Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Phần 4

Chiến dịch mùa xuân năm 1975

Cuối năm 1974 - Chúng tôi tập trung vào công tác tổ chức, điêù chỉnh cơ cấu cán bộ để phù hợp nhiệm vụ mới. Các đồng chí làm công tác chính trị có năng lực và khả năng phát triển, được đưa về thực tế qua đơn vị chiến đấu. Ðồng chí Lê Hải Triều- Trưởng ban chính sách trung đoàn (Quê: Thạch Thất - Hà Tây )về làm chính trị viên đại đội 5 thuộc K8. Ðỗ Văn Hoan � Trợ lý ban chính trị trung đoàn (Quê: Sơn Dương- Lâm Thao-PT ) cùng nhập ngũ với tôi về nhận nhiệm vụ trung đội phó C5 thuộc K8. Vậy anh Lê Hải Triều, tôi và Hoan lại cùng chung một� tiểu đoàn.
Thời gian này, sư đoàn tổ chức cho bộ đội học tập chính trị, chỉnh huấn toàn quân, huấn luyện các khoa mục mới-Hiệp đồng binh chủng và chiến thuật đánh vào thành phố.
Các đại đội tổ chức cho bộ đội ăn tết trước- Tết Quang Trung trong hậu cứ Chư Mom Ray. Hôm ấy đại đội 5 mổ lợn, Hoan mời tôi sang ăn tết cùng đơn vị.
Ðầu tháng 1 Năm 1975 chúng tôi nhận lệnh hành quân. Ði đâu, làm nhiệm vụ gì chúng tôi không được phổ biến. Chỉ biết rằng: Chuẩn bị đầy đủ súng đạn, quân tư trang, và mỗi người phải may lấy một chiếc khẩu trang khi nào cần xẽ dùng.
Ðại đội tôi bổ xung thêm một y tá nữa-Y tá Kỷ-(Quê Dị Nậu-Tam Nông-PT). Ðó là một anh chàng ốm yếu, gầy gò lúc nào cũng xanh xao, siêu vẹo. Chúng tôi thường bảo: Không biết ai người ta cho chú mày đi học y tá!? có lẽ cấp cứu y tá trước rồi chữa chạy cho bộ đội sau!Vừa lôi thôi lại luộm thuộm, đi lấy cơm người ta đã thấy không yên tâm huống chi là điều trị cho bệnh nhân! Hắn còn cãi: Ngày xưa em cũng béo trắng ra phết đấy! Sốt rét triền miên như thế này thì khoẻ làm sao được!
Lên đường hành quân, trên vai chúng tôi ngoài quân tư trang, súng đạn, gạo và xẻng cuốc ra, mỗi người phải mang theo rau khô, thịt xấy. Ðại đội khiêng một con lợn để ăn tết, riêng gà thì mỗi tiểu đội một con.
Văn phòng đại đội ưu tiên cho Kỷ không phải đeo gạo, chỉ cầm bộ nẹp và chú gà sống buộc lắc lư trên nắp ba lô.
Theo lịch hành quân, cứ một tiếng nghỉ giải lao 10 phút, càng đi về phía tây, rừng núi có vẻ dốc và rậm rạp hơn.
Một hôm cả đại đội đang gò lưng leo dốc, mồm mũi thi nhau thở, Kỷ mệt mỏi nhón từng bước chân. Lên đến đỉnh dốc,� hắn tệt đít quăng phịch ba lô xuống đất. Không ngờ cái bu gà đứt dây cứ thế lăn lông lốc xuống dốc, con gà càng đạp thì chiếc bu gà càng lăn nhanh. Ðoàn quân đã mệt lại còn buồn cười, làm thế nào đây? Quay xuống lấy bu gà, quay lên thì người cấp cứu! Kỷ cau có lẩm bẩm: Thà nhịn ăn còn hơn đeo nặng!
-Thế thì còn gì bằng! Người ta vì ăn mới phải mang vác, từ nay chú mày cứ nhịn ăn thì chẳng còn phải lo gạo nước, gà qué làm gì cho mệt xác ra! Từ đó cái câu: Thà nhịn ăn còn hơn đeo nặng, chúng tôi đặt biệt danh cho Kỷ.
Buổi chiều dừng lại đóng quân trong một khu rừng rậm rất nhiều cây to bóng. Chúng tôi đào hầm theo kiểu biệt kích rồi mắc võng đu đưa dưới gốc cây. Trời cuối khô, mây trong vắt, gió từ phía tây thổi về làm sao động khu rừng. Có một chòm phong lan mọc chênh vênh trên chạc cây cổ thụ, vòi hoa tím biếc đong đưa, lá xoè ra chao ngiêng theo từng cơn gió. Giá như có dò phong lan kia mà đem về treo trước nhà thì đẹp biết chừng nào!
Tổ anh nuôi vào rừng chặt cây làm bếp đem về một cây nhiệt đới. Ðó là loại cây nhựa, thân cây màu xanh, to hơn ngón chân cái, phía trên có ba tua xoè ra làm ba đầu ăng ten phát ra ba hướng. Dưới gốc cây, cấu tạo như một quả tên lửa đầu nhọn, đuôi có 4 cánh, bên trong là hệ thống điện tử và pin khô. Nghe nói Mỹ sử dụng loại cây này để phát hiện lực lượng hành quân của ta. Mỗi cây một toạ độ, gốc cây ngập xuống đất, nhận và phát luôn tín hiệu để báo về trung tâm chỉ huy. Nghe nói chỉ cần buộc túm ba dâu ăng ten lại hoặc chặt đôi thân cây là nó hết tác dụng.
Sau hai ngày, chúng tôi đi ra con đường chiến lược, sau này gọi là: Ðường Hồ Chí Minh. Tà luy đường còn đỏ màu đất mới, không biết thanh niên xung phong hay đơn vị nào thi công mà chẳng thấy bóng một ai cả.Có một vài khoảng đường trống người ta phải bắc dàn để nguỵ trang tránh máy bay địch. Có lẽ ở đây đã giáp với biên giới Căm Pu Chia nên cũng ít thấy máy bay rà sát hơn.
Chúng tôi rẽ vào một khoảng rừng bằng phẳng đã có ô tô đến chờ từ bao giờ. Các trung đội lục tục xếp ba lô lên xe, ba lô bên dưới, người ngồi lên trên, hơn hai chục người chen chúc trên thùng xe trong khi cấp trên phổ biến là hành quân dài ngày, đi liên tục, không nghỉ.
Trong khi chờ lệnh khởi hành, tôi nhảy xuống xe cho đỡ ngột ngạt. Thấy bộ đội túm quanh một chiếc xe thùng xăng bị dò rỉ, họ chen nhau mở nắp bật lửa tranh thủ nạp thêm nhiên liệu. Dao găm, bật lửa là vật bất ly thân của lính tây nguyên, có người còn may túi có dây đeo kỳ công và quý bật lửa hơn cả đồ trang sức. Có ai đấy lấy xăng xong bật thử luôn bên cạnh, lửa nhoàng ra bàn tay, anh ta vảy liên tục và thế là lửa bắt luôn sang thùng xăng. Chỉ mấy dây sau, một cột lửa bao trùm lên thùng xe, con lợn bị nhốt chặt trong cũi không chạy ra được kêu eng éc. Có hai, ba người nhảy vội lên xe quăng được vài chiếc ba lô xuống đất, còn lại tất cả mạnh ai người nấy chạy vào rừng.
Tôi cắm cổ theo đoàn người leo qua ba dông đồi rồi nằm bẹp trong một khe suối cạn. Khói đen sì cuồn cuộn bốc lên khỏi ngọn cây rừng. Ðạn AK, đạn 12 ly 7� thi nhau nổ. Chỉ cần một chiếc trinh sát bay qua, chắc chắn khu vực này xẽ trở thành túi bom của địch.
� Sau hai giờ đồng hồ, không gian vẫn yên lặng, chúng tôi lục tục kéo nhau ra bến đỗ. Chiếc xe thảm hại chỉ còn trơ lại bộ khung sắt, tất cả những gì xếp trên xe nay đã cháy thành than. Ðoàn xe chen nhau đi di tản cũng đang lục tục quay về bến đón bộ đội. Thế là số người ở chiếc xe cháy đành phải xếp chen lên xe khác để kịp giờ lên đường.
