Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Chương V : Hồi Ký_Một thời trận mạc


       Trận cuối cùng và ngày trở về

Sau khi bị thương tại Đắk Siêng, tôi phải vào Viện 211 điều trị. Hơn hai tháng dầm dề ăn ở, điều trị tại bệnh viện tôi mới được ra viện. Còn nhớ hôm vào đây, toàn thân đau nhức, tưởng chừng không chịu nổi. Có lúc tôi lịm đi, khi tỉnh dậy mới biết xung quanh mình còn rất nhiều đồng đội. Ở đây tôi đã được các bác sĩ, nữ y tá chữa lành vết thương. Vào bệnh viện, tôi mới yên tâm về vết thương của mình. Vết thương mỗi ngày một lành, sức khỏe phục hồi dần. Nơi chiến trường toàn mùi khét lẹt của thuốc súng, bầu trời như bị giật tung bởi những tia chớp của bom đạn, đêm đêm thì mùi ẩm ướt của lá rừng, mùi của sự chết chóc. Còn nơi đây thì mùi thuốc cũng nồng nặc không kém. Biết bao nhiêu người bị thương trong mỗi đơn vị. Mỗi người bị thương một kiểu, người bị thương nặng, người bị nhẹ hơn, người phải băng cả một khoảng đầu, nằm im một chỗ không di dời được, có người thì bị mất cả một cánh tay, người thì đi tập tễnh. Không có ngày nào là không có thương binh vào đây.
Tôi nghĩ đến lần nằm viện trước, khi tôi ra viện và trở về, có biết bao đồng đội mong đợi và chờ tôi. Vậy mà giờ đây, số ấy hầu như không còn nữa. Tôi là người may mắn trong số đó còn sống sót. Tôi  thương các anh và thấy cay cay sống mũi, tôi cũng thấy mình cô đơn trong lần trở lại đơn vị này, mặc dù còn có rất nhiều đồng đội, những  lính mới chuyển đến. Bước chân tôi rắn rỏi hơn. Tôi nghĩ rằng: “Mình còn sống và mình sẽ trả thù cho anh em, nhất định như vậy”.
Ngày 18 tháng 6 năm 1970, tôi về đến đơn vị và được phân công làm trợ lý tác chiến tiểu đoàn 1. Tổ trợ lý tiểu đoàn gồm tôi và anh Ngọ làm trợ lý tác chiến, sau còn bổ sung thêm anh Phan vốn là đại đội trưởng đại đội 2; anh Dung và anh Xuân là trợ lý chính trị, anh Khoảng là trợ lý quân lực. Tôi thấy rất yên tâm vì tổ trợ lý gồm các đồng chí cùng nhập ngũ một đợt, hợp nhau và yêu thương đùm bọc nhau như anh em.
Đầu tháng 7 năm 1970, tôi được phân công tham gia đoàn cán bộ tác chiến của trung đoàn đi nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường tại cao nguyên Bô lô ven, thuộc tỉnh A tô pơ, Nam Lào. Sau mười ngày hành quân khá vất vả, chúng tôi băng qua núi, qua đèo, đôi chân mỏi nhừ, cuối cùng thì cũng đặt được chân lên thị xã Mường Mày vừa được giải phóng. Đây sẽ là nơi dừng chân tập kết của Trung đoàn để chuẩn bị phối hợp với bộ đội Pa Thét Lào tiến công địch tại Bô lô ven.
Tình cảm của nhân dân Lào dành cho bộ đội Việt Nam thật thân thiết nồng đượm như anh em một nhà. Bà con gặp chúng tôi đều vui vẻ nói Việt Nam- Lào xa ma khi (Việt Nam- Lào đoàn kết). Tình cảm này rộng dài và sâu nặng tựa nước sông Hồng Hà- Cửu Long như thơ của Bác Hồ từng viết. Tôi còn nhớ lần ấy, bộ đội Lào tổ chức một bữa cơm thân mật mời đoàn công tác Việt nam. Sau bữa cơm giản dị có hát hò vui vẻ. Các cô gái Lào duyên dáng trong bộ váy áo truyền thống, gương mặt rạng ngời như trăng rằm hát cho chúng tôi nghe những bài dân ca của đất nước Triệu Voi và cả những bài hát Việt Nam rất thịnh hành thời chống Mỹ như: Gặp nhau trên đỉnh Trường sơn, Trường Sơn đông Trường Sơn tây… Tôi hứng lên cũng hát rất say sưa một lúc hai bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo và Tiếng đàn Ta lư. Âm điệu của tiếng chày khuya “cắc cùm cum cắc cum cụp cum” trong đêm lửa bập bùng như vang ra thành nhạc điệu nồng ấm, vui say. Bài hát ca ngợi người chiến sĩ “ngày đêm không nghỉ, tìm diệt giặc Mỹ giải phóng cho dân mình”, người hậu phương thì “tiếp lương gửi đạn”. Và niềm tin sắt con của đồng bào với bộ đội, tin vào tương lai tươi sáng. Tất cả mọi người nắm tay nhau, vui say trong câu hát, điệu múa Lăm tơi. Như mọi cuộc vui khác, các bạn Lào không thể không có múa Lăm tơi, múa Lăm vông. Múa Lăm tơi là một điệu múa tập thể truyền thống mang tính giao lưu duyên dáng của nhân dân Lào. Những sắc màu hoa văn trên những bộ trang phục thật đẹp, nụ cười ấm áp, Những đôi tay lượn thật khéo léo, các cô uốn mình cũng thật dẻo, những cái bắt tay thật chặt. Các cô gái đến trước mặt chúng tôi, nở nụ cười Chăm pa, nghiêng người chắp tay trước ngực mời múa. Tôi cười đáp “tôi chỉ biết hát, múa thì chịu thôi”. Các đồng chí bộ đội Lào giải thích và hướng dẫn cho chúng tôi nhảy khớp với điệu nhạc. Khi múa Lăm tơi, người nam có động tác đưa tay từ sau ra trước nhưng không được phép quá thắt lưng là để biểu lộ tình cảm thương mến muốn kéo người phụ nữ về với mình. Người nữ đưa hai tay múa trước ngực có ý rất muốn đi với anh nhưng là buổi ban đầu nên chúng em không thể không cảnh giác và bảo vệ vùng cấm. Cách giải thích của mấy anh bộ đội Lào chẳng biết có chính xác hay không nhưng nghe cũng có lý và hay hay. Trước những đôi mắt như biết nói của các cô gái Lào, chúng tôi mạnh dạn bước vào vòng Lăm tơi tự nhiên vui vẻ. Cánh bộ đội còn ngượng ngùng trong những bước chân đi, tay vẫn còn khô cứng nhưng chẳng ai trách cứ điều đó, bàn tay chúng tôi để cầm súng chiến đấu, bàn chân để hành quân đêm ngày qua những chặng đường xa đã dẻo dai lắm rồi. Chúng tôi cố gắng tạo không khí ấm áp hòa đồng, hòa nhịp với mọi người. Ở bộ đội hàng mấy năm trời, có lúc nào chúng tôi được giao lưu ý nghĩa như thế này đâu. Cánh lính chúng tôi chỉ đàn và hát, vỗ tay theo nhịp điệu là tuyệt vời lắm rồi, chiến trường còn gian khổ lắm, làm gì có thời gian để chuẩn bị những tiết mục văn nghệ công phu như thế này. Có buổi liên hoan vui như vậy, chúng tôi mới hiểu thêm được một phần về văn hóa của nước bạn. Một đất nước nổi tiếng với điệu múa mà không có dân tộc nào có được nét đặc sắc đó. Cánh lính ai cũng vui, những khó khăn mệt mỏi sau trận chiến dường như tan biến. Buổi gặp gỡ đơn sơ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi vậy nhưng thật thân thương. Sự ấm áp ấy đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp về các bạn Lào.
Nam Lào bước sang mùa mưa. Những cơn mưa ào ạt, trắng xóa cả một khoảng trời làm không ít những người chiến sĩ nhớ nhà, nhớ người yêu. Những cơn mưa dễ gợi nhớ đến quê hương, đến cầu ao, bến sông bến nước. Cơn mưa kéo dài làm cho các con sông con suối đầy ắp nước, như gột rửa đi phần nào khói lửa của chiến tranh cho bầu trời trong xanh, thanh mát. Nước mênh mông ắp đầy sự sống. Điều làm chúng tôi thích thú là sông suối ở đây rất nhiều cá, khiến cho thiên nhiên thơ mộng hiền hòa hơn. Dưới làn nước trong veo, chúng tôi nhìn thấy từng con cá bơi đi bơi lại, lái cái đuôi một cách điệu đà. Chiều chiều, khi hoàng hôn lãng đãng buông xuống những cánh rừng già ẩm ướt, cánh lính chúng tôi lại rủ nhau ra suối câu cá. Chịu khó ngồi một hồi cũng câu được một sâu cá khá dài đủ để cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Mường Mày là một thị xã thanh bình. Chúng tôi ngày đi nghiên cứu địa hình, chiều tối rủ nhau ra suối câu cá, chưa phải ùng oàng đánh đấm gì cả. Anh em cũng có thời gian chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Mặc dù không phải gian nan như trong chiến trường, không phải dùng đến vũ khí nhưng phải chuẩn bị tinh thần đánh giặc tại Nam Lào. Tôi đang cùng đoàn công tác đi nghiên cứu thực địa chuẩn bị đón đại quân sang thì nhận được lệnh về mặt trận Tây Nguyên tập huấn.
Tạm biệt Mường Mày yên tĩnh, tôi cùng ba đồng chí cán bộ tác chiến khác nữa trèo đèo lội suối vượt Trường Sơn về nước. Con đường đi dài đằng đẵng, anh em chúng tôi  mang theo lương thực thực phẩm, trên đường tiện đâu ăn đó. Ăn rồi uống nước,  lại tiếp tục hành quân. Chỉ có ba người thôi. Đoạn đường xa rồi cũng trở nên gần, cái mệt khi có những đồng đội mình cùng đi, cùng trải qua những khó khăn, không ai còn cảm thấy ngại ngùng nữa. Bàn chân chúng tôi hành quân theo con đường rừng cũng trở nên quen thuộc, tôi không thể đếm nổi mình đã đi qua bao nhiêu con dốc, vượt qua bao nhiêu ngọn núi và băng qua biết bao con suối. Mọi người quyết tâm về nước một cách nhanh chóng, ai cũng cảm thấy sốt ruột vì mọi người cũng đang chờ đợi chúng tôi. Đi hết mười ngày mới đến nơi. Chỉ sau một ngày ổn định nơi ăn chốn ở, chúng tôi tập trung nghiên cứu về kĩ chiến thuật đánh hầm ngầm, đánh hợp đồng binh chủng và phương pháp khắc phục vật cản trong đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Trong đợt tập huấn này không phải chỉ có cán bộ tác chiến trung đoàn 28 chúng tôi mà còn có cán bộ các đơn vị bạn như trung đoàn 40, 66, 95… Chúng tôi học lý thuyết và sau đó ra thao trường thực hành ngay. Học đến đâu, làm đến đó, không  trậm trễ. Chúng tôi là cán bộ tác chiến, có nhiệm vụ lĩnh hội để về huấn luyện cho đơn vị.
