Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Chương II : Hồi Ký_Một thời trận mạc

Nhập ngũ


   Mấy hôm nay đi học về, tôi không dấu được nỗi băn khoăn trong lòng. Tôi tâm sự cùng với cậu Loan. Lúc đầu, Loan nghe thấy tôi nói xung phong đi bộ đội, cậu ta ủng hộ và cũng quyết tâm như tôi. Tôi hỏi Loan:
   - Nghe nói, lần này thanh niên làng Ngũ Phúc mình lên đường nhập ngũ đông lắm. Không hiểu chúng mình có được đi không?
   Loan nhìn tôi, nói như hạ quyết tâm:
    - Tớ cũng nghe tin như vậy. Thôi, chiều nay tớ và cậu lên xã đăng ký luôn. Tôi đi bên, Loan tỏ ý đồng tình:
    - Sáng nay nghe Đài đưa tin mình đã giải phóng thành phố Huế. Quân giải phóng đã đánh thẳng vào Sài Gòn… Chẳng mấy chốc nữa là giải phóng miền Nam. Không đi đợt này thì chẳng còn cơ hội nữa. Chiều ta cùng lên  Uỷ ban xã nhé.
   Tôi tin vào bạn nối khố của tôi lắm. Hai gia đình cũng coi chúng tôi như con trong nhà, có việc gì cũng không thiếu mặt. Loan nhắc tôi phải nói sao để thuyết phục được Cha tôi. Loan khẳng định sẽ thuyết phục được gia đình. Trong xã đợt này có các anh Hoàng Ngọc Loan, Lê Văn Nam và Lê Văn Liêm cũng đăng ký nghĩa vụ quân sự.
  Lúc này, tất cả mọi việc tôi gạt lại phía sau, trước mắt tập trung tìm mọi cách để được đi bộ đội. Nước Nga tươi đẹp và vĩ đại ư ? Dứt khoát không phải lúc này. Tôi lựa chọn giữa những việc mình có thể làm trước và có thể làm sau. Có những cái qua đi rồi, thật lãng phí nếu như mình không được tham gia, và cuộc chiến tranh trước mắt tôi là thế. Có thể lắm chứ! Một ngày dân tộc giành được độc lập, khi ấy tôi có muốn đi cũng không được. Lúc đó, tôi không thể thở than với sự tiếc nối.
Chiều tối nay, sau bữa cơm chiều, tôi ngồi bên Cha mạnh dạn thưa chuyện. Tôi vẫn chưa tin là Cha sẽ ủng hộ tôi đi bộ đội. Tôi chỉ sợ Cha buồn nhưng không còn cách nào khác, tôi vẫn phải thưa với Cha. Đây là lần đầu tiên tôi nói với Cha về việc quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Tôi rất hy vọng vào sự ủng hộ của Cha. Cha cũng từng là anh bộ đội mà. Chắc mình nói ra ước vọng của mình thì Cha sẽ đồng tình ngay. Thế mà khi tôi đặt vấn đề đi bộ đội, Cha tôi đã thực sự sửng sốt như không tin điều đó là sự thật. Ông mở to mắt nhìn tôi, “à” lên một tiếng như gặp điều mà Cha không ngờ tới. Không biết những điều Cha đang nghĩ là buồn hay vui. Tôi có linh cảm là cả hai cảm giác đó đang pha trộn trong ý nghĩ của Cha. Cha nhìn tôi và hỏi cũng nội dung mà lâu nay tôi đã nói chuyện với Cha.
- Đi bộ đội à? Nhưng con đang là học sinh cuối cấp, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi thì con sẽ tốt nghiệp cấp III. Thầy chủ nhiệm của con cũng đã cho Cha biết sức học của con chắc chắn sẽ được xét đi học nước ngoài cơ mà? Cha tôi nhắc lại thông tin đó vì nghĩ rằng tôi chưa biết nhưng thầy chủ nhiệm đã nói với tôi trước đó rồi.
-Cha à, thầy chủ nhiệm cũng đã nói cho con biết rồi. Nhưng trong gia đình mình chưa có ai đi bộ đội. Cha ơi, cuộc kháng chiến chống Mỹ thì chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc thôi. Con muốn đi bộ đội, thể hiện gia đình mình cũng đã có người tham gia vào cuộc kháng chiến. Tôi vừa nói vừa lay vai Cha tôi như cầu cứu. Bổng nét mặt Cha lạnh lùng hỏi:
- Ai nói với con điều đó? Cha tôi vừa hỏi vừa nhìn vào không gian bao la. Tôi chạy đến nắm tay Cha lay mạnh:
- Đài đưa tin ta đánh mạnh, thắng lớn khắp miền Nam, bộ đội ta vào tận Huế, Sài Gòn rồi Cha ạ... Chẳng mấy chốc nữa là ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thôi Cha à! Mấy ngày nay, ngày nào con cũng nghe bản tin trên đài phát thanh của làng ta phát đi. Tôi hào hứng nói với cha.
Cha tôi im lặng.
    Sự hào hứng của tôi dâng cao bao nhiêu thì Cha lại trầm ngâm lặng lẽ bấy nhiêu. Có lẽ lúc này Cha mới nghĩ rằng tôi đã lớn rồi. Không giống như cậu bé đi học về sợ ma như thủa nào, cũng không còn là cậu nhỏ, da cháy nắng, chăn trâu cắt cỏ, mải tắm sông ngày nào. Từng là đoàn viên thanh niên lại làm Bí thư chi đoàn nữa chứ. Ở nhà thì cầm cày cầm cuốc, nhổ mạ, gánh phân, cắt lúa cùng Cha, cùng chị. Bây giờ tôi lớn lên nhiều rồi. Đất nước lại đang trong cơn binh lửa, tang tóc đau thương vẫn xẩy ra như cơm bữa. Tôi dường như đọc được mọi suy nghĩ ấy của Cha  qua vầng trán rám nắng đã hằn nhiều vết nhăn từng trải. Ôi, giá như đất nước không có giặc giã binh đao để chúng tôi được thanh thản học hành theo kỳ vọng của Cha và gia đình, để những người thân yêu như Cha tôi, chị tôi không phải lo lắng vất vả nhiều như vậy.
    Tôi cũng biết tính Cha rất thận trọng khi quyết định vấn đề gì đó. Huống hồ đây lại là việc quan trọng nhất của gia đình. Cha không bao giờ phản ứng gay gắt một việc gì ngay tức thì, cho dù có bằng lòng hay không. Sau bao nhiêu năm, tôi nhận thấy Cha có một đức tính và cách dạy con thật cao quý.
              Màn đêm buông xuống, mây giăng kín bầu trời. Mưa xuân ngày càng dày hơn làm cho tiết trời thêm se lạnh. Tiếng gà gáy eo óc trong đêm, tiếng ếch nhái, chão chuộc ì oặp kêu ngoài đồng chẳng dứt… nghe đến não nề; Cha lặng lẽ nghĩ về việc của tôi.  Ngoài kia, dòng sông Lam vẫn mải miết chảy bên làng Ngũ Phúc bé nhỏ, sóng vỗ lao xao như vẫn thao thức bồn chồn cùng với việc trọng đại trong ngôi nhà này. Phía chân trời xa xa, có những ánh chớp loé lên rồi vụt tắt. Tiếp đó là tiếng nổ ầm ầm từ xa vọng tới. Chắc là máy bay ném bom trên thị trấn…

  Nghe tôi trả lời, ông bước ra sân. Tôi thấy bước chân của Cha ngày càng yếu dần. Dạo này đôi mắt Cha sâu quầng như mất ngủ. Cha lặng lẽ bước đi vòng quanh sân nhà. Cũng lúc này, chị cả Liên đi đâu về. Thế là có người ủng hộ cho tôi rôi. Nếu Cha còn lưỡng lự, chị tôi nói thêm vào chắc Cha đồng ý. Tôi kéo tay chị vào nhà như có việc quan trọng. Tôi thưa chuỵên với chị về ý tưởng đi bộ đội. Vừa nghe tôi nói, chị tôi đã quắc mắt:
- Cậu có hâm không đấy? Cậu không thương Cha, thương chị đã mất công nuôi nấng, dạy dỗ cậu ăn học à? Nhà ta chỉ có cậu là con trai, theo chính sách cậu không phải đi bộ đội đâu. Hiểu chưa? Bao năm vất vả, cả gia đình dồn hết sức lực, tất cả các chị, các em không đi học, tập trung cho cậu học hành nên người thế là đi toi à? Sao cậu học hành như vậy mà ngu thế?
 Chị Liên làm cho một hồi nghe thật chát chúa. Tôi cũng không ngờ chị cả Liên lại là người phản đối kịch liệt việc tôi đi bộ đội như vậy. Tôi thấy vừa bực mình vừa mất hết hy vọng. Tôi cự lại chị:
- Sao chị lại nói như vậy. Chị không tôn trọng em tẻo nào cả. Em rất quý chị mới hỏi chị, mới xin ý kiến chị. Chị không đồng ý thì nói cho có lý, sao lại chửi em ngu? Thế hiện nay các thanh niên đi bộ đội như em đều là ngu xất? Em đã lớn rồi, chị không được nói với em như vậy. Thấy tôi nói to, chị Liên vào giường nằm. Có lẽ tôi đã làm chị bực bội. Nghĩ vậy, vừa bực vừa thương cho chị quá.
Thấy hai chị em chúng tôi cãi vã nhau, Cha tôi vào nhà. Cha ngồi vào chiếc phản, tay vớ lấy chiếc bát điếu, châm lửa, rít một hơi dài. Khói thuốc lào lan toả khắp căn phòng. Sau khi uống ngụm nước, Cha tôi gọi hai chị em ra ngồi bên cạnh. Cha nhìn chúng tôi rồi nói:
          -  Cha cũng tính rồi. Cha rất thông cảm với hai chị em. Bây giờ con cũng đã lớn. Nếu con đã suy nghĩ kỹ và quyết tâm đi bộ đội thì Cha đồng ý. Nhưng đi bộ đội là gian khổ đấy, đã đi là phải hoàn thành nhiệm vụ!.
