới sức mạnh của hỏa lực Hoa Kỳ, huống hồ bộ đội. Chiếc VO10 hai thân bay vè vè, lượn vài vòng xung quanh quả đồi và sau đó tập trung bắn chỉ điểm vào các lùm cây ven suối dưới chân đồi. Có lẽ chúng nghĩ, chỉ nơi đó mới có bộ đội đóng quân. Sau những quả pháo bắn chỉ điểm của VO10 là mấy chiếc phản lực bổ nhào ném bom xuống ven suối. Đồi Cháy lại rung lên sau những loạt bom.
Tiếp đó là từng đàn máy bay trực thăng từ phía Cồn Tiên, Dốc Miếu túa ra như chuồn chuồn. Tiếng động cơ máy bay trực thăng nghe phành phạch. Chúng bay lượn một vòng xung quanh quả đồi rồi một chiếc tách khỏi đội hình từ từ hạ thấp độ cao để đáp xuống trận địa. Anh Hoàng hô to át cả tiếng trực thăng:
- Toàn khẩu đội chuẩn bị đánh địch đổ bộ.
Phương án đánh địch đổ bộ đã được anh em luyện tập chu đáo. Khẩu đại liên do anh Hoàng trực tiếp chỉ huy. Chúng tôi dùng súng bộ binh bắn máy bay. Dưới cái nóng hầm hập nhưng anh em trong khẩu đối vẫn dán mắt vào chiếc máy bay đi đầu đang hạ cánh. Chiếc máy bay từ từ hạ cánh. Tôi thấy nó đã hạ thấp lắm rồi mà chưa nghe Tiểu đội trưởng ra lệnh bắn. Nó càng hạ thấp độ cao thì sức gió của cánh quạt máy bay càng lớn. Nó có thể thổi cuốn hết các vật gì trên mặt đất, bụi bay mịt mù. Hơi gió cánh quạt thổi cả vào hầm như trận cuồng phong. Cũng rất may là cửa hầm được chúng tôi ngụy trang rất khéo léo và chặt chẽ. Trên miệng hầm chúng tôi cắm rất nhiều cành cây đã cháy sém đen, tất cả mặt đất, cửa hầm chỉ rạch một màu xám đen của than, tro, miệng hầm cũng không bị lộ ra. Tôi thấy chiếc máy bay càng ngày càng xuống thấp. Làn gió của cánh quạt thổi như bão. Trên thân cửa máy bay có mấy thằng Mỹ đội mũ sắt, mặt đỏ au đang ngồi lố nhố. Chúng đang lăm lăm trong tay khẩu tiểu liên Ar15, đôi mắt chúng cũng đang quan sát khắp trận địa, như hình nó đã nhìn thấy chúng tôi thì phải. Tôi thấy nóng ruột quá. Tại sao lúc này Tiểu đội trưởng chưa cho bắn? Nếu được bắn, chắc chắn loạt AK sẽ trúng đầu mấy tên Mỹ đang ngồi trên cửa sổ. Tôi nhìn sang hầm chỉ huy, thấy anh Hoàng và mấy anh em vẫn giương cao nòng súng đại liên vào chiếc máy bay. Chiếc trực thăng HU1A vẫn từ từ hạ cánh. Vừa quan sát chiếc máy bay đang hạ cánh tôi vừa nghĩ đến phương án tối qua của Tiểu đội trưởng là phải bắn đúng chiếc đi đầu. Muốn vậy phải ngụy trang cửa hầm thật kín đáo, chờ cho máy bay hạ thật thấp mới được bắn. Đến lúc này tôi cảm thấy máy bay đã hạ cánh gần mặt đất rồi mà Tiểu đội trưởng chưa hạ lệnh bắn. Vừa nhìn máy bay đang hạ cánh, vừa nhìn sang Tiểu đội trưởng để nhận lệnh mà con tim như lửa đốt. Chiếc máy bay tiếp tục hạ thấp và chuẩn bị tiếp đất. Ngón tay trỏ của tôi cũng từ từ xiết cò. Chỉ cần nghe khẩu lệnh của Tiểu đội trưởng là khẩu súng AK nhả đạn.
Bổng nhiên tôi nghe tiếng đạn đại liên nổ dòn dã. Tôi lập tức xiết cò. Nòng súng AK rung lên bần bật, nhả đạn căm thù vào chiếc máy bay. Chiếc trực thăng dính đạn, chòng chành, bay khỏi trận địa và rơi xuống quả đồi bên cạnh. Khói đen bốc lên từ máy bay. Cả đàn máy bay lại bay về hướng đông. Một chốc sau pháo tầm xa lại bắn cấp tập xuống trận địa.
Sau mỗi đợt bắn phá, máy bay trực thăng lại tiếp tục đổ bộ xuống đồi Cháy. Từ đó đến chiều, khẩu đại liên bắn trả quyết liệt và đánh bật 3 lần đổ bộ bằng trực thăng của địch. Khẩu đại liên đã bắn rơi 3 chiếc máy bay và đã làm thất bại cuộc đổ bộ xuống đồi Cháy. Cả tiểu đội có hai đồng chí bị thương.
Tôi thấy đói bụng quá, bẻ nắm cơm ra ăn. Vỏ ngoài nắm cơm đã khô như vỏ dừa. Tôi đang ăn cơm thì Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng gọi lên hầm chỉ huy. Anh Hoàng hút một hơi thuốc dài và nhả ra làn khói xanh, thơm bay theo chiều gió, nhìn tôi âu yếm nói:
- Bây giờ cậu chuẩn bị cùng tớ đi làm nhiệm vụ đặc biệt của Tiểu đoàn. Nhớ chuẩn bị mang theo dao găm, cuốc xẻng nhé.
Tôi thấy Tiểu đội trưởng của mình có đôi mắt sâu hoắm, mặt mày lem luốc nhưng với những bước đi rất nhanh nhẹn. Đã mấy hôm nay chốt trên đồi Cháy hầm hập khói lửa, ngột ngạt mùi đạn bom, sống trong tình trạng căng như dây đàn thì không mệt mỏi làm sao được. Anh Hoàng là người chỉ huy rất dũng cảm, nhanh nhẹn nhưng rất sâu sát và thương anh em. Tôi vẫn nhớ như in, hình ảnh người chỉ huy, đêm đêm trước giờ ngủ, dù trong hoàn cảnh nào anh cũng đi kiểm tra xem anh em ngủ có mắc màn không, có ngủ đúng giờ không, kiểm tra việc canh gác như thế nào. Sau đó anh mới về đặt lưng năm ngủ, cứ như người chị hiền của tiểu đội. Có lần anh Hoàng đã nói với tôi: Cái quý nhất của con người, nhất là đối với bộ đội là sức khỏe. Một đồng chí ốm là mất một tay súng. Mất một tay súng là kẻ địch có lợi hơn mình. Do vậy, phải chăm lo sức khỏe của bộ đội là nhiệm vụ hàng đầu của người chỉ huy. Tôi nhìn Tiểu đội trưởng thấy phấn khởi khi được cùng anh làm nhiệm vụ đặc biệt này và đứng nghiêm nhận nhiệm vụ:
-         Xin chấp hành. Anh Hoàng vỗ vai tôi thân mật:
-         Tốt. Về chuẩn bị đi ngay nhé.
Tôi lao nhanh về hầm và chuẩn bị các dụng cụ cần thiết. Lúc này tôi cũng chưa hiểu đi làm nhiệm vụ đặc biệt là nhiệm vụ gì. Khi đến Ban chỉ huy Đại đội tôi mới biết nhiệm vụ đặc biệt đó là đi mai táng, chôn cất tử sĩ. Mấy hôm nay âm mưu của địch là dùng sư đoàn Kỵ Binh bay để đổ bộ, chặn đường tiếp tế của ta cho mặt trận Khe Sanh. Đại đội trong đội hình của Tiểu đoàn K8A đã tập trung đánh địch đổ bộ đường không nên rất ác liệt. Với ý chí kiên cường nên Tiểu đoàn đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bật cuộc đổ bộ đường không của chúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều thương vong.
Đi làm nhiệm vụ đặc biệt lần này có nhiều đồng chí. Ngoài anh Hoàng ra còn có các anh Lê Xuân Trữ, Hoàng Ngọc Loan, Nguyễn Văn Lệ, Lê Văn Ngọ…Mới xa nhau mấy ngày mà trông cậu nào cũng hốc hác, đen sạm, mệt mỏi. Chúng tôi tay bắt mặt mừng nhưng nhìn ai cũng đượm vẻ lo âu. Trữ vừa cười vừa nói với giọng khảng khái, coi cái chết chẳng là gì, phá đi không khí căng thẳng, mệt mỏi này:
- Sống chết cũng có số phận của nó các cậu ạ. Bom đạn tránh mình chứ mình làm sao mà tránh nó được. Chỉ có điều, sau này nhỡ ra, có làm sao thì nhớ báo tin cho gia đình với nhé.
Tôi nhìn Trữ và mọi người rồi liếc nhìn các liệt sĩ đã được gói cẩn thận bằng vải ni lông mà lòng ái ngại, thông cảm cho các bạn. Anh em chúng tôi tập trung trước hầm Chính trị viên đại đội. Trực tiếp giao nhiệm vụ có anh Nguyễn Hữu Thu, Chính trị viên và anh Nguyễn Long Trọng, Đại đội trưởng. Anh Thu quê ở xã Dân Lực, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Anh Trọng quê ở xã Quảng Yên, Quảng Xương Thanh Hóa. Chúng tôi được bổ sung vào đơn vị hỏa lực của tiểu đoàn K8A, lại có các thủ trưởng vừa đẹp trai, vừa tâm lý như anh Thu và anh Trọng thì thật vinh hạnh.
Sau khi chúng tôi ổn định chỗ ngồi (dựa vào các gốc cây), anh Nguyễn Hữu Thu phổ biến nội dung của nhiệm vụ đặc biệt. Anh Thu trước đây là giáo viên cấp 2, nhập ngũ 1964. Anh có đôi mắt sáng với giọng nói sang sảng có sức thuyết phục cánh lính trẻ. Anh Thu nhìn chúng tôi nói:
- Hôm nay các đồng chí được cử làm nhiệm vụ đặc biệt. Theo mệnh lệnh của Thủ trưởng Mặt trận, vị trí nơi tác chiến là không an toàn nên phải bằng mọi giá, khẩn trương chuyển các tử sĩ ra bờ bắc sông Bến Hải để mai táng. Chúng ta không thể yên tâm khi để đồng đội của mình an nghỉ nơi không an toàn được. Đây không chỉ là nghĩa tử mà còn là tình cảm đồng đội, đồng chí, sống chết có nhau, là trách nhiệm của chúng ta đối với người đã hy sinh vì Tổ quốc. Ngay trong đêm nay, chúng ta phải đưa thi hài các đồng chí đã hy sinh ra bờ bắc sông Bến Hải. Đường hành quân đêm nay không thuận lợi, có mưa to, gió lớn, rất khó khăn, vất vả. Nhưng vì tình cảm đồng đội, sống chết bên nhau, tôi kêu gọi các đồng chí hãy vượt qua mọi khó khăn, vất vả, bằng mọi cách đưa thi hài các liệt sĩ ra bờ bắc sông Bến Hải an toàn. Các đồng chí được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt lần này là những đồng chí ưu tú, đã được lựa chọn kỹ càng. Do vậy, Đảng ủy Tiểu đoàn và Ban Chi ủy Đại đội rất tin tưởng và gửi trọn niềm tin vào các đồng chí và mong các đồng chí đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này. Anh Thu nói rất ngắn gọn và sau đó, anh Trọng, Đại đội trưởng phân công nhiệm vụ:
- Để đảm bảo hành quân an toàn, chúng tôi phân công 4 đồng chí đảm nhiệm một cáng tữ sĩ. Đường đi đêm rất khó khăn. Các đồng chí bám sát với nhau, không được đi lạc, giữ bí mật, đề phòng thám báo, biệt kích mai phục. Trong trường hợp bị địch mai phục thì đánh địch, mở đường mà đi. Kiên quyết bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài tử sĩ. Nghe đến đây tôi thấy ghê người quá. Anh Trọng nói tiếp:
- Tôi đề nghị các đồng chí đi làm nhiệm vụ đặc biệt lần này hãy vì tình thương yêu giai cấp, tình đồng đội, các đồng chí không được khạc, nhổ trước anh linh đồng chí mình. Nghe đến đây tôi thấy rùng rợn, nổi gai ốc.
Sau đó tôi được phân công cùng anh Hoàng, Trự, Lệ khiêng một cáng tử sĩ. Trữ quê ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; Lệ quê ở Nam Cát. Chúng tôi cùng nhập ngũ một ngày, vào chiến trường B5 lại cùng đơn vị. Anh Hoàng khoác áo mưa, đeo khẩu súng AK đi trước. Tôi và Trự khiêng tử sĩ đi sau. Sau cùng là Lệ. Tử sĩ là anh Nguyễn Hồng Sơn, quê ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên, cùng nhập ngũ với chúng tôi. Anh Sơn bị mảnh pháo xuyên ngực cách đây 4 hôm. Tuy được bó bằng vải ni lông nhưng vẫn bốc mùi rất nặng.
Mới 5 giờ chiều mà đường đi đã tối sẫm. Trời vẫn mưa ngày càng nặng hạt. Trữ người nhỏ hơn nên đi sau, tôi đi trước, Trữ đi sau. Mội tay tôi giữ cáng, tay kia chống gậy và đi theo anh Hoàng. Anh Hoàng vừa đi vừa dò dẫm. Có đoạn đi được một quãng nhầm đường phải quay lại. Những lúc xuống dốc, đường trơn, cáng tử sĩ khá nặng đè lên vai rất khó đi. Có lúc trượt chân, thế là cáng tử sĩ đè lên người. Những lúc đó phải có anh Hoàng và Lệ kéo lên mới đi được. Nước của xác tử sĩ theo cáng chảy vào người nhơn nhớt. Thật kinh khủng. Khoảng 3 giờ sáng thì chúng tôi đến sông Bến Hải. Lúc này trời mưa như trút nước. Trời tối đen như mực. Nước sông dâng cao. Anh Hoàng cho anh em tạm nghỉ chờ nước rút mới khiêng tử sĩ sang sông được. Anh Hoàng vuốt nước mưa, nói:
- Bây giờ ta tạm nghỉ tại đây. Mưa thế này có thể sáng mai tạnh khi đó mới vượt sông được. Chúng ta thay nhau thức canh tử sĩ. Phải đề phòng thú rừng, tuyệt đối không được để mất tử sĩ.