Dưới tán cây cổ thụ rậm rạp là thao trường thực hành. Không có những bài thực hành như thế thì khi vào thực tế trận đấu, chúng tôi làm sao có thể biết được những đường đi nước bước, cách phòng đánh trong từng nội dung và chiến thuật cụ thể. Trước mắt chúng tôi là những công sự được đào đắp, xây cất vững chắc. Tôi tưởng như được trở lại cái thời tân binh sôi nổi hào hứng. Cùng lăn lê bò toài, cũng chia quân xanh quân đỏ chiến đấu với nhau theo từng tình huống giả định. Mỗi một lần tập huấn, chúng tôi thấy mình cần phải học hỏi thêm nhiều hơn, những kĩ thuật tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó khăn. Gần ba tháng tập huấn ở mặt trận, chúng tôi được bồi đắp thêm nhiều điều bổ ích về kĩ thuật và chiến thuật. Từ kinh nghiệm trận mạc mà mình đã trải qua đối chiếu với bài giảng của giáo viên, tôi thấy vỡ ra nhiều điều cần thiết. Trong chiến đấu, rõ ràng ngoài tinh thần ý chí, vũ khí trang bị ra, người lính cần phải thuần thục về kĩ, chiến thuật. Nó là khoa học và nghệ thuật quân sự dẫn đến hiệu quả trận đánh đạt kết quả cao và tiết kiệm được xương máu cho người lính. Từ các cuộc thảo luận giải quyết các tình huống, nhiều ý kiến của anh em đã được góp phần bổ sung thêm cho bài giảng được sát với thực tiễn chiến đấu hơn.
Hoàng Minh Thảo_Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên
(Người ngồi giữa)
Ấn tương sâu sắc còn lại trong tôi tới giờ là câu chuyện của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo hôm ông tới thăm lớp tập huấn. Nhìn vị tư lệnh phong thái rất giản dị nhưng rất trang uy. Nghe tiếng đã lâu, bây giờ tôi mới được gặp vị Tư lệnh nổi tiếng của mặt trận Tây Nguyên này. Lính chúng tôi ai cũng hồi hộp và chăm chú nghe ông nói chuyện. Ông có vầng trán rộng, mắt sáng quắc và thông minh, đôi lông mày dài và rậm nhưng nụ cười thì thật là hiền từ. Tôi chú ý hình dáng của ông, một con người bình thường nhưng thật sắc sảo. Khi nói chuyện về các chiến sự, nhắc đến những chiến thắng của quân dân miền Nam và Tây Nguyên nét mặt ông tươi rói như truyền niềm tin cho anh em chúng tôi. Bằng cách nói mạch lạc, khúc triết của một vị tướng tài ba, cũng là nhà quân sự, ông phân tích về cục diện và thời cơ cách mạng đầy thuyết phục. Vị tư lệnh chỉ rõ những thuận lợi và những khó khăn của cách mạng miền Nam Việt Nam và chiến trường Tây Nguyên trong việc đánh bại chiến lược Việt Nam hóa hiến tranh. Bằng những cơ sở lý luận chính trị sắc sảo, quân sự vững chắc và thực tiễn phong phú, đồng chí Hoàng Minh Thảo đã giải thích có tính thuyết phục về sự tất thắng của cách mạng Việt Nam. Không có lối nói chung chung, hô hào, động viên suông hoặc lạc quan tếu. Nghe tư lệnh nói, anh em chúng tôi ai cũng thầm kính phục người chỉ huy của mình giàu kiến thức, hiểu biết rộng và nắm bắt rất sát hoàn cảnh tâm tư tình cảm của ngươi lính Tây Nguyên. Mọi người đều thán phục và hướng những ánh mắt chăm chú nghe, chăm chú theo dõi như uống từng lời nói. Biết bao ánh mắt đổ dồn về phía vị tư lệnh. Tôi ghi vào quyển sổ cẩn thận và chu đáo. Chúng tôi học được nhiều bài học cho bản thân và rút kinh nghiệm cho những lần chiến đấu tới. Quả thực, cầm súng chiến đấu có vẻ rất đơn giản nhưng còn phải có nhiều mưu trí hơn nữa thì mới giành thắng lợi được. Địch càng có nhiều  vũ khí hiện đại bao nhiêu thì ta càng phải sử dụng mưu trí bấy nhiêu, đó cũng là một thế mạnh trong cách quan sát và cách đánh của ta. Không có sức mạnh tập thể, không có những vị tướng chỉ huy, lãnh đạo đội quân tài tình thì trước sau cũng thất bại. Bài nói chuyện của vị Tư lệnh có nhiều điều bổ ích. Nhưng tôi rất ấn tượng khi nghe vị tư lệnh nói về các mưu lược dùng binh. Vị Tư lệnh đưa ra thuyết dùng binh thời Tôn Tử (Trung Quốc) rồi liên hệ với cách mạng  Việt Nam. Ông kể rằng: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có ý kiến đưa ra là ta nên sử dụng cách đánh: Đánh nhanh, thắng nhanh. Trong lúc đó cũng có ý kiến là nếu đánh theo cách này thì với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lực lượng của ta có chịu nổi không? Sau khi cân nhắc thận trọng, căn cứ vào tình hình thực tiễn địch- ta, cuối cùng ta lựa chọn cách đánh: đánh chắc, thắng chắc. Với cách đánh này ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là cách dùng binh rất khoa học của ta. Sau đó phân tích: Người dùng binh phải có ba tố chất cơ bản: Một là mưu kế, hai là quyết đoán và ba là chọn đúng đối tượng. Và ông so sánh: về mưu kế, tướng lĩnh Sài Gòn thua ta ở mưu kế. Nghe đến đây, cánh lính chúng tôi cứ há hốc mồm như nuốt từng lời. 
Giờ giải lao, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo đi xuống hội trường bắt tay thăm hỏi anh em. Chỉ riêng cử chỉ này đã nói lên phương pháp tạo tâm lý cởi mở của vị Tư lệnh đối với cấp dưới thật tuyệt vời. Tôi không dấu được xúc động khi ông đi đến bắt tay tôi. Hai tay tôi nắm chặt bàn tay Tư lệnh và nhìn không chớp mắt. Trong cái nhìn của tôi có sự tôn trọng và ngưỡng mộ. Tư lệnh nhìn tôi và vỗ nhẹ vào vai thân mật hỏi:
- Đồng chí mình tên gì? Thuộc đơn vị nào? Tôi hơi bất ngờ. Tôi cứ tưởng vị Tư lệnh chỉ bắt tay thôi, ai dè ông còn hỏi tên tôi nữa.
Tôi đứng nghiêm trả lời:
        - Báo cáo đồng chí Tư lệnh, tôi tên là Dương Thanh Biểu, trợ lý tác chiến của tiểu đoàn 1, trung đoàn 28.
Nghe tôi báo cáo, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo thoáng nét đăm chiêu nói:
- Tiểu đoàn 1 của đồng chí vừa rồi đánh vây lấn ở Đắk Siêng? Đây là phương pháp đánh vây lấn đầu tiên ta vận dụng ở chiến trường Tây Nguyên đấy.
Thì ra vị Tư lệnh còn nắm rõ và nhớ từng cách đánh của mỗi đơn vị, chiến trường thì rộng mênh mông, vậy mà vị Tư lệnh không quên, thậm chí còn nhớ rất kĩ càng và sâu sắc.
- Này anh bạn trẻ, thế qua đợt tập huấn này, bạn thấy thế nào?
Tư lệnh đổi cách xưng hô làm cho tôi thấy gần gũi và mạnh dạn hơn, tôi không do dự, ánh mắt nhìn thẳng vào vị Tư lệnh đang đứng trước mặt, trả lời:
- Báo cáo đồng chí Tư lệnh! Tôi thấy rất bổ ích ạ. Về lý luận và thực tiễn cuộc chiến đấu là rất khả thi. Tuy nhiên trong thực tiễn, có thể còn nhiều tình huống đặt ra. Điều này đòi hỏi sự gan dạ, trí thông minh và bản lĩnh của người lính khi xử lý các tình huống. Trong đó công tác chuẩn bị chiến trường cũng phải được coi trọng!.
Thấy tôi trả lời còn lúng túng và hình như có chỗ dùng từ còn chưa chuẩn xác hoặc chưa sát với câu hỏi, đồng chí Tư lệnh tươi cười hỏi tiếp:
- Anh bạn trẻ có thể nói cụ thể hơn được không? Ta cứ trao đổi dân chủ mà. Có gì cứ nói thẳng ra để bổ sung cho bài giảng?
Tôi cảm nhận rõ hơn sự giản dị, hòa đồng của Tư lệnh, vì thế tôi cũng tin cậy hơn vị chỉ huy cao cấp, nên nói ra hết những băn khoăn về trận đánh ở Đắk Siêng. Hơn nữa, cơ hội được gặp gỡ và nói lên những băn khoăn của mình đối với vị Tư lệnh thật hiếm nên tôi thành thật nói về những khúc mắc của mình, để rút kinh nghiệm lãnh đạo anh em đánh chiếm ở những trận tiếp theo:
- Báo cáo đồng chí Tư lệnh. Khi chuẩn bị đánh vây lấn ở Đăk Siêng, trong buổi thảo luận trên sa bàn, chúng tôi có đưa ra ý kiến: xung quanh đồn địch là đồi trọc, bị đốt cháy không còn ngọn cỏ, vậy thì quân ta ngụy trang làm công sự như thế nào? Đồng chí cấp trên có giải thích: Đúng là địa hình Đắk Siêng rất trống trải nhưng khi máy bay địch đến bắn phá thì sẽ bị pháo phòng không của mặt trận và của trung đoàn khống chế. Thực ra, khi nổ súng thì máy bay địch đã làm chủ bầu trời và dễ dàng phát hiện ra trận địa của ta. Thứ hai là khi đánh sa bàn, cấp trên phổ biến Đăk Siêng chỉ có 6 hàng rào kẽm gai nhưng khi bộ đội phá hết 6 hàng rào ấy thì vẫn còn một hào chông và mấy hàng rào vướng chân nữa. Chính vì thế mà bộ đội bị thương vong nhiều mà không thể chiếm được lô cốt đầu cầu. Tôi nêu ra ví dụ này để nói rằng công tác chuẩn bị chiến trường là hết sức quan trọng.
Nghe tôi nêu tâm tư về trận đánh Đák Siêng, Tư lệnh thoáng chút trầm tư, ông gật đầu, nói:
- Trận đánh Đắk Siêng cho ta nhiều bài học bổ ích về chiến thuật đánh vây lấn, kĩ thuật khắc phục vật cản, đánh chiếm đầu cầu và nhất là công tác chuẩn bị chiến trường. Những kinh nghiệm này cần phải tổng kết thành các bài học cho bộ đội rút kinh nghiệm.
Sau buổi gặp gỡ, anh em nhà lính chúng tôi thỉnh thoảng vẫn còn bàn và tranh luận với nhau sôi nổi, mỗi người một ý, ai cũng đưa ra ý kiến mà mình cho là hợp nhất, tất cả đều làm cho mọi lý luận và thực tiễn được thông tỏ và cụ thể hơn.

                                                             *

                                                 *                   *

Chúng tôi dự lớp tập huấn được gần ba tháng thì về đơn vị tiếp tục huấn luyện cho tiểu đoàn. Lúc này tiểu đoàn 1 từ Lào về đóng quân tại Ngã ba Biên giới làm nhiệm vụ chỉnh huấn để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân- Hè 1971. Đơn vị vừa học chính trị, vừa huấn luyện quân sự và được bổ sung quân số. Khí thế bộ đội ta đang lên. Tháng 2 năm 1971, tiểu đoàn 1, trung đoàn 28 nhận lệnh đi chiến dịch.
Cả tiểu đoàn tập trung vận chuyển gạo, thực phẩm, đạn dược, vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch đánh cao điểm 1338 Ngọc Bờ Biêng. Mục đích của chiến dịch Ngọc Bờ Biêng là âm mưu của địch muốn đẩy lùi quân giải phóng khỏi ngã ba biên giới Việt- Miên- Lào. Ngày 19 tháng 5 năm 1971, tiểu đoàn 1 được lệnh chiếm lĩnh trận địa cao điểm 1338 Ngọc Bờ Biêng. Là trợ lý tác chiến tiểu đoàn, tôi được cử đi cùng đồng chí Vũ Khắc Đua, D1 trực tiếp chỉ huy đại đội 1. Cũng xin được nói thêm, lực lượng đánh chiếm cứ điểm 1338 gồm tiểu đoàn 1 và đại đội 19 đặc công trung đoàn. Do địa hình phức tạp, nơi tiếp cận trận địa quá dốc, hỏa lực địch rất mạnh nên khi tổ chức đánh chiếm ta gặp không ít những khó khăn, bộ đội bị thương vong nhiều. Từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 1971, tiểu đoàn 1 tổ chức đánh chiếm 2 lần nhưng do địch tập trung hỏa lực bắn ác liệt vào cửa mở, pháo lớn từ Tân Cảnh bắn trúng đội hình tiểu đoàn nên không dứt điểm được và bộ đội bị thương  vong không ít.