   Nghe Cha nói như mở cờ. Tôi mừng quá. Tôi ôm lấy vai Cha, cảm ơn Cha. Cha nhìn tôi và nói tiếp:
           - Đi bộ đội cũng là dịp được rèn luyện, thử thách, con à. Bộ đội là trường học, là nơi đào tạo ra những con người có ý thức tổ chức kỷ luật, biết thương yêu nhau, biết vượt qua những khó khăn nhất. Được đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là niềm tự hào của lớp lớp thanh niên ngày nay!…Nghe Cha nói một hồi dài như chính trị viên vậy. Tôi rất tự hào. Chị cả Liên ngước nhìn Cha, nước mắt lưng tròng.
     Tối đo, tôi thao thức mãi không ngủ được. Thế là sắp được đi bộ đội rồi. Ôi. Cám ơn Cha, cám ơn chị thật nhiều.
      Các thầy, cô và bạn bè của tôi đều ngạc nhiên trước những quyết định đi bộ đội của tôi, nhưng không ai ngăn cản. Tất cả đều thấy được cuộc chiến tranh phía trước là gian khổ, hy sinh và rất cần sự cống hiến của tuổi trẻ. Họ biết trong cuộc chiến tranh, sống mái với quân thù, những việc làm như tôi cũng rất đỗi bình thường như bao người thanh niên khác. Đi lính trong dịp này cũng là niềm vinh dự, tự hào. Xóm trên, xóm dưới, các lớp học cũng vậy, thanh niên nhập ngũ nhiều lắm. Đài, báo đưa tin có nhiều thanh niên chưa đủ 18 tuổi còn khai tăng tuổi, không đủ cân còn giấu cả đá vào người để đủ cân trúng tuyển. Nhiều người còn viết đơn tình nguyện bằng máu để xin được vào miền Nam đánh Mỹ. Những dũng sĩ diệt Mỹ vẫn còn ở tuổi thiếu niên, những chú bé liên lạc đưa thư băng qua những cánh đồng, băng qua những xóm làng một cách mưu trí, dũng cảm. Cụ già còn lên trận địa trực chiến bắn cháy tàu bay Mỹ. Những mẩu chuyện mà báo đài đưa tin khiến mỗi thanh niên như chúng tôi được đắm mình trong không khí hào hùng và oanh liệt của thời đại.
   Hôm có giấy báo trúng tuyển bộ đội, tôi và Loan thật sung sướng. Cuộc đời lúc này như bước ngoặt và có ý nghĩa vô cùng. Chúng tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều. Cả ngày, tôi vui mừng, giống như mình đã làm được một việc gì đó có ý nghĩa lắm. Cùng trúng tuyển với tôi trong đợt này có hàng trăm thanh niên trong đó chủ yếu là học sinh cấp ba huyện Nam Đàn. Riêng trong xã Nam Lộc đã có các bạn Loan, Liêm, Nam cùng đi bộ đội. Chúng tôi cùng lứa tuổi, cùng học với nhau và cùng đi bộ đội đợt này. Ngày lên đường càng gần, tôi tranh thủ thời gian để làm từng công việc chuẩn bị. Lúc này, tôi muốn tranh thủ giúp Cha, đỡ chị nhiều việc hơn. Chị và Cha thì dành thời gian và mọi thứ cho tôi. Tôi phải dành cả buổi sáng để gói ghém sách vở, cất kĩ trên gác nhà với ý định đi bộ đội về sẽ học tiếp. Những cuốn sách toán học, sinh vật, văn học, địa Lý, lịch sử, hoá học với biết bao nhiêu kiến thức in đậm trong đầu tôi từng bài giảng của thầy. Tôi có đi bộ đội nhưng những bài học và những công thức toán – lý – hóa chẳng bao giờ tôi quên được. Khi kết thúc chiến tranh, tôi sẽ tha hồ mà nghiền ngẫm sách vở, không còn sợ bom rơi trên đầu, không phải đi học đêm và chạy toán loạn vì sợ ma nữa.
    Ngày ấy, chúng tôi nhìn chiến tranh có cái gì đó hơi lãng mạn và thi vị. Âm hưởng của cuộc chiến tranh phả lại trong từng lời thơ, bài hát rất đỗi hào hùng, giục giã chúng tôi ra trận. Cái khí thế ấy mạnh mẽ vô cùng. Chết chóc đau thương, mất mát bị chìm khuất sau những giai điệu hùng tráng ấy. Không phải là khi xung phong đi bộ đội chúng tôi không nghĩ đến sự hy sinh, nhưng sự hy sinh lúc đó đối với suy nghĩ của tôi là không đáng nói, là không bàn tới. Tôi chỉ thấy cuộc chiến tranh đang diễn trước mắt là những gì hùng tráng, tự hào và đẹp đẽ nhất. Cũng lúc này, đâu đâu thanh niên cũng thi nhau ngâm bài ca Xuân 68 của nhà thơ Tố Hữu:
“Hoan hô anh Giải phóng quân.
Kính chào Anh con người đẹp nhất.
Lịch sử hôn Anh chàng trai chân đất.
Sống hiên ngang bất khuất trên đời.
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi.
Một cây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mỹ.
Không tự ngắm mình. Anh chẳng hay đâu.
Hỡi chàng trai dũng sĩ.
Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo.
Bóng Anh đi…và vành mũ tai bèo.
Của Anh đó.
Ôi cái mũ vải  mền dễ thương như một bàn tay nhỏ.
                                     Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành…”
    Bởi thế, tôi rất tin mình sẽ chiến thắng trở về. Thực ra sau này, càng vào sâu trong trận tuyến, tôi mới rõ cái tuổi mười bảy, mười tám ấy, chỉ mới nhìn thấy cuộc chiến ở trên bề mặt, chỉ thấy được những hứng khởi trước mắt. Cái sâu xa, cái giá phải trả của chiến thắng lớn lao vô cùng và không gì sánh được.
     Trước hôm tôi lên đường, Cha bảo tôi sang ngủ chung với ông. Có lẽ Cha muốn dặn dò tôi đôi điều trước khi xa nhà và cho đỡ nhớ con. Bao nhiêu năm rồi, kể từ ngày lớn lên, có mấy khi tôi nằm gần Cha đâu. Tôi bỗng thấy thương Cha vô cùng. Cha cũng là người lính, là người trải qua bao đau khổ. Tôi lại như đứa trẻ nhỏ lên năm, lên sáu tuổi suốt ngày quây quần bên Cha. Ngửi cái mùi mồ hôi mặn mòi quen thuộc của Cha tôi chợt thấy bùi ngùi quá. Ngày mai tôi không còn được hít hà cái mùi mồ hôi quen thuộc này nữa, không được nhìn thấy bóng dáng Cha gầy gò tất bật công việc từ sáng tới chiều...Tôi sẽ phải xa mái nhà quen thuộc và thân yêu. Căn nhà ấy, có từng cây cột, cánh cửa, bậc thềm, đều in dấu những kỉ niệm gia đình tôi. Cái xà nhà kia còn đầy đủ các công thức toán học, hoá học, lý học mà tôi đã viết lên đó để học thuộc lòng làm sao quên được. Trong nhà có những đồ vật để ở đâu và để ở vị trí nào tôi đều nhớ rõ ràng lắm. Tôi không quên được mùi ổi chín thơm phức, mùi mít chín ngọt ngào. Tôi cũng chẳng quên được mùi khói bếp bốc lên mỗi sớm tinh mơ, những âm vang quen thuộc của quê hương trong mỗi buổi chiều tà trước khi nắng nhạt dần: tiếng lốc bốc, tiếng vịt con chòn chọt, tiếng ếch nhái, chão chuộc kêu trong đêm, đặc biệt là hít cái không khí trong lành và thanh bình của làng Ngũ Phúc thân yêu.
   Tôi như một đứa trẻ, quay nghiêng người ôm lấy lưng Cha. Tôi đã là chàng trai khỏe khoắn và cao lớn hơn Cha, tôi không còn nằm lọt thỏm trong vòng tay Cha  như ngày nhỏ nữa. Tôi và Cha nằm vừa đủ tấm phản. Tôi nghe rõ tiếng Cha thở dài, nói:
   - Con đi, Cha chỉ mong sao cho chân cứng đá mềm, được trở về đoàn tụ với gia đình.
Tôi nằm im. Tay tôi đặt nhẹ lên ngực ông như muốn Cha trao thêm hơi ấm cho mình. Nghe Cha nói, Cha dặn, tôi thấy thương ông quá. Tôi  xúc động, nuớc mắt tuôn trào nhưng tôi cố úp mặt xuống phản không phát ra tiếng nấc. Cha gỡ nhẹ tay tôi rồi ngồi dậy, ông nhìn tôi như dồn nén cả tình thương cho con mình, ông đi về phía bàn thờ Mẹ tôi. Ông thắp mấy cây hương thơm rồi lẩm nhẩm nói điều gì đó. Cha đang cầu khấn Mẹ phù hộ cho tôi được bình an khi ra mặt trận. Mùi hương thơm ngào ngạt như linh hồn Mẹ về, làm tôi càng nhớ đến Mẹ hơn.
 Chờ cho Cha thắp hương xong, tôi cũng theo Cha thắp hương cho Mẹ: “Mẹ ơi, xa nhà, con nhớ và yêu thương tất cả mọi người, nhưng cuộc chiến sắp kết thúc rồi, con muốn góp công sức nhỏ bé của mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại. Con cũng đã lớn khôn rồi, phải không Mẹ? Mẹ phù hộ độ trì cho con nhé. Mẹ cũng phù hộ độ trì cho Cha, cho các chị con cùng gia đình ta gặp nhiếu may mắn!.” – Tôi thầm thì nói những điều đó khi nhìn lên bàn thờ Mẹ. Hình ảnh Mẹ lại chập chờn ẩn hiện trong tôi. Trong cái đêm ngát mùi hương thơm, nhìn Cha, ngắm ảnh Mẹ, nước mắt tôi lại chảy dài trên gò má.