Thế là xa hậu cứ Kà leng, xa đỉnh Chư Mom Ray với bao nhiêu huyền thoại. Những chiến công oanh liệt gắn liền với truyền thống đoàn Plây Me anh hùng: Ia Ðrăng, Ngọc Rinh Rua, ÐăkTô, Tân Cảnh�Xa đồng bào Tây Nguyên đã từng đùm bọc những người con của trung đoàn 66, xa những đồng chí của mình còn nằm lại trong những cánh rừng ngút ngàn hương rừng và gió núi.
Chúng tôi lên xe khi chiều tà gần tắt nắng, núi rừng vắng lặng, im lìm trong ánh chiều bảng lảng. Không thấy một bản nhỏ ven đường nào để được ngắm những tia khói lam chiều� bay lên khét mùi cá kho đồng nội. Quê tôi giờ này chắc cũng đang vào vụ cấy. Cánh đồng hai vụ mùa chiêm thẳng cánh cò bay đến bao giờ cho mình trở lại để rồi thả hồn theo ngọn gió nam chiều đầy ắp hương lúa mới. Mẹ và các cháu đang làm gì nhỉ? Con bắt đầu hành quân có lẽ đi rất xa, khi nào dừng chân đồn chú, con xẽ thư cho gia đình biết sau.
Xe chạy trên con đường xóc nảy người, chiếc xe như con ngựa bất kham thỉnh thoảng lại nhảy lên hất bộ đội chồm về phía trước. Hơn hai chục người chen chúc trên thùng xe dựa vào nhau gật gù trong tiếng động cơ lúc tăng, lúc giảm. Có tiếng máy bay C130 phía sau, xe dạt vào ven đường tắt máy. Người lái xe thò đầu ra quan sát và bảo: Thằng này bắn theo tia la de tìm nhiệt! Tắt đèn chạy mà nó �xiên thùng� chính sác lám! Bắn toàn vào ống xả mới láo chứ!
Hai người lính lái xe thay nhau chạy, chúng tôi lúc ngủ lúc thức, có ai đấy say xe nôn oặc ra, một người� kêu lên: Bố này nôn ra đầy lưng tôi rồi! Khiếp quá!
Mùi� chua nồng cứ luẩn quẩn trong thùng xe: Ông tướng nào say thì ra ngồi ngoài cùng đi! Mẹ, mai sáng coi khéo ba lô thằng nào cũng đầy cơm và cháo!
Hết đêm rồi sang ngày, xe cứ mải miết chạy. Sang ngày thứ ba, rừng ở đây có vẻ bằng phẳng hơn, lác đác hai bên đường, những cánh rừng thưa có rất nhiều cây bàng mọc. Phụ lái leo lên thùng xe bảo: Các bố này chắc chưa được ăn măng Khoọc! Chiều nay đến vị trí đóng quân mang xẻng đi mà đào! Cây Khoọc đấy! Không phải rừng bàng đâu!
Bắt đầu đi vào một cung đường bụi mù mịt, mùa khô đất tơi xốp, hàng ngàn lượt xe quần đảo đất đã trở thành tinh bột. Xe dừng, tôi nhảy xuống đường, lớp bột mát lạnh ngang lưng ống chân, bởi thế chiếc xe chạy như bơi trong sương mù đặc quánh, xe sau không nhìn thấy xe đàng trước, bụi mù bốc lên khỏi ngọn cây.
Bộ đội bịt khẩu trang kín mặt, người ta phổ biến chuẩn bị khẩu trang là dùng vào lúc này đây! Lúc ngủ bụi đọng đầy hốc mắt, khi tỉnh dậy phải cúi xuống lau hết bụi rồi mới mở mắt ra. Ðêm hôm ấy, có chiếc xe tải chở đạn chạy ầm ầm phía trước, bụi cuốn ra phía sau, xe chúng tôi bật đèn, kéo còi xin vượt. Chiếc xe tải như điếc, ngáng đường không cho. Ðiên tiết người lái xe vác AK nện cho hai loạt, anh chàng xe tải luống cuống dạt ra ven đường rồi nhảy xuống nhòm vào lốp xe. Bộ đội nhao lên: Dừng lại cho thằng này một trận!
Người lái xe chở lính nhảy xuống cho anh chàng xe tải hai cái tạt tai:Thằng ngu này! Bộ đội ngồi đầy trên xe, xin bao nhiêu lâu mà mày không cho vượt! Cảnh cáo nhé! Lần sau còn như thế thì cho mày chốt lại giữa rừng mà trông hàng!
Anh chàng xế xe tải biết mình yếu thế trước chiếc xe chở đầy lính bộ binh,đành lủi thủi lên xe chạy theo sau. Ơ đây đường chạy ngang dọc, những ký hiệu ma toi về đường đi, bến đỗ chắc chỉ có người dẫn đường hoặc lái xe mới biết. Kiểu này mà thả chúng tôi xuống đây thì thế nào cũng bị đơn vị bạn bắt làm tù binh.
Ðêm hôm ấy, chúng tôi tập kết trong một cánh rừng cao bóng, rất thưa. Sáng ra mới biết mình trú chân dưới cánh rừng Săng lẻ, một loại cây trông giống như cây ổi nhưng rất to và thẳng, có cây cao đến ba, bốn mươi mét. Bên dưới lúp xúp những bụi cây nhỏ chỉ cao đến ngang bụng. Như thế này người ta gọi là rừng nhiệt đới một tầng, cây rất thưa, mặt đất bằng phẳng khô nẻ phủ đầy lá rụng. Ơ trong rừng mà tầm nhìn xa được hàng trăm mét.
Anh nuôi làm bếp cạnh con suối khá to, nước chỉ còn đọng lại thành từng vũng. Cuối mùa khô, vùng này đang bị hạn, chỉ cần đóng quân ở đây một thời gian ngắn chắc không có nước mà dùng.
Tôi sách súng đi dọc theo con suối, hai bên bờ những bụi cây lơ thơ cằn cỗi đang chờ mưa đổ xuống. Những vũng nước nông phủ đầy lá mục chẳng thấy con cá nào cả, ven suối, thỉnh thoảng có vết chân thú rừng xuống uống nước. Nếu có đèn mà đi phục ban đêm, chắc chắn thế nào cũng bắn được hươu nai hoặc lợn rừng.
Sáng hôm sau, thấy Hợp sách súng vào rừng, tôi cầm súng theo sau. Mậu cười bảo: Lão Hậu cũng đi săn cơ à! Nếu được con thú nào thì cứ cắm cọc vào lưng tôi mà nấu!
Hợp dạt lên rừng, tôi lội ngược con suối, rón rén quan sát may ra gặp chú nai nào vô phúc xuống uống nước.Tôi là sát thú, sát cá lắm, biết đâu lại gặp may cũng nên.
Tôi bước vào cánh rừng chỉ mọc một loài cây Săng lẻ, có cây gốc bạnh ra, ruột thối rỗng ba người chui vào, ngồi trú qua đêm cũng còn thoải mái. Ðang ngó nghiêng bỗng đoàng đoàng hai phát, tôi quay lại phía súng nổ. Hợp gặp một đàn vượn đi ăn và nổ súng. Một con Vượn đen chuyền cành vun vút lao về phía tôi, vừa đến ngọn cây tôi đang đứng thì dừng lại, ngó về phía sau. Tôi áp AK vào thân cây và nảy cò. Chỉ nghe thấy tiếng kêu chít-chít, thế rồi tay nó nắm chặt cành cây, đung đeo trên khoảng không, chân đạp chới với. Tôi nhằm vào cánh tay và bắn tiếp, con vượn rơi huỵch xuống đất cách tôi hai mét. Tôi cầm tay nó kéo lê theo suối về bếp anh nuôi đại đội: Tên Mậu đâu! ra đây để đóng cọc vào lưng! Mậu cười toe toét: Thôi thôi! Tôi xin chịu phạt đi làm lông vậy! Lão Hậu thế mà giỏi quá nhỉ!
Hành quân bộ thêm hai ngày nữa, chúng tôi tập kết trong một cánh rừng phía tây bắc quận lỵ Ðức Lập. Mục tiêu tác chiến đến nay đã quá rõ ràng rồi- Trung đoàn 66 sư đoàn 10 đánh chiếm quận lỵ Ðức Lập. Ngay tối hôm ấy, đại đội trưởng Tẩm cùng trinh sát, cán bộ tác chiến và tham mưu các cấp đi trước nắm địa hình. Chúng tôi chuẩn bị súng đạn, quân trang và cưa gỗ làm hầm.