Lúc này, địch đổ bộ hai tiểu đoàn dù để ứng cứu cho cao điểm 1338. Tiểu đoàn 1, nhận được lệnh lui quân để tiêu diệt quân dù. Một tình huống bất ngờ xảy ra: trong lúc tiểu đoàn đang tổ chức tiến công tiểu đoàn dù địch thì đại đội 2 bị mất liên lạc. Thủ trưởng tiểu đoàn cử tôi và anh Hoàng Ngọc Loan đi tìm đại đội 2. Cả trung đội trinh sát của tiểu đoàn cũng bị thương vong nặng. Tôi và anh Loan căn theo bản đồ hướng đại đội 2 cắt góc phương vị luồn rừng hành quân. Khi chúng tôi leo lên đến đỉnh dốc thì gặp tiểu đoàn dù địch bắt đầu rút lui về đồi Tròn. Chờ cho địch rút lui, tôi và anh Loan khẩn trương vượt đỉnh đồi tụt xuống dốc một đoạn. Khi thấy bên kia suối có tiếng động, không hiểu quân dù hay đại đội 2. Sau khi tôi ra ký hiệu và mật khẩu: huýt sáo hai tiếng, vỗ vào báng súng hai cái. Bên kia ra ký hiệu như vậy, đúng là đại đội hai đây rồi. Tôi truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn cho đại đội hai mau chóng hành quân chiếm lĩnh trận địa tại đồi Tròn để đánh quân dù. Tuy nhiên các ngày tiếp theo các đợt tấn công của tiểu đoàn gặp rất nhiều khó khăn.
Lịch sử trung đoàn 28 ghi: “17 giờ ngày 5 tháng 6 năm 1971, tiểu đoàn 1 tấn công trên ba hướng tây bắc, đông bắc và đông nam vào cụm địch ở đồi Tròn. Nhưng ta sử dụng chiến thuật không phù hợp, lực lượng phân tán, hiệp đồng không chặt, đánh từ xa… nên trận đánh không đạt kết quả, lại bị địch đánh chặn làm nhiều chiến sỹ thương vong… Sau một số trận vừa và nhỏ, tối ngày 14 tháng 6 năm 1971 lực lượng của ta bị tiêu hao nặng… tiểu đoàn 1 và 2, trung đoàn 28 có 268 đồng chí thương vong”.
Đúng lúc mất mát, gian khó này, tôi được bổ nhiệm làm đại đội trưởng đại đội 1. Bấy giờ cả đại đội chỉ còn mười hai tay súng.
Sau chiến dịch Xuân Hè 1971, đơn vị chúng tôi lại được lệnh hành quân về Đắk Son- Ngã ba Biên giới để củng cố, huấn luyện. Đại đội 1 được bổ sung thêm quân số, cả đơn vị có 95 đồng chí. Trong thời gian huấn luyện này, đại đội 1 chúng tôi vinh dự được đồng chí Vũ Đình Thước, trung đoàn phó trực tiếp chỉ đạo. Tôi nói với các đồng chí trong chi ủy và ban chỉ huy đại đội (Tôi là Đại đội Trưởng, anh Dinh là chính trị viên, anh Bê là Đại đội Phó, anh Chương là Chính trị phó) coi đây là thời cơ để củng cố đơn vị. Chúng tôi phân công từng người đi sát các trung đội, tiểu đội để động viên tổ chức bộ đội huấn luyện tốt.
Có lần, sau bữa cơm chiều đạm bạc (nói là cơm nhưng chủ yếu là sắn và măng rừng), trung đoàn phó Vũ Đình Thước hỏi tôi:
         - Đồng chí đánh giá kết quả huấn luyện đợt này như thế nào?
Tôi nghĩ đây là câu hỏi không chỉ nhằm đánh giá trình độ kỹ chiến thuật của bộ đội mà đồng chí chỉ huy còn muốn hiểu rõ vai trò của cán bộ đại đội chúng tôi thế nào. Vừa rót nước cho trung đoàn phó, tôi vừa trả lời:
- Báo cáo thủ trưởng. Đây là đợt huấn luyện tương đối dài và bài bản hơn trước, nhất là chiến thuật chiến đấu trong đội hình hợp đồng binh chủng. Đặc biệt lần này có sự chỉ đạo, uấn nắn sát sao của thủ trưởng nên ý thức trách nhiệm, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ được nâng cao hơn, hăng hái hơn.
Trung đoàn phó Thược chiêu ngụm nước lá rừng, thong thả nói:
- Tôi thấy anh em đại đội 1 có nhiều cố gắng, từ việc chuẩn bị học cụ, thao trường đến chấp hành giờ giấc. Tuy nhiên, tôi cũng thẳng thắn nói với các đồng chí rằng so với yêu cầu của chiến dịch sắp tới thì chưa đạt. Đại đội 1 phải luôn xác định mình là đại đội chủ công của tiểu đoàn và sẽ làm nhiệm vụ khó khăn nhất của chiến dịch. Do đó các đồng chí cần phải học tập rèn luyện tốt hơn nữa.
Qua cuộc trò chuyện với Trung đoàn phó Vũ Đình Thước, tôi nhận thấy Đảng ủy và thủ trưởng Trung đoàn rất quan tâm và đặt niềm tin lớn vào đại đội 1. Nhiệm vụ của đại đội tôi trong chiến dịch sắp tới rất quan trọng và đầy thử thách, đòi hỏi cán bộ chiến sĩ trong đơn vị cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa mới hoàn thành được.
Ngày 20 tháng 2 năm 1972, đại đội 1 trong đội hình của tiểu đoàn thêm lần nữa tạm biệt Đắk Son lên đường đi chiến dịch. Sáng ngày 24 tháng 4, trung đoàn 66 và các đơn vị tăng cường hợp đồng binh chủng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm 42, giải phóng Tân Cảnh, kéo theo sự sụp đổ mau lẹ toàn bộ khu vực phòng thủ bắc tỉnh Kon Tum của địch. Đại đội 1 trong đội hình của tiểu đoàn 1 làm nhiệm vụ cắt đường 14, tiêu diệt và bắt tù binh, chặn đánh các cuộc hành quân lấn chiếm phản công của địch. Tiếp đó đại đội tôi được lệnh di chuyển về chốt tại Tân Cảnh nhằm bảo vệ khu vực này và sẵn sàng đánh địch đổ bộ bằng đường không.
Chúng tôi được tăng cường thêm quân. Thêm một tay súng lúc này là quý lắm. Ban chỉ huy ngoài tôi là đại đội trưởng còn có thêm anh Dinh là chính trị viên, anh Chương là chính trị viên phó, anh Bê là đại đội phó. Chúng tôi ráo riết luyện tập đánh máy bay đổ bộ, lập các phương án tác chiến đánh địch đổ quân xuống Tân Cảnh, Đắc Tô, sân bay… Ngoài ra còn hợp đồng với đại đội ĐKZ để huấn luyện đánh chiếm lô cốt đầu cầu, đánh chiếm thị xã thành phố.
Thủ trưởng tiểu đoàn phổ biến với tôi: hiện nay địch đang cuồng vọng mở các cuộc phản kích ra vùng giải phóng mới, hội nghị Pari về Việt Nam thì đang lâm vào bế tắc do sự ngoan cố của Mỹ. Là người lính, hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ kết quả đàm phán phụ thuộc  rất nhiều vào cục diện chiến trường. Mỗi chiến thắng của quân và dân ta ở Việt Nam đều có tác động đến các bên ở bàn đàm phán. Ngoài những nhiệm vụ đã được giao, chúng tôi còn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cơ động tiêu diệt địch lấn chiếm vùng giải phóng. Có hôm, chúng tôi đang huấn luyện thì thấy một tốp máy bay phản lực A37 bổ nhào ném bom cầu Diên Bình. Tôi thấy máy bay rất thấp nên ra lệnh cho anh em dùng súng bộ binh bắn. Một chiếc trúng đạn chao đảo và bay về phía đông. Anh em nhìn máy bay cháy vỗ tay hò reo.
Đại đội 1 đang khẩn trương huấn luyện thì đồng chí Tuyên, chính trị viên phó Tiểu đoàn đến truyền đạt mệnh lệnh: Hiện nay, địch đang tập trung quân tại khu vực Bắc Võ hòng chiếm lại vùng mới giải phóng của ta. Đại đội 1 của ta phải khẩn trương hành quân chiếm lĩnh trận địa để cùng với tiểu đoàn 1 của trung đoàn 28 đánh tiêu diệt tiểu đoàn 1 của trung đoàn 45 Ngụy. Để giữ bí mật, đại đội 1 phải tổ chức hành quân đêm.
5 giờ chiều ngày 24 tháng 1 năm 1973 lệnh hành quân được phát ra. Trong bóng hoàng hôn dần dần buông xuống trên thung lũng Bắc Kon Tum, đoàn quân giải phóng súng đạn nặng trĩu nhằm hướng Võ Định tiến bước. Những tia nắng cuối cùng trong ngày tắt dần trên dãy núi mờ xa, chim chóc đã về tổ, đêm cao nguyên im ắng lạ thường. Gần 12 h đêm, đại đội tôi đã có mặt tại Bắc Võ Định. Đơn vị bắt tay vào chiếm lĩnh trận địa như kế hoạch tác chiến đã vạch ra.
  Trước khi theo dõi tiếp câu chuyện của tôi, thiết nghĩ cũng nên để bạn đọc biết đôi chút về cục diện chiến trường lúc này qua mấy dòng lịch sử của trung đoàn 28: “Ngày 25 tháng 1 năm 1973, địch đã dùng 45 lần chiếc máy bay trực thăng đổ bộ trung đoàn 45 xuống Đắk Tin (Đông bắc Võ Định 3 km) nhằm bất ngờ đánh vào phía sau lưng ta, yểm trợ cho tiểu đoàn 2, trung đoàn 44 ở Kon Trang Lăng Loi. Ngày 26 địch đổ bộ tiếp tiểu đoàn 1 trung đoàn 44 xuống Đắk Vát (Tây Nam Võ Định 5km)….(trang 151)
Có vẻ như địch đã đánh hơi được ý đồ của chúng ta hay sao mà máy bay và pháo lớn của chúng bắn phá dữ dội vào trận địa của chúng tôi. Ngay tối hôm đó và cả ngày hôm sau, tôi cho anh em đi nắm địch và làm công sự khẩn trương. Sáng ngày 26, tôi và anh Dinh chính trị viên đại đội được Tiểu đoàn gọi lên giao nhiệm vụ. Vượt qua một quả đồi nhỏ là đã đến hầm chỉ huy Tiểu đoàn. Anh Tuyên chính trị viên phó cùng các đồng chí tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn đang chờ sẵn. Anh  Tuyên nhìn tôi nói ngay:
- Sao mặt mày hốc hác thế? Chắc tối hôm qua không ngủ được chứ gì? Mà chắc chưa ăn uống gì, đúng không? Anh vừa nói vừa đưa cho tôi hai cốc lương khô đã pha sẵn- hai đồng chí ăn đi rồi chúng ta cùng bàn việc…
Đợi chúng tôi ăn xong, anh Tuyên trải rộng tấm bản đồ chiến sự ra trên bàn, chỉ tay vào các vị trí đóng quân của địch và của ta. Như vậy, đối mặt với đại đội 1 của ta là tiểu đoàn 1, trung đoàn 45 địch bố trí trên hai quả đồi cách chúng tôi chỉ 200 mét. Đây là khu rừng le và theo tin trinh sát thì sáng nay địch sẽ chiếm trận địa. Vì thế ngay bây giờ, đại đội 1 chuẩn bị đánh địch nống ra, tôi đề xuất với chính trị viên phó tiểu đoàn:
- Sáng nay, tôi đề nghị pháo binh ta bắn mạnh vào đội hình địch nhằm tiêu hao sinh lực chúng. Vì địch mới hành quân đến, công sự chưa vững chắc. Lúc pháo binh bắn, đại đội 1 cho nổ mìn định hướng phát quang nhằm phát hiện mục tiêu diệt giặc.