Tối đó chúng tôi thay nhau đứng giữa trời mưa để canh tử sĩ. Tôi và Trữ được phân công gác trước. Chúng tôi đứng gác mà bụng đói cồn cào. Đứng dưới làn mưa bàng bạc, Trữ hỏi tôi:
- Đói bụng quá. Tớ còn cơm đây. Cậu ăn với mình nhé. Vừa nói Trự vừa móc nắm cơm trong túi ra đã ướt sủng. Trời tiếp tục mưa như trút nước. Tôi nhìn Trữ, nhìn mưa giăng giăng, nước sông chảy ầm ĩ mà lòng ngao ngán quá chừng. Chưa bao giờ tôi lại nghĩ đời bộ đội sao mà lắm gian nguy thế này. Khi còn là cậu học sinh có ai kể cho mình về sự gian nan vất vả của bộ đội như thế này đâu. Bụng thì đói mà hai lỗ mũi lúc nào cũng phảng phất mùi tử sĩ thật buồn nôn. Tôi chép miệng, trả lời Trữ:
- Làm sao mà ăn nổi. Cậu ăn đi. Tôi vừa nhìn vừa chỉ tay ra bờ sông đang ào ào thác đổ:
- Kiểu này có thể nước sông ngập lên đến đây chắc. Trữ vừa cố gắng nuốt trôi miếng cơm nắm, khoát tay nói:
- Mặc nó, ăn đi mà lấy sức. Nước sông có lên đến đây ta lại tiếp tục chuyển tử sĩ lên cao hơn nữa.
Nói chưa xong Trữ đã ngoạm cả miếng cơm còn lại một cách ngon lành. Đúng là anh chàng như tiểu đội thường nói là đẹp trai nhưng rất háu đói. Trong lúc đó, mặc dù bụng đói nhưng tôi không thể ăn được. Một phần vì mệt, nhưng cái quan trọng là hai lỗ mũi cứ phảng phất mùi tử sĩ, cổ họng luôn chực buồn nôn, nghĩ tới cơm là muốn ọe ra rồi. Đứng gác bên thi hài tử sĩ mới thấm thía lời căn dặn của Đại đội trưởng Nguyễn Long Trọng: “Vì tình yêu giai cấp, tình yêu đồng chí, đồng đội, các đồng chí không được khạc nhổ trước anh linh đồng chí mình”. Do vậy, tôi cố chịu đựng cho trọn bổn phận là người đồng đội của Sơn. Trời tiếp tục mưa giăng giăng, sấm chớp xen lẫn tiếng pháo cầm canh nổ đì đoàng. Anh Hoàng thức đậy từ lúc nào đến bên tôi, vỗ vai:
- Bây giờ để tớ gác cho. Các cậu tranh thủ ngồi ngủ một tẻo cho đỡ mệt. Tôi thấy ánh sáng đã le lói phía đông, bèn nói với anh Hoàng:
- Trời gần sáng rồi anh a. Em cũng chẳng buồn ngủ nữa. Anh và Trữ cứ tranh thủ ngủ đi. Tôi chưa nói dứt thì Trữ đã vén áo mưa, ghé mông vào gốc cây mục ngồi thụp xuống, trùm áo mưa và ngủ luôn. Còn anh Hoàng thì bật lửa hút thuốc.
Tôi bồng súng đứng gác bên thi hài Sơn trong làn mưa giăng giăng, bàng bạc. Không hiểu nước mắt hay nước mưa mà cứ lăn dài trên gò má. Nhìn xác tử sĩ được gói tròn trịa bằng áo mưa, nằm ngay ngắn trên chiếc cáng được dựa vào hai thân cây. Mặc cho mưa rơi bắn vào cáng nghe lộp bộp, tôi vẫn đứng nhìn Sơn. Tự nhiên con tim tôi nhói đau. Sơn ơi. Chỉ mới cách đây mấy hôm, chúng mình đang cùng nhau hút chung điếu thuốc lá Sa Lem lấy được của bọn lính Mỹ trên đồi Cháy, mà bây giò Sơn đã ra đi để lại nỗi mất mát, đau thương cho tiểu đội, cho bọn mình. Mình vẫn nhớ câu nói của Sơn dặn mọi người: Nếu trong chiến đấu có làm sao thì người còn lại phải báo ngay cho gia đình. Bây giờ người ra đi trước là Sơn. Thật đau xót cho tình cảm đồng chí, đồng hương chúng mình Sơn ạ. Bọn mình đã vượt bao núi cao, đóc thẳm để đưa Sơn sang bờ bắc sông Bến Hải cho an toàn. Chúng mình sẽ làm mộ chí cẩn thận và sẽ báo cho gia đình Sơn biết.
Hôm trước, bên miệng công sự trực chiến, Sơn có kể cho chúng mình nghe về sự khó khăn, vất vả của gia đình Sơn. Bao nhiêu năm nay, gia đình Sơn vẫn ở ngôi nhà tranh dột nát. Đã bao lần dọi lại mà vẫn bị dột. Bố mẹ Sơn phải chuẩn bị mấy năm mới mua đủ tranh, tre, nứa, lá để sửa lại nhà. Nhưng Sơn đi bộ đội nên việc sửa nhà phải hoãn lại. Gia đình chờ Sơn về mới làm lại nhà và cưới vợ cho Sơn. Sơn cũng ao ước, sau này, khi đất nước hòa bình, thống nhất, Sơn sẽ về làm cho bố mẹ nếp nhà tranh nho nhỏ để hưởng tuổi già. Một ước mơ giản dị của người lính mà không sao thực hiện được. Sơn nằm đấy và đang ngủ ngon lành, trong lúc bố, mẹ ở nhà  vẫn mong mỏi từng ngày. Có lẽ hoàn cảnh người lính chúng mình cũng rất giống nhau Sơn ạ.
Tiễn biệt Sơn không hương, không nến cũng không hoa. Giua mưa ngàn thác đổ, giữa trận địa đầy hiểm nguy này, tiễn biệt Sơn với tấm lòng đồng đội kiên trung, luyến tiếc, sẽ chia. Mặc gió to, lũ lớn, mặc thác ghềnh hiểm nguy, mình và đồng đội vẫn bồng súng đứng gác cho Sơn an giấc để rồi sẽ đưa Sơn đến nơi an toàn, yên giấc ngàn thu.
Sáng hôm sau, mưa cũng ngớt dần. Mưa đầu nguồn có khác. Vừa mưa nước đã dâng cao; ngớt mưa nước cũng rút rất nhanh. Những hòn đá nhấp nhô ngày càng lộ dần lên mặt nước. Chúng tôi khẩn trương khênh cáng liệt sĩ vượt sông Bến Hải. Sông chảy cuồn cuộn. Chúng tôi vừa khênh tử sĩ vừa bám vào dây thừng mà các chiến sĩ giao liên đã làm sẵn để vượt sông. Nếu không có giây thừng này thì dòng nước có thể cuốn chúng tôi đi bất cứ lúc nào.
Chúng tôi vừa khênh xác tử sĩ qua sông thì cũng là lúc máy bay Mỹ bắn phá hai bên bờ sông Bến Hải. Chúng tôi vội vả khênh xác tử sĩ đến xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh để mai táng. Mấy anh em hì hục đào huyệt chôn cất tử sĩ và ghi thẻ mộ chí cho anh Sơn. Mai táng tử sĩ xong, chúng tôi khẩn trương quay lại sông Bến Hải để về đơn vị. Sau đợt công tác đặc biệt này, lỗ mũi tôi lúc nào cũng thoang thoảng mùi tử sĩ, mặc dù luôn xức dầu con hổ nhưng vẫn không hêt cái mùi thum thủm ấy.
Câu chuyện trên đây chỉ có người lính mới gặp phải. Khi còn là học sinh chẳng bao giờ tôi nghĩ tới. Với chiến trường, sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Cùng nhau giữa chiến hào nhưng chỉ giây phút sau, đồng chí của mình đã gục ngã bởi đạn địch, không một lời trăng trối. Thương tâm hơn, vừa ăn cơm xong có người đã dính mảnh đạn pháo của địch chết ngay. Có biết bao lời hẹn ước lúc lên đường dành cho ngày gặp lại, mà không thể thành hiện thực. còn biết bao đồng đội, mặt búng ra sữa, chưa một ánh mắt trao nhau, chưa một lời hẹn ước…đã phải từ giã cuộc đời.
   Là con người, ai chẳng muốn sống, muốn chiến tranh được kết thúc nhanh để được trở về với gia đình, với người thân? Có lẽ, mong ước cao nhất, hy vọng muôn phần của người lính là được về với quê hương. Khi bom đạn tạm thời yên ắng, nằm trong căn hầm dã chiến ẩm ướt giữa mùa mưa miền rừng Quảng Trị, chúng tôi càng thêm nhớ nhà, nhớ quê hương. Có ở chiến trường mới thấy hết giá trị lớn lao của sự sống. Trước đây, tôi mơ ước được đi học nước ngoài bao nhiêu thì bây giờ mơ được về quê còn gấp bội bấy nhiêu. Nhiều hôm tay ôm súng đứng gác trong đêm, nghe tiếng chim gõ kiến mổ lốc cốc vào thân cây, tiếng tắc kè điểm nhịp chẵn lẻ báo mưa báo nắng ngày mai, tiếng chim từ quy gọi nhau “chóp thì bóp” khắc khoải, đi mai táng tử sĩ…lòng tôi lại nao nao nghĩ tới số phận mong manh của người lính và cồn cào nhớ tới những người thân nơi hậu phương. Đêm nay tôi còn đứng đây nhưng biết đâu ngày mai không còn ở trên đời này nữa, không thể lường được chuyện sinh tử nơi mưa bom bão đạn này. Hay rồi lại như Sơn, được gói trong tấm áo mưa và được đồng đội đưa đi chôn trong khu rừng hẻo lánh…Cha và chị tôi sẽ ra sao khi nghe tin tôi hi sinh. Vào chiến trường, nghĩ đến cái chết thấy hãi hùng nhưng buồn nhất là chưa giúp gì cho Cha Mẹ để đền đáp công ơn sinh thành. Ngày tôi đi, cứ nghĩ rằng cuộc chiến đấu sắp kết thúc rồi nhưng khi vào chiến trường mới thấy cuộc chiến còn dài và gian khổ, ác liệt vô cùng. Ước gì không có chiến tranh để tôi khỏi phải xa nhà, được gần gũi gia đình. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng trong trẻo như ta vẫn nghĩ và thầm mong. Ở nơi đây, ngày nào cũng như ngày nào, phải đối mặt với bom đạn, chết chóc.    
Cũng may ở nơi đây còn có những người lính cùng chia ngọt, sẻ bùi, thương nhau nên tôi cũng thấy vơi đi sự cô đơn, trống vắng. Không có những người đồng chí, đồng đội chắc chắn không có sức mạnh nào có thể giúp cho tôi vượt qua những khó khăn ác liệt này. Đó là tấm lòng thơm thảo, thủy chung trong tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của các anh như anh Thu- Chính trị viên, Anh Trọng- Đại đội trưởng, Anh Hoàng- Tiểu đội trưởng, rồi các bạn cùng nhập ngũ như Trữ, Dung, Ngọ, Xuân…
 Tôi ứa nước mắt khi nghĩ về Cha, chị tôi, các em, dì tôi và Thoa. Tôi biết nơi  làng Ngũ Phúc nhỏ bé nằm bên dòng sông Lam nghìn tuổi, những người thân của tôi cũng có biết bao nhiêu đêm thao thức. Cha tôi, tuổi đã cao, sức đã yếu, trong những đêm mưa rét này thường húng hắng ho, ngủ được ít lắm. Việc nhà vẫn luôn đè nặng lên đôi vai của Cha. Tôi biết Cha quay quắt thương nhớ và lo nghĩ cho tôi nhiều lắm
  Tôi xốn xang nghĩ tới Thoa, người bạn gái yêu dấu, gương mặt tròn, đôi mắt bồ câu đen lay láy, mái tóc thơm hương bưởi và nụ cười tươi tắn…cứ hiện lên đêm đêm. Tôi đi bộ đội, em là người tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Vào càng sâu trong chiến trường tôi không nhận được thư em nữa. Những khi rảnh rỗi tôi lại mang thư của em ra đọc. Mỗi lần đọc, lại nhớ đến những kỉ niệm êm đềm bên em thủa học trò. Vậy mà lúc gần em, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến tình cảm của em, chỉ khi xa nhau, cách trở như thế này, tôi mới thấy được những gì chân thành từ trái tim mình dành cho em. Trái tim tôi vẫn ngân lên lời thủ thỉ của em sao mà đáng yêu đến thế: “Anh yêu! Năm học gần hết rồi, sao anh lại bỏ em mà đi lúc này. Anh biết không, mấy ngày nay, em đứng ngồi không yên khi nghe tin anh đi bộ đội..”. Những giây phút lặng yên hiếm hoi ở mặt trận là người lính chúng tôi nghĩ đến gia đình, người thân nhiều nhất. Chúng tôi rỉ rả kể cho nhau nghe về miền quê của mình, ai cũng mong muốn khi đất nước độc lập sẽ được đặt chân đi nhiều nơi, thăm gia đình của đồng đội mình. Nếu được dẫn mọi người về thăm quê thì tôi sẽ đưa mọi người đi thăm ngôi nhà Bác và đưa mọi người ra sông Lam hóng mát, nghe những điệu hò êm ru mà chỉ nơi mảnh đất xứ Nghệ quê tôi mới có. Đồng đội của chúng tôi rất thích chất giọng ấm áp, dễ làm xiêu lòng những cố gái bâng khuâng, lãng mạn. Tôi cứ nghĩ tới giây phút mình được ngục đầu vào ngực Cha, được ôm thân hình gầy guộc và được hít hà mùi mồ hôi quen thuộc của người sau khi cất lên tiếng nói: “Cha ơi, con đã trở về”, tôi thấy cay cay sống mũi và khát khao thèm muốn đến thế. Tôi được nắm bàn tay nhỏ bé sạm nắng của chị tôi và không sao cầm nổi nước mắt khi nhận ra hình bóng của người Mẹ đi xa trong đó. Chị tôi một nắng hai sương chăm lo cho tôi từng miếng cơm manh áo. Trong gia đình có lẽ chị gái bao giờ cũng thương em trai hơn cả. Tôi sẽ ngồi và kể cho các em của mình nghe những trận đánh ác liệt mà tôi đã trải qua, cả khi những đồng đội tôi ngã xuống. Tôi sẽ thắp cho Mẹ nén hương và báo cáo lại với Mẹ về sự trưởng thành của mình. Và Thoa- người bạn gái của tôi sẽ vui tươi khi tôi không còn ở nơi xa xôi, em không phải thấp thỏm đợi chờ lo lắng cho tôi nhiều như trước đây nữa. Tôi đứng trước mặt em, áo lính khét mùi thuốc súng, gương mặt sạm đen, hốc hác, chắc em cảm động và thương tôi lắm. Tôi tưởng tượng rằng em sẽ gục đầu vào vai tôi mà quệt nước mắt, nước mắt của niềm vui, của sự chờ đợi sau bao năm xa cách, của tình yêu em dành cho tôi. Em nhìn tôi không chớp mắt, xem tôi có bị thương ở những đâu không. Được ôm em trong vòng tay với những vết chai sạn chiến tranh là hạnh phúc đối với tôi. Em không nói được lên lời mà chìm ngập trong hạnh phúc vô bờ khi tôi về bên em. Hai đứa lặng im, trái tim tràn ngập yêu thương. Và sau đó, tôi và em sẽ cùng thưa chuyện với gia đình về tình yêu và đợi chờ của hai đứa. Lúc đó, em sẽ không ngại ngần, e ấp, đỏ mặt sợ mọi người trêu như ngày còn đi học. 