16 giờ ngày 08 tháng 03 năm 1975 �nhận lệnh xuất kích. Ba lô bỏ lại vị trí tập kết, mỗi người đem theo đủ cơ số đạn, vác gỗ trên vai hàng một tiến về phía đông.
Xẩm tối, ra đến một vạt nương của dân, có ánh lửa bập bùng phía trước và mùi khét của khói. Dân đi làm nương vừa mới về đó- Ði thưa ra-Bám theo mảnh giấy� trinh sát cắm trên mặt đất ấy! Cúi thấp người xuống!
Ðêm tối xẫm, chúng tôi cứ bám theo nhau lùi lũi tiến về phía trước. Tiếng súng va vào gỗ lách cách, có tiếng xuỵt nhẹ � Gần địch lắm rồi đấy! Khẽ chứ thôi!
Bỗng có tiếng đề pa của khẩu cối địch bắn rất gần, chúng tôi đồng loạt nằm bẹp xuống đất. Tim tôi đập thình thịch, đội hình bị lộ rồi chăng?
Tiếng nổ bụp ngay trên đầu, ánh hoả mai bùng lên, địch bắn pháo sáng! Tôi xếp bó gỗ dọc theo thân người ngóc đầu nhìn về phía trước, ánh hoả mai sáng trắng soi rõ đoàn người lồ lộ trên nương. Chúng tôi nằm im như chết, tiếng thở hổn hển của ai đó, tiếng tim tôi đập nghe rõ từng nhịp.
Pháo sáng tắt, chúng tôi lại vác gỗ trên vai, bước chân có vẻ gấp gáp hơn. Cứ như thế, có pháo sáng của địch thì chúng tôi nằm như dán xuống đất, màn đêm buông xuống là người lính lại vội vã lên đường.
Giáp căn cứ địch là một bãi lầy, tôi vác bó gỗ trên vai, bò ba chân lên những thân cây dân phát nương chặt đổ trên bùn. Sang đến bên kia bãi lầy là hàng rào đầu tiên của chốt địch, trinh sát dò mìn giao từng vị trí đào hầm cho các tổ.
Nhìn lên cứ điểm, hàng lô cốt đầu cầu xám xịt, thỉnh thoảng một băng đạn từ trong cái hốc đen ngòm ấy tuôn ra đỏ lừ lia sát hàng rào. Cái lũ này có lẽ� thừa súng đạn hoặc quá hèn nhát nên bất kỳ ở đâu chúng cũng bắn thị uy như vậy. Phía trong hàng lô cốt, một cái tháp canh cao lêu đêu in đậm trên màn trời sáng nhờ. Có mấy tàn lửa lập loè trên tháp canh, không rõ có mấy thằng gác.
Tổ dò gỡ mìn thì thào gọi nhau bò vào cắt rào kẽm gai. Không còn thời gian mà quan sát nữa, tôi tháo xẻng ra vội vã đào hầm.
�Từng lượt xẻng nhẹ nhàng sắn vào lòng đất, anh Mão lấy bao cát ra cho tôi đổ đất vào rồi xếp phòng xung quanh hầm. Bên phải, bên trái, tiếng đào đất lắc cắc, lụp bụp trong đêm nghe rõ mồn một. Ai cũng lo cho mình thật nhanh cái hố để cho chắc gáo, anh Mão ném hòn đất sang hầm bên ra hiệu đào khẽ thôi.
Bỗng nghe cốc một cái, tiếng đề pa của khấu cối rất gần. Không ai bảo ai, tất cả cùng lao vào cái hốc đất chưa sâu hết một lượt xẻng. Có tiếng nổ bụp ngay trên đỉnh đầu, ánh hoả mai bùng lên, địch bắn cối sáng! Cùng một lúc, tiếng hút gió ghê người của đuôi qủa cối rơi xuống. Tôi vớ luôn lưỡi xẻng che lên đầu, anh Mão đội bao tải cát, có ai đó rúc vào kheo của tôi hơi thở nóng rực. Bịch! Ðuôi quả cối rơi trong hàng rào, nó mà trúng vào ai thì coi như toi mạng.
Anh sáng trắng nhờ soi rõ chốt địch, xung quanh im lặng nghe rõ tiếng thở của người bên cạnh. Hết pháo sáng, chúng tôi lại đàò, lại khoét, không biết mấy bố cắt rào, dò gỡ mìn phía trên kia như thế nào, vô phúc chạm nổ quả mìn thì coi như tất cả phơi lưng hứng pháo. Trên tháp canh, có tên lính nguỵ nào đó gọi nhau thay gác, tiếng miền nam ngái ngủ lạnh ngắt tan vào khoảng đêm mông lung.
Một đêm không biết bao nhiêu lần tránh pháo sáng của địch. Hầm mỗi lúc một sâu hơn, tôi bò sang tổ cắt rào giúp họ lát hầm. Gần sáng, tổ cắt rào và dò gỡ mìn quay về, hơi lạnh từ người họ toả ra, áo quần ướt đẫm sương núi:
-       Xong rồi! Tổ gá bộc phá cũng gần ra đến hàng rào ngoài cùng rồi! Rét quá!
Khoảng 2 giờ sáng, các tổ lần lượt quay về tranh thủ sửa sang lại hầm hào, anhTẩm bò đi các hầm kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị chiến đấu.
Ðúng 5 giờ sáng ngàí 09 tháng 03 năm 1975, lệnh nổ súng.
Phía Ðức Lập, tiếng nổ rền vang như xấm, pháo tầm xa, tầm gần của ta thi nhau trút bão lửa xuống đồn địch.
Phía chúng tôi, lệnh điểm hoả. Tất cả bộc phá đồng loạt hất tung hàng rào kẽm gai, quét sạch mìn tạo thành con đường lên cửa mở. Cùng một lúc, đạn pháo và DKZ bắn thẳng của ta cứ vụt qua đầu thúc bung từng lô cốt trên cao điểm. Có khẩu DKZ 75 của C8 đặt bên kia bãi lầy tiếng nổ banh banh làm ù hết hai� tai. Khẩu12 ly 7 khoá chặt tầm, hướng đường đạn thẳng căng chui tọt vào từng lỗ châu mai của địch.
Khẩu �Ðại pháo� cối 60 của đại đội tôi do Bích chỉ huy cứ loong coong cậm kịch từng quả nổ tung trên chốt. Không thấy địch phản kích bắn trả, hình như chúng chỉ còn một việc là chui tọt xuống hầm ngầm tránh đạn. Tôi bò sang tổ cối:
-Ðể tôi bắn thử một quả xem sao!
-Này đạn đây! Ðưa đạn vào nòng đi! Vuốt xuôi tay xuống! Thế!
Kịch! Tôi nhìn theo quả cối như một mũi tên bay lên trời, đến độ cao nhất định nó chúc đầu lao xuống. Quả đạn rơi gần đến một ngôi nhà lợp tôn sáng loá, tiếng nổ chìm trong mớ âm thanh của đại bác và cối 120 ly.
Tôi hạ thấp nòng hướng cho quả đạn bay đến ngôi nhà lợp tôn, quả đạn làm thủng một lỗ trên� mái nhà, hất bung mấy tấm tôn cong vênh lên trời.
Phía Quận lỵ Ðức Lập, tiếng nổ rền vang, khói đen cuồn cuộn bay lên, tiếng liên thanh kéo từng băng dài, có lẽ quân ta bắt đầu tiến công.
Máy bay địch bu xung quanh Ðức Lập ném bom, trực thăng phóng rốc két khói xịt ra từ hai bên sườn. Pháo phòng không của ta thi nhau bắn trả, đạn 37 ly vàng choé nổ bụp từng đụn khói trên trời. Ðạn 12 ly 7 và 14 ly 5 từ xe thiết giáp tự hành quấn xung quanh trực thăng. Có một chiếc trúng đạn đâm sầm xuống đất.
Sau 60 phút pháo binh ta bắn cấp tập, chúng tôi hồi hộp chờ lệnh xung phong.
Trung đoàn truyền lệnh xuống: C7 giữ nguyên đội hình, tập trung đánh địch phản kích, pháo binh bắn kiềm chế chờ quân tăng cường đến, sau đó mới đánh lên cửa mở!