   Tôi nghe rõ tiếng cựa mình bên giường của các chị em. Đêm nay có lẽ không ai chợp mắt nổi. Ai cũng lo lắng cho tôi. Chị gái tôi thì nước mắt ngắn dài vì nghĩ sẽ phải xa tôi. Bây giờ chị không phải lo cho tôi nữa nhưng nhớ thương thì hơn thế nhiều. Tôi thương chị lắm. Công việc nhà cửa, ruộng vườn bây giờ đổ dồn lên đôi vai chị. Cả cuộc đời con gái chị dồn hết cho tôi.
    Tôi đi xa nên các chị em trong gia đình, họ hàng chuẩn bị cho nhiều thứ. Nào chiếc khăn lau mặt, kim chỉ, lọ dầu xoa, sổ tay, giấy bút... cả những gói kẹo chanh vừa mua ngoài hợp tác xã. Trong con mắt các chị thì tôi vẫn là cậu ấm bé bỏng. Xa gia đình tôi nhớ lắm, chắc mọi người ở nhà cũng nhớ tôi không kém. Điều mà chẳng ai dám nói ra lúc đó nhưng vô cùng quan trọng và ám ảnh mọi người là trong số rất nhiều những người ra mặt trận thì có được mấy người trở lại đâu. Số báo tử trong xã ngày một nhiều. Tôi lại là cậu con trai duy nhất trong gia đình nữa. Tôi cũng không quên nhờ chị và các em, thắp những nén nhang vào ngày giỗ Mẹ, vì khi ấy ở chiến trường xa xôi, tôi không thể về được. Hy vọng Mẹ sẽ phù hộ độ trì cho tôi gặp nhiều may mắn nơi chiến trường xa tít tắp.
     Xen lẫn vào giữa hình ảnh của Cha và chị tôi là bóng dáng gương mặt của một người bạn học cùng lớp với tôi mà tôi không thể quên được. Thoa. Cô bạn gái hiền lành, xinh xắn ngồi trước bàn tôi. Tôi và Thoa biết nhau từ khi chúng tôi bước vào trường cấp III Nam Đàn 1. Tôi ấn tượng về Thoa ngay từ buổi đầu tiên đi khai giảng năm lớp 8 (năm đầu tiên của cấp III). Khi xếp hàng, tôi đứng sau một cô gái dáng người mảnh mai, giản dị, có khuôn mặt tròn và nước da trắng hồng. Cô bạn chưa quen quay đầu lại phía sau nhìn tôi cười hồn nhiên, đôi mắt đen láy, làm tôi cứ nhớ mãi giây phút ban đầu ấy! Cái hồn nhiên, trong sáng vô tư của tuổi học trò cứ quấn quýt bên tôi. Từ hôm đó trở đi,  thỉnh thoảng đến lớp chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau. Sau này quen nhau nhiều hơn, hỏi ra tôi mới biết Thoa là em của một thầy giáo ở trong trường, quê ở huyện Hưng Nguyên theo anh sơ tán lên Nam Đàn. “Con gái Hưng Nguyên đẹp hè”- Mấy cậu bạn trong lớp cứ bí mật kháo nhau thế, khiến cho Thoa đỏ mặt. Tôi chơi thân với Thoa ngay từ buổi đầu tiên ấy, cứ như là đã quen nhau trước khi vào trường. Chúng tôi là bạn học cùng lớp với nhau, hồn nhiên học tập và vui đùa sôi nổi. Trong lớp, Thoa chăm học, lại hiền lành nên bạn bè rất quí mến, hơn nữa Thoa là người bạn từ huyện khác đến, phải xa nhà nên các bạn luôn dành cho Thoa một tình cảm, một sự ưu ái riêng. Lớp học chúng tôi vui lắm, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Nhất là những buổi sinh hoạt hay lao động, mỗi người một tay, vừa làm vừa tạo không khí vui vẻ. Cánh nam nhi chúng tôi thì làm những việc lớn, còn các bạn gái chân yếu tay mềm thì làm những việc nhẹ hơn. Thấy việc là cùng làm và cùng giúp đỡ nhau. Những cậu con trai cũng muốn thể hiện sức mạnh của mình nên nhiệt tình làm giúp các bạn gái, chẳng có buổi sinh hoạt nào là chúng tôi không trêu nhau, tiếng cười, nói râm ran làm cho công việc trở nên nhẹ nhàng và khẩn trương hơn.
   Cũng thật lạ, đến năm học lớp 9 thì giữa tôi và Thoa có một tình cảm đặc biệt, rất khó diễn tả bằng lời. Lúc này tôi được bầu lại làm Bí thư chi đoàn  lớp. Mỗi lần lớp có lịch sinh hoạt đoàn là tôi đứng lên chủ trì. Có hôm đứng diễn thuyết, vô tình tôi thấy Thoa ngồi dưới với đôi mắt đen láy nhìn tôi thật trìu mến, dịu dàng và che chở. Tôi mơ hồ nhận ra trong ánh mắt trong trẻo ấy có một cái gì đó khác hơn với tình bạn thông thường. Lúc đó, tự nhiên tôi thấy hồi hộp lắm, chỉ sợ đỏ tai và nóng bừng mặt trước lớp sẽ bị mọi người trêu. Có phải Thoa quí mến tôi hơn những người bạn trai khác không? Tình yêu ư? Không phải thế. Chúng tôi chưa nói với nhau một điều gì cả. Chưa bao giờ có những giây phút hò hẹn nói với nhau những lời yêu thương. Bãi cỏ xanh mướt và ánh trăng lung linh vẫn là của muôn người. Chúng tôi chỉ là những cô cậu học trò vô tư và tinh nghịch ở lứa tuổi “nhất quỉ nhì ma…” mà thôi. Thoa học giỏi văn, những bài văn của Thoa viết lời văn chau chuốt và nhẹ nhàng lắm, thầy giáo thường khen Thoa viết văn sâu sắc và giọng văn ấm áp. Thoa thường được đọc những bài văn hay trước lớp. Mỗi lần Thoa đọc bài văn, cứ cuốn hút tôi một cách say sưa. Khi đó tôi thường nhìn Thoa một cách cảm phục, tôi cố gắng mà chẳng khi nào vượt được điểm văn của Thoa. Tôi có khiếu học các môn tự nhiên hơn. Chúng tôi thường xuyên trao đổi bài vở với nhau, bởi vậy tình bạn giữa chúng tôi ngày càng thân thiết hơn. Tình bạn ư? Không phải vậy, hình như còn cao hơn thế! Hai người rất khó nói ra tình cảm ấy, mà nói ra rồi lại sợ một điều gì đó. Mỗi lần ngồi học bên Thoa, mùi thơm nhè nhẹ phảng phất hương hoa bưởi, bồ kết toả ra từ mái tóc đen nhánh, mượt dài và hơi ấm lan sang đôi má ửng hồng khiến tôi thấy bâng khuâng xao xuyến. Làn hương từ mái tóc dài toả ra từ cô bạn xinh đẹp, thông minh làm cho những cậu con trai mới lớn như tôi thấy không thể không rung động. Dù đó chỉ là sự rung động của những nhành lá non tơ trước làn gió đầu xuân man mác. Chỉ vậy mà hương vị ngọt ngào của nó còn đọng lại trong kí ức của tôi đến tận bây giờ. Tôi không sao quên được những giây phút xao động lòng mình như thế. Hôm nào không được ngồi học cùng với Thoa, tôi cảm thấy buồn, thấy nhớ, thấy lòng mình trống vắng một cái gì đó. Ngày nào đi học, nhìn thấy Thoa là tôi thấy vui, thấy cuộc đời ắp đầy ý nghĩa. Em khiến cho tôi có trách nhiệm với việc học hành và tu dưỡng đạo đức hơn.
Tôi còn nhớ, hồi đó Thoa trọ gần trường học. Thỉnh thoảng có những buổi học thể dục, lũ con trai chúng tôi đùa nghịch, khát nước nên thường rủ nhau vào nhà Thoa trọ để xin nước uống. Cả bọn kéo nhau đi như một đoàn tàu, đứa nào cũng mồ hôi nhễ nhại, ngần này người khát nước, không biết nhà Thoa có đủ nước cho bạn bè uống không- chúng tôi hỏi Thoa thế và Thoa bao giờ cũng vui vẻ khi thấy bọn bạn trai tới nhà, trong đó có tôi. Thoa chào tất cả mọi người, nhưng ánh mắt thân mến nhất vẫn dành cho tôi. Tôi sung sướng khi nhận ra điều ấy và hạnh phúc vô cùng. Cái nhìn của em hướng về tôi, luôn cho tôi cảm giác bất chợt, gợi niềm thương nhớ. Cũng đã mấy lần tôi thao thức không sao ngủ được khi nhớ lại ánh mắt đằm thắm mà người bạn gái trao cho chiều nay. Có cái gì bồi hồi quá. Tôi nhớ đến Thoa nhưng chỉ trong những suy nghĩ lặng lẽ một mình. Nhiều lúc, tôi cứ ước rằng con đường đến trường của Thoa gần với nhà tôi thì hai đứa tôi sẽ được đi bên nhau để có dịp trò chuyện với nhau thật nhiều, tôi sẽ được làm thằng con trai che chở cho những đoạn đường Thoa đi học đêm về mà không sợ ma. Kỷ niệm về Thoa ngày càng sâu nặng và chiếm lĩnh trái tim tôi nhiều hơn. Tuy vậy, tôi vẫn ngại ngùng không dám thổ lộ điều gì với Thoa. Hai đứa chúng tôi cứ sống vô tư và gắn bó với nhau như thế. Thoa rất quan tâm đến mọi người. Một lần tôi bị đau, chân sưng vù lên; gặp Thoa, tôi vờ như không có chuyện gì nhưng Thoa vẫn thường xuyên hỏi thăm vết đau của tôi và còn mách tôi bài thuốc lá để chữa nữa. Em nói rằng: “Em hỏi mẹ cách chữa vết đau đó”, khiến tôi nhận ra tình yêu thương thầm kín từ nơi em cho tôi.