  Chao ôi, nhưng tất cả hình ảnh ấy chỉ trong tưởng tượng của tôi mà thôi. Tôi đang ở mặt trận giữa những hố bom, hố pháo xám xịt, khét lẹt mùi thuốc súng, tôi đang đứng gần thần chết. Chỉ cần một mảnh bom, một viên đạn trúng vào mình thế là tất cả, tất cả sẽ vĩnh viễn xa rời, sẽ không còn biết gì nữa, sẽ là hư vô như ta chưa bao giờ có mặt trên cõi đời này. Cách nơi tôi nằm vài ba bước chân là thấy được cả chiến trường khốc liệt rồi. Tôi khẽ rùng mình, một cơn gió lạnh thổi dọc sống lưng. Những câu nói thì thào cất lên tự lòng mình: “Thế nào, bây giờ thì mày biết chiến trường ra sao rồi chứ? Đạn bom tơi bời thế này, liệu mày còn may mắn sống sót để trở về gặp lại Cha, dì, chị, em Thoa và bà con thân thuộc của mày nữa không, hay mày sẽ cùng chung số phận với nhiều đồng đội ngã xuống nơi mặt trận đường 9 Khe Sanh này. Tại sao mày lại tình nguyện xin đi bộ đội hả? Tại sao mày lại tình nguyện chối bỏ cái tương lai đẹp đẽ đang chờ phía trước mày, nói đúng hơn là đang chạm tới tay mày và cả tình yêu trong trắng của người con gái xinh đẹp dành cho mày nữa để dấn thân vào chỗ chết chóc máu me này, tại sao một đất nước tươi đẹp chờ đón mày phía trước, nơi đấy cuộc sống là ăn là học, là vui là chơi, không phải đối diện lo lắng với gian khổ, chết chóc từng ngày từng phút, sao mày không biết lựa chọn cho mình…”?...
   Thú thực, có những lúc câu chất vấn kiểu ấy trỗi dậy hành hạ, dằn vặt tôi. Và cũng phải nói thật rằng không phải không có lúc tôi cảm thấy lung lay sợ hãi.  Rồi tôi lại nghĩ về những lúc Cha im lặng vì sự lựa chọn của tôi.
    Vậy, tìm cách trở về ư? Trở về bằng cách nào? Tuy nhiên khi bình tâm lại, tôi cảm nhận được Cha tôi, chị tôi, em Thoa, quê hương xóm làng của tôi không ai chấp nhận sự trở về không chính đáng của tôi như vậy. Tôi biết rõ điều đó, với họ danh dự còn cao hơn cái chết. Tôi biết Cha sẽ buồn và đau đớn khi tôi đảo ngũ. Dẫu rằng có thể trở về thì tôi còn tồn tại, không trở về thì ra đi vĩnh viễn, tôi làm sao còn được gặp lại mọi người. Tôi không muốn tất cả tự hào vì có tôi đi lính rồi lại hổ thẹn khi tôi đảo ngũ. Nhất là khi cái loa truyền thanh của thôn, của xóm phát tên tôi, thông báo cho tất cả dân làng nghe thấy, khi đó Cha tôi là người sẽ đau đớn và tủi hổ nhất. Và Thoa, em sẽ gục đầu xấu hổ, lúc đó em có còn ở bên tôi và yêu tôi tha thiết nữa không?... Những niềm tự hào, thần tượng về tôi khi ấy ở trong em chắc sụp đổ tan tành!...
   Tôi cân bằng lại trạng thái tinh thần và bình tĩnh lại, chấp nhận cuộc sống chiến đấu ở chiến trường. Tôi suy nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra với ai, hơn nữa tôi sẽ hổ thẹn với những đồng đội đang ở bên mình, hổ thẹn với cả những người đã ngã xuống mà nhiều lần tôi là người đã đưa thi thể họ đi mai táng. Tôi nhận rõ hơn được cái vầng sáng anh hùng của dân tộc, của đồng đội trong cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt và gian nan này, từ đó tôi  lại yên tâm hơn với sự lựa chọn của mình. Những chiến công của đơn vị, những thất bại của kẻ địch, rồi các đồng đội ngã xuống đã tiếp cho tôi thêm cứng cỏi và dũng cảm hơn. Nhất định tôi sẽ chiến đấu đến cùng nếu quân địch đổ bộ xuống đây. Có lẽ một chân lý mà người lính ngoài mặt trận đã xác định: “Mình không bắn nó thì nó bắn mình”. Tôi bình thản trong những suy nghĩ hơn rất nhiều, có lúc nghĩ đến niềm hãnh diện của mọi người ở quê, Cha tôi đi đâu cũng có người hỏi thăm tin tức của tôi, thầy trò trên lớp luôn lấy tôi làm gương sáng. Nghĩ đến những điều đó tôi thấy hạnh phúc lắm. Chỉ có sự nhớ nhung người thân và chờ đợi ngày về là không nguôi ngoai trong tôi. Người lính, ai chẳng mang theo nhiều nỗi nhớ- tôi tự an ủi lòng mình bằng những suy nghĩ như thế.
  Người lính, thử thách lớn nhất là chiến đấu. Vượt qua trận đấu là vượt qua được bản thân mình, vượt qua khó khăn và thử thách. Với người lính cách mạng, sự lựa chọn sống, chết không phải là sự lựa chọn đầu tiên mà phải là sự lựa chọn đúng- sai, chính nghĩa- phi nghĩa, tôi nghĩ vậy.
  Khi vợi bớt những lăn tăn của anh lính mới vào chiến trường và đang cùng tiểu đội đại liên do anh Vương Tử Hoàng chỉ huy chốt chặt trên một quả đồi nhỏ cháy rụi cạnh sông Bến Hải, thì được lệnh chuyển quân. Tôi nghĩ chắc là hành quân đến địa điểm khác để đánh địch. Khi hành quân vượt sông Bến Hải thì anh Vương Tử Hoàng cho biết là: Đơn vị hành quân ra Quảng Bình. Ngày 15 tháng 11 năm 1968, chúng tôi trong đội hình của trung đoàn được lệnh hành quân ra đó.
  Đang quần nhau với giặc chí tử, bỗng đơn vị nhận được lệnh hành quân ra Bắc. Ôi. Có gì vui hơn vậy nữa. Mỗi người lính chúng tôi lúc này ai cũng cảm thấy lâng lâng khó tả. Ra Quảng Bình ư? Thật tuyệt vời. Tôi nghe anh Hoàng phổ biến lần này được ra Quảng Bình,  tuy vẫn là tuyến lửa khu Bốn ác liệt nhưng so với mặt trận đường 9 Khe Sanh còn đỡ hơn nhiều. Đã lâu rồi, cánh lính bọn tôi sống, chiến đấu trong những cánh rừng già âm u, ẩm ướt của miền tây Quảng Trị nên ai cũng thèm được ngắm nhìn bầu trời thoáng đãng của đồng bằng. Bởi thế, ra khỏi rừng, ai cũng ngửa mặt lên trời, ngắm nhìn cái khoảng không gian bao la muôn thưở như ùa vào lòng mọi người. May sao, hôm hành quân, thời tiết thật đẹp, đợt mưa dầm dề vừa chấm dứt hôm qua, nay trời trong xanh vời vợi. Khuôn mặt ai cũng ửng sáng lên, phơi phới, hăng hái.
   Chúng tôi đi qua những quả đồi lúp xúp, cây sim câu mua xung quanh đường phất phơ trước gió như chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Ven đường đi là những cánh đồng lỗ chỗ hố bom lở loét, thưa vắng bóng người. Vết thương chiến tranh do giặc Mỹ để lại in đậm trên từng thửa ruộng, từng con đường, lối xóm. Đoàn bộ đội hành quân rung lá nguy trang. Khi đi qua đoạn đường mà thanh niên xung phong đang làm, đột nhiên tiếng cười nói vui như hội. Có cô gái xung phong ném cả nắm đất lên áo anh bộ đội, thế là nhiều anh nhặt sỏi ném lại, tiếng cười giòn tan. Càng đi xuống đồng bằng càng thấy sự ác liệt của chiến tranh phá hoại bằng máy bay của giặc Mỹ. Những cây cối và nhà cửa bị đánh cháy nham nhở, có nhà bị đốt cháy trụi, còn mấy cái cột cháy đen thui xiêu vẹo và chẳng còn bóng người. Người lính chúng tôi nhìn cảnh làng xóm tiêu điều, xơ xác mà xót xa, thương cảm, càng thêm căm phẫn quân cướp nước. Đi qua con đường mòn nhỏ cheo leo ven núi, đến chiều tối thì chúng tôi đến nơi tập kết. Đó là xóm Tân Đa, xã Thái Thủy, thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
   Tiểu đội tôi được bố trí ở nhà Bác Hồng. Gia đình bác có ba người con trai vào bộ đội. Tôi nghĩ: khi đất nước bị xâm lăng có biết bao người ra trận chứ đâu phải chỉ riêng mình. Thế mà có lúc ở chiến trường gian khổ, ác liệt mình đã phân vân về con đường mình đã chọn. Những lúc gian nguy, người dân ai cũng hướng về đất nước. Nhà nhà ra trận, người người ra trận. Chiến trường rộng khắp mọi nơi.
  Nhà bác Hồng không lớn, cũng giản dị như gia đình tôi và những gia đình nông thôn khác. Được gần gũi với gia đình bác, tôi lại nhớ nhà hơn. Nhà bác chỉ có một chiếc giường và một chiếc phản, bác nói:
  - Các chú cứ chia nhau ra, một nửa ngủ giường, một nửa ngủ trên phản. Đồng chí Vương Tử Hoàng nhìn bác Hồng băn khoăn:
  - Thôi bác ạ, gia đình bác cứ ngủ trên giường, trên phản, bọn cháu mắc võng ngủ cũng được. Nghe đồng chí Hoàng nói vậy, bác Hồng xua tay:
  -  Không được mô, ở rừng rú, các chú ngủ võng đã đành, bây chừ vô đây thì các chú cứ nằm giường cho đỡ mệt mà. Cả làng ni nằm hầm quen rồi. Chiến tranh còn dài mấy chú ạ. Các chú không phải lo chi cả.
    Nghe bác Hồng nói, chúng tôi mới biết tình cảm gia đình bác dành cho chúng tôi là to lớn. Biết là khó cưỡng lại được, chúng tôi đành phải tuân lệnh bác Hồng.
   Đóng quân trong nhà bác Hồng, chúng tôi được gia đình quan tâm lo lắng cho từng bát nước chè xanh, bát canh cua, cà muối. Có hôm tôi sốt rét không ăn được cơm, bác Hồng đã nấu cháo cho ăn. Vừa bưng bát cháo nóng sốt, bác nói: “Chiến tranh còn dài lắm. Các con còn phải đi nhiều. Cố gắng ăn khỏe còn có sức chiến đấu. Các con có ở được mãi nơi đây đâu, được ngày nào ở với bọn bay là tau thấy vui rồi”. Chúng tôi ai cũng cảm động trước lời nói chất phác, mộc mạc và những gì gia đình bác đã dành cho.
  Tôi chợt nghĩ đến những người con của bác, không biết các anh có được chăm sóc như chúng tôi không? Nhưng tôi luôn tự hào rằng, mọi người dân nơi đâu cũng coi bộ đội  như con một nhà,  chia sẻ và quan tâm, chăm sóc san sẻ với chúng tôi. Hình ảnh của bọ gợi tôi nhớ đến tình cảm của bà con chòm xóm hôm đưa tiễn tôi lên đường, cứ mộc mạc và giản dị vậy thôi mà ấm áp tình thương biết nhường nào.
  Ít ngày sau, chúng tôi được bổ sung thêm quần áo, tăng võng, chăn màn, lương khô và đường sữa. Quân trang cũ cùng với giấy tờ, sổ sách, thư từ, tiền đồng Việt Nam dân chủ cộng hòa…được cấp trên cho gửi về nhà. Tôi gửi về tất cả những thứ tổ chức quy định, chỉ giữ lại một thứ duy nhất là lá thư đầu tiên Thoa gửi cho tôi. Tôi xem đó là kỉ vật bất ly thân của cuộc đời mình. Hơn nữa, tôi có thể để trong túi áo để đọc bất cứ lúc nào. Chúng tôi biết mình sắp đi xa, thật xa chứ không còn là anh lính “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam nữa”, trong lòng ai cũng bâng khuâng. Hôm gặp Trự, sau cái bắt tay là Trự phân bua ngay:
 - Cậu biết tin gì chưa? Này quan trọng lắm nhá. - Trự vừa nói vừa bỉu môi vẻ quan trọng.