Máy bay địch đánh ác liệt khu vực quận lỵ Ðức Lập. Có lẽ mặt trận đồng loạt nổ súng nên chúng chỉ đủ sức tập trung khống chế các điểm chủ yếu. Phía chúng tôi chẳng thấy chiếc máy bay nào nhòm ngó đến cả. Nghe đâu căn cứ ÐăkSắc này có cả hệ thống hầm ngầm, năm 1968 đại đội quân Ðại hàn chốt giữ, một tiểu đoàn quân của ta đánh không được, tổn thất rất lớn. Pháo binh ta bắn từ sáng đến giờ không thấy chúng có phản ứng gì, trong chốt im như tờ có vẻ lỳ lợm lắm. Trung đoàn thấy một mình C7 chưa chắc dứt điểm được nên cho C5 và C6 đánh Ðức Lập xong xẽ quay về tập trung công kích.
Trưa, cái nắng đổ xuống cửa mở, kiểu này anh nuôi không thể đem cơm và nước ra cho bộ đội ngoài chốt được. Sau lưng chúng tôi là một bãi lầy và vạt nương trống trải không một bóng cây. Trên đỉnh đồi, hàng lô cốt của địch xám xịt với những lỗ châu mai đen ngòm sẵn sàng nhả đạn. Bộ đội đành phải ăn lương khô và uống nước từ vũng lầy tanh đến lợm giọng.
Không thấy một bóng người trên chốt, Bích lom khom chạy từ hầm cối xuống bãi lầy lấy nước. Cái bố này chủ quan quá! địch phát hiện thấy bắn cho một nhát thì sao?
-Chúng nó chắc chạy hết rồi! Bích cười: Ông thấy có thằng ma nào thập thò ra ngoài đâu!
Trời ngả về chiều, nắng càng gắt, bộ đội thay nhau xuống lấy nước. Có lẽ chúng bỏ chốt thật, tôi cũng lom khom bò ra bãi lầy.
Tôi nhìn lên cao điểm, lô cốt đầu cầu với cái lỗ châu mai thao láo nhìn xuống chân đồi, rất gần. Nguy hiểm thật, chỉ cần một loạt đạn là chắc rằng tôi không thể ở lại cho đến ngày hôm nay.
Phía Ðức Lập, hàng tốp máy bay địch vẫn cay cú dội bom, nghe đâu ta đã đánh chiếm căn cứ hành quân của sư đoàn 23 nguỵ và đang giải phóng nốt quận lỵ.
5        giờ tối, C6 và C7 cùng đại đội hoả lực K8 đến tăng cường. Chúng tôi chuẩn bị đánh lên cửa mở.
Xẩm tối,bộ đội bò lên nằm dọc theo cửa mở, tôi nằm giữa đội hình. Lệnh cho tổ bộc phá lên đánh cường tập vào hàng rào cuối cùng giáp lô cốt đầu cầu. Cối 82, DKZ của tiểu đoàn bắn áp đảo lên cao điểm. Hai khẩu 12ly7 đưa từ bên kia bãi lầy sang lia sát sạt qua đầu chúng tôi. Một khối lửa màu da cam trùm lên, đất đá rơi lộp bộp xuống đầu, xuống cổ. Anh Tẩm hô: Trung đội một đâu! Cho bộ đội lên đi!
Quả bộc phá nổ cháy sang bãi cỏ gianh, bóng bộ đội loang loáng nhảy qua hàng rào kẽm gai, tôi sách súng, đeo túi cứu thương bò theo bộ đội. Bỗng từ trong lỗ châu mai lửa chớp liên hồi, địch bắt đầu phản kích. Cùng như một lúc, hai khẩu 12ly7 đồng loạt bắn vào lô cốt đầu cầu. Luồng đạn xanh biếc như những lưỡi gươm hút vào lỗ châu mai. Bỗng có tiếng hô từ trên cửa mở:
-12ly7 thôi không bắn nữa! Chết hết bộ đội rồi!
Ðạn nổ ù tai, lệnh truyền từ trên qua từng người mới đến khẩu 12ly7. Có ai đấy gọi xuống: Anh Hậu khẩn trương lên cấp cứu thương binh!
Chạy lên cửa mở, bộ đội nằm dọc theo sườn đồi, bên phải lửa cháy rát mặt.Tôi nhảy đại qua mấy lớp kẽm gai nhiều khi dẵm cả vào đùi, vào lưng bộ đội nằm la liệt bên dưới. Lọt vào bên trong hàng rào, bộ đội cũng tràn lên cửa mở.
-              Thương binh đâu? Ai đấy! Thằng Huấn hả!( Huấn quê ở Vĩnh Tường-VP) bị vào đâu? Cho thương binh lại đây đi!
Tôi và một chiến sỹ nữa ôm Huấn đến một hố đạn đại bác cạnh lô cốt đầu cầu, sờ lên đầu hắn thấy máu chảy lênh láng, băng xong đầu, Huấn lại chỉ xuống kheo đùi. Hai viên đạn trượt qua mặt trong phía trên đầu gối máu ra ướt đẫm quần. Lột quần dài vứt đi, tôi băng chặt vết thương lại. Hoá ra ông tướng này lên chiếm lĩnh lô cốt đầu cầu trước tiên. Ðáng lẽ phải dùng bộc phá đánh vào lô cốt, nhưng Huấn lại đứng bên trong cửa ra vào� bắn găm xuống. Bên dưới cửa mở nhìn qua lỗ châu mai thấy lửa chớp liên hồi tưởng địch bắt đầu phản kích. Thế là 12ly7 theo hợp đồng bắn lên, quân ta chiến thắng quân mình! Thật may là không có ai hy sinh.
Bộ đội bắt đầu tảo trừ trận địa, tiếng lựu đạn nổ đanh gọn, tiếng bộc phá lục bục trong hầm, AK điểm xạ từng loạt, xung quanh lửa cháy rừng rực.
Tôi bảo Huấn nằm tại chỗ rồi chạy vào trong đồn. Có một ngôi nhà mái lợp tôn,� nửa chìm nửa nổi, anh Lợi chính trị viên phó tiểu đoàn cùng anh Mão đang chỉ huy bộ đội phát triển đánh vào bên trong. Tôi bảo chiến sỹ thông tin 2w điện cho trung đội vận tải lên ngay lô cốt đầu cầu cáng thương binh về phía sau.
Lại một kho xăng bốc cháy, tiếng đạn nổ ùng oàng trong hầm, không thấy một thằng lính nguỵ nào kể cả xác chết. Có lẽ thấy Ðức Lập thất thủ, địch đã bỏ chốt chạy tháo thân từ trước rồi.
Anh Lợi nhắc anh Mão lệnh cho các mũi xung kích bảo vệ không để cháy kho chiến lợi phẩm, các mũi tiến công kết hợp chốt chặn không cho địch có cơ hội phản kích.
Qúa nửa đêm, tiếng súng thưa dần, vừa đói, vừa mệt, lúc này mới thấy khát cháy cổ. Chiến sỹ thông tin và công vụ lôi về mấy két hộp thịt gà và dò ba khoanh. Chúng tôi mở hộp ra, vừa cảnh giới, vừa bốc vừa nhúp, đào đâu ra bát đũa bây giờ!?
Sáng hôm sau, hai bàn tay băng bó cho Huấn máu nhuộm đỏ lòm, riêng bốn ngón tay đêm bốc thịt hộp tôi đã mút sạch tưng, khiếp quá!
Nắng lên, toàn cảnh căn cứ Ðăk Sắc phơi bày trước mặt, những ngôi nhà bị đạn pháo bắn siêu vẹo, tan hoang. Những lô cốt và căn hầm xụp đổ, lửa cháy nhem nhuốc khét lẹt mùi cao su. Bộ đội tiếp tục truy tìm hầm ngầm và thu gom chiến lợi phẩm. Nhìn về phía sau cứ điểm, những vạt rừng cà phê đang vào mùa nở hoa trắng xoá, phía xa kia, thấp thoáng mái nhà tôn chìm dưới bóng dừa và hàng cây ăn quả. Giá như hiện hữu không phải là chiến tranh thì cuộc sống thật thanh bình và yên ả làm sao.
6 giờ 5 phút ngày 10 tháng 03, hướng quận lỵ Ðức Lập, đại liên kéo từng băng dài, pháo và bom vẫn nổ ùng oàng, từng cột khói bốc lên nhìn rõ mòn một. 8 giờ 30 phút quân ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ. Bắt sống 50 tù binh và tên trung tá quận trưởng.