  Chúng tôi rụt rè, vấn vương, tơ tưởng mong manh của lứa tuổi học trò na ná như thứ tình cảm của Pa ven- Tô nhi a trong “Thép đã tôi thế đấy”- nghĩa là nó rất lãng mạn và rất tiểu thuyết. Nó nhẹ như làn gió mai khẽ lay bông hồng đầy hương sắc. Hình như trong trái tim run rẩy của mỗi đứa đã có lúc ngân lên những cung bậc mới mẻ để rồi khi xa vắng nhau con tim lại hồi hộp rộn ràng, thổn thức mong sớm được gặp lại. Thực ra, sau này tôi mới rõ, là con gái- Thoa dành cho tôi tình cảm chân thực và sâu sắc hơn nhiều. Trái tim trong trắng của Thoa đã hướng về tôi, cùng chung nhau nhiệm vụ học tập và chia sẻ với nhau những thiếu thốn mất mát của một người bạn sớm mồ côi Mẹ từ nhỏ. Tôi không dễ dàng nhận ra điều đó, chỉ nghĩ tới em với một tình yêu trong sáng mà thôi, tôi cũng chưa có gì tỏ rõ sự quan tâm bằng tình yêu đối với Thoa. Nhưng nỗi nhớ em thì tôi không thể giấu lòng mình được. Hai đứa chúng tôi cứ thế mà gắn bó với nhau, không một lời ngỏ, không một lời thề thốt thương yêu nhưng luôn luôn sống cho nhau. Sự có mặt của Thoa bên cạnh tôi ngày càng trở nên quan trọng. Thiếu Thoa là buổi học như thiếu đi cái linh hồn trong tôi. Xa là thấy thương thấy nhớ, vắng là thấy buồn, thấy trống vắng trong tim.
  Tôi ngồi dậy nhẹ nhàng bước ra sân. Màn đêm đẫm hơi sương đang loảng dần ra. Không gian sáng sớm của mùa xuân hơi lạnh như chạm nhẹ vào làn da. Giờ này, quê tôi nhà nào cũng có người dậy sớm để nấu cơm ăn, lo việc đi làm đồng. Tiếng gà đua nhau gáy rộ lên trong xóm. Hoa cau thoang thoảng tỏa mùi thơm nhẹ nhàng xuống sân nhà. Tôi thích cái mùi hoa cau này lắm, những ngày mùng 1 hay ngày rằm, dưới nén nhang thắp cho Tổ tiên và thờ Mẹ, chị tôi lúc nào cũng bẻ một cành hoa cau đặt lên bàn thờ. Hoa cau vàng trắng, hoa giống như những hạt lúa trổ bông dày. Tôi khẽ hít mùi thơm man mác ấy.
    Cũng lúc này chị tôi dậy nấu cơm. Mùi thơm của khói rơm pha lẫn làn sương mỏng bay là là trên bếp làm cho con người thêm sảng khoái. Chắc hôm nay chị cho cả nhà ăn tươi thì phải. Mùi mỡ phi với hành thơm ngào ngạt. Tôi nhớ lại những ngày tôi bắt chước chị thổi cơm, khói rơm bay làm tôi cay sè cả hai con mắt, chẳng nhìn thấy gì, tôi đành la om sòm trong bếp và gọi chị vào. Chị nhìn tôi vừa cười. Chị làm tôi xấu hổ quá. Về sau tôi mới biết là khi đun bếp, mình vớ phải nắm rơm bị ướt. Tôi thấy căn bếp ngày càng cũ kĩ, cửa ra vào đã không có cánh mà còn quá nhỏ và thấp. Chiều cao người tôi ngày càng dài ra, cho nên gần đây, mỗi lần ra vào bếp, tôi bị cộc đầu, nhiều chỗ trên mái bếp có thể nhìn thấy cả trời. Đã mấy lần Cha chuẩn bị sửa gian bếp cho đàng hoàng mà không làm nổi. Có lần tôi đun bếp bị va vào đầu sưng to lắm. Tôi có nói với Cha: “Cha không mau sửa bếp thì có ngày con vỡ đầu đấy”. Nghe tôi nói, Cha mỉn cười gật đầu đồng ý nhưng đến nay cũng chưa có điều kiện để sửa lại cái bếp. Tôi có ý định khi đi bộ đội về, chưa làm được nhà thì cũng lợp lại cho Cha, cho chị căn bếp đàng hoàng để vào ra được thoải mái, không bị mưa ướt củi, ướt rơm đun.
    Tôi vừa dạo quanh sân vừa nhìn ngôi nhà nho nhỏ của tôi như cố nhớ lại những hình ảnh thân yêu, đầm ấm, quen thuộc nhất. Chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi là những hình ảnh về ngôi nhà, về quê hương sẽ chẳng còn hiển hiện nữa. Thay vì là cảnh bom rơi đạn nổ, cảnh khói lửa mịt mù. Thời điểm này, máy bay giặc hoạt động cũng thưa hơn. Không gian như lắng xuống, yên tĩnh. Tôi lại nhớ đến em. Đêm qua Thoa có ngủ được không? Em có buồn không khi tôi phải xa em để ra chiến trận? Em có còn mang trong mình những kỉ niệm đẹp đẽ êm đềm của hai đứa không? Khi tôi vào chiến trường, ra trận mạc thì em sẽ ra sao? không còn nhìn thấy tôi trong lớp học, không còn thấy tôi hoà vào đám bạn trai vào xin nước uống, hai đứa không còn ngồi học ôn bài cùng với nhau...em có buồn không? Những bài toán khó, không giải được em sẽ ngồi ngẫm nghĩ thật lâu, rồi lại nhớ đến anh ư? Máy bay giặc Mỹ sẽ ném bom nhiều hơn. Em về nhà thăm mẹ rồi lại lên trường học, qua bao trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay sẽ như thế nào? Thời buổi chiến tranh em đi đứng cẩn thận, nghe em. Máy bay giặc chẳng từ ai đâu em ạ. Riêng tôi, chắc chắn không bao giờ tôi quên được Thoa nhưng tôi biết nói sao cho em hiểu. Tôi không dám thổ lộ những điều đó, đem cất giữ trong sâu thẳm trái tim mình. Tôi vừa ngại ngùng, vừa muốn thổ lộ nhưng cũng sợ làm ảnh hưởng đến em. Tôi phải xa em thật rồi. Vào chiến trường, có lẽ tôi cô đơn lắm, chưa xa em tôi đã thấy nao nao nhớ đến em rồi. Mấy hôm nay, một ngày không thấy em, tôi đã thấy nhớ, huống hồ phải đợi chờ đến khi nào hết chiến tranh, biết đếm sao cho nhanh hết thời gian. Em có chờ tôi trở về không?...Cái dáng người mảnh mai, đôi mắt đen với nhiều lần nhìn tôi sâu lắng, mái tóc óng mượt với những mùi hương lan toả, giọng nói nhẹ nhàng... làm sao tôi quên được. Nhất là nụ cười của em làm lòng tôi ấm áp một niềm tin và tình thương yêu tuôn chảy. Sau này hết chiến tranh, trở về với quê hương, tôi sẽ tìm đến Thoa để nói lời cầu hôn  em. Nhất định thế, Thoa ạ! Lúc ấy, mong em đừng từ chối tình yêu của tôi dành cho em nhé. Tôi chợt nhớ đến hôm trước, khi biết tôi trúng tuyển bộ đội, Thoa đã không gọi tôi bằng tên nữa mà chuyển sang gọi là anh một cách rất tự nhiên. Tôi không bất ngờ với những gì em gọi tôi và tôi cũng gọi Thoa bằng em như đã gọi từ lâu lắm. Lúc đó cảm xúc buồn vui cứ pha trộn trong người. Tôi vui vì được vào bộ đội, được cống hiến và hoà mình vào cuộc chiến tranh, nhưng buồn vì phải xa gia đình, xa em và biết đâu không còn trở về với em nữa, tôi chỉ nghĩ trong đầu vậy thôi, chứ nói ra những điều không lành, chắc em sẽ bật khóc.
    Trời đã chuyển sang mùa hè. Không khí oi bức đã bắt đầu. Gío Lào cũng đã thổi lên từng cơn. Bầu trời như trong xanh và cao vời vợi. Không khí càng ngày càng ngột ngạt. Những lúc này chỉ có ra sông Lam tắm mới tránh được cơn nóng rát mà thôi. Mấy hôm nay cường độ máy bay Mỹ ném bom vào Nam Đàn hình như nhiều hơn. Chúng ném nhiều xuống thị trấn, xuống sông Lam, xuống đường 15A. Chúng bắn phá bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không kể ngày hay đêm. Nghe đài, đọc báo, họp chi đoàn, tổ chức cho lớp giao lưu với các đơn vị bộ đội, nghe dũng sĩ miền Nam kể chuyện đánh Mỹ…thật tự hào và sôi động.
     Ngày 13 tháng 4 năm 1968 đã trở thành cái mốc quan trọng không bao giờ quên được đối với cuộc đời tôi. Tôi ghi rõ vào quyển sổ nhật kí của mình một cách trang trọng như sự kiêu hãnh lớn nhất cuộc đời mình. Sáng hôm đó tôi dậy sớm. Thế nhưng Cha tôi đã ngồi vào bàn uống nước chè từ lúc nào. Chị cả Liên chuẩn bị bữa cơm tương đối tươm tất. Buổi sáng hôm đó cả nhà được ăn cơm nếp đồ với lạc. Mỗi miếng cơm thơm, bùi vị nếp với vị béo ngậy của lạc thật hấp dẫn. Cha tôi và các chị em chỉ ăn mỗi bát là ai cũng ngán. Tôi thì chén thật no. Chị Liên còn gói cho tôi một gói cơm nếp bằng mo cau để đi đường ... Đang ăn cơm thì chị Liên nhìn tôi hỏi:
   - Thế cái Thoa đã gặp em chưa? Tội nghiệp con bé. Nó sang đây mấy lần mà không gặp em. Chị vừa nói vừa gắp thức ăn cho tôi.
   - Từ hôm qua đến giờ em chưa gặp. Bận quá chị ạ. Chị Liên vừa dọn mâm cơm vừa nói như trách:
- Bận thì bận, cũng phải sắp xếp tiếp Thoa chứ…Nghe chị trách mà thấy thương Thoa vô cùng.