Nghe tôi nói, anh Tuyên gật đầu:
 - Mặt trận chi viện cho ta một khẩu pháo 120 ly, trung đoàn có 3 khẩu pháo 82 ly và ba khẩu 12 ly7. Đúng 7 giờ 30 phút thì pháo bắt đầu bắn. Ngay bây giờ, các đồng chí về xây dựng các phương án đánh địch theo các hướng, kiểm tra bộ đội, đảm bảo bí mật, tổ chức canh gác chặt chẽ, đánh thắng giặc ngay trận đầu.
Tôi và anh Dinh rời chỉ huy sở Tiểu đoàn lúc 6 giờ 30 phút. Như vậy còn 1 giờ nữa cuộc chiến đấu sẽ bắt đầu. Hai chúng tôi cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh về đơn vị. Tôi với anh Dinh, anh Chương, anh Bê hội ý và phân công từng đồng chí đi sát kiểm tra các trung đội. Tôi và đại đội phó Bê cùng anh Châu trung đội phó, đồng chí Đăng tiểu đội trưởng, đồng chí Phúc liên lạc lên ngay hầm cảnh giới. Trong đó phảng phất mùi thuốc lá thơm của địch. Chúng đang ở rất gần chúng tôi. Tôi cho anh em gài hai quả mìn định hướng ĐH.10 ngay trước hầm cảnh giới. Tôi nói với anh Châu: lúc nào pháo ta bắn thì cho nổ mìn để phát quang cây và khi địch xung phong lên thì dùng hỏa lực tiêu diệt chúng.
Gần 7 giờ sáng. Pháo địch từ Kon Tum bắn tấp cập vào trận địa đại đội 1, cây cối đổ ngổn ngang, khói bụi bay mù mịt. May thay do đêm qua bộ đội làm công sự khá cẩn thận nên thương vong cũng ít. Mười lăm phút sau, tôi nghe có tiếng chặt cây phía trước, mỗi lúc một gần. Địch bắt đầu lên- tôi nói với anh Châu và điện về phía tiểu đoàn báo tình hình. Chờ chúng nó vào gần mười mét mới điểm hỏa- tôi nói tiếp với anh Châu. Tốp lính đi đầu đã lấp ló dưới những lùm cây. Cách đánh nhau như thế này thì mình cần giành thế chủ động, chớp cơ hội để tiêu diệt sinh lực địch. Hình như bọn nó cũng phát hiện ra chúng tôi nên vội nằm bẹp xuống, bắn như vãi đạn, rồi lại tiếp tục tiến lên. Cũng có thể là một cách tiến công theo cách đánh uy hiếp của chúng. Đến khi tốp lính đi đầu hiện rõ mặt, tôi mới ra ám hiệu cho anh Châu điểm hòa. Hai tiếng nổ xé trời vang lên, khói bụi mịt mù. Một vệt dài rộng như đường ôtô hiện ra với hàng chục xác lính nằm rã rạp trên đó. Đúng lúc, pháo ta lên tiếng nhưng chẳng hiểu các bố pháo binh căn chỉnh thế nào hai quả đầu nổ rất gần trận địa chúng tôi. Nguy hiểm quá, may mà chúng tôi không bị thương, tôi nhanh chóng gào to vào máy điện thoại: “Pháo bắn vào đội hình C1 rồi, bắn tiến lên mười lăm, hai mươi mét đi” – tôi ra sức nói to và rõ ràng để cho mọi người nghe thấy và định được hướng bắn của pháo, lúc này mọi việc trở nên căng thẳng và nguy hiểm vô cùng, chỉ cần lùi lại một chút thôi là chính quân ta bắn quân mình mất rồi… Ngay sau lời tôi nói chừng vài dây, tôi đã nghe tiếng pháo của ta bắn liên tục vào trận địa địch, chúng tôi nghe rõ tiếng kêu la thảm thiết của lính giặc, chúng như đang giãy giụa trong cái chết thảm hại. Từ đó cho đến chiều, địch tấn công lên trận địa đại đội 1 tám lần nhưng chúng đều bị ta chủ động đánh bật. Anh em chúng tôi căng mắt và tập trung cao độ mọi việc, tất cả đều không thể lơ là được lúc này, đội hình trực chiến liên tục, phải dốc sức và cẩn trọng.  Mặc dù ai cũng mệt mỏi nhưng không ai buông tay. Có lẽ cũng vì cái khí thế tiến công của ta đang trên thế thắng nên càng làm cho các chiến sĩ hăng hái chiến đấu.
Bị thất bại liên tiếp, địch phải cho máy bay và pháo lớn bắn dồn dập vào trận địa chúng tôi. Một quả pháo nổ trúng hầm, chính trị viên Dinh hy sinh cùng một số đồng chí khác. Trong ngày đầu tiên có 80 tên địch bị chết và đại đội tôi có 15 đồng chí bị thương vong. Đó là một con số mà lực lượng của quân ta hy sinh ít so với lực lượng địch. Nghệ thuật đánh đúng chiến thuật của đồng chí Hoàng Minh Thảo  truyền cho chúng tôi thật có ý nghĩa khi áp dụng đối với trận đánh này.
Đêm. Không gian sặc sụa mùi khói bom, khói đạn, mùi máu. Mệt rã rời nhưng chưa phải lúc xả hơi, ngơi nghỉ. Mặc dù mặt mũi và chân tay đã phờ phạc và rệu rã, tôi cố gắng chỉ đạo cho các trung đội tiếp tục củng cố, làm thêm công sự tránh phi pháo và chuẩn bị tinh thần ngày mai đọ sức với địch. Chỉ cần lỏng lẻo và trong lúc sức lực bị hao hụt đi, nếu không cố gắng thì địch sẽ chớp cơ hội mà đánh thắng ta ngay lập tức. Pháo địch vẫn ùng oằng bắn không ngớt vào khu vực đại đội tôi. Tôi lại thêm một đêm thức trắng.
Ngày hôm sau, 27 tháng 1, bọn địch mở thêm nhiều cuộc tấn công lên trận địa ta nhưng đều bị đại đội 1 đánh chặn. Cái điệp khúc máy bay ném bom pháo lớn bắn tới- bộ binh tấn công cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và kết cục nhức nhối xảy ra là máu hai bên phải đổ xuống nhiều hơn. Đại đội tôi lại thêm những mất mát. Gần trưa, anh Bê đại đội phó hy sinh. Tôi phân công anh Chương làm tốt công tác thương binh tử sỹ, tổ chức vận chuyển vũ khí cho bộ đội. Tôi, anh Châu, anh Đăng chỉ huy đơn vị bám sát địch, sẵn sàng đánh trả chúng. Mỗi người một nhiệm vụ và trách nhiệm lớn lao trên vai. Chúng tôi nói với nhau: “Còn người thì còn trận địa, quyết chiến đấu đến cùng.” Giữ vững trận địa, giữ vững vùng giải phóng là mệnh lệnh, là danh dự của người chiến sĩ đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 28.
Cuộc chiến đấu tàn khốc không cho phép tôi nghĩ ngợi gì nhiều ngoài cái điều phải làm sao thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao cho đơn vị. Tôi biết Đảng ủy và thủ trưởng Trung đoàn, tiểu đoàn đặt lòng tin vào đại đội 1 rất cao. Nhiệm vụ chặn địch ở đây là nhiệm vụ quan trọng và cực kì gian khó nguy hiểm. Cấp trên giao cho chúng tôi cũng có nghĩa là chọn mặt gửi vàng. Cây có cứng mới đứng đầu gió, tôi cảm nhận khá rõ điều đó với tự hào âm thầm về truyền thống đại đội 1 của mình. Trách nhiệm lớn lao ấy khiến chúng tôi càng phải nỗ lực hơn. Việc chặn địch của đại đội 1 chúng tôi bước đầu gây cho địch những hoang mang dao động trong những hướng tiến công tiếp theo.
Tôi bảo đồng chí Phúc liên lạc đi kiểm tra các đơn vị chiến đấu trong đại đội cùng tôi. Công sự của ta qua các đợt bắn phá máy bay, pháo lớn giặc bị sạt lở, nhiều chỗ đang được bộ đội củng cố đào lắp lại. Cuộc chiến mấy hôm qua tuy ác liệt nhưng anh em ta vẫn vững vàng. Tôi động viên cán bộ chiến sỹ sẵn sàng chiến đấu nếu kẻ thù tấn công. Nhưng một điều không may đã xảy ra, trong khi tôi và Phúc chạy từ hầm đồng chí Châu sang hầm đồng chí Chương thì một quả đạn M79 của địch bất thần bắn tới nổ sát hai người. Tôi và Phúc đều bị thương. Tôi cảm thấy choáng váng đau ở lưng và đôi chân tê dại không bước được. Tôi đang định lết đi thì Phúc đã đến xốc tôi lên lưng cõng xuống hầm anh Chương. Thương anh Phúc quá, cậu ấy cũng đang bị thương thế mà đã nén nỗi đau đưa tôi xuống hầm một cách nhanh chóng. Tình đồng đội nơi chiến trận đẹp đẽ và cao cả lắm, nói bao nhiêu cũng không hết được. Vì đồng chí, họ sẵn sàng chia lửa cho nhau, tự nguyện gánh những khó khăn về phần mình, nhường thuận lợi cho bạn và trong nguy nan dám xả thân cứu đồng đội. Bài học về tình đồng chí tôi được học từ chính những cuộc chiến đấu mà tôi đã trải qua, từ chính những chiến hào đánh giặc, không phải là những lời giáo huấn sang sảng mà bằng những hành động, nghĩa cử rất cụ thể của người lính cách mạng.
Trong căn hầm dã chiến ám đầy mùi khói đạn, anh em băng bó cho tôi. Tôi cũng không còn cảm nhận được mình bị thương ở đoạn nào nữa vì chỗ nào cũng thấy đau nhức và toàn thân tê dại. Tôi đoán có lẽ mình đã bị thương vào cột sống nên không thể di chuyển được, tôi nói với anh Chương đi kiểm tra bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Không có người chỉ huy lúc này cũng thật nguy hiểm, tôi bị thương mà chẳng yên lòng. Cũng may là từ đó đến chiều, tình hình chiến sự đỡ căng thẳng hơn, các đợt tấn công của địch thưa thớt hẳn và giảm sự quyết liệt. Lực lượng địch cũng   bị suy giảm và hao hụt đi nhiều nên không thể hung hăng như trước được. Đến khi đồng chí Tuyên, chính trị viên phó Tiểu đoàn đến đại đội 1, thấy tôi không thể đi lại được thì ra lệnh cho anh em cáng tôi ra tuyến sau. Giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội cho anh Chương, anh Châu, anh Đăng. Nằm trên băng ca rồi, tôi vẫn chần chừ không muốn rời xa mọi người, rời xa trận địa vì tôi biết cuộc chiến đấu vẫn còn đang tiếp tục, hơn nữa với những cách đánh và phong độ, lực lượng của ta như mấy ngày qua đã tiêu diệt được khá nhiều sinh lực địch. Những thắng lợi dù còn rất nhỏ so với cuộc chiến nhưng đã có tác dụng khích lệ tinh thần chiến đấu của anh em hơn. Ở bất cứ mặt trận nào cũng phải cố gắng hết sức mình. Tôi lo lắng khi mình rời xa trận đánh này, mặc dù đã có các anh chỉ huy đại đội khá vững vàng. Tôi thấy tiếc và chẳng còn cách nào khác là phải điều trị, không thể để kéo dài. Trước khi đi, tôi chỉ biết nắm tay đồng đội, động viên mọi người cùng nhau sát cánh với trận đấu. Khi vết thương lành, tôi sẽ mau chóng trở về và tiếp tục chiến đấu. Các anh cũng căn dặn tôi yên tâm lo chữa trị vết thương, trận địa đã có các anh chỉ huy và chiến đấu hết mình. Tôi vào viện mà thương các anh và đồng đội của mình quá. Không biết khi vết thương lành, tôi trở về có còn gặp lại đầy đủ các anh hay không nhưng hiếm hoi lắm, các anh nói để cho tôi vững tin chữa trị vậy thôi, trận đánh nào chẳng có hy sinh.