Khoảng 15 giờ chiều ngày 10 tháng 03. Chúng tôi được lệnh quay lại vị trí tập kết nhận thêm cơ số đạn, cho tăng võng vào gùi, theo trinh sát cắt rừng về phía đông.
Qua những cánh rừng thưa và nương cà phê trổ hoa ngào ngạt, hành quân trên mấy vạt nương dân làm dang dở, chúng tôi chui vào một sườn đồi cà phê lúp xúp. Phía dưới là xã Ðức Minh , một ngôi làng mà đứng ở trên chốt tôi thấy nó rất gần cứ điểm với mái nhà tôn lấp loá, thanh bình.
Ơ đấy có hai đại đội bảo an và một số tàn binh từ Ðức Lập chạy về co cụm lại. Ðại đội 6 và đại đội 5 chia làm hai mũi tiến công Ðại đội 5 do đại đội trưởng Trần Ðới và chính trị viên Lê Hải Triều trực tiếp chỉ huy. Ðứng ở trên cao, nhìn mặt trận bên dưới rõ mồn một, ta đánh đến đâu, khói bao trùm đến đấy. Tiếng đại liên và AR15 của địch chống trả quyết liệt, AK điểm xạ, lựu đạn và B40 ùng oàng, lửa cháy rừng rực khi một phát B40 bắn ra. Tôi ngồi cạnh đài 2w của tiểu đoàn bộ, nghe các thông tin đi tăng cường cho đại đội truyền lệnh bằng mặt mã cho nhau. Một chiến sỹ thông tin theo hướng của C6 hy sinh, chiến sỹ thông tin khác khoắc 2W lên vai theo trinh sát chạy xuống tăng cường ngay. Phía trước chiến sự sảy ra ác liệt, lửa khói chùm lên những ngôi nhà và hàng cây ăn quả, C7 chúng tôi chuẩn bị xuất kích.
Bỗng một thông tin của C5 đang truyền mật mã, bỏ luôn mật khẩu gào lên trong máy:
-Anh bảo thằng C6 đừng bắn vào khu nhà thờ nữa! Bắn hết vào C5 rồi!
Tiếng nổ thưa dần, ta đã chiếm được khu nhà thờ, tàn binh địch bỏ chạy vào rừng, C5 và C6 tổ chức thu gom chiến lợi phẩm, bắt tù binh và làm công tác dân vận. C7 của chúng tôi nhận lệnh hành quân tiếp về phía đông.
Trong khi các đơn vị trong trung đoàn đánh chiếm quận lỵ Ðức lập, tiểu đoàn 3 trung đoàn 28 phối hợp cùng tiểu đoàn 2 đặc công 198 đánh chiếm căn cứ Ðak Song do tiểu đoàn 1 trung đoàn 53 nguỵ chiếm giữ.
Bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày mùng 9 tháng 3 cho đến� 17 giờ chiều ngày 10 tháng 3 cán bộ chiến sỹ sư đoàn 10 đã đập tan tuyến phòng thủ phía tây, giải phóng một địa bàn quan trong, bắt tù binh, thu vũ khí làm bàn đạp cho chiến dịch đánh chiếm thị xã Ban Mê Thuột.
Ngày 11 tháng 3 chúng tôi đóng quân trên một khu rừng lưa thưa toàn le và nứa, chờ xe về đón, tăng cường cho trận Ban Mê Thuột.
------------------------------------------------------------------------------------
Tháng 01 - 2004
Hoàng Kim Hậu
-----------------------------------------------------------------------------------

Tăng cường cho mặt trận ban mê thuột
Hành quân chặn địch đổ bộ xuống phước an

Tại mặt trận Ban Mê Thuột - 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 trung đoàn đặc công 198 mở màn nổ súng tiến công khu kho Mai Hắc Ðế, sân bay thị xã và sân bay Hoà Bình. Pháo binh ta dồn dập bắn phá chỉ huy sở sư đoàn 23 nguỵ, tiểu khu Ðăk Lắc, khu pháo binh và khu thiết giáp.
Trung đoàn 95B sư 10 đánh qua sân bay thị xã, chọc thẳng vào ngã sáu và chiếm tiểu khu Ðăk Lắc.
Hướng tây bắc, trung đoàn 148 cùng xe tăng đánh chiếm khu thiết giáp, khu pháo binh. Trung đoàn 174 tiến công khu kho Mai Hắc Ðế, cư xá sỹ quan và đánh sang khu truyền tin.
Mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của� sư đoàn 10, có xe tăng và xe bọc thép chở quân, băng qua lô cà phê và chè tiến vào cửa mở. Trung đoàn 24 thọc qua khu gia binh tiến về khu truyền tin. Ðến 10 giờ ngày 10 tháng 3 ba mũi thọc sâu của sư đoàn 10 đã phát triển đến khu cột cờ. Tại đây, trận kịch chiến ác liệt xảy ra, địch dùng bom oanh kích vào các mũi xung kích của ta, chúng tổ chức các đợt phản kích có xe tăng yểm trợ. Trung đoàn 24 và lữ đoàn xe tăng 273 bình tĩnh dùng súng 12ly7 đánh trả máy bay địch. Các mũi tiến công đã áp sát chỉ huy sở sư đoàn 23 nguỵ. Ta mở nhiều đợt đánh chiếm chỉ huy sở, địch điên cuồng phản kích, bom ném tràn trên cửa mở, súng phun lửa thiêu cháy cỏ và hàng rào kẽm gai. Bộ đội áp sát, xe tăng dẫn đường trong khi chưa có công sự che đỡ. Có hai chiếc xe tăng của ta bị cháy, một chiếc khi vượt qua chướng ngại vật cắm nòng xuống đất, lực lượng thọc sâu của ta lúc này có nhiều tổn thất.
Ðêm 10 tháng 3, ta củng cố lại lực lượng, các mũi xung kích tranh thủ đào hầm hào, bổ xung thêm súng đạn. Sư đoàn 10 điều thêm trung đoàn 28 và lực lượng còn lại của trung đoàn 66 phía sau lên tăng cường cho trung đoàn 24.
5 giờ 30 sáng 11 tháng 3, ta mở đợt công kích cuối cùng vào chỉ huy sở sư 23 nguỵ. Ðạn pháo và hoả tiễn của ta phá huỷ hầu hết các lô cốt và ổ đề kháng của địch, bồn xăng trong sở chỉ huy bốc cháy, địch ngoan cố dùng máy bay ném bom bừa bãi và cho xe tăng xe bọc thép M113 ra bịt cửa mở.
Trung đoàn 95B và đại đội xe tăng đoàn 273 từ tiểu khu ÐăkLăc tiến sang phối hợp cùng trung đoàn 24 đánh vào cửa mở. Ðến 11 giờ, các mũi tiến công binh chủng hợp thành của sư đoàn 10, trung đoàn 95B và trung đoàn 174 sư 316 đã hợp điểm tại sở chỉ huy sư đoàn 23 nguỵ. Bộ chỉ huy sư đoàn 23� bị tiêu diệt, dại tá Vũ Thế Quang - Tư lệnh phó sư đoàn, chỉ huy trưởng mặt trận phía nam và đại tá Nguyễn Trọng Luật tỉnh trưởng ÐăkLắc bị bắt sống. Thị xã Ban Mê Thuột gần như đã hoàn toàn giải phóng.
Khoảng 18 giờ ngày 11 tháng 3, hai chiến sỹ trung đội vận tải K8 đi cáng thương binh, trên đường về tiểu đoàn bắt được 3 tên tù binh. Chúng đói khát, mệt mỏi lang thang� mò ra đường đi vào xã Ðức Minh. Có một tên trung tá, hắn sinh quán tại quận Hai Bà Trưng � Hà Nội, di cư vào nam năm 1954. Hiện nay là trung đoàn phó trung đoàn 53 nguỵ bị bắt cùng với một sỹ quan hậu cần và một lính công vụ. Tên trung tá bị thương gãy nát cánh tay trái, chúng bẻ cây rừng nẹp lại với một đụn thịt tím ngắt, lòi ra thối khủng khiếp. Có lẽ do quá đuối sức, chúng ra đường định nhờ xe dân chạy chốn không ngờ lại bị bắt. Khi bị dẫn giải, tên trung tá ỳ ra, không chịu đi bộ, người trung đội trưởng vận tải bảo: �Ðến bố mày đây cũng còn phải đi bộ! mày có đi hay ở lại!? không đi thì cho chúng mày về chầu âm phủ!�
Thằng trung tá quỳ xuống chìa chiếc ảnh hai đứa con ra, xin bộ đội giải phóng tha chết và dìu nhau đi.