Tôi vỗ vai Trự:
 -  Tin gì vậy? -Trự đưa tay chém mạnh vào không khí:
 - Thuốc là đâu? Đưa đây tớ điếu rồi sẽ biết tất. Tôi mở bao thuốc lá Trường Sơn mời Trự. Trự rít một hơi và tiếp tục phân bua:
  - Chuyến này đi B dài đấy. Có yêu ai thì yêu đi, kẻo vào đó lại mất cơ hội. Trự lúc nào cũng đùa. Tôi cũng đoán được qua việc cấp phát bổ sung quân tư trang và nhất là việc gửi các vật phẩm về gia đình. Như vậy đi B dài là cái chắc rồi.
    Trong thời gian ở đây, chúng tôi vừa học tập chính trị vừa huấn luyện quân sự. Tối về lại viết thư cho gia đình. Dạo này tạm ngừng bắn nên đèn đóm cũng thoải mái hơn. Kèm theo những hiện vật gửi về gia đình là những bức thư mới viết của chúng tôi. Ai cũng tranh thủ ghi vài dòng thư cho gia đình, dù ít dù nhiều, có cậu vừa viết thư cho gia đình, cho người yêu mà nước mắt đã ướt nhòe. 
    Tôi ngồi viết thư gửi gia đình vì biết mọi người cũng rất mong ngóng và chờ đợi thư tôi. Một mình tôi đi lính nhưng ở nhà có biết bao nhiêu người chờ đợi và nhắc đến tôi, mọi người chắc cũng mong thư tôi nhiều lắm.
“Cha và các anh chị, em yêu quý! Con được ra Quảng Bình củng cố mấy ngày rồi lại lên đường vào Nam. Lần này là đi B dài, B dài thật sự, Cha ạ. Thời gian trước đây, con mới đi B ngắn: Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam, chỉ là khởi đầu của mọi khó khăn thôi. Con gửi về cho Cha và các chị, em một số thứ tư trang mà theo qui định không được mang theo. Lần này chúng con sẽ vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên chiến đấu đấy Cha a. Chúng con đang học tập và an dưỡng ở tỉnh Quảng Bình. Chúng con được ở trong nhà dân. Chúng con được các bố, mẹ ở đây rất quan tâm, chăm sóc như con trong gia đình.  Cha và các chị cứ yên tâm, đừng lo lắng cho con nhiều. Cha, chị và các em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe thật tốt và chú ý phòng không nhé. Anh em chúng con ở trong đơn vị yêu thương và đùm bọc nhau lắm. Có ai ra ngoài đó, chúng con đều tranh thủ nhắn nhủ hỏi thăm, nhất là khi có người từ ngoài đó vào, chúng con đều  hỏi thăm về tình hình ở quê mình. Cha ơi, chiến tranh còn ác liệt và chắc chắn sẽ kéo dài, không như khi còn ở nhà, lúc đó con đã nói với Cha là chỉ đi bộ đội mấy tháng thôi rồi sẽ về tiếp tục học. Con rất nhớ nhà và lo lắng cho Cha, thời tiết thỉnh thoảng hay trái nắng trở trời, Cha ở nhà giữ gìn sức khỏe, đừng buồn và chờ đợi con về, Cha nhé, nhất định con sẽ trở về bên Cha…”. Viết xong thư, tôi thấy nhớ Cha, nhớ nhà và nhớ tất cả.
Thư tôi viết cho Thoa:
“Em yêu quí ơi. Lâu lắm rồi chẳng nhận được tin em. Hành quân vào đến Quảng Trị là vào choảng nhau với lính Mỹ ngay em a. Cũng thật may, lúc choảng nhau anh vẫn bình an. Cơm nước không đủ, huống hồ bút giấy. Thế mà lúc nào đứng gác, anh vẫn nhìn về quê để nhớ em. Ôi. Sao lại nhớ em đến thế. Hiện nay anh đang củng cố ở Quảng Bình để chuẩn bị đi xa, đi xa hơn nữa em yêu à. Đến bây giờ anh mới biết các chiến sĩ ở ngoài mặt trận phải chịu đựng gian khổ và ác liệt biết nhường nào và sức chịu đựng của các anh không gì sánh nổi. Mọi cái đều không đơn giản như trước đây anh em mình thường nghĩ mỗi khi tranh luận về cuộc chiến đấu. Thực tế đều nằm ngoài sức tưởng tượng của anh và em. Nói thật với em yêu, trong bom đạn các liệt, có lúc anh tỏ ra mềm yếu. Nếu như anh ở nhà thì được gần bên em, em cũng không phải lo lắng cho anh nhiều, chúng mình không phải cách xa nhau như thế này, hơn nữa anh lại được đi học ở nước ngoài... Lúc đầu, anh thất vọng và yếu đuối  nhưng bây giờ thì khác rồi, chính sự hi sinh dũng cảm của đồng đội và tấm lòng của nhân dân tuyến lửa Quảng Bình đã giúp anh vững vàng lên rất nhiều. Tất cả mọi người cùng hứa với nhau, ngoắc tay nhau thề cùng nhau chia sẻ, cùng nhau chịu đựng, đồng đội cũng đã tiếp thêm nghị lực cho anh để sống và chiến đấu. Em ở nhà cứ yên tâm nhé, anh sẽ sống và chiến đấu xứng đáng với tình cảm em đã dành cho anh.
Anh biết dạo này em đang vất vả với đèn sách. Cố gắng lên em yêu nhé và nhớ học cho cả phần anh nữa đấy. Lớp học của anh, của em có gì thay đổi không, em nhớ kể cho anh biết tin với nhé. Em ở nhà giữ gìn sức khỏe, chăm học và giúp đỡ gia đình nhưng đi lại cũng phải cẩn thận nhé, chiến tranh còn kéo dài, chẳng biết ra làm sao, em phải hết sức cẩn thận em yêu nhé.
  Em ơi, sắp tới anh càng xa em hơn và thời gian chúng mình được gặp nhau chắc phải chờ đợi lâu lắm đấy, chắc em buồn và nhớ anh lắm đúng không? Anh cũng vậy, anh rất nhớ em, chỉ mong cho cuộc chiến kết thúc càng sớm càng tốt để anh trở về bên em, để được em chạy ào ra đón anh trong nụ cười vui ấm áp, với đôi mắt đẹp nhìn anh rưng rưng. Anh chỉ biết cầu nguyện những điều tốt lành cho em và cho cả hai chúng ta. Ao ước lớn nhất anh hằng ấp ủ là đất nước sớm chấm dứt chiến tranh, hai miền thống nhất để anh được trở về với em…”!

    Thực lòng, tôi muốn tâm sự với Thoa nhiều điều thầm kín, kể cả nói cho em biết sự hi sinh của người lính ở mặt trận có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi còn giấu em cái linh cảm mình có thể ra đi mãi mãi, không bao giờ trở về quê hương và những người yêu dấu như bao đồng đội khác, nhưng tôi không muốn nỗi buồn ấy dày xéo trái tim em, tôi không muốn em ở nhà phải lo lắng phiền muộn vì tôi. Tôi không muốn em nước mắt ngắn dài chờ đợi về tôi, bởi vậy mà tôi tạo sự lạc quan khi viết thư cho em. Tôi muốn đánh thức ở em niềm tin vào sự trở về của tôi, sự tế nhị của tôi lúc này là thực sự cần thiết đối với cuộc sống của em dù biết rằng điều khủng khiếp ấy có thể xảy ra lắm chứ. Nhưng tôi nghĩ, em là cô gái mới lớn, còn vô tư và trong trẻo biết bao, đừng phủ những đám mây đen lên khoảng trời đầy sắc nắng trong trái tim em. Bởi thế, tôi mới chỉ viết cho em được ngần ấy điều chung chung như vậy.
  Đây là lá thư đầu tiên tôi viết gửi về gia đình và cho Thoa sau khi rời nơi huấn luyện để vào chiến trường. Đi xa nhà rồi, không biết tôi có còn nhận được thư em nữa không. Một lá thư đến nơi phải qua tay biết bao người. Lá thư là niềm vui và hạnh phúc nhất đối với người lính. Cầm lá thư trên tay, lính chúng tôi còn chụm đầu vào cùng đọc cho nhau nghe. Dường như cậu nào có người yêu là chúng tôi đều biết tỏng, khi đọc thư thường giấu diếm, sợ chúng tôi trêu và lấy mất. Chúng tôi còn biết tên người yêu của các bạn, những câu chuyện kể và nhớ về người yêu mình, anh em lính bồi hồi lắm. Chúng tôi coi nhau như anh em rồi khi có việc gấp gáp còn báo cho gia đình và người yêu biết nữa chứ. Lá thư của Thoa gửi cho tôi mặc dù lúc nào tôi cũng cất trong túi áo ngực để một mình mình đọc nhưng chuyện giữa tôi và em thì cả đơn vị đều biết. Thậm chí, mọi người đều nhớ đến tên em dù chưa một lần gặp mặt. Trong túi áo tôi, tiếc rằng không có bức hình của em để cho mọi người xem. Tôi thao thức bồi hồi khi gấp lá thư của mình cho vào bao ni lông cẩn thận.
  Viết thư gửi em, rồi mong ngày, mong đêm cho những lời tâm sự trong lá thư của tôi nhanh đến được với gia đình và với em. Trong những năm tháng chiến tranh, đường sá đi lại trắc trở vô cùng, người hậu phương, người tiền tuyến nhận được thư nhau mừng lắm. Đây là lần đầu tiên tôi xa gia đình, lại là lần đầu tiên xa em, tôi mới thấy hết được giá trị lớn lao của những tin nhà. Tất cả chỉ qua những dòng chữ mà nói lên biết bao điều. Nhận được thư mà như gặp được người, những dòng chữ viết vội vàng trên tờ giấy mỏng chứa đựng bao nhiêu thương nhớ, lo lắng, buồn vui. Những trang thư lúc đó cũng làm cho những người lính chúng tôi phấn chấn hơn hẳn khi xa gia đình, mặc dù biết chặng đường đi đã xa lắm rồi nhưng cứ ngỡ như gần đâu đây. Những lá thư đến được tay người nhận phải vượt qua muôn trùng bom đạn, nắng mưa, băng qua những chặng đường đầy những vết tích chiến tranh, thấm đẫm mồ hôi, vất vả và nhiều khi là máu của những người chiến sĩ quân bưu nữa.
  Những ngày ở Thái Thủy là thời gian bận rộn của chúng tôi. Ngoài việc chuẩn bị quân trang, quân dụng, học tập chính trị, chúng tôi khẩn trương huấn luyện thêm kĩ thuật bắn máy bay, bắn bộ binh và các chiến thuật đánh vận động, đánh vây lấn. Để chuẩn bị cho cuộc hành quân đi B dài sắp tới, tôi được phân công vác càng súng đại liên Cô-bi-nốp. Cộng với ba lô, ruột tượng gạo và các thứ lặt vặt khác nặng chừng từ 45 đến 50 cân. Lúc này tôi cũng chỉ cân nặng khoảng 50kg. Tuổi trẻ, sức dài vai rộng nhưng gùi được từng ấy cân để trèo đèo, lội suối vượt qua trăm đỉnh Trường Sơn không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều anh lính cựu binh nói với chúng tôi rằng, có lúc leo núi mệt quá, những thứ gì chưa thực sự cần thiết đều muốn quẳng đi cho nhẹ. Tôi cũng lo thế, nên tranh thủ thời gian rèn luyện thể lực. Tập nhiều nên ăn cũng khỏe mà ngủ cũng ngon. Đêm đêm, sau khi điểm danh xong, đặt lưng xuống phản là ngáy pho pho. Chỗ nào có thể ngủ là chúng tôi tranh thủ chợp mắt cho bõ những ngày ở trận địa.
Thế mà tại sao đêm nay, tôi cứ trằn trọc hoài không sao ngủ được? Tôi lại nghĩ và nhớ đến mọi người ở quê. Trong người bồn chồn lắm. Hết nghĩ đến người thân lại nhớ và nghĩ tới bạn bè và những người hàng xóm. Có lúc cựa mình, tôi lại ngó nhìn những anh bạn quanh tôi, mọi người đều ngủ ngon giấc. Mỗi người một tư thế, chẳng có ai cựa mình không ngủ được như tôi cả, cũng chẳng phải lạ nhà. Mãi tới khi tiếng gà trong thôn lác đác gáy, tôi mới chợp mắt được. Đang chìm trong giấc ngủ thì Cha tôi tới thăm. Chẳng biết Cha đến đây từ lúc nào và bằng cách nào. Cha đang đứng bên cạnh chiếc phản nhìn tôi âu yếm. Cha nhìn tôi lặng im không nói gì, hình như trên mặt người có mấy giọt nước mắt còn đọng lại: “Cha ơi, tại sao Cha lại khóc?”- Tôi hỏi. Cha vẫn lặng im nhìn tôi như ban nãy. Nhìn Cha tội nghiệp quá. Có phải Cha nhớ và lo cho con lắm không? Tôi ôm chặt Cha vào lòng. Cha gầy đi nhiều so với hồi tôi còn ở nhà. Tôi thấy rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt Cha. Có phải vì lo lắng cho tôi mà Cha gầy yếu đi và thêm nhiều nếp nhăn như vậy không? Cha không phải lo lắng cho con nhiều đâu, ở nơi đây chúng con đều yêu thương, động viên, giúp đỡ nhau nên cũng đỡ nhớ nhà, anh em chúng con cũng thường động viên nhau và nghĩ ra nhiều trò để xua tan những nỗi nhớ trong tâm khảm mọi người, để mọi người lạc quan trong mỗi trận chiến.… Cha mặc áo nâu chàm đã sờn nhẵn và bạc đi vì nắng gió. Chiếc áo Cha mặc rất lâu rồi. Tôi lại nhớ đến mùi mồ hôi chát mặn của Cha mà lúc ở nhà tôi đã hít hà mùi đó. Tôi định lấy tấm chăn bộ đội màu cỏ úa khoác vào cho Cha thì ông xua tay ra hiệu không cần. Cha chỉ lẳng lặng nhìn tôi một cách thương yêu, cái nhìn của Cha với tôi thật bao la, ấm áp. Nhưng Cha chẳng nói gì. Lạ quá, Cha ơi, tại sao đến thăm con mà Cha không nói với con một câu nào? Hay là con đã làm điều gì đó sai trái khiến Cha phật lòng? Tôi định hỏi Cha câu ấy, kì lạ thay, hình bóng Cha tôi mờ dần, mờ dần rồi khuất hẳn…
 Tôi giật mình choàng tỉnh, mới biết là mình mơ. Nhìn lại cái phản tôi đang nằm, chỉ có tôi và mấy anh bạn, ngoài trời vẫn nhá nhem chưa thể nhìn rõ bóng người, tôi căng mắt nhìn xem có Cha ở ngoài đó thật không, nhưng biết đúng là mình đang mơ thật rồi, Cha làm sao lại hiện hữu trước mặt tôi lúc này được. Tôi đang ở xa nhà lắm mà.