Tôi được anh em đưa vào trạm phẫu thuật tiền phương đóng gần chỉ huy sở Tiểu đoàn. Đã 6 giờ tối. Bóng đêm đang buông dần xuống. Không còn nghe tiếng rú rít, ùng oàng của bom đạn nữa, một không gian yên ắng, tĩnh mịch đến nghi ngờ. Sự im lặng càng khiến tôi lo lắng cho đồng đội của mình trong trận mạc nhiều hơn, có lúc trăn trở, tôi cựa mình đau nhói, nước mắt ứa ra. Tôi ngỡ như mình đang nằm ở một nơi nào đó rất xa mặt trận, rất xa chiến tranh. Trong lúc đang mơ mơ màng màng thì có người tới. Hóa ra là anh Tuyên. Cầm tay tôi, anh Tuyên nói: “Hội nghị Pari về Việt nam đã được ký kết trưa nay. Tám giờ sáng ngày mai sẽ có hiệu lực.” Tôi bật kêu lên: “Vui quá, sướng quá”. Tôi muốn bật dậy ôm lấy anh Tuyên nhưng đau quá không ngồi lên được, đành nằm nguyên một chỗ, miệng hít hà: Sướng quá anh Tuyên ơi, hòa bình rồi! Tôi và anh Tuyên đang trò chuyện thì Đài tiếng nói Việt Nam vang lên ca khúc: Việt nam. Trên đường chưng ta đi. Nhạc Huy Du, thơ Xuân Sách, do nghệ sĩ Doãn Tần trình bày:
Việt Nam. Trên đường chúng ta đi.
Nghe gió thổi đồng quê ta đó.
Nghe sóng biển âm vang xa tận tới chân trời.
Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước, mà vui sao ta chẳng nói nên lời.
Dặm đường xa ta đi giữa mùa xuân.
Ta đi giữa tình thương của Đảng.
Tiếng Bác Hồ  rung động mãi trái tim.
 Đường ta đi ánh lửa soi đêm dài.
Đường ta về trong nắng ấm ban mai.
Việt Nam! Việt Nam!
Qua từng bước gian nan, lớn lên rồi đẹp những mùa xuân.

Với những người lính trận như chúng tôi có niềm vui nào lớn hơn khi đất nước được thanh bình! Tuy nhiên phải mất hơn hai năm sau đó, năm 1975 đất nước mới được giải phóng hoàn toàn, giang sơn thu về một mối nhưng ở vào thời điểm này, tin Hiệp định Pari được ký kết cũng đã làm cho chúng tôi nức lòng. Anh Tuyên chia vui với tôi và cho tôi biết nơi tôi bị thương là ranh giới giữa ta và địch. Anh thay mặt chỉ huy tiểu đoàn biểu dương đại đội 1 trong chiến dịch vừa qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững trận địa, đánh thiệt hại một tiểu đoàn và động viên tôi an tâm điều trị, chóng bình phục để sớm về đơn vị. Tôi phấn chấn hẳn lên, những vết đau như tan biến đi đâu cả. Tôi muốn mình khỏi thật nhanh để viết thư về thăm gia đình và thông báo tin vui ấy. Trước sau thì Thoa của tôi và gia đình cũng biết nhưng điều quan trọng nhất là sự trở về của tôi khi chiến tranh kết thúc. Ở nhà chắc ai cũng đang mong ngóng tin tôi nhiều lắm.
Tôi được chuyển đến bệnh viện 211. Các bác sĩ cho mổ vết thương của tôi nhưng chỉ lấy được hai mảnh đạn, còn hai mảnh khác lọt vào chùm dây thần kinh không lấy ra được. Khi ấy tôi lo lắng lắm. Sợ nhất là những khi trở trời, vết thương tái phát thì vô cùng đau đớn. Các bác sĩ dặn tôi phải luyện tập kiên trì, nếu không sẽ không đi lại được. Tôi nhủ thầm: “Phải cố gắng luyện tập, dù khó khăn và đau đớn đến mấy”, có những căn bệnh cùng với những toa thuốc có thể khỏi ngay nhưng có những căn bệnh phải điều trị suốt cả cuộc đời như thế. Trong những ngày này, hình ảnh Thoa lại hiện lên trước mắt tôi rõ hơn bao giờ hết. Gương mặt tròn, nước da trắng mịn, đôi mắt đen lay láy của em luôn gần kề bên tôi. Hình ảnh em trong ngày  tiễn tôi đi bộ đội làm sao tôi có thể quên được, những giọt nước mắt của tình yêu em dành cho tôi thật quý hóa, những bức thư em viết cho tôi, tôi đã không giữ lại được nhưng luôn hiện lên trong đầu tôi. Lúc này đây, gặp tôi, chắc em sẽ ôm lấy mà òa khóc... Cũng đã là một khoảng thời gian lâu rồi, không biết em chờ đợi tôi không? Có lẽ em lo lắng cho tôi từng ngày, chiến tranh đã không cho phép tôi nhận được thư em, nhưng tôi tin rằng trái tim em luôn dành cho tôi, luôn hướng về tôi. Khi biết Hiệp định Pari được ký kết, trong lòng tôi trào dâng và cảm giác sắp được về bên em như đang đến gần, tôi mong từng ngày, từng giờ. Tôi tin là Thoa cũng mong mỏi tôi như vậy.. Có đêm tôi mơ thấy Thoa thì thầm bên tai tôi, giọng nhỏ nhẹ: Anh ơi. Cố lên nhé, anh còn trẻ, cuộc đời còn dài lắm. Có lần tôi lại mơ thấy em đến bên tôi, nhưng nét mặt rất buồn và quần áo ám đầy mùi thuốc khói bom. Thoa chỉ nhìn tôi và không nói gì cả, nước mắt chảy dài. Tôi bật dậy, người nôn nao, cảm giác cô đơn khó tả. Em cứ chợt ẩn chợt hiện trong những giấc mơ của tôi. Đêm khác, tôi lại mơ thấy tôi và Thoa cùng ngồi trên chiếc thuyền trôi theo dòng sông Lam, Thoa khe khẽ hát một bài gì đó không rõ lời, ngân nga như hòa cùng mây trời, bất chợt một con sóng ào tới hất em xuống nước. Tôi hét lớn, lao xuống nước để cứu em nhưng con sóng đen ngòm đã hút em biến mất. Tỉnh dậy, mồ hôi ướt đầm đìa, nỗi lo lắng chiếm hết lòng dạ tôi. Lạ quá, tại sao mình lại có những cơn ác mộng như thế, hay Thoa gặp chuyện gì không may? Không. Thoa của tôi nhất định không làm sao, em vẫn đợi tôi về. Ở hiền sẽ gặp lành!
Sau mấy tháng kiên trì luyện tập, cuối cùng tôi đã thập thững đi lại được. Thở phào vì cái án nằm ngồi một chỗ tù túng vô kể, giống như người bị mất đi tự do trong vài tháng. Tôi thấy người khỏe khoắn hơn lên. Bác sĩ quyết định cho tôi ra Bắc để tiếp tục điều trị. Vào một ngày cuối năm 1973, anh Tuyên và một số đồng chí nữa vào thăm và trao giấy ra hậu phương cho tôi. Anh Tuyên nhìn tôi thân thiết, nói:
- Đảng ủy và chỉ huy tiểu đoàn đánh giá cao vai trò chỉ huy của em đối với đại đội 1. Chúng tôi rất tin tưởng Biểu, nếu như em không bị thương nặng lần này thì sẽ được đơn vị giao nhiệm vụ quan trọng hơn…Anh Tuyên vừa biểu dương vừa trao quyết định số 199/QDKT ngày 20.7.1973 của Bộ Tư Lệnh mặt trận tặng thưởng tôi Huân chương chiến công giải phóng hạng 3 vì đã có thành tích xuất sắc trong trận đánh cắm cờ ở Võ Định vừa qua.Tôi nằm viện mà vẫn được mọi người thăm hỏi ân tình chu đáo, những thành tích của tôi cũng được ghi nhận xứng đáng. Cầm quyết định tặng thưởng Huân chương, tôi hồi họp, vui sướng:
- Xin cảm ơn anh. Thật là vinh dự cho em. Nhưng đây cũng là thành tích chung của đại đội 1. Anh cho em gửi lời cảm ơn Thủ trưởng và đơn vị. Chúc các Thủ trưởng và đơn vị mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
Chẳng biết nói gì hơn, tôi cảm ơn các anh, những chỉ huy và đồng đội đã giúp tôi trưởng thành mau chóng. Từ một cậu học trò non nớt, tôi trở thành người lính giải phóng và người cán bộ quân đội dạn dày trận mạc, được chỉ huy đồng chí tin cậy. Tây Nguyên, mấy năm tôi gắn bó sống chết với mảnh đất dữ dội này, gặt hái được nhiều bài học làm người. Đó là: phải biết sống và chết vì Tổ quốc thân yêu, vì tự do của dân tộc, cái điều ngỡ như cao siêu đó lại là cái giản dị, đẹp đẽ nhất của một đời người. Nó đã giúp tôi vượt qua được nỗi sợ hãi, vượt lên mình để dám đối mặt với hiểm nguy, với cái chết bất kể hoàn cảnh nào. Tôi sắp phải xa Tây Nguyên, xa những cánh rừng già bí ẩn, xa những dòng sông lắm thác ghềnh, xa mảnh đất đầy vết tích bom đạn chiến tranh và đồng đội của tôi- những người lính dũng cảm, trung thực, chân tình…
Bao giờ, bao giờ mới được trở lại Tây Nguyên, trở lại đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 28 thân thiết? Đồng đội của tôi sẽ chiến đấu ra sao những ngày sau đó, rồi ai còn và ai hy sinh? Đã có biết bao nhiêu đồng đội tôi nằm lại suốt dọc chiến trường này, hôm nay ở đây, ngày mai lại hành quân đi nơi khác, có đồng đội chỉ kịp thắp nén hương lúc mai táng rồi không có dịp trở lại nữa. Những cảm xúc vui buồn khó tả cứ dội về thành những dòng ký ức hiện mãi trong tâm trí tôi một cách dùng dằng, níu kéo xiết bao. Khi ở chiến trường thì mong được trở về thăm quê hương, nhưng khi chuẩn bị rời xa mảnh đất này thì mới hay cảm xúc của mình đã gắn chặt với nó như thế nào. Ở đây tôi còn có nhiều đồng đội, đồng chí, anh em chỉ huy, những lúc sống chết bên nhau cùng san sẻ nắm cơm, hớp nước, băng bó vết thương cho nhau, ai có thể dễ dàng quên được. Những việc làm và hành động đó cứ mãi lưu lại trong trí nhớ tôi một cách sâu đậm.    
Tôi những muốn bay ngay về miền Bắc để hít thở đến căng lồng ngực ngọn gió sông Lam phóng khoáng đa tình muôn thuở, để thắp cho song thân một nén hương, để gặp lại các chị, các em, gặp bà con làng Ngũ Phúc và để được gặp Thoa mến thương vô cùng của tôi.  