    Vừa ăn xong thì bà con cô bác đã đến chia tay. Ai cũng chúc mừng tôi lên đường chân cứng đá mềm, và ai cũng dặn nhớ viết thư về. Tôi như đã là người lớn, thật tự hào.
     Cơm nước xong thì mọi người trong thôn kéo đến uống nước chè xanh, chúc mừng  và tạm biệt tôi. Ai cũng nhìn tôi với đôi mắt rạng rỡ và trìu mến. Tôi thật cảm phục tình cảm của bà con thôn xóm lúc vui cũng như lúc buồn. Nhìn ai tôi cũng thấy thương nhớ. Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa thôi sẽ lên đường, tôi quí hoá từng giây phút, cứ muốn lưu giữ mãi bên mình.
     Tôi nghĩ đến Thoa. Không biết Thoa có đến kịp để tiễn tôi  không nhỉ. Lúc ra đi mà không có ánh mắt của em đưa tiễn chắc lòng tôi xao xác lắm. Tôi đang hình dung nếu khi đó không có em ở bên, cảm giác của tôi khi đó sẽ ra sao. Tôi vào bộ đội như vậy sẽ buồn lắm, em biết không? Nhưng nếu em đến mà rơi nước mắt thì tôi biết làm sao đây. Có người con gái nào đưa người con trai ra trận mà không lệ nhòa? Tôi cầu mong sự có mặt của em nhưng em đừng rơi nước mắt như cô gái trong thơ của Nam Hà mà hôm nào em đọc cho tôi nghe:
Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt giành cho ngày gặp mặt...
   Nhưng cảm xúc của con người thì làm sao mà nói trước được. Em là người con gái ven sông Lam, chịu thương, chịu khó nên cũng rất dễ thông cảm với những hoàn cảnh như anh. Anh chỉ sợ rằng, giờ phút xa em đã đến gần mà chưa có dịp để nói chuyện với em, chắc em sẽ trách anh và cũng dễ xúc động như tình cảm lâu nay đã dành cho em. Dù đi đến chiến trường nào, dù có vượt qua bao sông, bao núi, bao thác, bao ghềnh, trong anh vẫn canh cánh một điều, đất nước khải hoàn anh lại về bên dòng sông Lam quen thuộc để được nô đùa, tắm mát như thủa nào, cũng như được về với em như bao năm sống và học tập bên nhau.
 Chúng tôi sang xã Nam Anh để tập trung. Sau khi cán bộ nhận quân đọc tên, tôi vào nơi nhận quân trang: quần áo, dày, dép, tất, ba lô...Ôi, nhiều thứ quá. Tiếng người nói, cười, hỏi thăm, xen lẫn với tiếng sụt sùi và mùi xăng xe làm cho không khí thêm ngột ngạt. Tôi liền vận ngay quần áo bộ đội. Đây là giờ phút chính thức tôi được khoác lên mình bộ quân phục vải Tô Châu, cùng vòng lá nguỵ trang màu xanh của người lính. Tôi tự ngắm nghía, vuốt ve. Tôi thấy mình như khác hẳn. Ánh mắt mọi người nhìn tôi cũng vậy. Từ hôm nay tôi đã trở thành chiến sĩ, đã là một quân nhân cách mạng. Cái cảm giác mình được lớn bổng lên, rắn rỏi, chững chạc hơn càng rõ dần trong tôi. Tôi thấy cơ thể mình như khoẻ khoắn, cường tráng, vạm vỡ hơn. Những chàng trai lên đường nhập ngũ, ai cũng rạo rực khi đắm mình trong không khí trọng thể của buổi lễ tiễn tân binh do địa phương tổ chức. Mọi người cùng nhìn nhau trong niềm vui đợi chờ. Bên trên, nào: Cờ, khẩu hiệu, băng rôn được trang hoàng dưới những lùm cây cao và những cành lá ngụy trang xanh thắm. Trong làng  có rất nhiều người đi tiễn. Từ các cụ già, cô bác cho đến các em nhỏ, đông đủ cả. Vây quanh tôi có Cha, chị, các em và bạn bè cùng những người thân quen thuộc nơi tôi sinh ra, cả những gương mặt tôi chưa hề biết đến, những em nhỏ lít nhít mặt còn lấm tấm những vết lấm lem cùng giơ những bàn tay nhỏ xíu hướng về phía những người lính mặc áo xanh vẫy vẫy, ai cũng động viên chúng tôi lên đường một cách thân tình. Có nhà còn luộc cả một rổ khoai ngon cho chúng tôi  mang đi ăn đường. Tình cảm của bà con chòm xóm mộc mạc, nhưng rất đằm thắm. Mọi người coi chúng tôi như con một nhà, ai cũng mong muốn chúng tôi đi đánh giặc mạnh giỏi, lập được nhiều chiến công và quay trở về với quê hương. Nhà nào không có con đi cũng ra đưa tiễn.
  Trong không khí rộn rã tiếng cười, nói râm ran cả sân kho HTX, Cha tôi đứng lặng lẽ nhìn tôi, không nói. Lúc đầu, mọi người còn hỏi thăm nhau vui vẻ nhưng rồi giây phút lên đường ngày một tới gần hơn, mọi người đều tranh thủ dặn dò những lời yêu thương nhất, tay nắm tay bịn rịn, vỗ vai như tiếp thêm sức lực cho chúng tôi. Các chị, em tôi thì nước mắt ngắn nước mắt dài, ai cũng nhớ thương da diết. Chị cả ôm lấy tôi nghẹn ngào, nói: “Em đi nhớ viết thư về cho Cha, cho chị nghe. Giấy bút chị đã chuẩn bị cho em ở trong túi rồi. Nhớ nghe em, cả nhà mong tin em lắm đó, việc nhà em không phải lo gì hết, đã có chị và Cha lo, khó khăn gì thì cũng đã có bà con trong làng rồi... Em đi nhớ đừng để gia đình mong đợi quá”. Bà con làng xóm láng giềng ai cũng rưng rưng nước mắt, có người còn dúi cả tiền vào tay tôi, bảo: “Cầm đi mấy đồng mà uống nước dọc đường”, người thì bảo: “Đi mạnh giỏi nghe con, khi nào hoà bình trở về là cả quê nhà sẽ ra đón các con”, “Các con xa nhà nhớ yêu thương, đùm bọc lấy nhau nhé”!...
   Biết bao nhiêu lời dặn mà tôi không thể nhớ hết nổi, thú thực lúc ấy lòng tôi thấy nao nao quá, tôi thấy nghẹn ngào trong cổ họng nhưng không thể bật khóc lúc này, người lính không được yếu đuối như thế, phải vững vàng lên chứ. Không khí lắng đọng, những nét buồn và những giọt nước mắt lăn tràn trên gương mặt chị. Cha tôi cũng không thể giấu nổi tình thương yêu, hai tay bưng mặt mà khóc. Lần này thì Cha khóc rưng rức. Nhìn Cha, sống mũi tôi cay xè, cổ họng nghẹn đắng lại, tôi cố kìm những giọt nước mắt đang trực tràn ra. Tôi ôm lấy Cha thật chặt. Ôm Cha mà nước mắt tôi đã chảy ra mất rồi. Tôi cũng đã thấy Cha rưng rức khi ôm tôi vào lòng. Nỗi buồn, sự cô đơn và nước mắt của một người có tuổi như Cha tôi đáng thương lắm. Tôi khẽ quệt nước mắt, ôm chị và các em tôi, tôi dặn dò các em ở nhà thương yêu nhau, các em tôi còn nhỏ quệt nước mắt khóc, mặt mũi nhem nhuốc, gật đầu. Cái cảm giác tôi đã nghĩ đến sẽ diễn ra nhưng chưa bao giờ lại thấy hụt hẫng đến thế này. Chỉ lát nữa thôi, bên cạnh tôi sẽ không còn có ai là người thân, xa mọi người, rồi bao giờ mới được gặp lại. Tôi nói với Cha cùng các chị em:
- Cha mà cứ khóc thế này làm sao con đi được. Cũng may lúc đó tôi nhận ra các bạn trong lớp đang rẽ đám đông đến với tôi. Tôi nhìn Cha nói nhỏ:
Con đến với các bạn cùng lớp đây. Thôi, Cha đừng khóc nữa!