Sáng hôm sau, chính trị viên phó tiểu đoàn gọi tôi lên, ông bảo:
- Anh Ðào Y sỹ tiểu đoàn (Hiện nay là viện phó bệnh viện đa khoa Yên Bái) cùng đội hình tiền trạm đã đi trước rồi! Ðồng chí sử lý lại cánh tay thằng này không thì nhiễm trùng mất!
�Nhìn cánh tay hắn ròi đẻ lúc nhúc, thịt đã phù nề thối đến ngạt thở, tôi bảo:
Báo cáo thủ trưởng, ở đây y tá đại đội không đủ điều kiện để giải quyết vết thương này. Mở ra bây giờ rất phức tạp, tốt nhất dọc đường gửi nó lại ở một đội phẫu nào đó!
Ðến quá trưa, chúng tôi lên xe chạy về Ban Mê Thuột, lũ tù binh cho chúng nó ngồi sau cùng. Mỗi khi xe dừng lại, mùi thối từ cánh tay tên trung tá xông lên, bộ đội cay cú bảo: Ðạp cổ cái thằng đuổi tây quá đà ấy xuống! Thối hơn mở mả!
Quá nửa đêm, xe đổ chúng tôi xuống một nương cà phê phía đông Ban Mê Thuột, trên trời có chiếc C130 thả đèn dù, đạn 20 ly bắn xuống, pháo phòng không 37 của ta bắn lên từng chùm đạn đỏ rực. Lợi dụng ánh đèn pháo sáng, ngại đào hầm, tôi mắc võng cạnh một cái hố dân đào giữa hai luống cà phê để bón phân thì phải.
Sáng 13 tháng 3, máy bay địch thay nhau oanh kích vào trung tâm và ngoại vi thị xã. Có một đơn vị pháo phòng không cạnh chúng tôi đánh trả quyết liệt. Ðịch ném bom xuống rừng cà phê, khói đen che phủ phía mặt trời mọc. Khi hành quân qua đơn vị pháo 37, tôi nhòm vào một chiếc xe bọc thép K63 của ta, có hai chiến sỹ phòng không hy sinh được đặt ngay ngắn trên ban căng.
Chúng tôi loanh quanh trong rừng cà phê, mùi hoa thơm xen lẫn mùi thuốc súng, có một nương hồ tiêu thoạt đầu tôi cứ tưởng dây trầu thế mà chẳng thấy có vườn cau nào cả.
Ðịch cay cú hô hào tái chiếm Ban Mê Thuột, chúng huy động tối đa máy bay, pháo binh và thiết giáp, đưa liên đoàn biệt động số 21 dùng trực thăng đổ quân xuống quận lỵ Phước An. Buổi tối, chúng tôi được lệnh cắt ra hướng Phước An đánh quân đổ bộ. Ðường hành quân toàn đi trên nương đồi, phía trước bom toạ độ, pháo bắn từng chập lại rộ lên. Bên phải, bên trái có những dải đen xẫm không biết làng bản hay là rừng cà phê, tiếng chó cắn ông ổng vẳng ra. Có ai đấy đi sau đẩy vào lưng tôi: Bám sát lên đi! Người đi trước lạc đường là kéo theo cả một đoàn quân đấy!
Tang tảng sáng thì đến một cánh rừng thưa, cây cối lúp xúp không mắc được võng, lệnh rừng lại, ngồi xuống là hai mắt cứng đờ, tôi dựa vào ba lô ngủ mất.
Bộ đội tản ra các ụ đá nhấp nhô tranh thủ ngủ lấy sức, anh nuôi gạn nước từ vũng lầy nấu cơm. Chưa ăn xong đã có lệnh quay lại nhận nhiệm vụ khác.
Khoảng 19 giờ tối, chúng tôi leo lên đường 14 phía bắc Ban Mê Thuột. Gió đông thổi thốc lên mát lạnh, đang hành quân chui luồn qua nương đồi, nay đi trên mặt nhựa rộng rãi, phẳng lỳ thấy thoải mái quá. Phía sau chúng tôi là Ban Mê Thuột, ánh đèn hoả mai và tiếng bom vẫn chưa dứt, hình như tất cả chiến tranh đang dồn vào thị xã.
Ðại đội tôi dẫn đầu đội hình. Bộ đội bắt đầu chủ quan coi như đây đã là vùng giải phóng. Ðoàn người từ hàng một dồn lên hàng ba, hàng bốn, nói chuyện rì rầm.
Vừa đi, vừa nghỉ, cứ dừng lại ngồi xuống là ngủ gật. Quá nửa đêm, cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại được, gần nửa tháng hành quân liên miên, những ai ở trong hoàn cảnh này mới thấy sự kỳ diệu của con người: Vừa đi, vừa ngủ, người sau gục vào ba lô người đi trước mà ngủ. Không hiểu chúng tôi ngủ kiểu gì, trong đầu thì mê đi mà chân vẫn bước lẹp kẹp theo đội hình. Tôi cứ nửa tỉnh, nửa mơ như vậy không biết bao lâu bỗng một loạt đại liên bắn ngay trước mặt. Tôi nhoàng dậy thấy luồng đạn từ bên trái đỏ lừ cắt ngang đội hình cách tôi vài mét. Bộ đội chạy tản ra, phía sau lùi lại, tôi sờ xuống, thấy mặt nhựa phẳng lỳ vội vàng lăn mấy vòng sang bên phải, nằm bẹp ven mép tà luy đường. Nhìn sang bên trái, có một chiếc cổng với những tàu lá chuối bay lật phật trong đêm. Hình như đây là một bản dân tộc vẫn còn tàn binh địch, một nhóm cảnh giới với khẩu đại liên chốt chặn ngoài bản. Ðịch ngủ gật, khi tỉnh dậy thấy bộ đội đã đi ngang qua, chúng chỉ còn kịp bắn một loạt đạn thế rồi tháo thân. Tôi nghe bước chân chạy thình thịch và tiếng chó cắn cứ sâu dần vào trong bản. Rất may là nó bắn cắt ngang qua đường, nếu chúng quét dọc theo trục lộ thì không biết bao nhiêu người hy sinh.�
Xung quanh tĩnh lặng, không thấy ai kêu cứu, phía trước có người bò lệt sệt, tôi gục xuống và ngủ lịm đi.
Gần sáng, có người kéo áo tôi: Ai đấy! Hậu hả! Dậy đi! Có ai bị thương không? Bộ đội quay lại hết rồi!
Tôi nhoàng tỉnh, nhận ra anh Mão chính trị viên đại đội. Tôi bảo: Em nằm từ lúc ấy đến giờ mà không nghe thấy ai kêu cả!
May qúa nếu không có anh Mão lên tìm, chắc chắn tôi sẽ làm một giấc cho tới sáng.
Ðội hình tiểu đoàn đang vượt qua một bãi lầy. Bên phải đường là một tràn ruộng cấy, có một con suối chảy ngang qua, bùn sôi ùng ục dưới chân. Leo lên một vạt nương với những bụi chuối tối xẫm, anh Mão và tôi vượt lên đuổi theo đơn vị.
Trời sáng dần, sương rơi ướt đẫm, những bụi chuối lờ mờ hiện ra:
-Này, đại đội 8 đã vượt đường xong chưa?
-Báo cáo, Còn hai trung đội nữa đang vượt qua bãi lầy!
-Khẩn trương lên, dồn lên đi! Tổ chức cho bộ đội vượt nhanh trước khi trời sáng!
Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra người trung đoàn phó trực tiếp đi theo cánh quân của tiểu đoàn 8 chúng tôi.( Rất tiếc đến giờ này tôi vẫn chưa nhớ nổi tên )
Sáng rõ, có tiếng đại liên và súng cối nổ ngoài bãi lầy, bộ đội chen nhau vượt lên. Người đại đội trưởng hoả lực chạy ào đến:
-         Báo cáo, trung đội 12ly7 của C8 chưa sang hết! Ðịch đang bắn vào đội hình của ta! Xin ý kiến thủ trưởng!
-         Sao các anh ngu thế! Người trung đoàn phó gầm lên. Hoả lực trong tay, địch thì bắn vào đội hình mà không biết làm gì à! Cho bắn 20 quả cối 82 vào bản!