   Trong cuộc đời mình, có biết bao giấc mơ lành giữ nhưng chỉ có giấc mơ này là ám ảnh tôi mãi. Tôi tỉnh dậy mà trong lòng day dứt, nhớ Cha vô cùng. Giấc mơ đêm ấy cứ làm tôi lo lắng một điều gì đó về Cha đến khó tả. Tôi không bao giờ quên được giấc mơ đêm ấy cũng như trong tâm can mình luôn mang hình bóng người Cha  kính yêu. Tôi nghĩ về Cha nhiều hơn. Không biết ở nhà có chuyện gì không? Hay là có chuyện gì xảy ra mà gia đình giấu không cho tôi biết vì sợ tôi suy nghĩ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi ở nơi này, biết hỏi ai bây giờ, con đường xa nghìn trùng. Tôi thấy hoang mang, đứng ngồi không yên, trong người cứ bồn chồn. Người ta bảo “sinh dữ, tử lành” nhưng tôi vẫn cứ bị ám ảnh. Tôi đem chuyện kể cho Trự, Dung, Xuân và Ngọ cùng nghe, ai cũng bảo vì tôi nhớ nhà, thương Cha quá nên mê mẩn ra thế.
  Mấy hôm sau, tôi nhận được thư Thoa. Cầm lá thư của em trên tay, tôi ngỡ như mình đang mơ. Tôi hồi hộp trong lòng và nhanh chóng bóc thư đọc. Lâu lắm rồi tôi mới nhận được thư em, mà chiếc phong bì thư dày dặn thế này chắc là em tâm sự với tôi nhiều lắm. Có phải ở nhà rất nhiều chuyện mà em muốn kể cho tôi nghe hết thảy không? Có phải vì tôi chuẩn bị vào chiến trường xa hơn nên em viết thật nhiều hơn? Có lẽ em nhận được thư tôi rồi vội vàng hồi âm vì sợ tôi chờ đợi? Thoa ơi, thế là đường dây liên hệ giữa anh và em bấy lâu nay được nối lại rồi. Em có biết là anh mong ngóng thư em từng ngày một không? Anh sốt ruột và mong tin em vô cùng. Trong thư em nói với anh gì đây? Chắc có rất nhiều chuyện mà em sẽ kể cho anh nghe, từ việc tình cảm chúng mình, việc học của lớp, rồi việc gia đình...Cầu trời, đừng có chuyện gì buồn cả, tôi hồi hộp bóc thư ra. Những dòng chữ quen thuộc của em hiện ra trước mắt tôi:
  “Anh thương yêu của em! Em đang học bài thì nhận được thư anh. Em vội vàng chạy ra nhận thư, em biết chỉ có thư của anh gửi cho em mà thôi. Ôi chẳng có gì vui hơn đối với em lúc này là được đọc thư anh. Anh có biết là em mong ngóng và chờ đợi thư anh rất lâu rồi không? Anh ơi, em đã viết cho anh rất nhiều thư, tuần nào em cũng viết và đều gửi cùng địa chỉ cũ của anh, chẳng biết anh có nhận được thư của em không mà không thấy trả lời em.  Những lúc không nhận được thư anh, em cứ lo lắng nghĩ về điều gì đó đã xảy ra với anh. Hôm nay, em vui lắm.”
 Đọc đến đây tôi thấy hối hận với em. Thôi chết rồi. Địa chỉ cũ vẫn là nơi huấn luyện ở Nghĩa Đàn. Từ khi vào đây, theo các anh vào trước, nếu có địa chỉ cũng không nhận thư được. Do vậy mình có cho em địa chỉ đâu. Mình thật có lỗi với em. Tôi tiếp tục đọc thư em: “Thư nào em cũng kể cho anh nghe mọi việc ở nhà, chuyện gia đình anh, gia đình em và cả lớp học nữa, mọi người đều lo lắng và nhờ em viết thư hỏi thăm anh nữa đấy. Rồi cả thầy giáo cũng hỏi thăm anh đều đặn, thầy rất nhớ anh. Nhất là những lúc tranh thủ sang thăm nhà anh. Bác trai dạo này cũng hay ho húng hắng, nhưng khi nói chuyện về anh thì bác nói rất say sưa. Nào là anh rất sát cá. Đi kéo vó hoặc thả lưới lúc nào cũng được nhiều. Còn chị gái anh thì hễ nhắc đến anh là  khóc. Chị thương anh lắm. Chị bảo, mồ côi mẹ từ lúc còn nhỏ mà anh rất ngoan, chăm học, chăm làm, gặp ai cũng chào hỏi, lễ phép. Còn các em của anh thật đáng yêu. Mỗi khi em sang là chúng nó cứ nhảy lên đòi em bế cứ như em là người nhà của anh vậy. Nhưng có lẽ khi thư em đến nơi thì anh lại hành quân chuyển đơn vị nên anh không nhận được thư em rồi. Tiếc quá! Nhưng em không nản lòng viết thư cho anh đâu. Em vẫn kiên trì viết và quyết tâm viết đến lúc nào em nhận được thư anh thì  em mới thực sự yên lòng. Có hôm sốt ruột quá, em sang nhà anh chơi hỏi thăm chị anh xem có nhận được tin tức gì của anh không, nhưng chị anh bảo không thấy anh gửi thư như trước nữa. Chị thấy em lo lắng nên động viên em đừng lo nghĩ quá, anh còn bận hành quân và chiến đấu. Rồi chị còn kể dạo này trong xã có báo tử liên tục. Nhưng số thằng Biểu nó cao nên cũng đỡ lo. Em biết chị anh nói vậy để em đỡ buồn thôi, chứ nhìn vào đôi mắt rưng rưng lệ ấy thấy chị rất lo cho anh..
   Anh yêu ơi. Nam Đàn mình dạo này máy bay bắn phá ác liệt lắm anh ạ. Trường cấp 3 của chúng mình đã phải sơ tán lên Nghĩa Đàn học. Em phải đi học xa và vất vả hơn nhưng em sẽ cố gắng, em sẽ học, mai này còn trở thành cô giáo nữa anh nhỉ? Anh vào chiến trường còn vất vả nhiều hơn thế đúng không? Mặc dù ở rất xa nhau nhưng mình cùng nhau phấn đấu anh nhé. Càng xa anh, em càng phải phấn đấu hơn nhiều. Anh là tấm gương để em học tập noi theo. Nơi chúng em học cũng rất gần nơi anh huấn luyện nhưng thật buồn là khi chúng em lên Nghĩa Đàn thì cũng là lúc anh hành quân đi B rồi. Nhiều hôm em đi học mà mắt cứ hướng về nơi bộ đội đang huấn luyện, với hy vọng mong manh được nhìn thấy hình bóng anh. Nhưng nhìn mãi, nhìn hoài mà chẳng thấy anh đâu cả. Vì nhớ anh quá mới có ước mong vậy mà thôi. Chứ em biết lúc này anh đã ở một nơi xa tít tắp mà em không thể đếm thêm từng cây số được. Đêm đêm, em nằm ngủ mà em vẫn cứ hướng về phía chân trời phía nam mờ xa, cầu nguyện cho anh vượt qua nỗi khó khăn, ác liệt đang từng ngày, từng giờ canh cánh bên anh. Nghĩ đến đây, em rùng mình và thương cho anh quá. Khi nghe anh kể về nỗi vất vả, những gian khó của người lính em đã bật khóc và mong cho chiến tranh chóng kết thúc để anh sớm về với em, để cho muôn nhà đoàn tụ. Bây giờ có ai hỏi em, điều ước gì lớn nhất? Chắc chắn em sẽ trả lời không chút ngần ngại là anh được về bên em. Anh biết không, trong lớp ta cùng đi bộ đội với anh đã có gia đình nhận được giấy báo tử của Anh Việt, anh Nam và anh Lệ rồi. Anh phải hết sức cẩn thận đấy anh nhé. Mỗi một lần nghe tin báo tử, em lại lạnh người, con tim nhói đau. Bà con làng xóm quê mình ai cũng buồn thương cho những người con trai, vừa mới ra chiến trường được thời gian đã hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Trong những lúc đó, em bàng hoàng lo nghĩ, có nhiều đêm em không sao chợp mắt nổi, rồi có lúc em khóc vì chợt nghĩ một ngày nào đó, anh phải hy sinh, cuộc sống của em không có anh thì em sống bằng cách nào. Có hôm về thăm mẹ, em có kể nhiều về anh. Mẹ phải động viên em rất nhiều và không cho em nghĩ nhiều đến điều rủi ro ấy nữa. Mẹ bảo em biết thương và lo cho anh là tốt nhưng không được nghĩ nhiều, phải để cho anh yên tâm chiến đấu. Nghe lời mẹ, em gạt nước mắt mà lòng không hết nỗi nhớ anh. Anh ơi, em định không báo tin buồn cho anh nhưng…
  Trời ơi. Sao lại thế này, tôi như không tin vào mắt mình nữa. Mắt tôi bổng nhạt nhòa. Tôi cố đọc nhanh: “... nhưng nếu không báo thì không được, mà khi nghe em báo tin thì anh nên giữ bình tĩnh nhé. Em biết anh là con người có nghị lực mà. Cha anh bị bom mất lúc 1 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 1968. Em viết thư báo tin cho anh mấy lá rồi mà không thấy anh trả lời…
  Tim tôi bổng nhói lên đau đớn. Mình có đọc nhầm không? Chuyện Cha anh đã xảy ra rồi, không còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mất đi người Cha yêu dấu của mình, anh rất yêu thương Cha, Mẹ mà Mẹ lại mất từ khi anh còn nhỏ nên em rất thương anh, anh buồn nhưng cố gắng vượt qua anh nhé. Anh nhớ nghe em, anh nhé, em rất lo anh sa sút sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần chiến đấu”!.
   Đọc đến đây tôi nghe như có tiếng sét đánh ngang tai, cơ thể mất hết cảm giác. Một tiếng kêu “Cha ơi” bật lên ai oán, nước mắt tôi dàn dụa. Tôi nằm vật xuống phản, khóc nức nở không cần giữ ý giữ tứ gì nữa cả. “Cha ơi, sao Cha lại bỏ con ra đi, con vẫn chưa về thăm Cha được cơ mà, Cha có tội tình gì mà máy bay Mỹ giết Cha. Bây giờ còn có ai bên con, Mẹ đã mất rồi, Cha lại ra đi…chị em chúng con yêu quý Cha nhiều thì lại càng đau xót bấy nhiêu khi cha không ở lại với chị em con. Cuộc đời chúng con còn nhiều khó khăn lắm, chị em chúng con biết trông cậy vào ai?...
    Nghe tôi khóc, tất cả anh em trong tiểu đội chạy ùa đến bên tôi, cầm thư của Thoa đọc. Anh em ôm lấy tôi, gục đầu thương xót. Tất cả mọi người đều buồn và không cầm được được nước mắt. Anh Hoàng ngồi cạnh làm chỗ dựa cho tôi. Anh cũng khóc nức nở. Tôi chẳng còn biết trời đất xung quanh ra sao nữa, nước mắt dàn dụa chảy. Tôi nghe tiếng Trự, Ngọ, Xuân, Loan và Dung bên cạnh. Tôi cũng chẳng mở mắt, cứ nhắm tịt mà khóc. Có ai đó sụt sùi và lau nước mặt cho tôi. Tôi mở mắt ra mới biết là Dung. Còn Trự đang quạt mát cho tôi. Ai cũng xót xa và tìm lời an ủi, chia sẻ động viên tôi. Có người đọc thư xong, nước mắt cứ tràn ra, giống như tôi vậy. Cả người tôi tê dại, cảm giác cô đơn hơn bao giờ hết, tôi như đứa trẻ bơ vơ, không còn ai để nương tựa trước dòng đời. Cha đã mất rồi mà tôi vẫn ở đây, hôm nay tôi mới biết tin. Cha đã đi được bao nhiêu ngày rồi mà con không hề biết. Cách đây mấy hôm, con nằm ngủ mơ thấy Cha về. Linh hồn Cha hiện về báo điềm cho con mà con không hề biết. Cha nhìn con âu yếm rồi lặng lẽ ra đi. Cha ơi, có phải Cha đi khi chúng con đang quần nhau với giặc? Cha ơi, lúc con đi chiến trường Cha luôn luôn lo lắng cho con, thế mà con ở chiến trường không sao, Cha ở hậu phương lại bị chúng giết chết. Con mong chiến tranh nhanh chóng kết thúc, được trở về bên Cha và gia đình yêu dấu của mình, điều ấy vẫn chưa thành thì Cha đã bỏ con đi. Mẹ con đã đi xa rồi, sao Cha không ở lại với chị em con?
 Tôi muốn gào lên thật to cho trời đất thấu tỏ nỗi đau thương bất ngờ này, nhưng cổ cứ nghẹn lại. Trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ khóc với nỗi đau như thế. Tôi đã mồ côi Mẹ khi còn nhỏ, nay lại mất Cha. Thằng Mỹ thật độc ác. Nó từ đâu đến, mang bom đạn dội xuống làng tôi và giết hại nhiều người dân lương thiện như Cha tôi. Cha tôi có làm nên tội tình gì đâu mà khổ như thế này?