 Tôi nhận ra thầy chủ nhiệm. Tôi đưa hai tay lễ phép bắt tay thầy và các bạn. Hơi ấm từ bàn tay của thầy và các bạn như làm cho tôi thêm sức mạnh nhưng lại càng thêm nhớ nhung. Thầy vỗ vai tôi động viên: “Tạm biệt học trò cưng của thầy, các bạn trong lớp nhớ em lắm đấy, vào bộ đội, thầy tin em sẽ như Bí thư mạnh giỏi của lớp nhé”. Rồi thầy vỗ vai, lắc mạnh tay như nhắn nhủ đặt niềm tin ở tôi. Tôi lần lượt bắt tay các bạn. Ôi xao xuyến lạ thường. Tôi hứa với thầy và các bạn sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và không quên viết thư về thăm thầy và các bạn trong lớp. Thầy gật đầu hi vọng, tôi chợt nhìn lên mái tóc thầy đã có những sợi bạc trắng. Hôm nay, tôi mới nhận thấy điều đó, thầy đã đưa bao nhiêu “chuyến đò qua sông”. Ai mà đếm hết được những lần đi ấy. Chỉ có lớp lớp học trò như chúng tôi cứ trưởng thành và cứ lớn dần lên. Tôi tự hứa với mình ngày trở về sẽ thăm thầy và các bạn. Các bạn tôi vây quanh, ai cũng chen vào tíu tít bắt tay tôi. Anh Lê Song Toán, Phó bí thư chi đoàn lớp thay mặt các bạn tặng tôi món quà kỉ niệm là chiếc khăn mùi xoa có thêu dòng chữ “Hẹn ngày hội ngộ”. Những tiếng vỗ tay cổ vũ động viên vang ròn mãi không ngớt dành cho tôi thật đáng quí. Tôi cầm món quà nhỏ bé nhưng mang nặng tấm lòng hậu phương, bạn bè làm tôi ngập tràn xúc động. Chững chạc trong bộ quân phục màu xanh hơi rộng, tôi nói lời cảm ơn và chúc mọi người ở lại sẽ làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình, xây dựng lớp tiến bộ. Những lời “hoan hô” lại ròn rã hơn. Trong lòng tôi khấp khởi đưa mắt nhìn mọi người, giây phút cảm động và lưu luyến quá, tôi đưa mắt tìm Thoa. Em đang đứng sau lưng mấy bạn gái, tôi thấy đôi mắt ươn ướt rồi, không như buổi đầu khai giảng quay lại nhìn tôi tươi cười nữa. Đôi mắt tôi hướng về phía em đứng, trái tim tôi rộn ràng một tình yêu cháy bỏng dành cho em. Em có hiểu tình cảm của tôi lúc này không? Em chầm chậm bước tới tôi như muốn nói một điều gì đó trước lúc tôi đi thì cũng là lúc tiếng còi của chỉ huy gọi chúng tôi lên xe. Mọi người lại ào về phía tôi, tôi rối rít bắt tay những người đứng gần phía tôi và vội vàng chuẩn bị bước lên xe. Tôi muốn nói với em điều gì đó, đơn giản nhất là lời dặn dò em nhưng lúc này không sao nói được, sự ngại ngùng và e dè ở cả tôi và em, chỉ có ánh mắt đẫm nước nhìn nhau. Tôi không thể đứng trước mặt em lúc này để nói, có thể tất cả mọi người sẽ ủng hộ chuyện tình cảm giữa tôi và em nhưng tôi không muốn nhìn thấy em ngượng ngịu, đỏ mặt trước mắt mọi người. Sự im lặng của em và tôi trong giây phút khiến tôi thấy bối rối quá. Chẳng nói gì được riêng với em, nói những điều để em hiểu được tình cảm của tôi lúc này, dù sao tôi cũng sắp đi xa, biết bao giờ mới trở về. Tiếng còi chỉ huy lại đồn dập vang lên. Không thể chậm chễ được, tác phong bộ đội là thế, nên chẳng còn cách nào, tôi rẽ đám đông và bước lên xe. Bỗng có ai đó níu ba lô tôi lại và nhét một thứ gì đó vào túi cóc. Tôi quay lại. Thoa! Em của tôi đây. Khuôn mặt tròn, ửng hồng, lấm tấm mồ hôi, mấy sợi tóc mai bết vào má, nhìn em mà tôi nghẹn ngào. Tôi sững sờ nhìn em đăm đắm. Chưa bao giờ tôi dám nhìn em như thế. Em cũng nhìn tôi dịu hiền, đôi mắt vẫn còn ướt át như muốn nói một điều gì đó thầm kín, e ấp. Rồi tôi lại thấy ở đôi mắt ấy những giọt nước mắt đã đong đầy khoé mi.
 Bỗng dưng có ai đó lôi ba lô tôi. Thì ra chỉ huy kéo tôi lên xe. Cuối cùng, trong giây phút vội vàng, xáo động của kẻ ở người đi, những lưu luyến khoắc khoải, Thoa chỉ nói được một câu ngắn ngủi mà tôi nghe rất rõ: “Anh đi nhớ viết thư về nghe”. Chỉ có vậy thôi mà câu nói theo tôi suốt chặng đường trận mạc, khổ ải gian truân sau này và có lẽ đeo đẳng suốt cuộc đời tôi. Một câu nói trong tình huống ấy đã nhắc nhở tôi tất cả rồi. Trong kí ức của tôi, mỗi lần nhớ đến em, nhớ đến ngày nhập ngũ của tôi, chưa bao giờ tôi quên câu nói cũng như lời nhắc nhở ấy- chưa bao giờ tôi quên…
 Đoàn xe đầy lá nguỵ trang chuyển bánh, để lại đằng sau mịt mù khói bụi. Đứng trên thành xe, tôi cố nhìn Thoa. Kia rồi! Em đang vẫy vẫy. Tôi cũng vẫy tay tạm biệt. Còn kia, là Cha, chị và các em tôi cũng đang vẫy tay. Bóng người giữa sân HTX ngày càng mờ dần bởi bui hồng cuộn lên khi xe rú ga phóng nhanh.
  Tạm biệt xóm làng thân thương, mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên với bao êm đềm và cũng biết bao kham khổ, khó nhọc. Tạm biệt cả tuổi thơ đi qua mãi mãi để lại những kỉ niệm trong tôi. Mảnh đất Mẹ tôi vẫn nằm đó chờ đợi tôi trở về, tạm biệt những ngôi nhà thân quen nằm trong những hàng cây xanh um tùm cứ xa dần theo những bàn tay vẫy vẫy. Tất cả tạo thành những dòng kí ức tuôn chạy trong tôi. Ngồi trên xe rồi, nước mắt tôi mới trào ra không kìm nổi. Nước mắt thương Cha, thương chị, nhớ dì và các em. Nước mắt của sự chia xa tình mẫu tử. Những cậu bạn ngồi bên tôi lúc này, ai cũng bật khóc. Những căn nhà nhỏ bé mà ấm áp tình thương yêu che chở đùm bọc của bà con làng xóm, con đường làng quê tôi cũng xa tít tắp thành những hình con rắn bò khòng khoeo dưới mặt đất. Tôi cố nhìn hình ảnh quê hương một lần nữa. Quê hương- đây là lần đầu tiên tôi rời xa, tôi mới thấy thấm đẫm lòng thương nhớ quê. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó trở về, tôi sẽ ùa ra đồng để cùng Cha và chị đón những bó lúa vàng thơm và hoà cùng câu hò đối đáp âm vang nhộn nhịp khẩn trương của mọi người vang trên cánh đồng làng trong mùa cấy hái. Những em nhỏ chạy lăng xăng, cầm những cái chai nhỏ ra đồng đuổi bắt những con châu chấu, cào cào mang về cho gà ăn. Những chú chuồn chuồn ớt cánh vàng ruộm bay trên không báo mưa báo nắng cho những người dân. Mỗi lần có mặt ở ngoài đồng là những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, trên lưng áo mình nhưng thật vui. Mùi lúa chín, mùi bùn đất, mùi khói rơm rạ trên những thửa ruộng đã gặt và cả những âm thanh vui nhộn trên quê hương cứ tràn về trong kí ức tôi. Bây giờ giấc mơ được đặt đôi bàn chân lên cánh đồng thành xa lạ đối với tôi, tôi thấy mọi thứ thân thương và gần gũi quá.
   Sẩm tối hôm đó, đoàn tân binh của chúng tôi đã có mặt ở đơn vị huấn luyện. Đó là Đoàn 22 thuộc Quân khu Bốn đóng ở xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn. Sau khi nhận chỗ nghỉ, tôi lục trong ba lô, túi cóc thì phát hiện ra một bức thư. Tôi vội vàng cầm trên tay như một kẻ chờ đợi một tình yêu bao ngày xa cách. Tôi hồi hộp và sung sướng lắm. Tôi và em đã bao giờ viết thư cho nhau đâu. Tôi biết đó là thư của Thoa nên nhanh tay giở ra đọc. Nét chữ con gái mềm mại, nghiêng nghiêng quen thuộc. Đây là bức thư lần đầu tiên nên tôi quá xúc động. Vừa mới xa em, tôi đã có thư đọc rồi, em tài thật, mới đó mà đã viết thư rồi.
    Cầm lá thư áp lên ngực, trái tim tôi đập rộn ràng, hồi hộp bởi đây là lần đầu tiên trong đời tôi được một người con gái gửi thư cho, mà người đó không phải là ai khác chính là Thoa- Thoa sẽ viết những điều gì trong đó nhỉ? Chắc chắn sẽ khác với những dòng lưu niệm viết trong sổ tay mà lớp học trò chúng tôi thường trao tay nhau trong mỗi mùa phượng nở đỏ rực cả một góc trời, mùa bằng lăng nở tím ngắt, mùa những chú ve tấu lên những khúc nhạc rộn rạo, náo nức. Thoa có viết những điều tôi mong đợi mà chưa dám thổ lộ với em không? Em có trách tôi gì không, những ngày tôi gấp gáp chuẩn bị lên đường, tôi chẳng gặp được em, tôi không quan tâm được đến em, em giận tôi nhiều không? Em sẽ nói gì với tôi đây, nhất là dòng thư tôi vừa xa nhà sáng nay. Đám bạn bảo tôi là người hạnh phúc nhất vì chưa đi xa đã có thư người yêu đọc rồi, tôi chỉ biết tủm tỉm mừng vui hớn hở mà thôi. Tôi hồi hộp và linh cảm trong tờ giấy có những nét chữ thân thương mà tôi đang cầm trên tay là những dòng tình cảm chân thành và thắm thiết của em. Giống như ánh mắt của em và tôi trao nhau trong buổi sáng nay sẽ mãi mãi ngự trị trong trái tim tôi. Tôi mở thư, hồi hộp đọc từng dòng thương yêu:
“Anh yêu thương!
 Năm học gần kết thúc rồi, sao anh lại bỏ em mà đi lúc này. Em phải học bài một mình không có anh học cùng buồn lắm. Lớp học sẽ trống trải vì  không  có anh. Ánh mắt của anh cũng không còn dành cho em mỗi ngày.  Em sẽ không còn cảm giác được nhìn thấy anh đứng trên bục giảng trong những buổi tổ chức sinh hoạt đoàn của lớp nữa.  Anh biết không, mấy ngày nay em đứng ngồi không yên khi nghe tin anh đi bộ đội. Hôm kia anh đứng nói chuyện để tạm biệt lớp mà mắt em nhạt nhoà. Anh đứng đây như ngày nào mà bỗng thấy anh xa vời tít tắp. Anh xa em biết đến bao giờ mới trở lại. Một ngày đi học không gặp anh, em thấy nhớ khôn xiết, huống hồ anh theo mãi với cuộc chiến đấu này. Em phải chờ đợi anh về có lâu không? Em nghẹn ngào nước mắt để giấu đi cảm xúc khỏi xấu hổ với bạn bè.