Chỉ một lúc sau, tiếng cối của ta đáp lại thật đanh thép, súng 12ly7 quét hàng băng dài qua bãi lầy, địch quăng cối tán loạn chạy vào trong bản, cối 82 dồn theo.
Nắng bắt đầu gắt, từ mờ sáng đến giờ chưa hề gặp một con suối nào. Tất cả bằng phẳng như mặt sân bóng đá, đất đỏ ba zan tơi xốp. Chúng tôi hành quân trong một nương chuối và đu đủ quả chín rục trên cây. Thỉnh thoảng qua vạt nương khoai lang chỉ cần đạp nhẹ một cái là dây và củ bật ra, thế mới biết đất ở đây tốt như thế nào.
-         Trung đoàn truyền xuống: Tất cả bám sát đội hình, các đơn vị bảo đảm công tác dân vận, không lấy hoa quả của dân!
Qúa trưa,� khát cháy cổ, các bi đông nước đã dốc ngược, vẫn không thấy một khe suối nào để nấu cơm. Nắng gắt càng làm cho đội hình mệt mỏi, chệch choạc, không khác gì quân Tào Tháo hành quân thời chiến quốc. Bộ đội phải dùng dao găm đâm vào gốc chuối lấy nước uống, nước chát sít hôi mùi nhớt sên. Không nấu được cơm, đành phải lấy chuối chín và đu đủ ăn lấy sức để hành quân.
Khoảng 13 giờ chiều, chúng tôi được lệnh tản ra các bụi chuối thay nhau cảnh giới và ngủ lấy sức. Bỗng có tiếng B40 nổ, tiếng đạn cực nhanh loạn xạ, các trung đội chuẩn bị xuất kích. Súng nổ một chập rồi im lặng, có một toán tàn binh địch gặp đội hình thu dung của ta và xảy ra cuộc đọ súng trên. Có lẽ do lực lượng hai bên qúa chênh lệch, địch tháo chạy và gọi cối 106,7 câu đến. Có tiếng nổ đầu nòng của khẩu cối đâu đó khá xa, tiếng ro ro của quả đạn bay đến rồi nổ phía trước, phía sau, lung tung cả.
Chiều, chúng tôi tiếp tục hành quân, tối mịt mùng vẫn không ra khỏi cái vườn đu đủ ấy. Vừa đói, vừa mệt, các đại đội chia nhỏ ra từng tổ, thay nhau gác và ngủ nhịn qua đêm.
Khoảng 9 giờ sáng ngày hôm sau mới ra khỏi vườn cây ấy, tìm được một khe suối bên vạt rừng le lưa thưa, bộ đội dừng lại nấu cơm.
Ngày 15 � 03 ta bao vây liên đoàn biệt động 21 và trung đoàn 44 của sư 23 đổ bộ xuống khu vực quận lỵ Phước An. Sư đoàn điều trung đoàn 24 tăng cuờng xe tăng và pháo binh vòng về hướng tây nam đánh chiếm khu Nông trại rồi tiến về ngã ba Phước An. Trung đoàn 28 hành quân bằng xe tăng cơ giới� theo trục lộ 21 bao vây phía đông bắc quận lỵ. Ngày 16 tháng 3 quân ta đồng loạt tiến công địch khu vực Nông trại, Chư cúc và liên đoàn 21 biệt động ở Phước An. Bao vây quân địch co cụm tại căn cứ B50 �(Hoà Bình). Ngày 16 tháng 3 trung đoàn 24 đánh chiếm Nông Trại, K7 và K9 trung đoàn 66 cùng trung đoàn 149 tiến công san phẳng căn cứ B50 (Hoà Bình), Ngày 17 tháng 3 trung đoàn 28 tiến đánh trung đoàn 24 nguỵ chốt chặn đường 21 và khu vực Phước An. 12 giờ trưa ngày 18 tháng 3 tổng công kích vào cứ điểm Chư Cúc.
Trong chiến dịch tiến đánh quân đổ bộ xuống Phước An. Ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của sư đoàn 23 và liên đoàn 21 biệt động Sài Gòn, bắt sống hàng ngìn tên, thu vũ khí và phương tiên chiến tranh của địch.
Sau chiến thắng Ban Mê Thuột và tiêu diệt quân đổ bộ xuống quận lỵ Phước An. Chính quyền Thiệu hoảng loạn ra lệnh rút khỏi cao nguyên trung phần. Một cuộc di tản chưa từng có xảy ra: Trên các trục lộ 7,14, 19 hàng đoàn xe, pháo, xe quân sự, xe dân sự chen chúc hỗn loạn trên đường. Quân ta thừa thắng truy đuổi, cắt đường tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân đoàn 2 nguỵ.
Mặt trận đã chuyển sang bước ngoặt mới, khẩu hiệu thấn tốc sốc tới � Giải phóng miền nam được phổ biến đến các đơn vị. Tất cả cứ sôi lên sùng sục: Hệ thống phòng thủ phía bắc quân khu 1 bị vỡ, ta giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, bao vây� thành phố Huế. Lực lượng quân khu 5 các tỉnh Bình Ðịnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi nổi dậy bức hàng và bức rút hàng loạt căn cứ quân sự, tiến gần xung quanh� Ðà Nẵng. Mặt trận đông nam bộ và nam bộ cũng đồng loạt tiến công phối hợp với chiến trường Trị � Thiên � Huế đánh chiếm nhiều căn cứ hành quân của địch.
Chúng tôi cũng cuốn theo chiến dịch, hầu như không biết dừng hoặc quay lại mà cứ nhằm về phía trước thẳng tiến.
Sau khi giải phóng căn cứ Hoà Bình, ngày 21- 03 lực lượng lớn của trung đoàn cùng đơn vị bạn tiến đánh địch trên đường 21 và bao vây quận lỵ Khánh Dương. Tiểu đoàn 8 chúng tôi vẫn mải miết cắt rừng đi về phía đông.
Sau những ngày hành quân trong rừng, sáng 22 tháng3 chúng tôi ra một sườn đồi phía trước là một thung lũng rộng với những dông đồi thoai thoải. Con đường 21 uốn lượn bên những sườn đồi xanh mát mắt. Những làng bản ẩn hiện trong lùm cây với mái nhà tôn sáng lấp loá. Phía ấy tiếng súng từng chập lại rộ lên, ta đang đánh vào quận lỵ Khánh Dương.
Có hai chiếc A37 ở đâu bay đến bổ nhào ném bom. Pháo phòng không của ta bắn lên, đạn vàng choé vây hai chiếc máy bay ấy. Bỗng phía cuối con đường vắt qua ngọn đồi phía xa, một quả tên lửa vác vai bay lên. Nhìn nó như chiếc kim kéo theo sợi chỉ trắng nhằm chiếc máy bay lao đến. Chỉ một tích tắc, sau tiếng nổ bụp một cái, chiếc máy bay đứt làm hai, lửa cháy đùng đùng và lao xuống đất.Trên bầu trời xanh ngăn ngắt ấy có chiếc dù đỏ bung ra. Kìa tên phi công nhảy dù, bắn đi!
Có tiếng AK từ dưới đất bắn lên, số thằng phi công này hết rồi! chúng tôi ngồi xem trận đánh đất đối không còn đẹp và sinh động hơn phim màn ảnh rộng.
Hai chiếc trực thăng từ phía đông lao đến, chúng bay rất thấp, đạn phòng không 12ly7 vây xung quanh, chúng xà xuống sát chân đồi. Bỗng chỉ nghe thấy ù ù thế rồi không thấy chúng bay lên nữa. Phía thung lũng, tiếng súng từng chập lại rộ lên.
Lệnh hành quân, chúng tôi bám nhau leo xuống chân đồi. Con đường 21 nhựa phẳng lỳ lượn mình chạy về� hướng đông. Không biết đơn vị� mình có đuợc đánh Nha Trang hay không, bất giác tôi thấy lòng mình rạo rực.
Ði một đoạn, bắt gặp hai chiếc trực thăng nằm chềnh ềnh giữa đường, có vài người lính cầm súng đứng bên cạnh. Hỏi ra mới biết rằng: Ta bắt sống tên phi công lái máy bay A37 và bắt nó điện về xin trực thăng đến cứu. Hai chiếc trực thăng này bay đến và ta bắt sống luôn cả tổ lái! Hoá ra Việt cộng cũng ma lanh thật.