  Cha tôi, một người nông dân bình thường, suốt cuộc đời gắn bó với đất đai đồng ruộng để làm ra hạt lúa, củ khoai, nuôi con cái lớn khôn. Đời Cha tôi đã chịu đựng biết bao vất vả, rủi ro, cay đắng và nhọc nhằn. Mẹ tôi mất sớm, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai Cha tôi. Không nói ra chắc ai cũng thấu hiểu cảnh gà trống nuôi con, cực nhọc, cô quạnh, chật vật như thế nào. Khi tôi lên sáu tuổi, Cha tôi đi thêm bước nữa. Mẹ kế của tôi là một người đôn hậu, hiền lành, tốt bụng, cảm thông với hoàn cảnh của Cha tôi. Mẹ thương chị em tôi như đã từng chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Mẹ cùng với Cha chịu khó làm lụng chắt chiu từng lon gạo, đồng tiền nuôi con ăn học từ lớp một đến gần hết lớp mười cho tới khi tôi đi bộ đội. Bởi thế nên dân làng Ngũ Phúc ai cũng bảo hiếm có người mẹ kế nào tốt như dì tôi. Chị em tôi cũng yêu quí dì hơn. Nhưng trời lại bắt Cha tôi phải chịu thêm một tai họa nữa: mẹ kế tôi sau khi sinh đứa con đầu tiên (em của tôi) thì bị mắc phải bệnh điên. Bệnh của dì ngày một nặng, hãi hùng hơn là dùng gậy, dao đánh người, không phân biệt thân sơ. Cha tôi lại thêm một nỗi buồn về gia đình mà không thể bỏ mặc mọi thứ. Thời gian Cha lo cho gia đình nhiều hơn, nhất là khi em tôi còn nhỏ, tôi cũng chẳng giúp được việc gì cho Cha vì ngày đó tôi còn bé. Tôi nhìn thấy nỗi buồn hiện lên trên khuôn mặt Cha hàng ngày, nhất là khi Cha tôi chăm chút cho mẹ, cho chị em chúng tôi. Cha giấu nỗi buồn không cho chị em tôi nhìn thấy. Tôi thương Cha lắm mà không biết làm gì hơn. Một người sinh ra như Cha tôi dường như chỉ sống mãi với nỗi khổ và sự cô đơn, chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Mỗi lần mẹ kế tôi lên cơn điên thường kéo dài hai tuần. Hai tuần ấy là thời gian khốn khổ, vất vả của Cha và của cả chị em tôi. Nghĩ lại mà thương Cha quá. Mỗi lần dì lâm bệnh là Cha gầy rộc người, mắt mũi trũng sâu, nếp nhăn ngày càng dày trên khuôn mặt. Mỗi năm, mẹ kế tôi lên cơn đau từ ba đến bốn lần như thế. Có ai muốn sự tình đó xảy ra với gia đình tôi đâu, mỗi lần nhìn những lúc dì lên cơn mà tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Lúc đầu tôi thấy lo sợ nhiều, nhưng về sau tôi hiểu được bệnh tình của dì, tôi thương dì lắm. Dẫu rằng tình thương đó tôi có nói, dì cũng không thể biết và hiểu được. Thương Cha, thương dì mà suốt cuộc đời tôi chưa làm được gì cho họ. Tất cả chỉ là trong suy nghĩ. Rồi còn bao nhiêu những dự định nữa, tôi vẫn chỉ là thằng con trai kém cỏi như thế này…
  Nay Cha tôi đã mất, còn lại dì cô đơn với căn bệnh quái ác, chị tôi chăm dì cũng không thể bằng sự ân cần mà Cha tôi dành cho dì. Mỗi lần dì lên cơn, ai sẽ trông giữ dì. Dì cũng buồn lắm đúng không? Nỗi buồn chắc cũng không cất lên thành lời, chỉ có bong dáng Cha là dì mãi mãi không còn nhìn thấy trong ngôi nhà. Một cảm giác trống trải, bơ vơ vô cùng bủa vây tôi. Nhà tôi hoàn cảnh đã khó khăn, nay lại càng khó khăn chồng chất. Tất cả sẽ dồn xuống vai chị tôi, cái gánh nặng gia đình đang ngày càng trĩu xuống. Càng nghĩ, tôi càng lo lắng cho chị  muôn phần. Suốt cuộc đời con gái mà chị chẳng được vui sướng một ngày. Suốt ngày theo Cha, theo Mẹ còng lưng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Giọt nước mắt thương chị chảy dài trên gò má tôi. Tôi cũng tự trách mình chẳng làm được điều gì giúp cho chị đỡ khổ. Rồi có lúc lo lắng quá, tôi lại nghĩ đến cuộc đời hiu quạnh của chị khi tôi không còn trở về gặp lại chị, khi ấy chị là người vất vả và khổ hạnh nhất. Còn tôi, dù rằng chẳng giúp gì được cho chị nhưng sự hiện diện của tôi có lẽ vẫn làm cho cuộc đời chị vơi bớt quạnh hiu. Chị là trụ cột nuôi cả gia đình tôi lúc này. Ngày qua ngày, công việc chẳng khi nào để làm chị an nhàn thảnh thơi.
  Từ cảnh ngộ gia đình, tôi chợt nhận ra một điều thử thách lớn nhất của những người lính như tôi phải chịu đựng, phải vượt qua đâu chỉ có bom đạn tàn bạo của kẻ thù nơi mặt trận mà là nỗi khó khăn mất mát to lớn của hậu phương, của gia đình mình. Những ngày đầu nhận được tin dữ về Cha, hầu như tôi không làm gì được cả, mọi việc đều do Dung, Loan, Trự, Ngọ, mấy thằng bạn nối khố cùng học cấp ba, cùng đi bộ đội một đợt lo liệu. Anh em trong tiểu đội thì cho tôi nghỉ tập. Mấy ngày nay, với hoàn cảnh éo le nên mọi người động viên tôi. Tuy vậy, tôi thực sự bị suy sụp về tinh thần, hình ảnh người Cha hiền lành bị bom giặc giết chết, căn bệnh điên của mẹ kế và gánh nặng gia đình đặt lên vai chị, tôi luôn bị ám ảnh bởi hoàn cảnh quá bi đát. Nhiều lần tôi tự hỏi: Tại sao gia đình và tôi lại phải chịu nhiều sự rủi ro đến thế này? Và chị tôi sinh ra sao phải chịu nhiều thiệt thòi và vất vả về gia đình đến vậy? Có lúc trong sự buồn tủi, chán chường tôi thầm nghĩ: không biết mình có chịu đựng nổi những đau khổ này và đủ sức hành quân vượt Trường Sơn cùng đơn vị vào chiến trường xa không? Nỗi đau đó cả đời tôi cũng không vợi hết. Tôi muốn trở về gia đình để thắp cho Cha nén hương, để san sẻ, giúp chị tôi gánh vác công việc gia đình. Lúc này chị rất cần tôi bên cạnh, một mình chị, chân yếu tay mềm.
 Nhìn chiếc ba lô con cóc căng phồng, chiếc càng đại liên Cô-bi-nốp nặng trịch, tôi càng cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Kiểu này thì không thể theo kịp chúng bạn hành quân vượt núi cao, vực sâu được. Làm gì cũng thấy buồn chán khi nghĩ rằng mình trở về nhà không còn Cha. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu ước ao về với Cha sau chiến tranh thế là tan theo mây khói. Với tâm trạng buồn đau nặng nề, u uất, tôi quyết tâm về thăm gia đình chịu tang Cha cho trọn hiếu làm con. Đã mấy lần tôi lên xin phép chỉ huy về quê thắp hương cho Cha nhưng đều bị từ chối. Lý do thật đơn giản là ngày lên đường đi chiến trường đã quá gần nên đơn vị không thể giải quyết được. Tôi càng buồn hơn. Một bên là sự đáp hiếu với Cha, một bên là nhiệm vụ cần kíp của người lính. Và tất nhiên, nhiệm vụ của người lính phải đặt lên hàng đầu. Tôi tính, nếu đơn vị không cho về thì mình liều về vài ngày vậy. Tôi hỏi thăm đường đi thì được biết, từ khi ngừng bắn đến nay, đường về Nghệ An cũng không khó khăn lắm. Đi ô tô một ngày là về đến Vinh. Tôi cũng chỉ cần về thắp hương cho Cha một nén là quay lại đơn vị ngay mà. Vị chi cũng chỉ mất 2 đến 3 ngày là cùng. Đồng chí  Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng thì đồng ý cho tôi về nhưng Ban chỉ huy Trung đội và Đại đội không cho phép. Tôi định đánh liều,  dẫu có bị kỷ luật cũng mặc. Như đoán được suy nghĩ của tôi, một buổi tối, tôi được đồng chí Chính trị viên Đại đội Nguyễn Hữu Thu gọi lên. Khi tôi có mặt và chào các thủ trưởng, đồng chí Chính trị viên kéo ghế mời tôi ngồi. Đồng chí Thu nhìn tôi nói:
- Chúng tôi biết mấy hôm nay đồng chí rất buồn vì người Cha đã mất do bom đạn Mỹ. Bố mất ai mà chẳng buồn. Chi ủy và Ban chỉ huy Đại đội xin chia sẻ đau thương và mong đồng chí cố gắng vượt qua thử thách này để hoàn thành nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Chúng ta cũng không vì mất mát mà sinh tiêu cực, bi quan, chán nản, vi phạm kỷ luật người quân nhân cách mạng, ảnh hưởng đến công tác học tập và chiến đấu. Nghe đến đây tôi thấy như bị xúc phạm. Nhưng chắc Chỉ huy biết tôi sẽ đào ngũ vài ngày về quê. Không hiểu ai lại lấy chuyện làm quà và đặt điều. Chết rồi. Bây giờ tôi mới sực nhớ. Thảo nào, mấy hôm nay tôi được ở nhà mà tiểu đội đều cử người ở nhà cùng mình. Chắc họ lại sợ mình chuồn rồi. Thế là mình đã bị bị theo dõi. Kiểu này có mà trốn đằng giời. Tôi nhìn vị Chính trị viên Đại đội nói:
  - Báo cáo thủ trưởng. Tôi tự xác định được ạ. Tôi chỉ buồn một tẻo thôi. Ngày mai tôi ra thao trường tập. Tôi quyết tâm biến đau thương thành hành động, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ạ!
 - Tốt. Đồng chí rất tốt. Quân nhân cách mạng thế chứ. Chúc đồng chí khỏe và huấn luyện tốt nhé. Tôi đứng chào Thủ trưởng và xin phép ra về.
Thế là chẳng còn cách nào khác, tôi phải ở lại đơn vị, ngậm nỗi buồn đau đớn khôn nguôi. Tôi biết rằng ở nhà, mọi người sợ tôi buồn nên đã không cho tôi biết, hoặc có thể chị và các em tôi đã thư báo cho tôi nhưng tôi không nhận được, giống như thư Thoa vậy.
  Năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua. Nỗi buồn cứ lắng sâu vào trong lòng. Nhiều lúc nước mắt cứ ngậm chảy vào trong, tôi không dám khóc trước mặt mọi người. Có như vậy vào chiến trường mới dám làm tất cả. Giờ nghĩ lại, tôi càng biết ơn vô cùng tấm lòng đồng đội, bạn bè. Nếu như không có những lời động viên an ủi chí tình và sự chăm sóc giúp đỡ của đồng đội, bạn bè thì chắc tôi đã “B quay”. Lúc đó, tinh thần và ý chí lung lay lắm, không còn nghĩ được những điều lâu dài, tình cảm gia đình và nỗi đau đớn đó đẩy tôi đứng trên bờ vực thẳm, chẳng còn nghĩ được điều gì tốt hơn cho mình. Và như thế, tôi chẳng bao giờ được là tôi bây giờ nữa, tôi đã trở thành một kẻ đào ngũ, một tên vô trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình. May thay, tôi đã chiến thắng được sự hèn yếu của mình để không làm tổn hại tới danh dự của gia đình và bản thân, không phụ lòng tin cậy của Cha tôi và những người thân yêu nhất, trong đó có Thoa.
  Đó chính là ngọn núi hiểm trở, cheo leo đầu tiên tôi vượt qua trên chặng đường hành quân vào chiến trường xa xôi. Ngọn núi này không có tên trên bản đồ đất nước nhưng đó là ngọn núi cao nhất, nhiều thử thách nhất đối với tôi. Một ngọn núi không có vách cao, vực thẳm, không có nắng khét, mưa dầm, không có sên vắt, muỗi mòng, thú dữ, không có bom rơi, đạn nổ… nhưng đó là ngọn sơn thạch khó vượt nhất đối với tôi lúc bấy giờ. Vượt qua nó có nghĩa là tôi phải vượt qua mình để được lớn hơn thân phận bé nhỏ của con người, để được chan hòa trong cái chung là dân tộc. Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
 Mấy hôm nay đơn vị tập mang vác nặng, leo lên mấy ngọn núi, đưa ra các tình hưống có máy bay đánh phá đội hình lúc hành quân, hoặc đang hành quân thì gặp thám báo mai phục, đang hành quân thì có đồng đội bị sốt không đi được…Nghĩa là tập dượt các tình hưống khi hành quân đường dài.
  Lại nói về bác Hồng chủ nhà. Bác Hồng có  cô con gái tên là Thái, đang học lớp 9. Thái có nước da trắng hồng và hát rất hay. Các buổi liên hoan văn nghệ, kết nghĩa giữa chi đoàn thanh niên địa phương và bộ đội, thế nào Thái cũng biểu diễn. Tôi hay tranh thủ giải toán cho Thái. Hình nhu Thái cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của tôi. Có hôm, sau khi giúp Thái giải bài toán hình quỹ tích, Thái nhìn tôi hỏi:
- Nghe nói anh được về thăm nhà để thắp hương cho cụ ông à?
Tôi lắc đầu:
         - Lúc đầu anh tưởng hy vọng được về. Bây giờ không được em ạ. Thôi, đành chịu vậy. Tôi nhìn ra bầu trời đêm đầy sao, cố giấu đi ánh mắt rưng rưng. Đột nhiên Thái nói:
        - Mai thứ 7, ta đi chới cho vui đi anh. Em có mấy cô bạn hay lắm. Tôi nghĩ chắc Thái thấy tôi buồn nên nói vậy cho vui. Không ngờ Thái rủ tôi đi chơi là có thật. Nhưng tối mai tôi lại đến phiên gác, nên khất Thái hôm sau:
- Tối mai anh trực, đến phiên gác nên không đi được. Hẹn tuần sau vậy.