Cuối cùng ngày chia tay cũng đã đến. Người ra Bắc, người ở lại Tây Nguyên bùi ngùi xúc động. Dòng nước mắt nóng hổi chảy dài trên má tôi, mặn chát như muối của cuộc đời người lính. Chiến tranh như một điều gì đó níu tôi ở lại, tôi cũng gắn bó với chiến trường khá lâu, dường như đây là ngôi nhà mà tôi đã trưởng thành hơn, tất cả đều như anh em một nhà. Vậy thì, khi xa sao mà không thương, không nhớ!
                                                 *
                                       *             *

Mãi nhớ, lúc hành quân từ miền Bắc vào Tây Nguyên chúng tôi phải đi gần hai tháng. Hai tháng trèo đèo lội suối xuyên Trường Sơn vô cùng gian nan vất vả và nguy hiểm như tôi đã kể ở phần trên. Bây giờ từ Kon Tum ra Bắc, chúng tôi được đi bằng ô tô. Tuy đường còn xấu, xe xốc, bụi quấn mù mịt nhưng thời gian chỉ mười ngày. Chúng tôi bị thương cũng thấy đỡ đi phần đường xa và mệt nhọc. Thế là sung sướng và hạnh phúc lắm rồi. Tôi ngồi trên xe mà hồi hộp nghĩ đến khi trở về nhà với bà con quê hương, thấm thoát cũng gần chục năm rồi. Tôi tưởng tượng đến cảnh gia đình tôi và gia đình Thoa sẽ tràn ngập niềm vui khi thấy tôi trở về, mọi người sẽ không tin mắt mình, sẽ tha hồ mà sờ nắn lên người tôi khi thấy tôi còn nguyên vẹn trở về, đó là niềm vui nhất rồi. Họ vây quanh tôi và hỏi chuyện chiến đấu một cách vui vẻ. Mọi người muốn tôi kể chuyện đánh thắng quân thù và những gian khổ mà cánh lính chúng tôi đã trải qua. Đến thành phố Vinh, chúng tôi được phát quân trang, tiền tiêu vặt. Lúc này đã là 28 tháng chạp âm lịch. Không khí tết đã lâng lâng. Lâu lắm rồi, tôi không được đón cái tết cùng với gia đình kể từ ngày lên đường nhập ngũ. Tôi trở về đúng dịp tết như thế này, gia đình tôi vui lắm. Chúng tôi ai cũng vui hết cỡ khi được người phụ trách thông báo anh em được về ăn Tết với gia đình, đến mùng bốn tháng Giêng có mặt ở đoàn an dưỡng 235 quân khu Việt Bắc.
Ăn tết với gia đình! Thử hỏi đối với người lính trận bôn ba, nay đây, mai đó, ăn bụi ngủ bờ, bom đạn tơi bời như chúng tôi có hạnh phúc nào lớn hơn, cảm động hơn là được đón xuân với người thân trong một mái nhà? Mấy năm  biền biệt, tôi sẽ được tận hưởng giây phút đặc biệt thiêng liêng từ năm cũ chuyển sang năm mới trong ngôi nhà yêu dấu của mình. Chẳng là mấy năm qua, bộ đội năm nào đón tết cũng vào những thời điểm nguy kịch nhất, cũng có những hương vị ngày tết nhưng làm sao được no đủ và  thoải mái như ở nhà? Chẳng có ai nghĩ rằng tết sẽ được vui được chơi. Giao thừa, đoàn viên đang chờ đón tôi ở phía trước. Các chị ơi, em sắp được gặp lại gia đình ta rồi! Các em ơi, đừng khóc nhé khi anh trai của các em bước vào sân nhà mình! Và Thoa ơi, chỉ còn ít thời gian nữa thôi, anh sẽ được gặp em, sẽ được ôm chặt em vào lòng sau muôn trùng xa cách thương nhớ đến quặn lòng. Em đừng vui quá mà khóc đấy nhé. Có lẽ khi anh trở về, em sẽ bất ngờ và vui lắm phải không? Anh không muốn báo trước cho em biết vì muốn dành cho em một sự bất ngờ. Chúng mình sẽ rất vui khi xin phép hai bên gia đình đi lại. Giờ thì anh đã về bên em rồi, em không còn lo và sợ mất anh nữa nhé. Em sẽ dẫn anh sang nhà em đi chào họ hàng và giới thiệu với từng người, anh cũng vậy, em đừng đỏ mặt đó nghe. Có lẽ moị người  cũng đang chờ đợi đám cưới của chúng mình đấy, nhất là các bạn học cùng lớp, em không còn phải giữ ý, giữ tứ khi đi bên anh nữa. Anh mong được gặp em lắm, ngần ấy năm chờ đợi rồi…
Nhưng mà chàng lính trận bụi mặn mòi ạ, trước hết mi phải gột rửa mùi bom đạn và tân trang lại mình một chút. Lính tráng thì lính tráng, nhưng hòa bình rồi cũng phải đàng hoàng tươm tất. Thế này nhé, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đi cắt tóc, cạo râu, gội đầu cho sạch sẽ thơm tho. Kế tiếp là lấy bộ quân phục mới nhất mặc vào. Anh sợ rằng khi đứng trước em, em sẽ chê anh già và xấu đi, em sẽ tính sao khi thấy anh gầy hơn rất nhiều so với ngày nhập ngũ. Phải rồi, mình đã qua bao nhiêu vất vả, khó khăn, bao nhiêu hy sinh, mất mát, máu đào đã chảy bao nhiêu rồi…làm sao không gầy gò được. Em sẽ không phải lo lắng cho anh nhiều nữa đâu. Và dù sao trong những ngày tới, chúng mình cũng chuẩn bị làm đám cưới rồi, em tha hồ mà chăm sóc cho anh nhé. Tân trang lại mình cho đỡ bị cũ, sau đó tôi ghé chợ mua ít bánh kẹo, thuốc lá và quà để tặng người thân. Tôi mua cả ít hoa quả để về thắp hương cho Cha. Tự nhiên tôi thấy sống mũi cay sè, ngày tôi đi Cha đứng lặng im bồi hồi tiễn tôi, Cha ôm chặt tôi vào lòng mong cho tôi những điều bình an. Vậy mà hôm nay tôi trở về thăm nhà thì Cha đã không còn nữa. Tôi không nghĩ rằng, cái đêm trước ngày tôi chuẩn bị lên đường  ấy lại là lần cuối cùng tôi được ôm Cha trong đời. Cha ra đi khi tôi chưa làm được điều gì để báo hiếu, chưa có lúc nào Cha thanh thản lo cho mọi người trong gia đình. Tôi chưa trở về để ôm lấy Cha thì Cha đã vội ra đi. Tôi thấy trống trải quá. Tôi thấy buồn và cô đơn khi Cha không còn.
Mua xong đồ lễ cho song thân và những thứ đồ linh tinh khác, tôi cho vào balô cất kín. Bây giờ đi mua quà cho Thoa, tôi sẽ mua cho em gì nhỉ? Tôi bối rối quá chừng. Giá như có chị tôi đứng đây, có lẽ chị sẽ chọn giúp tôi những thứ này một cách khéo léo. Tôi chần chừ một lúc mà chưa nghĩ ra được, lúc này chọn mua một kỉ vật sao lại khó đến thế. Cuối cùng thì tôi quyết định tặng em chiếc khăn rằn miền Nam và một mảnh dù hoa tôi lấy được của địch từ chiến dịch Đắk Siêng. Trời đang rét, em quàng chiếc khăn này sẽ ấm áp đây. Tuy nó chỉ là chiếc khăn vải dù bình thường nhưng gắn bó với bom đạn và mang hơi ấm của tình yêu. Nó sẽ nhắc em những tháng năm anh chiến đấu trong miền Nam gian khổ. Mà giờ này Thoa đang làm gì nhỉ? Có phải em đang đi sắm tết cùng bạn bè hay đang giúp mẹ một tay gói và đun nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng? Em nhớ gói thêm bánh chưng để phần anh nữa nhé. Tết năm nay, anh về vui tết cùng gia đình và về bên em rồi. Em có thấy bồn chồn bâng khuâng không, anh đang trở về với em, người con gái mà anh yêu thương nhất trên đời này đây?
Chuyến trở về quê hương của một người lính trận như tôi quả là thật bất ngờ. Chắc chắn, cả gia đình tôi và gia đình Thoa sẽ ngỡ mình đang ở trong một giấc mơ đẹp. Tôi nghĩ thế. Và hôm nay, gia đình tôi sẽ hạnh phúc nhất làng Ngũ Phúc khi đón tôi trở về sau nhiều năm xa cách. Tôi mường tượng mình là đứa con được dân làng vui vẻ tiến đi rồi lại sung sướng đón về, dẫu rằng chiến tranh chưa kết thúc.            
Lòng hân hoan, bồi hồi, tôi dự tính: chiều nay về làng, tôi sẽ mời bà con cô bác đến uống nước chè xanh, ăn bánh kẹo. Sáng mai sẽ đi tảo mộ, thắp hương cho Cha, Mẹ tôi. Buổi chiều, không thể để lâu hơn nữa, tôi sẽ xuống nhà Thoa. Ngày 30 và mùng 1 Tết tôi sẽ xin phép gia đình Thoa đưa em đi thăm bà con. Thoa ơi, anh vẫn còn sống để trở về với em đây. Chúng mình sắp được gặp nhau và sẽ sống bên nhau mãi mãi, em nhé, tôi thì thầm nói với người mình yêu với nỗi phấp phỏng vô bờ. 
Bến xe khách đi thị trấn Nam Đàn đông chật người. Ngày giáp Tết ai cũng muốn về nhanh với gia đình, với người thân của mình. Quang cảnh bến xe có phần lộn xộn, ngột ngạt. Có hành khách mang theo cả lợn, gà, chó. Tôi chen vào mua vé, chiếc ba lô vướng vào hành khách suýt tụt khỏi vai. Vài gã thanh niên đầu đội mũ cối vây lấy tôi hỏi tới tấp: Ông anh từ Nam ra hả? Đi về đâu? Tụi em để lại vé cho? Tôi trả lời qua quýt cho xong và nhanh chóng chen vào mua vé. Ngồi trên chiếc xe cũ nát, xóc bần bật, tôi không nghĩ tới điều gì ngoài gia đình, em Thoa và làng Ngũ Phúc nhỏ bé của tôi. Qua cửa xe nhìn lại quê hương, mọi cái đều khác đi nhiều quá. Những khoảng ruộng in hình đầy hố bom, cây cối mất đi màu xanh bạt ngàn của rừng đồi, cánh đồng cũng lem nhem trơ gốc rạ. Những người dân vẫn cứ lầm lũi, một nắng hai sương lo cho đủ bát cơm, hạt gạo. Biết bao giờ đồng đội của tôi mới được trở về với gia đình như tôi. Anh em trong đó chắc cũng nhớ tôi lắm, lo cho tôi mau lành vết thương, những lời dặn dò của anh em khi chia tay khiến tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu. Thương và nhớ các anh quá. Niềm vui về quê và nỗi buồn phải xa các anh cứ pha trộn trong tôi.
Xe dừng ở bến Nam Đàn. Tôi vội vàng nhảy phắt xuống đất, cắm cúi đi thật nhanh ra bến đò. Chiếc ba lô con cóc của tôi có vẻ như nhẹ hơn. Tôi hơi nghi nghi, dừng lại để kiểm tra thì trời ạ, hai cân mì chính tôi để ở hai túi cóc đã không cánh mà bay đâu mất rồi. Chết rồi, một vệt dao rạch ngang ba lô. Mình lơ ngơ quá, chắc là mấy ông kễnh ở bến xe đi Nam Đàn nhúng tay vào rồi. Tôi mở ba lô ra, mấy gói kẹo trong đó vẫn còn, nhưng chiếc khăn dù hoa để tôi tặng em và những món quà dành cho chị, cho em, cho dì cũng mất cả. Ức quá, muốn chửi lên mấy tiếng cho hả giận nhưng nghĩ đến gia đình, đến Thoa, tôi lại bình tâm trở lại. Lòng lâng lâng như đang ở trong mơ, tôi sải bước về làng. Người lính nghèo như tôi có chút tiền mua ít quà lại còn bị cướp giật. Nhưng thôi, sự trở về của tôi mới là quan trọng.