Tôi bỏ ba lô xuống và leo lên trực thăng. Hai bên sườn máy bay bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, sàn máy chứa khoảng 6 người được lát một tấm sắt dày, hai chiếc ghế phi công một lớp sắt nữa với tấm� che cho hai tay cầm cần lái. Phía trên, một lớp sắt bảo vệ động cơ dưới cánh quạt. Kiểu này AK và trung liên cũng khó mà bắn cháy được nó.
Ngày 22 -03 -1975 quận lỵ Khánh Dương được giải phóng, các đơn vị bạn đang chuyển quân rầm rập, xe tăng, xe thiết giáp lấp ló trong cánh rừng thưa, chúng tôi lục tục bám theo đội hình.
Ðến một ngã tư, thấy anh Nguyễn Thanh Xuân (Yên Khánh � Ninh Bình) phó ban hậu cần tiểu đoàn bảo:
-         Tiểu đoàn 8 vào đây lấy thêm gạo rồi tiếp tục hành quân!
Tôi theo đoàn người rẽ vào quận lỵ. C5 và C6 đã có nhiều chiến sỹ lấy xong gạo đang quay ra. Tôi cho gạo vào bao rồi vội vàng bám theo họ. Ði dọc đường 21 khoảng một tiếng nữa thì thấy con đường bị cây lấp lại, ở đó có biển chữ viết vội vàng: Ðường này có địch � Không đi!
C6 và C5 được lệnh đi sang bên phải đường, C7 và C8 cùng cơ quan tiểu đoàn bộ rẽ sang bên trái, dừng lại ăn cơm trưa.
Pháo binh và hoả tiễn của ta bắt đầu bắn lên đỉnh đèo Ma ÐRắc( Ðèo Phượng Hoàng). Tiếng hút gió của chùm đạn bay đi và một loạt tiếng nổ dây truyền vọng vào núi. Bao nhiêu năm chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên, hôm nay chúng tôi hành quân đuổi địch dưới tầm đại bác và tên lửa chi viện, thấy cũng phấn trấn và an tâm.
Khoảng hơn 13 giờ chiều, chúng tôi đi vào một tràn cỏ xanh mướt, đồi núi nhấp nhô trông như thảo nguyên vậy. Phía xa kia là đèo Phượng Hoàng, nghe đâu địch đã ném lữ dù 3 � Con át chủ bài của Thiệu lên chốt chặn. Tiểu đoàn 8 chia làm hai gọng kìm từ chân đèo tiến lên.
Ðoàn người như con rắn khổng lồ trườn mình trên thảm cỏ tiến về phía chân đèo. Chưa bao giờ chúng tôi dám vượt qua bãi tráng vào ban ngày như thế này cả, ngoại trừ hôm nay. Quy luật của chiến tranh thường hay lập lại: Sự chủ quan khinh địch thì bao giờ cũng phải trả giá. Ðội hình đi đầu của C 7 do anh Tẩm đại đội trưởng, anh Doỏng đại phó vừa vượt qua bãi lầy tiến cách chân đèo khoảng vài trăm mét thì nghe một loạt tiếng nổ từ trên đỉnh đèo vọng tới. Ðã có kinh nghiệm khi thấy tiếng nổ đầu nòng của pháo địch, đoàn người chững lại, tai căng ra. Chỉ vài giây sau, tiếng rú của quả đạn bay đến, khói bao trùm đội hình đi đầu. Không ai bảo ai, tất cả tản ra, nằm bẹp cạnh các mô đá và ven bãi lầy, phơi lưng hứng pháo bầy của địch.
Tôi và hai chiến sỹ khác nằm dựa vào một tảng đá nhô lên khỏi mặt cỏ, rút xẻng đào hầm. Khi bị pháo thúc vào đít, họ đào hầm nhanh lắm, không biết mệt, không kịp thở, không ai phải nhắc nhở ai. Mạnh ai người ấy đào, cố khoét cho mình lấy một cái hố để giữ gáo. Xung quanh khói lửa mù mịt, loạt đạn trước chưa tan khói thì loạt sau lại trùm lên đội hình, hai tai ù đặc.
Một toán lính dù bò xuống chân đèo, dùng cối 60 và súng phóng lựu bắn vào quân ta, anh Doỏng bị một quả M79 vào cạnh sườn, Hậu ( Vĩnh Tường) bị mảnh đạn cắt ngang ống chân. Anh Tẩm bảo: Pháo bắn ác liệt quá, tôi bò lại băng bó cho thằng Hậu, một lúc sau đã thấy nó chết rồi. Tất cả bộ đội nằm dán xuống mặt đất mặc cho pháo bầy địch trà đi sát lại.
� Cứ đội pháo như thế cho đến xẩm tối, toán lính dù cũng rút lên chân đèo. Rất may là các mặt trận đang đồng loạt nổ súng nên máy bay địch không đủ sức chi viện. Nếu chúng vác bom đến thì chắc rằng chúng tôi đã thành tương tất cả.
Phía mũi tiến công của đại đội 5 và đại đội 6 bám sát ven đường 21 tiến lên chân đèo. Ðại đội 5 do đại đội trưởng Trần Ðới và chính trị viên Lê Hải Triều đẫn đầu đội hình hành quân dưới sự chi viện của hoả tiễn và pháo binh. Ðến giáp chân đèo, địch phát hiện lực lượng của ta, gọi pháo bắn cấp tập. Chúng cho xe bọc thép M113 ra chặn đội hình và gọi máy bay oanh kích dữ dội. Lập tức, hoả tiễn và pháo binh của ta bắn trả lên đỉnh đèo, do hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh chưa chặt nên loạt đạn thứ tư, hai quả đạn 155 ly hụt tầm rơi trúng vào giữa đội hình đại đội 5 làm 9 cán bộ và chiến sỹ hy sinh, bị thương hơn 20 người, gây tổn thất nghiêm trọng đơn vị này.
Trời tối xẫm, có lệnh truyền xuống: C7 tổ chức lên lấy thương binh ngay!
Không biết thương vong có nhiều không. Tôi sách túi cứu thương bò lên đầu đội hình. Qua một bãi lầy hẹp, lên dông đồi cỏ phẳng lỳ xung quanh loang lổ hố pháo. Có mấy thương binh đồng đội băng cho đang được dìu ra. Trước mặt tôi cảnh tượng thật thê thảm: 8 liệt sỹ, có 1 thông tin 2w còn lại đại đội tôi 7 người. Tất cả đã được tập kết về một chỗ, ai nằm tư thế nào thì bây giờ vẫn như vậy, cứng ngắc, cong keo.
Cứ hai người khiêng một liệt sỹ, cố gắng mang ra càng nhanh càng tốt. Lý Sài Quẩy (Sa pa � Lào cai) một mình vác anh Doỏng ra, có hai người khiêng Hậu đã cứng như khúc gỗ, cái chân còn dính tý thịt đong đưa. Có một liệt sỹ bị mảnh pháo xuyên qua cắt đôi chiếc thắt lưng da trung quốc. Không còn thời gian xem tên từng người, tôi và một chiến sỹ nữa khiêng liệt sỹ thông tin.
Buộc võng vội vàng, chúng tôi lục tục chạy xuống bãi lầy, đường trơn dép tọt lên tới bắp chân. Dây võng tuột làm rơi liệt sỹ xuống bùn, đặt cáng xuống, khênh liệt sỹ vào võng và cứ thế nước chảy tong tỏng cho đến vị trí tập kết.
�Anh Ðiệp ở lại cùng đơn vị vận tải làm công tác tử sỹ. Chúng tôi tiếp tục lên đường.
Cắt sang bên trái tiến về phía đỉnh núi đen xẫm. Bên phải, bên trái đâu đâu cũng nghe thấy tiếng súng địch nổ. Quá nửa đêm thì đến chân đèo. Dốc dựng đứng, chúng tôi bám theo nhau bò ngược dốc. Xuyên qua một rừng cây thưa giống như một nương sơn. Ðến đỉnh núi, có những tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành nhiều hang hốc. Lệnh cho C7� chốt lại trong hang, các đơn vị trong tiểu đoàn tiến lên phía trước. Tôi mò tìm chỗ giải ni lông, dựa vào một tảng đá và ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, anh nuôi tìm suối để nấu cơm, bộ đội chia nhau cảnh giới, chuẩn bị súng đạn và ngủ lấy sức.
                                                                   Ngày 20 tháng 01 năm 2004
                                                                       HoàngKimHậu