Mọi người trong tiểu đội cứ nói như đùa- Cái Thái có vẻ mê tay Biểu đấy. Đêm nào cũng cặp kè giải toán. Không hiểu có tranh thủ được cái gì không? Thực ra lúc này vì quá đau xót khi nghe tin Cha mất, lại quá yêu Thoa nên tôi cũng không bận tâm đến điều mà anh em trong đơn vị suy diễn.
 Tôi còn nhớ sau gần một tuần, kể từ khi nhận được thư Thoa báo tin Cha tôi mất, đơn vị báo động hành quân. Tôi tranh thủ viết thư gửi chị tôi và Thoa. Trong thư tôi không giấu diếm tâm trạng của mình nhưng sau những lời an ủi động viên gia đình và Thoa, tôi hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần nhỏ bé trong việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để sớm trở về quê hương. Tôi cũng không muốn cho em biết rằng tôi rất buồn đau và khổ hạnh vì trong thư em đã dặn và tin tưởng tôi: “Anh phải giữ bình tĩnh nhé. Em biết anh là con người có nghị lực mà”. Viết ra được những dòng thư ấy, cơ hồ tâm trạng tôi cũng được nhẹ nhõm hơn. 
 Ngày 19 tháng 12 năm 1968. Trung đoàn tôi làm lễ xuất quân. Bà con Thái Thủy ra tiễn đưa thật đông vui. Trong đó có cả em Thái. Đôi mắt em như thầm trách tôi chưa đi chơi với em được dù chỉ là một lần. Tạm biệt Thái Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, đoàn quân theo hướng Nam mà tiến. Lịch sử trung đoàn 28 có ghi chép lại ngày ấy: “Đoàn quân nặng trĩu súng đạn, quân trang lương thực, trên vai cắm đầy lá ngụy trang, trập trùng mải miết tiến về phía Nam. Bộ đội lần lượt vượt qua những dốc núi cao vút của dãy U Bơ, Ba Rền, băng qua dốc Cổng trời, Nguyễn Chí Thanh rồi tiến về dãy núi trùng điệp, những rừng cây đại ngàn hướng vào Tây Nguyên”
   Cuộc hành quân đi B dài của trung đoàn 28 chỉ có mấy dòng sơ lược thế thôi, nhưng với chúng tôi đó là những ngày thấm đẫm mồ hôi và máu. Khó có thể kể hết được những cam go, ác liệt mà những người lính khoác áo trận như chúng tôi phải chịu đựng trên con đường Nam tiến vào những tháng ngày này. Lúc đầu chuẩn bị đi, lính hăm hở lên đường lắm, con đường càng xa xôi, lại càng hiểm trở, ai cũng mệt nhưng không ai ngã lòng. Chỉ thương những đồng đội bị ốm và sốt trên chặng đường hành quân, mặt mũi nóng bừng, những cơn sốt cứ rấy lên trong cơ thể.
    Lần đầu tiên tôi đặt chân lên làng Ho, nơi được coi là điểm xuất phát của con đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường xuyên dọc trùng điệp núi rừng được mang nhiều tên gọi: đường Trường Sơn, đường 559, đường Hồ Chí Minh. Tên gọi nào cũng mang ý nghĩa lịch sử cao đẹp và hùng tráng. Gọi là đường Trường Sơn vì đây là tuyến đường được bộ đội và thanh niên xung phong mở trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Gọi là đường 559 vì đây đúng là ngày sinh của Bác. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị và Thường trực Tổng quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn. Và vì ngày khai sinh của con đường là ngày sinh của Bác, hơn thế nữa, đây là con đường giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vạch ra.
   Từ buổi đầu mới thành lập, chỉ lấy gùi thồ làm chính, len lỏi vận chuyển trên những lối mòn nhỏ hẹp ẩn giữa những cánh rừng già và chỉ hoạt động theo mùa, theo từng chiến dịch. Bộ đội Trường Sơn đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu, lòng quả cảm, trí thông minh xây dựng nên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại. Con đường huyền thoại, nối liền hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, nối chiến trường gần với chiến trường xa bằng một mạng đường bộ, đường ống, đường sông dài hàng nghìn cây số và hoạt động quanh năm…
    Đường hành quân luồn dưới những cánh rừng già âm u nghìn tuổi. Những khu rừng nguyên sinh ba tầng cây lá rậm rịt, dây dợ chằng chịt, có nơi ánh mặt trời không xuyên qua nổi. Ngày trước khi ở nhà, mỗi lần nhìn lên núi Đại Huệ, tôi đã có lần nghĩ và tự hỏi, không biết bao giờ đôi chân mình sẽ đặt lên đến lưng đỉnh núi đó. Rồi khi được đi  mọi nơi, trèo đèo lội suối, tôi thấy nó không còn là bí hiểm nữa, chỉ sợ mình thiếu kiên trì và dũng cảm mà thôi. Tôi nghĩ đến cảnh bom đạn giặc ném xuống con đường và khu rừng này, thật tiếc thương cho đại ngàn của Việt Nam. Chúng tàn phá đi tất cả vẻ đẹp giàu có của quê hương. Đoàn quân lặng lẽ hành tiến, lúc thì vượt đèo dốc cao vút, cheo leo, khi thì tụt xuống vực sâu thăm thẳm. Nhìn từ trên xuống thấy heo hút, nhìn từ dưới lên thấy dốc dựng đứng ngang trời, có cảm giác như bàn chân chơi vơi. Ấy vậy mà chúng tôi vượt qua hết. Thậm chí không phải chỉ có một hai dãy núi mà nhiều, nhiều lắm. Chẳng ai đếm được những bước chân mà mình đã vượt qua bao núi bao sông. Nhìn lại chặng đường  mới thấy dài và gian khó. Đi được 10 ngày thì bàn chân tê mỏi và căng phồng, rộp lên. Người nào cũng mỏi mệt và đau nhức toàn thân nhưng ý chí thì không nản. Biết bao nhiêu kỉ niệm và những câu chuyện trong mỗi đợt hành quân.
 Đường hành quân dài hun hút, đi dưới rừng xanh. Vai đeo ba lô nặng trĩu. Một tay chống gậy, một tay cố giữ càng đại liên cho thăng bằng, bền bỉ bám theo đồng đội. Đường càng dài, càng nặng. Núi càng cao càng mệt. May sao do được luyện tập khá cẩn thận ở ngoài Bắc nên tôi cũng dần chịu đựng được, không bị tụt lại đằng sau. Đoàn quân mải miết, ngày đi đêm nghỉ, cứ lầm lũi tiến về phía nam. Khoảng 5 giờ sáng thì xuất phát. 3 giờ chiều thì đến trạm giao liên. Khi đến trạm là thấm mệt, mắc võng ngủ ngay. Đến chiều cùng anh nuôi lo bữa tối.
 Ngày ấy, bộ đội thường dùng bếp Hoàng Cầm. Nói đến bếp Hoàng Cầm thường chỉ có cánh lính chúng tôi mới biết được, vì chỉ có trong thời buổi chiến tranh. Hoàng Cầm là tên một anh nuôi trong trận đánh ở Điện Biên Phủ, được phân công nhiệm vụ nuôi quân và đã sáng chế ra một loại bếp khi nấu không để lại khói, địch không phát hiện được mà lính ta vẫn có cơm để ăn. Anh đem đào đất sâu xuống lòng đất và làm những ống dẫn khói đi các ngả, lúc đó có đun củi cũng không lo khói tụ vào một nơi và bốc lên cao nữa. Những đường ống dẫn khói tản ra khiến cho địch không phát hiện được nơi trú ngụ của ta. Cách thức nấu bếp ấy cũng được truyền vào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng cái khổ nhất của chúng tôi trong cuộc hành quân đêm ngày có lẽ là khát nước. Lầm lũi hành quân, lưng ai cũng ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ bừng, cổ họng khô khát. Đoạn đường hành quân thì dài vô tận, chúng tôi phải uống dè xẻn từng ngụm nước trong bình tông. Mỗi người một bình tông đeo bên người, chiếc bình tông lăn lộn nơi chiến trường và chẳng bao giờ thiếu được trong hành trang người chiến sĩ. Bị đói còn có thể chịu đựng thêm được nhưng khát nước thì khổ vô cùng. Khi gặp con suối mát, được lấy nước uống cho đỡ khát, được rửa mặt mũi chân tay mát mẻ. Chỉ huy bao giờ cũng nhắc nhở anh em: “Đường hành quân còn xa, các đồng chí phải để dành nước cho chặng sau”. Lúc ấy, tôi lại khao khát nhớ tới chum nước mưa trong veo, mát rượi dưới gốc cau nhà mình. Mùa hè về, người đang hừng hực nóng, múc một gáo thật đầy rồi ngửa cổ tu ừng ực, sướng lịm người. Chiến tranh, chao ôi chiến tranh, chỉ một nhu cầu nhỏ bé như thế mà có lúc con người ta không sao thực hiện được. Nhưng cũng có khi thì lại được thỏa thuê uống những ngụm nước đầu nguồn. Nước suối trong vắt mát đến tê lưỡi, uống vào đâu thấm đến đấy. Lúc đó, lính chúng tôi sung sướng vô cùng. Những chặng đường hành quân thường là những điểm có suối, anh em chúng tôi mới nghỉ ngơi và dừng lại uống nước, anh nào đã hết thì bổ sung vào bi đông. Chúng tôi uống vô tư mà chẳng ngần ngại chất độc da cam gì cả.
 Hành quân vất vả mệt nhọc như thế nhưng khi gặp các đoàn thương binh, các đoàn dân- chính- đảng trong Nam ra Bắc thì ai nấy lại vui vẻ rộn ràng. Nếu như trong đoàn ấy có vài ba cô gái nữa thì lính ta quên hết mệt nhọc, mọi người lại có chuyện để vui, để tếu, để giốc bầu tâm sự. Nghe mấy cô gái nói dễ thương vô cùng, nhờ việc gì chúng tôi cũng sẵn sàng giúp, thậm chí còn xung phong, có cô gái bị cánh lính chúng tôi trêu, dù có sẵn chất lính tự tin nhưng chỉ được một hồi là ai nấy đều xấu hổ, đỏ ửng mặt liền. Cả cánh rừng như có thứ ánh sáng diệu kì dội tới, bừng sáng lên. Thứ ánh sáng tỏa ra từ tình đồng đội, bạn bè, anh em. Gặp nhau là tay bắt mặt mừng như đã quen nhau từ lâu lắm. Gặp nhau là hỏi han, chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện miền Bắc, chuyện chiến trường, chuyện nhà, chuyện đơn vị cứ rối rít, râm ran. Trong chiến tranh, người ta quý nhau, thương nhau nhiều. Sống và được gặp nhau, một chút hàn huyên dãi bày với nhau cũng là quý giá. Một câu động viên, một câu đùa tếu, một chuyện tiếu lâm đôi khi cũng trở thành món ăn tinh thần của người chiến sỹ. Khi gặp những thương binh ra bắc hoặc đơn vị khác là cánh lính chúng tôi lại hỏi thăm có ai là đồng hương không. Họ hỏi bằng nhiều cách khác nhau như: “Có ai dân rau má phá đường tàu trong đó không?. Có ai quê xứ Nghệ không? Có anh  chàng lại tự giới thiệu: “Đây là dân cá gỗ đây”.
 Khi nhận được người đồng hương thì mọi chuyện trở nên vui và hóm hỉnh hơn. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói đùa của một anh thương binh đứng cạnh tôi: “Các đồng chí hành quân nhanh lên kẻo giặc chạy hết không được đánh nhau nữa đâu. Chậm là phải đi nhặt ống bơ rỉ đó”.  Câu nói của đồng chí thương binh cũng chỉ là một cách động viên đồng đội mà thôi, và thực sự nó đã truyền vào tôi sự lạc quan tin tưởng.
  Hành quân chừng mười ngày thì trung đội tôi có đồng chí bị sốt cao. Ai đã từng ở rừng, từng bị sốt rét thì chắc biết rằng chắng có gì ớn bằng căn bệnh quái đản này. Trước khi sốt một vài hôm, người vẫn bình thường, ăn bao nhiêu cơm cũng không vừa. Bụng đã no nhưng mắt và miệng vẫn thèm. Rồi, chợt rùng mình lạnh buốt ở sống lưng và sau đó là rét run lập cập, đắp bao nhiêu chăn cũng không đủ ấm. Hết rét rồi lại đến sốt, cặp nhiệt kế, ba mươi chín, bốn mươi, bốn mươi mốt độ.  Mặt đỏ phừng phừng như kẻ lên đồng. Đầu đau như búa bổ, mình mẩy bị rời ra, mỏi mệt vô cùng. Đến lúc này thì miệng lưỡi đắng ngắt, ăn vào miếng gì ọe ra miếng đó. Nguy hiểm nhất là sốt rét ác tính, nếu không điều trị kịp thời và đúng phác đồ là bị cắt quân số như chơi. Lính ta ở rừng ngán sốt rét ác tính hơn ngán bom đạn giặc. Có sức khỏe cũng chẳng chống đỡ được lại căn bệnh quái ác này.
 Sống trong rừng, sống chung với muỗi làm sao có thể tránh được, điều kiện vất chất thì còn thiếu thốn, thuốc đâu phải sẵn có mà uống và điều trị, nhất là trong những lần hành quân. Lính chúng tôi sợ cái sốt rét nơi chiến trường, có những chiến sĩ ngã xuống vì bệnh sốt rét, lời cuối cùng mà những đồng chí dặn dò anh em trước lúc ra đi và cũng là điều ăn năn nhất, đó là chưa được tham gia chiến đấu hết mình với trận đấu còn đang chờ đợi ở phía trước. Và ai cũng dặn dò, gửi gắm niềm tin yêu vào  đồng đội của mình. Thú thật, mỗi lần nhìn đồng đội của mình trong cơn tử vong sắp đến, bạn bè ai cũng thương mà chẳng biết làm gì. Cuộc chiến là như thế. Không còn cách nào và sự lựa chọn nào khác. Có ai muốn mình chết vì bệnh tật đâu. Cái chết của con người nơi chiến trường nhẹ nhàng lắm và cũng đau thương lắm, bi tráng và cũng bi hùng lắm. Dù không chết nơi chiến trường có khói đạn của kẻ thù nhưng cái chết vì bệnh tật cũng là một sự hy sinh cao cả. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:
Đánh trận tử vong ít
Sốt rét tử vong nhiều
 Những câu thơ nói về những trận sốt rét hoành hành buộc người lính phải nằm lại nơi chiến trường:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục trên súng mũ bỏ quên đời.