Làng Ngũ Phúc đây rồi! Gần sáu năm đằng đẵng xa quê, giờ trở lại, tôi thấy cảnh vật đổi thay quá nhiều. Dấu tích chiến tranh khốc liệt vẫn còn hằn in trên cánh đồng làng, con đường 15A đỏ bụi. Đó là những hố bom chưa bị lấp, nằm rải rác trên cánh đồng ngô xanh mướt, lá khua xào xạc mỗi khi có cơn gió thoảng qua. Hàng cây xanh mát bên đường bị bom phạt không còn nữa. Cây đa cổ thụ ngay đầu làng giờ chỉ còn trơ lại gốc. Cảnh vật xơ xác tiêu điều, khiến tôi xót xa quặn lòng. Người dân Ngũ Phúc quê tôi vẫn trung hậu, thật thà như thưở nào. Vẫn một nắng hai sương thế mà còn phải chịu đựng biết bao bom đạn nữa. Vừa nhìn thấy tôi, các ông, các bà mừng rỡ gọi nhau ơi ới:
 - Thằng Biểu về, bà con ơi. Thằng Biểu về rồi! - Tôi có cảm giác, tôi là con, là cháu, là người thân máu mủ ruột rà của họ. Người từ trong nhà ùa ra ngoài đường ngày một nhiều. Bắt tay. Ôm. Cười. Khóc. Hỏi han:
-  Biểu ơi có khỏe không con? Biểu ơi, có bị sứt mẻ chi không cháu? Thôi giữ được cái đầu về làng là mừng rồi mày ạ. Này, chiến trường cực khổ lắm hay sao mà gầy gò xanh xao vậy Biểu? Tết này tranh thủ về cưới vợ đi thôi nhé!...
 Trước những câu hỏi tới tấp của mọi người, tôi không kịp trả lời một ai, chỉ biết cười, đưa tay vẫy vẫy. Tôi cười ngượng ngịu, cười mà sống mũi cay cay, muốn khóc. Gần năm năm ở nơi hòn tên mũi đạn, tôi không nghĩ mình còn có ngày được trở về quê như thế này. Không phải chỉ riêng tôi mà chắc còn nhiều người lính khác cũng nghĩ như thế. Dù đang sống như trong mơ, tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận ra những ánh mắt nhìn tôi xót thương, ái ngại. Có người thở dài:
- Tội nghiệp nó, bây giờ về không có ai!…Tôi chột dạ. Chếnh choáng.
Một nỗi hồ nghi nhói lên trong tim. Cho dù đi giữa đông đúc bà con xóm giềng, tôi vẫn bước nhanh hơn để mau về với ngôi nhà của mình. Đã lâu lắm rồi, tôi bặt tin tức gia đình. Tôi  không còn bụng dạ nào nhìn cảnh vật bên ngoài căn nhà của mình. Bước vào sân, tôi không tin vào mắt mình nữa. Tại sao thế này, ngôi nhà năm gian của cha mẹ tôi để lại nay không còn nữa. Thay vào đó là ngôi nhà một gian hai trái thấp bé, mốc thếch. Chị gái gầy guộc, tóc tai bơ phờ, ôm lấy tôi, nước dàn dụa, xót xa:
 - Em ơi, sau khi Cha bị máy bay Mỹ giết, cả nhà sa sút, các em phải đi ở đợ để kiếm sống qua ngày, dì thì lúc tỉnh lúc mê, bệnh tật không khỏi. Nhà cửa ngày càng tuềnh toàng, mái tranh dột nát tứ tung, bà con thu gọn lại một gian cho dì ở. Hàng ngày chị vừa lo việc nhà chồng vừa tranh thủ chăm dì. Nhờ cứu trợ xã hội nên cũng bửa có bửa không.
Tôi không ngờ cơ cảnh nhà mình lại lơ xơ, tao tác đến thế này! Nhìn chị mà thương quá, chị nhiều tuổi hơn và già đi rồi. Có một cái gì đó dâng lên nghèn nghẹn trong ngực tôi. Tôi rã rời ngồi xuống chiếc phản quen thuộc mà lúc Cha còn sống thường ngủ ở đây. Khi tôi đi bộ đội, còn chị em quây tụ bên nhau, giờ về quê Cha mất, mẹ kế vẫn bệnh tình như cũ, chị Liên, em Lễ đã đi lấy chồng nhưng đời sống khó khăn. Các em Đồng, Thanh, Hướng, Đông… mỗi đứa một nơi. Nhà cửa như một túp lều. Mơ ước ngày trở về quê, sẽ làm cho Cha cái bếp hẳn hoi tử tế. Thế mà nay ngôi nhà lại biến thành cái bếp không hơn không kém. Thử hỏi lòng ai không tan nát, quặn đau? Tưởng rằng nỗi đau đớn như thế đã quá, nào ngờ còn một nỗi đau xé lòng mà chị gái tôi kể:
- Ngày em đi bộ đội, thỉnh thoảng Thoa vẫn sang nhà ta chơi. Thoa hiền lành, dịu dàng, nết na nên Cha rất thương. Biết em và Thoa có tình ý với nhau nên Cha càng quý hơn. Khi Cha mất, Thoa có đến viếng. Rồi thỉnh thoảng, Thoa vẫn ghé qua nhà chơi với chị và các em. Nhưng tội cho Thoa lắm em ơi, Thoa không còn sống để đợi em về. Nói đến đây, chị Liên khóc nức nở. Hai tay tôi lắc mạnh vào vai chị:
- Sao lại thế này hả chị ơi. Có ai đau khổ như em nữa không chị…Chờ tôi lấy lại bình tĩnh, chị kể tiếp:
- Hôm đó Thoa vừa đi học về qua thị trấn thì bị máy bay ập đến ném bom dữ dội. Từ khi Thoa mất, chị buồn và nhớ nó vô cùng. Chị đã viết thư cho em nhưng có lẽ em không nhận được.
Trời đất như sụt dưới chân tôi. Bao nhiêu rủi ro cay đắng dồn vào tôi thế này. Tôi cứ nghĩ mình ở chiến trường, bị thương, được đơn vị cho về nhà ăn tết là may mắn hơn rất nhiều người. Vậy mà mọi sự đảo lộn? Cha không còn bên tôi. Sự ra đi của Thoa tôi không hề hay biết. Thoa bỏ tôi với nỗi cô đơn trống trải thế này ư? Thoa ơi. Em ơi. Sao cơ sự lại thế này? Người ở chiến trường bom đạn triền miên thì còn sống để trở về, người ở hậu phương thì bị giặc giết. Đời em sao bất hạnh thế?   Bao ước mong, hò hẹn chưa làm được điều gì, vậy mà chỉ còn lại anh với cuộc sống  này sao?. Phải chăng linh hồn em đã bay vào Tây Nguyên báo mộng cho anh? Anh không tin, không bao giờ tin em phải chịu sự bất hạnh tột cùng đến vậy đâu. Anh tin em mãi mãi trẻ trung xinh đẹp, hiền hậu và sống chung thủy trọn đời với anh. Có điềm gì báo trước mà chiếc khăn dù hoa làm quà cho em cũng bị bọn bất lương lấy mất. Em biền biệt phương nao? Anh làm sao gặp được em đây? Thoa ơi!...
Chân tay tôi rụng rời, tôi không còn biết được cảm giác của mình lúc đó, cứ nhìn vào hư không tìm một điểm đỗ mà chẳng thấy. Tôi đã mất em thật rồi. Tôi thấy cuộc sống trước mắt mình như mất hết niềm tin, mất hết đi những ý nghĩa của cuộc đời. Tôi sẽ sống ra sao với những tháng ngày không có em, cả cuộc đời tôi không có em ở bên nữa, mãi mãi phải gánh chịu nỗi đau đớn như vậy ư? Em ra đi chẳng kịp dặn dò tôi một điều gì ư?... Tôi ngẩng đầu nhìn lên trời, oán lũ giặc Mỹ thật dã man, cướp đi những người thân yêu trong gia đình tôi, gieo cho tôi nỗi bất hạnh khôn lường. Những giọt nước mắt trong tôi trào ra, chẳng khi nào tôi thấy đau đớn tột cùng như lúc này. Tôi bơ vơ vì mất Cha, lại vĩnh viễn mất em!!!
Tôi càng đau đớn hơn khi thấy bốn đứa em tôi bước vào nhà. Đứa nào cũng gầy gò xanh xao, áo quần xơ mướp. Nghe tin tôi trở về, các em về quây quần bên tôi. Đất nước đói nghèo, giặc giã, con cái gia đình bình thường còn ăn đói mặc rách, huống chi mấy đứa em của tôi phải đi ở nhà người kiếm bữa ăn cho qua ngày đoạn tháng. Tôi ôm các em nức nở, tôi khóc to lắm. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc to, khóc tức tưởi như thế này. Ngày ra đi, tôi cũng không đau đớn và bật khóc thế này. Tôi khóc thật to để trời đất thấu hiểu nỗi đau của tôi, để Cha tôi và Thoa ở dưới mấy thước đất âm u, lạnh lẽo nghe được tiếng tôi, biết tôi đã trở về. Chị tôi, các em tôi cũng nức nở khóc theo. Bà con, anh em đứng quanh cũng không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cảnh đau thương của tôi, một người lính vừa chân ướt chân ráo từ chiến trường về. Một gia đình có người đi B về bỗng chốc như có đám tang…
Tối hôm đó mấy anh em chúng tôi nằm trên tấm phản gỗ khóc rưng rức suốt cả đêm dài. Chị Liên là chị cả, cũng là một Đảng viên đã an ủi động viên tôi:
        - Thôi em ạ, đừng khóc nhiều nữa. Chiến tranh kéo dài, nhiều gia đình cũng chịu cảnh ngộ mất mát li tán, đâu chỉ có nhà ta. Có gia đình sau chiến tranh không còn sót lại người nào. Em vào chiến trường còn sống để trở về là may mắn lắm rồi. Trời còn thương dòng họ, gia đình ta đó em. Còn người còn của, nghèo khó thiếu thốn rồi cũng qua thôi, em ạ. Em đừng suy nghĩ  nhiều quá kẻo ốm thì khổ… Đi bộ đội cũng là gian nan lắm rồi, bây giờ về nhà có các chị và các em, nỗi buồn đau không thể làm vợi đi được nên em cố gắng vượt qua. Tôi nhìn chị, chị cũng phải chịu nhiều những đau đớn và mất mát như tôi, thậm chí còn hơn thế. Nhìn dáng hình xương xương của chị, tôi thấy chị đã đi hết cuộc đời mình cũng chỉ vì gánh nặng gia đình và lo cho các em. Chị vẫn luôn lo lắng cho tôi như thế… Ngày còn ở nhà, tôi thấy thương chị vất vả, bây giờ chừng ấy năm trôi qua, tôi cũng không làm được điều gì hơn để chị bớt lo lắng cho tôi, cho gia đình.