Sáng qua, em xin nghỉ học để về thăm anh. Máy bay ném bom thị trấn ghê lắm nhưng em chẳng sợ gì. Em chỉ nghĩ đến anh và tìm cách gặp được anh trước lúc anh lên đường. Em vượt qua thị trấn trong cảnh khói đạn mịt mù. Em xuống bến đò thì ông lái đò không chở với lý do máy bay. Em phải trình bày lý do sang đó tạm biệt anh. Thấy em khóc lại mang một số đồ mà chỉ người lính mới cần, ông lái đò liền cho đi. Khi em đến nhà thì anh lại đi vắng. Em buồn vì không gặp được anh.
 Sáng nay em lại qua thăm anh nhưng chị của anh lại bảo anh vừa lên Nam Anh để tập trung. Em vội vàng đi một mạch về nhà và ngồi viết thư cho anh. Anh à, em đã chuẩn bị cho anh nhiều thứ kim chỉ, dầu con hổ và thuốc đánh răng... để anh dùng khi cần và chiếc khăn mùi xoa do tay em thêu chữ “ngày ấy”. Em hi vọng dù ở trận mạc xông pha, dù đi khắp sơn cùng thuỷ tận anh cũng không quên được những ngày ấy, chúng mình đã học tập, hồn nhiên bên nhau... Để mỗi lần nhìn chiếc khăn, anh lại nhớ đến em. Anh đi nhớ gìn giữ sức khỏe anh nhé. Em tin tưởng vào anh rất nhiều. Em ở nhà sẽ luôn cầu mong cho anh những điều may mắn. Mỗi bước anh đi luôn có em ở bên. Con đường phía trước dù có khó khăn vất vả, anh hãy cố gắng lên nhé. Ở  nhà, mọi người luôn nhớ và thương yêu anh.
Em luôn chờ đợi và mong tin anh
Em của anh: Thoa”
  Đọc xong lá thư, nhớ em da diết, tôi cảm thấy mình có lỗi với em rất nhiều. Đáng lẽ ra tôi phải là người thổ lộ với em về những tình cảm nồng nàn ấy, tôi cũng có tình cảm với em cơ mà. Vậy mà tôi như người tự dối lòng mình, tôi yêu em, thế mà sao tôi không nói ra điều ấy với Thoa. Thoa là con gái, lại còn rất trẻ, thế mà em dám vượt qua rào cản để tự nguyện nói ra cái điều ấy với tôi trong thời điểm đầy ý nghĩa, thời điểm tôi trở thành người chiến sĩ. Có phải chỉ là để động viên tôi trước những ngày lên đường không? Chắc hẳn không phải thế, vì tất cả những gì em nói ra đây đều là sự thật.
  Có lẽ trong đám bạn cùng đi, tôi là người hạnh phúc nhất. Vài cậu lính cứ tếu táo trêu tôi suốt cả buổi tối và đòi đọc thư tôi. Bức thư Thoa gửi cho tôi đã trở thành nguồn động viên lớn lao không gì có thể thay thế được trong cuộc đời người lính. Bức thư trở thành kỉ vật đẹp thời trai trẻ của tôi. Lá thư của em, tôi không chỉ mang theo bên người mà còn sống cùng với tôi từ những ngày tôi còn lăn lê bò toài bê bết trên bãi tập luyện, rồi cùng tôi vượt qua nghìn dặm Trường Sơn điệp trùng ùng oàng tiếng bom đạn nổ. Bức thư đã ở bên tôi trong những trận đánh ác liệt nhất tưởng chừng không thể sống để trở về với quê hương và cả trong những giờ phút đau đớn tôi nằm trên bàn mổ ở bệnh viện tiền phương để bác sĩ lấy mảnh đạn ra khỏi cơ thể. Nó cũng đã từng ru tôi ngủ ngon giấc trong những đêm dài đói rét của đời lính chiến trường. Đôi lúc tôi nghĩ, phải chăng lá thư chứa đựng tình cảm trong trắng của em là cái bùa hộ mệnh linh diệu của tôi. Một lá bùa có tên gọi: Tình yêu!
   Mỗi khi có thời gian rảnh là tôi lại mang lá thư của em ra đọc, đọc nhiều đến nỗi tôi đã thuộc từng dòng, từng nét chữ của em, đến cả những dấu chấm, dấu phẩy, nét chữ của em đáng yêu như con người của em vậy. Những ngày huấn luyện, dù tập tành rất nặng nhọc và bận rộn nhưng tôi cũng vẫn tranh thủ thời gian nghỉ viết thư cho gia đình, thầy cô, bạn bè và cho Thoa. Tôi biết mọi người ở nhà mong ngóng tin tức của mình lắm. Cha tôi cũng cần những lời động viên lắm chứ, rồi chị tôi và các em sẽ tha hồ mà nhắc tôi mỗi khi thấy trong ngôi nhà trống vắng hình bóng tôi. Tôi viết thư cho Cha, cho chị bao giờ cũng ngắn gọn, còn thư cho Thoa bao giờ cũng dài hơn. Trong thư, tôi đã thổ lộ hết tình cảm đối với em. Tôi tự trách mình là trong thời gian qua vì ở xa trường, sáng đi học, chiều còn tranh thủ làm ruộng đỡ đần công việc đồng áng cho Cha và chị, phần vì ngại ngần nên tôi chưa gần gũi giúp đỡ em được nhiều. Tôi cũng kể cho Thoa nghe về cuộc sống của người lính mới. Nhất là ngày đầu tiên, ai cũng hồi hộp nhưng lo lắng. Nào là việc học tập, ngủ nghỉ, làm việc đều phải theo một thời gian biểu rất nghiêm ngặt, không thể chậm chễ lề mề được. Quần áo, chăn màn, khăn mặt... phải để ngăn nắp và được hướng dẫn gấp đồ theo một qui định rõ ràng. Không làm đúng qui định thì phải làm lại. Kỉ luật quân ngũ cũng khắt khe lắm, ai bị kỉ luật một lần thì nhớ mãi không thể vi phạm lần thứ hai. Những buổi tập bắn súng, được ngắm nghía khẩu súng trên vai mới thấy hết được linh hồn và trách nhiệm nặng nề của mình, phải luyện tập tốt để sau này khi vào thực tế cuộc chiến đấu những viên đạn bắn đâu sẽ trúng đó. Nhất là những lần báo động, mọi người đều phải trong tư thế sẵn sàng. Báo động chiến đấu. Báo động di chuyển. Tập hành quân đêm. Tập hành quân ngày. Ôi thật vất vả nhưng đầy hào hứng, ai cũng tự giác và hăng say luyện tập khí thế lắm, tất cả đều cùng chung một mục đích: “Thao trường đổ mồ hôi, còn hơn chiến trường đổ máu”. Công việc tập luyện quân sự vất vả là thế nhưng các chiến sĩ vẫn rất yêu đời. Những buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, làm báo tường được các chiến sĩ tham gia nhiệt tình, hăng hái. Không có ai ngại ngùng gì cả. Có làm mới biết những cậu lính trẻ măng như tuổi anh, tưởng chừng không sành sỏi, ấy vậy mà việc gì cũng đảm, lắm cậu còn có nhiều tài lẻ nữa. Những đêm vui văn nghệ, khi khúc ca ngân vang trong tiếng đàn hát mới thấy cuộc đời người lính xua đi những mệt nhọc, vất vả của tập luyện quân sự. Người lính yêu đời lắm em ạ. Ai cũng sống lạc quan và tin tưởng vào sức chiến đấu của mình, không ngại ngần gian khó khi đối diện với khó khăn thử thách, dù mới chỉ trong thời gian tập luyện. Trước mắt, ai cũng đồng lòng, đồng sức chuẩn bị hoà nhập vào cuộc chiến đấu: “Em biết không, mỗi chiến sĩ như bọn anh ai cũng phải làm thơ đấy. Thơ viết cho báo tường của đại đội mà. Kiểu này sau khi hết chiến tranh, anh có thể trở thành một nhà thơ đấy em ạ. Hôm qua, anh vừa làm xong một bài thơ cho báo tường đơn vị, anh chép mấy câu cho em nhé:
Chúng tôi những người chiến sĩ trẻ
Hăng say luyện tập  ngày đêm
Để vào miền Nam đánh Mỹ
Giành thống nhất cho hai miền

Bao giờ miền Nam giải phóng
Tôi mới trở về quê hương
Bên dòng sông Lam gió lộng
Hát ví dặm với người thương”

  Chuyện đơn vị rèn luyện tôi cũng kể cho em nghe. Chỉ có bức thư luôn là cầu nối tình cảm giữa tôi và em. Mỗi lần gửi thư đi rồi, tôi lại mong em vô cùng. Tôi xao xuyến nghĩ đến niềm vui của em khi nhận được thư tôi. Trong thư, ngoài những cảm xúc của người lính còn là những lời thương yêu thăm hỏi, động viên dành cho em nữa. Một câu động viên của tôi lúc này sẽ làm em an lòng. Tôi biết khi hai đứa không  gần bên nhau, em lo lắng cho tôi nhiều lắm, đó là chưa kể những lúc nhớ về những kỉ niệm của nhau. Trong thư, khi thì tôi ép vào đó một bông hoa dại nhỏ xinh, khi thì chiếc lá thơm của miền núi Nghĩa Đàn. Tình yêu của chúng tôi mới chỉ là những kỉ niệm học trò nhẹ nhõm, xao xuyến, là những bức thư đi về sau ngày tôi nhập ngũ, là những nhớ nhung bâng khuâng trong ngày tháng cách xa. Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa được một lần tay để trong tay, còn những nụ hôn ngọt ngào thì hình như mới chỉ có đôi lần nhưng chỉ là trong những giấc mơ mà thôi. Có lần tôi đã mơ về Thoa, được đi cùng em vào vườn vải ở chân núi Đại Huệ. Mùa vải chín, những trái vải lủng lỉu trên cành như những chùm đèn lồng màu đỏ, tiếng chim tu hú gọi bầy vang lên đâu đó. Trong giấc mơ êm ái đó, tôi nghe rõ âm thanh riêng biệt của mùa vải đỏ. Và tuyệt vời hơn, là tôi được đi bên Thoa dưới những chùm vải chín rộ. Ánh nắng vàng chiếu xiên qua kẽ lá, hắt lên mái tóc và đôi môi mọng đỏ của em. Dưới vườn cây, không khí trong lành và thoáng mát. Cây vải chỉ cao hơn đầu chúng tôi một chút, những trái vải chúng tôi đưa tay là chạm tới. Chúng tôi nói với nhau, cười với nhau, trao nhau ánh mắt yêu thương. Cũng thật lạ, trong giấc mơ, tôi không còn thấy bom đạn, máy bay gầm gào xé toang bầu trời. Thay vào đó là khung cảnh thanh bình yên ả, chỉ có vải chín, tu hú kêu và hai đứa bên nhau mà thôi. Những chiếc lá khô dưới chân chúng tôi lép nhép, vỡ tan ra. Lá vải trên cành đung đưa như bàn tay xoè ra chào đón chúng tôi. Rồi chúng tôi rúc rích cười, những chú chim sâu lích rích truyền cành tìm sâu trong kẽ lá. Đến bên một cây vải có tán xoè rộng nhất, Thoa dừng lại. Em kiễng chân lên với tay hái cho tôi một chùm quả chín nhất và đưa cho tôi. Thoa cười và ghé sát vào tai tôi thì thầm:
          - Người nào ăn chùm vải này sẽ gặp may mắn nhất trong cuộc đời.