   Mỗi chặng đường hành quân, trung đội tôi phải cử ra bốn người để cáng đồng chí sốt nặng không thể tự đi được. Việc khênh người ốm lúc hành quân là việc làm cực nhọc nhất. Hành quân leo dốc, xuống vực mà mang vác ba lô, vũ khí đã khó khăn, vất vả rồi. Bây giò lại vừa đi vừa khênh đồng chí mình thì thật là vất vả, khó khăn. Khi khênh người bệnh mà phải leo dốc, người phía trước phải rướn kéo thật mạnh và người đi sau phải được một đồng chí khác đẩy lên thì mới vượt được dốc. Phải bám dây dừng mà leo lên. Lúc xuống dốc lại càng vất vả hơn, nếu không khéo  giữ thì chỉ cần một người khụyu xuống là tất cả bệnh nhân lẫn người lành bị ngã lăn luôn. Khi qua bãi trống, dù thở không ra hơi cũng phải cố sức mà chạy. Cáng bệnh binh mà phải chạy qua bãi trống cũng là một cái vất vả nhớ đời. Vừa chạy thật nhanh, vừa giữ võng khỏi lắc. Đó là động tác đòi hỏi người khênh phải thật khỏe và có kinh nghiệm. Người nào được cử khênh bệnh nhân cũng phải chọn mặt gửi vàng. Tốp khiêng cáng bệnh nhân bao giờ cũng về sau đơn vị vài ba tiếng đồng hồ. Đặt được bệnh nhân bị thương xuống, chúng tôi mệt lử lả cả người, chân tay chẳng buồn cử động, mồ hôi  nhễ nhại, đầm đìa.
  Đường Trường Sơn vào mùa khô tiếng ve kêu inh ỏi trong các tầng cây. Tiếng ve gợi nhắc tuổi học trò và mùa thi nhiều kỉ niệm đẹp đẽ. Nghe tiếng ve kêu như sôi dọc đường hành quân,  tôi lại nhớ nhiều đến Thoa. Khuôn mặt tròn, mái tóc dài đen nhánh thơm hương bồ kết, giọng nói nhỏ nhẹ cứ thấp thoáng trước mặt tôi. Tôi nhớ đến những ngày tôi và em chung nhau lớp học. Mỗi mùa thi càng bận rộn hơn để lo bài vở, chúng tôi luôn phấn đấu học thật tốt nên chăm chú và chỉnh chu lo cho việc học. Thoa cũng rất chịu khó, môn nào không hiểu là em hỏi và nhờ tôi giảng giải, tôi thì chịu thua em môn Văn, cố gắng học tập em nhưng không sao đạt được số điểm cao như em. Chao ôi, kỉ niệm sao mà thân thương đến vậy. Tôi làm sao quên được ánh mắt em nhìn khi tôi đứng trước lớp với trái tim rung động bồi hồi. Hai đứa đều chăm chỉ học hành, chẳng ai nghĩ đến chuyện tình cảm nhưng trong lòng thì đã là của nhau. Ngày nào không gặp được em, không nhìn thấy em và không được nói chuyện với em là tôi nhớ lắm. Tôi giấu nỗi niềm thầm kín đó ở trong lòng, không dám thổ lộ với em. Hai chúng tôi như hình với bóng, chuyện tình cảm gần mà ngỡ như xa, có lúc tưởng chừng cả hai sắp sửa nói ra nhưng không… và chính vì điều mà tôi không thổ lộ với Thoa ấy lại làm cho tình cảm chúng tôi mặn nồng hơn. Vào chiến trường, tôi càng nhớ, thấy lo lắng và nghĩ về em nhiều hơn và em chắc cũng vậy. Những lời thương yêu chúng tôi dành cho nhau là khi không còn đối diện với nhau và không còn ở bên nhau nữa. Chúng tôi cùng hẹn ước với nhau và đặt niềm tin, hi vọng vào tình yêu rất nhiều. Dù chỉ qua những bức thư nhưng tình yêu là vĩnh cửu. Những lúc tôi có thư em là tôi vui sướng và hạnh phúc ngập tràn tâm hồn mình. Cảm giác khó tả lắm, thư làm cho tôi vui lâng lâng cả ngày. Chỉ có duy nhất bức thư em viết báo tin Cha tôi mất là buồn suốt những ngày hành quân nhưng không thể trách em được.
Mùa khô là mùa chuyển quân nhộn nhịp. Núi rừng Trường Sơn rùng rùng chuyển động. Những đoàn quân trẻ măng mang quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược hăm hở tiến về tiền phương. Có thể nói, những năm tháng chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” tuy gian nan, vất vả và hy sinh mất mát nhiều nhưng đó là quãng thời gian đáng nhớ nhất, hào hùng nhất của cuộc đời. Tôi nhận ra được khí phách hiên ngang, phẩm chất anh hùng của dân tộc ta qua những bước quân hành của đoàn quân ra mặt trận. Nó vừa gian khổ, hy sinh vủa có quyết tâm và sức mạnh phi thường.
  Những ngày hành quân bị mưa, khi đến trạm giao liên, việc làm đầu tiên của lính là tìm ngay hai thân cây có cọc phụ để mắc võng. Hai cọc phụ được cột bằng dây rừng vào hai thân cây, sau đo võng được mắc vào hai đầu cọc phụ. Khi mưa, nước mưa theo cọc phụ xuống đất, còn võng vẫn không bị ướt. Cách mắc võng của người linh thật sáng tạo.  Đêm đêm, điệp khúc của những đoàn quân ra trận vang lên. Đêm dưới tán rừng rậm, trên những bãi khách của các binh trạm, đầy tăng võng, chúng tôi hát vang những bài ca Cách mạng hào hùng. Những bài hát làm cho cánh lính chúng tôi yêu đời và sôi nổi hơn. Hát cho nhau nghe. Những khúc ca về cuộc đời lính đầy khí thế như chính tinh thần và ý chí cách mạng của người lính. Khó khăn vậy nhưng luôn tìm thấy sự lạc quan và hào hoa ở những người lính trong từng câu hát. Tôi, lúc đó là cây văn nghệ được giao phụ trách mảng hoạt động này của chi đoàn. Tôi còn nhớ những đêm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đơn vị sôi nổi và có phần hăng hái, hoành tráng lắm. Lính tráng diễn xuất mộc mạc, hát hết mình. Mặc dù không có hoa tươi, không trang trí phông màn nhưng vẫn được tổ chức một cách tự giác, và tất cả cùng hưởng ứng. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong những năm tháng vất vả. Vai kề vai, chúng tôi vỗ tay hát những ca khúc chiến đấu. Bài hát “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của Huy Du cứ vang động cả khu rừng:
“Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca.
Gửi tới quê nhà bao la, biển xanh sóng vỗ hiền hòa.
Đường Trường Sơn bát ngát có bao nhiêu ghềnh thác.
Hòa theo trong tiếng hát đem mùa xuân tưới cho cuộc đời.”.
Lý thú nhất là đêm Trường Sơn mà hat bài: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, của Trần Chung và Nguyễn Hữu Thu. Bài hát hay không chỉ ở ca từ mà giai điệu của nhạc phẩm vừa hùng dũng, vừa tình cảm giữa người lính và Bác Hồ:
“Đêm Trường Sơn.
Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây.
Cảnh về khuya như vẽ.
Bâng khuâng chúng cháu nghĩ.
Bác như đã đến nơi này..”.
  Những bài hát cứ truyền miệng nhau mà thật dễ nhớ, hát rồi thành thuộc. Có những đêm văn nghệ như thế này chúng tôi mới biết được nhiều giọng ca hay của đơn vị. Có đồng chí còn ngâm thơ của Tố Hữu, của Giang Nam, Lê Anh Xuân… với giọng ngâm ấm áp truyền cảm, chất chứa nỗi niềm. Những người lính chăm chú, mắt hướng về người biểu diễn như gửi gắm cả hồn mình vào đó.
 Trên đường ra trận, vui nhất là được gặp các đơn vị thanh niên xung phong. Bộ đội trẻ, thanh niên xung phong cũng trẻ. Tuổi trẻ gặp nhau. Trai gái gặp nhau. Cứ ồn ào náo nhiệt  như hội. Gặp các cô gái làm đường, một anh lính trẻ xướng lên: “Các em thanh niên xung phong ơi, cho anh bộ đội mượn tạm cái xẻng vào chiến trường đào hầm, khi nào thống nhất các anh mang về trả”. Trong tốp nữ làm đường, áo màu cỏ úa dấp dính mồ hôi, một giọng nữ thanh thanh cất lên: “Anh bộ đội ơi, bọn em có rất nhiều xẻng mà xẻng nào cũng sắc cả nhưng tiếc rằng lại không có cán”, - “Không có cán thì bọn anh cho mượn cán lắp vô, khó chi việc ấy” - một anh lính khác lại tếu táo chêm vào. Thế là tiếng cười rộ lên vui vẻ…
 Những lần gặp gỡ các cô gái thanh niên xung phong chúng tôi thấy yêu đời làm sao. Các cô gái chân yếu tay mềm mà dám dấn thân vào Trường Sơn dày đặc đạn bom, chất độc màu da cam, chịu đựng những trận sốt rét nghiêng rừng, tóc rụng dần từng vạt, da dẻ xanh xao mà sống vẫn rất lạc quan. Bất chấp hiểm nguy xảy ra hàng ngày, những cô gái vẫn đi lấp hố bom, mở đường cho xe tới chiến trường. Chúng tôi phục phái nữ lắm. Chúng tôi lăn lộn nơi chiến trường đã đành, đối với các cô lại càng vất vả và nguy hiểm không kém gì chúng tôi. Vậy mà các cô lúc nào cũng tươi cười và dũng cảm. Không hiếm những cô gái là dũng sỹ phá bom nổ chậm, phá bom từ trường của địch. Nghe kể rằng có đêm các cô phải đứng làm cọc tiêu cho xe đi qua ngầm. Mặc cho bom rơi đạn nổ, các cọc tiêu vẫn hiên ngang bám trụ mặt đường.
  Có hôm hành quân chúng tôi gặp một đoàn bộ đội nữ, trông ai cũng có dáng trí thức. Hỏi ra mới biết đó là đoàn bộ đội quân y tăng cường cho mặt trận. Các chiến sĩ nữ mang ba lô và túi thuốc khá nặng. Đây là dịp để cho các chàng trai trẻ lém lỉnh, mau miệng đùa trêu: “Các em bộ đội nữ ơi, mang gì mà mang hai chiếc ba lô nặng thế. Có cần bọn anh mang hộ một chiếc nào”. Cánh lính nữ quân y cũng thật đáo để, đáp lại ngay: “Vâng, chúng em có hai cái ba lô. Ba lô sau lưng là ba lô đất nước, ba lô trước ngực là ba lô của các anh, các anh có mang hộ thì mang ba lô trước ngực nhé!”. Sau những câu đùa khá dí dỏm ấy là những chuỗi cười giòn tan.
  Nhưng có lẽ người để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là các đồng chí giao liên Trường Sơn. Hình ảnh những cô gái mảnh mai, nước da xanh tái, đầu đội mũ tai bèo, tóc tết gọn gàng, súng tiểu liên AK khoác chéo sau lưng, quần sắn đến đầu gối mà nhanh như con sóc. Bao giờ cô giao liên cũng đi trước đoàn quân dẫn đường. Chẳng hiểu sao chiến sĩ giao liên rất ít nói. Song lòng dũng cảm và cách xử lý tình huống của họ thì thật đáng khâm phục. Tôi nhớ có lần, bộ đội vượt sông Bạc, một con sông nổi tiếng ở Trường Sơn. Đơn vị phổ biến: mấy hôm nay, máy bay Mỹ thả nhiều “cây nhiệt đới” ở vùng này. “Cây nhiệt đới” là cái máy thu phát âm thanh tự động có hình dáng giống như một cây củi rừng nhằm phát hiện đường hành quân của bộ đội ta. Tiếng xe chạy, tiếng cười nói, thậm chí cả tiếng ho cũng bị thu vào máy để phát về trung tâm xử lý thông tin của địch. Phát hiện ra tiếng người, tiếng xe là máy bay Mỹ bay đến mặc sức ném bom, bắn rốc két  vào vùng khả nghi đó. Thực tình thì chúng tôi khá lo lắng khi nhận được thông tin này. Đúng ba giờ sáng, lệnh hành quân được phát ra. Trung đoàn lặng lẽ rời binh trạm trong ánh trăng cuối tháng mờ mờ. Sương núi tỏa ra hơi se se lạnh, tiếng chim từ quy gọi bạn tình nghe bớt khắc khoải hơn bởi khoảng cách giữa chúng đang lại gần. Đi xuyên rừng khuya độ 1 giờ đồng hồ, chúng tôi ra tới bờ sông. Các cô gái giao liên nói với chúng tôi: “Địch ném bom theo qui luật thôi, đây là lúc cây nhiệt đới bị vô hiệu hóa, các anh bình tĩnh và nhanh chóng vượt qua sông”. Đúng như nhận định của giao liên, đoàn chúng tôi nhanh chóng vượt sông an toàn.

   Có thể nói rằng giao liên là linh hồn, là điểm tựa tinh thần của các cuộc hành quân. Trong những vóc dáng mảnh dẻ, có vẻ yếu ớt kia là những cốt cách vững chãi, bình tĩnh, là phương pháp xử lý linh hoạt các tình huống dọc đường. Đời cô giao liên như người lái đò. Hết đoàn quân này lại tiếp đoàn quân khác, cứ nối tiếp nhau vô tận, được các cô dẫn đường đi về các mặt trận. Con đường giao liên dài bao nhiêu thì bước chân các cô gái giao liên lại nối dài bấy nhiêu. Đi hành quân trên đường Trường Sơn mà nghe bài hát: Đường tôi đi dài theo đất nước - Xuân Chung, sáng tác thơ; Vũ Trọng Hối phổ nhạc

“Đường giao liên bước tôi đi dài theo theo đất nước.

Đường tôi đi, núi chênh vênh có mây bay dưới chân giăng thành.

Đời tôi như những con thoi dệt tình  quê hương đất nước.

Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn”.