          - Chưa ăn vải của em hái nhưng anh đã là người may mắn nhất rồi.
          - Răng lại rứa?- Thoa thắc mắc hỏi.
         -  Tại vì anh đã có em yêu.
 Thoa không nói gì hơn, em nhìn tôi. Tôi ôm lấy Thoa và đặt lên môi em nụ hôn đầu đời ngượng ngịu, nụ hôn đầu của tình yêu. Cảm giác lâng lâng, bay bổng chợt đến khi có em trong vòng tay, khi được chạm vào người bạn gái thương nhớ. Tôi thấy tim mình đập rộn ràng và nhanh lắm. Thoa thì rụt rè, e ấp, má ửng hồng. Em khẽ vòng tay ôm lấy tôi. Tôi thấy hạnh phúc lắm.
  Tôi đang nồng nàn trong hương vị dịu lành của chiếc hôn đầu tiên thì có ai đó lay mạnh vào vai. Tôi bừng tỉnh sau tiếng gọi của tiểu đội trưởng:
          -  Dậy. Sáng rồi. Mơ chi mà chép miệng hoài thế.
  Tôi khẽ vươn vai nhìn ra ngoài trời, hôm nay tôi ngủ dậy muộn hơn rồi, có lẽ tại giấc mơ nồng nàn quá. Tôi vội vàng rời khỏi giường. Thời gian trong quân ngũ là nghiêm ngặt lắm, nói vui vậy thôi chứ làm gì có chuyện tình yêu ở nơi này. Tất cả chỉ là thao thức nhớ mong về bạn gái thôi. Tôi dậy rồi mà vẫn ngẩn ngơ người, tiếc hoài giấc mơ đẹp. Cứ mong được ôm em trong vòng tay, trong hơi ấm nồng nàn thêm chút nữa...
   Cũng thật lạ, cứ mỗi khi giấc mơ đang đẹp nhất thì con người lại bị đánh thức dậy. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến em và giấc mơ, chỉ mong đó sẽ là sự thật khi tôi trở về bên em. “Không biết Thoa có mơ về tôi như thế không nhỉ? Nếu có mơ như vậy chắc là Thoa cũng không dám kể đâu”- tôi thầm hỏi. Trong một bức thư, tôi đã kể lại giấc mơ này cho em, chắc em cảm động và có chung hạnh phúc với tôi. Tôi mong thư em lắm, thỉnh thoảng còn nhẩm tính từng ngày thư đi trong đầu, mong cho đến được với em một cách may mắn. Hôm nhận được thư của gia đình, rồi thư của em, cả tiểu đội bảo tôi là người may mắn và hạnh phúc nhất. Đọc thư của Cha, của chị toàn những lời chỉ bảo thật cẩn thận, chu đáo và yên tâm phần nào việc gia đình. Còn thư của em thật chứa chan tình cảm. Mỗi bức em đều gài vào đó vài nhánh hoa cau, có lúc hoa bưởi, khi mở thư ra vẫn còn hương thơm. Mùi hương thơm như hình bóng của em đã bay đến với tôi. Những lúc như vậy tôi lại nhớ đến mùi huơng  mái tóc của em. Trong thư, em viết:
 “Anh ơi, em đã kể chuyện của chúng mình cho mẹ nghe. Mẹ cũng thương anh lắm. Mẹ bảo sao không đưa anh về quê chơi. Em có nói chúng con đang chuẩn bị thì anh lại đi bộ đội, thời gian vội vàng gấp gáp quá nên chưa kịp về quê thưa chuyện với gia đình. Em cũng kể lại giấc mơ của anh, mẹ bảo rằng sự thật thường hay xảy ra ngược lại với giấc mơ. Anh mơ gặp em nên em lo rằng anh sắp sửa phải đi xa. Rồi mẹ lại lo lắng cho anh hơn đấy, mẹ sợ anh hi sinh ngoài chiến trường, tội cho em. Mẹ bảo: chỉ sợ tụi con xa nhau thôi. Mẹ mong ngày thống nhất để em và anh được đoàn tụ quây quần bên nhau, nên duyên, nên vợ nên chồng. Rồi mẹ nói: khi nào thấy anh trở về quê hương thì mẹ mới yên tâm và bớt lo lắng cho anh. Mẹ thường nghe tin tức và hỏi thăm anh liên tục. Anh biết không, thầy giáo chủ nhiệm nói mấy hôm nay miền Nam đang đánh lớn, tiền tuyến rất cần những chiến sĩ như các anh. Rồi thầy giáo cũng nhắc cả tên anh trước lớp. Ai cũng cảm phục anh lắm. Em chỉ mong rằng, chiến tranh mau chấm dứt để anh sớm trở về với gia đình, với em. Anh nhé! 
 Trong một bức thư khác, Thoa lại viết cho tôi:
 “Anh ơi, có lần em nằm bên mẹ và khoe với mẹ về chiếc vòng em đeo ở tay và cái cặp tóc của anh tặng em lúc lên đường. Em có thú nhận với mẹ em là chúng con rất thương nhau nhưng chưa bao giờ cầm tay nhau, như anh đã có lần nói với em những bãi cỏ non tơ, những đêm trăng vàng óng là của muôn người. Nghe em kể, Mẹ em khen anh tốt và cũng rất thương anh. Mẹ bảo: chiến tranh kéo dài thì con có chờ được không? Em có nói với Mẹ: Nếu anh ấy đi bộ đội lâu dài đến mấy thì Mẹ cho phép con được chờ đợi anh. Thậm chí nếu vì trận mạc xông pha mà thân thể anh không được lành lặn thì Mẹ cũng cho phép con là chỗ dựa của đời anh. Nghe đến đây, anh biết không, Mẹ ôm chặt em vào lòng, em khóc rưng rức, nước mắt em nhạt nhoà làm ướt cả vai áo Mẹ. Mẹ phải bảo em, thôi ngủ đi con, mai còn đi học... Suốt cả đêm hôm đó, em nhớ anh mà không sao ngủ được. Em không dám cựa mình vì sợ làm mất giấc ngủ của Mẹ. Giờ này em còn đang được nằm đây, còn anh ở nơi phương xa ấy có lẽ đang báo động hành quân. Anh có mệt lắm không.. Rồi em sợ anh còn bị thương nữa, những mảnh bom, mảnh đạn nguy hiểm vô cùng, khi ấy ai sẽ băng vết thương cho anh?...Anh có bị gầy đi nhiều lắm không? Anh cố gắng ăn uống vào nhé còn lấy sức chiến đấu. À, em nghe nói, nơi chiến trường có nhiều muỗi đốt gây bệnh sốt rét, căn bệnh ấy nguy hiểm lắm, chẳng khác gì sống dưới những làn bom đạn của kẻ thù, bởi vậy anh nhớ chăm sóc bản thân mình đấy nhé? Em luôn nghĩ đến những nguy hiểm, những vất vả và khó khăn sẽ rình rập anh. Em chỉ mong anh vững vàng tay súng và gặp may mắn...em luôn mong ngóng và chờ đợi anh. ”
    Đợt huấn luyện cấp tốc của chúng tôi cũng đã được gần hai tháng. Để cho một người lính có bản lĩnh về chính trị, có kỹ chiến thuật quân sự, đáp ứng các yêu cầu của cuộc chiến đấu thì thời gian huấn luyện hai tháng là quá ít ỏi. Nhưng lúc này chiến trường đang cần những người lính như chúng tôi. Những môn học cơ bản của anh lính bộ binh, tiến hành bắn đạn thật, được học cách tự băng bó, sơ cứu khi bị thương, rồi chúng tôi còn được học tập nghiên cứu các quan điểm của Đảng và Bác Hồ về chiến tranh nhân dân, về công tác dân vận, về các chính sách của Đảng trong vùng giải phóng...Chúng tôi được bổ sung quân trang, thực phẩm, bông băng, đường sữa, súng đạn…Như vậy, đây là tín hiệu mà mỗi người lính đều phán đoán được là thời gian chuẩn bị vào Nam chiến đấu đã đến gần. Cuộc sống của người lính chúng tôi lúc này càng trở nên bận rộn. Sau khi nghe chỉ huy phát động phong trào xung phong vào chiến trường đánh Mỹ, đồng chí nào cũng tự giác viết quyết tâm thư. Bản quyết tâm thư này không phải bằng bút mực mà chính bằng máu của mình. Chúng tôi lấy kim chích máu từ ngón tay và viết quyết tâm thư. Bản quyết tâm thư này thể hiện ý chí và nghị lực phi thường của người lính trẻ đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đây cũng là thể hiện tình cảm của người lính đối với chủ trương của Đảng và Bác Hồ trong việc thực hiên quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây cũng là sự tự giác cao độ của mỗi người dân đối với cuộc chiến tranh ác liệt này. Do vậy, sự quyết tâm sắt đá của người lính là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến  thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.