Tờ mờ sáng hôm sau, mấy chị em tôi ra đồng thắp hương cho song thân. Lâu lắm rồi, tôi mới lại có được cảm giác xum vầy cùng các chị em trong nhà lo bữa cơm cúng giỗ. Tôi dậy sớm chuẩn bị cùng với chị. Mùi khói bếp cay nồng, lẫn mùi củi tươi làm tôi cay mắt. Mùi cơm nếp quê thơm quá, khói bếp bay là là khi mặt trời còn chưa sáng gợi trong tôi chút dung dị nhớ thương. Quê hương thanh bình quá, chỉ có cái đói, cái nghèo là đeo bám dai dẳng. Lâu lắm rồi tôi mới được nhìn cảnh vật ngôi nhà và được thở không khí thoáng đãng, khỏe khoắn như thế này. Ở chiến trường thì  lúc nào cũng căng mắt ra, khẩu súng luôn bên vai, tiếng bom đạn vẫn còn theo tôi trong cả những giấc mơ. Nhìn ngôi nhà lụp xụp và mái bếp đã ngả màu theo tháng năm, vậy mà tôi vẫn chỉ là người lính trở về với hai bàn tay trắng, với những vết thương trong người mà tôi chưa kể cho ai biết. Cảnh vật quanh tôi như lắng lại trong nỗi nhớ thương và kỉ niệm những ngày ấu thơ. Tất cả sao nhanh quá đỗi. Ngôi nhà chứng kiến bao nỗi đau thương của gia đình.
Những ngày cuối cùng của năm sắp hết. Bầu trời âm u, gió bấc thổi qua đồng trống se sắt, lạnh buốt. Cái lạnh cộng vào nỗi đau buồn càng làm tôi thêm lạnh lẽo, nhức buốt hơn. Mùi bùn từ ruộng phả lên gợi những kỉ niệm xa xưa thời chăn trâu cắt cỏ. Mấy năm trước, đến tết Cha thường lo cho chị em tôi cái tết đầm ấm  giản dị. Vậy mà  tết này, tôi được trở về thăm quê thì Cha đã không còn nữa. Dáng hình Cha cứ như hiện lên trước mắt tôi một cách trọn vẹn. Tôi quỳ xuống thắp hương, làn khói thơm ngàn ngạt lan tỏa khắp ngôi mộ đất hoe hoe cỏ chạp. Nhìn ngôi mộ Cha, nước mắt tôi cứ thế lặng lẽ chảy ra. Hôm nghe tin Cha mất, tôi đau đớn vô cùng, cũng may được các anh em trong đơn vị động viên mà tôi đã gắng vươn lên. Tôi nghẹn ngào khấn: Cha ơi, hôm nay con mới được về với Cha, tưởng rằng cái Tết này là cái Tết hạnh phúc của con và của gia đình ta, sau năm năm lăn lộn nơi chiến trường. Mấy người bạn cùng xóm, cùng trường vào chiến trường với con đợt ấy đã hy sinh cả. Chỉ còn mình con và anh Loan là sống sót. Con bị thương nên được ra Bắc, còn anh Loan vẫn đang ở Tây Nguyên. Con tưởng rằng những hy sinh mất mát và gian khổ ở chiến trường là thử thách lớn nhất đối với người lính nhưng có lẽ con đã nhầm hoặc ít nhất trong hoàn cảnh của con thì không phải thế. Thử thách lớn nhất của cuộc đời con là lúc này đây. Gia đình ta không ngờ lại lâm vào hoàn cảnh bi đát như thế này. Từ tiền tuyến trở về, Cha thì mất đã lâu, cửa nhà rách nát tềnh toàng, các em phải đi ở đợ, học hành dở dang, người yêu bị chết vì bom Mỹ. Con trai đã về với Cha nhưng trên mình còn đầy vết thương với hai bàn tay trắng. Không hiểu rồi đây, con sẽ sống ra sao. Cha ơi, sao con phải chịu nỗi bất hạnh lớn như vậy? Lúc con đi, Cha còn tiễn con, khi về con không còn được ôm Cha nữa. Thương Cha quá Cha ơi…. Cuộc đời Cha chưa bao giờ được thảnh thơi!
Một cơn gió nóng hừng hực tạt vào mặt tôi. Trong phút yếu lòng nhất, tôi lại có cảm giác như Cha đang hiển linh vào ngọn lửa hồng lam, lắng nghe lời khấn nguyện của tôi. Một luồng tâm linh truyền vào lòng tôi như là sự yêu thương an ủi làm tôi vơi nhẹ phần nào nỗi đau quá lớn. Tôi lại cúi đầu xin Cha an giấc dưới suối vàng và độ trì phù hộ cho con và gia đình vượt qua thử thách ghê gớm này.
Tôi biết từ hôm nay, tôi phải gánh trách nhiệm nặng nề, thay Cha lo cuộc sống cho các em, một phần cho chị tôi. Chị tôi là con gái còn lo được, huống hồ tôi là một thằng con trai còn lành lặn. Trách nhiệm ấy cũng cao cả như khi đứng trước họng súng nơi chiến trường. Tôi cũng đã trưởng thành rồi, thời gian thì gấp gáp quá, mà tôi còn phải quay lại bệnh viện để tiếp tục điều trị vết thương nữa.

Sáng mùng 1 tết. Mưa bụi rây rây. Lòng chưa hết bàng hoàng, tôi sang quê Thoa, xin phép ra mộ thắp nén hương cho em. Trên đường đi, buồn quá, tôi nghĩ về em rất nhiều. Nước mắt trào lăn trên má lúc nào không hay. Giá như lúc này đây, em còn bên tôi, chúng mình sẽ thực hạnh phúc, cùng chăm lo tới cuộc sống, dẫu rằng còn khó khăn trước mắt. Tôi đến. Gia đình em, mọi người kể cho tôi về sự ra đi của em, chẳng có ai là kìm nổi nước mắt. Tấm ảnh của em trên bàn thờ nghi ngút hương thơm, tôi nhìn em mà không cầm nổi nước mắt, em vẫn còn trẻ, đẹp và xinh lắm. Tôi lặng người. Em đang nở nụ cười nhìn tất cả mọi người, trong đó có tôi. Ánh mắt của em nhìn tôi đáng yêu và trìu mến vô cùng. Vậy mà tôi không thể cầm tay em, không thể trò chuyện với em được nữa. Gia đình họ hàng nhà em, hình như ai cũng đã biết chuyện của hai đứa nên mọi người coi tôi như người con trong gia đình, hỏi han về chuyện tôi ở chiến trường, những năm tháng phải xa quê hương. Mẹ Thoa kể về sự chờ đợi của Thoa cho tôi nghe, nhất là những khi tôi vào chiến trường Tây Nguyên, em không còn thư từ cho tôi được nữa. Tôi chỉ biết nắm lấy đôi bàn tay dạn dầy những vết nhăn của bác như một lời chia sẻ. Ai cũng động viên tôi hết lòng, vì biết tôi không còn Cha, Mẹ nữa. Tôi lặng lẽ cúi đầu. Thoa ơi, nếu như em còn sống và chờ đợi anh về, lúc này có phải là hạnh phúc của hai đứa? Vậy mà giờ chỉ có một mình anh cùng với gia đình em. Mọi người đều rất quí anh nhưng em đâu rồi…anh vẫn sẽ là con của gia đình em, vẫn yêu quí mọi người trong gia đình em.
Lặng lẽ đi ra mộ Thoa. Giữa đồng quê cuối năm mênh mang sương giăng. Nỗi buồn  không cất thành lời. Mỗi bước đi một trĩu nặng buồn đau. Hai tay tôi như đánh rơi đi tất cả, tuột mất tất cả. Trước mắt tôi, một nấm mồ đầy tròn, cỏ dại phủ kín. Tôi nhìn nấm mồ em, bật khóc. Em là đây ư, em là thế này ư? Anh đang ở bên em đây mà Thoa ơi. Anh về với em rồi đây. Em có biết không? Anh đang ở trước mặt em đây mà? Sao lại thế này. Sao em không nói một lời với anh?… Tôi ôm lấy nắm đất, quặn lòng khóc. Tôi không thể chạm vào người em, không thể ôm em trong vòng tay lúc này. Khi đi, anh đã không ôm em mà tạm biệt, khi về thì thế này ư? Chẳng còn gì buồn hơn những giọt mưa li ti đọng mặt lá cỏ xanh trên mộ em. Khói nhang bay lên nhạt nhòa lẫn vào làn mưa mỏng bay bay… Đất trời như ngưng đọng. Tôi đứng đây. Cô đơn. Cô đơn!...Và rồi tôi lại gọi tên em, thủ thỉ với hương hồn em: 
- Thoa ơi, anh đã vượt hàng ngàn cây số để về với em. Bao nhiêu dự định đẹp đẽ chấp chới trong anh. Tết này, em có biết không, anh tính sẽ đưa em đi thăm bà con nội ngoại, thăm các thầy cô đã dạy dỗ mình, thăm bạn bè cùng trang lứa. Phút  bước lên xe về quê, anh đã rưng rưng bồi hồi, mường tượng ra cảnh xum vầy ấm áp ấy. Ai cũng khen chúng mình đẹp đôi. Trong làn mưa Xuân nhè nhẹ, khuôn mặt em ửng hồng, hạnh phúc vô biên. Thế nào em cũng nói: - Thôi, từ nay em phải giữ chặt anh bên  mình, nhất quyết không cho anh đi đâu xa nữa- anh tin em sẽ nói thế. Đi bên em, anh vui vẻ vô tư như một đứa trẻ. Tay anh nắm chặt tay em như sợ em bay mất. Anh còn dự định đưa em ra đơn vị an dưỡng để em tận mắt thấy cuộc sống của những người lính ra sao. Thế mà anh đã mất em thật rồi, Thoa ơi. Mới ngày nào đây trong ngày nhập ngũ, anh chuẩn bị lên xe về đơn vị, em len vào giữa đám đông lại gần anh, dúi vào ba lô anh món quà làm kỉ niệm. Chiếc khăn mùi xoa, lá thư đầu tiên của em gửi cho anh cũng không còn nữa. Ngày anh ra đi, anh có biết đâu rằng giây phút đó là giây phút cuối cùng của cuộc đời anh được đứng bên em, được nhìn em. Những lá thư em gửi cho anh, anh nhớ và mong đợi từng ngày trở về bên em, để bù đắp những tháng  ngày em ở nhà  một mình mong mỏi anh về. Người ở lại thường mong ngóng người ra trận trở về, nhưng anh và em thì ngược lại, anh trở về mà em không còn nữa, anh bơ vơ với cuộc sống mãi mãi thiếu vắng hình bóng người mình thương yêu. Nỗi đau gia đình và nỗi đau mất Cha khiến cho anh có lúc tưởng chừng như khụy ngã. Bom đạn Mỹ đã cướp của anh tất cả, từ những vật kỉ niệm bình dị đến cuộc sống của em. Tại sao giặc Mỹ lại tàn bạo như vậy? Tại sao những kẻ vỗ ngực là văn minh lại gây ra cuộc chiến tranh nhằm vào những con người hiền lành đôn hậu như Cha anh, em và bao nhiêu người dân vô tội khác nữa? Chiến tranh! Cái chết của những người lính trên chiến trường còn cắt nghĩa được. Còn những người như Cha anh và em thì sao phải trở thành mục tiêu bắn giết của bom đạn giặc?
Nằm dưới cỏ xanh, em có nghe được rõ lời anh nói không, em? Trong những  tháng năm sống mái với quân thù anh vẫn luôn nghĩ về em, hi vọng không vơi về em. Em chính là một phần cuộc sống của anh trong những năm tháng mịt mù khói lửa ấy. Không có em, có lẽ anh đã không có ngọn lửa tình yêu để sống, để chiến đấu và đợi chờ. Em đã cho anh sức mạnh và nghị lực, niềm tin  mãnh liệt để chiến đấu hết mình với kẻ thù mà không tiếc mạng sống. Em ở bên anh trong những cơn sốt nghiêng rừng giữa núi non Trường Sơn trùng điệp, trong những đêm hành quân chiếm lĩnh trận địa, trước giờ nổ súng khốc liệt, hay khi vật vã bởi vết thương đau trên giường bệnh… Nghĩ về em, anh thấy bình tâm trở lại, vững vàng hơn trong mọi tình huống gian nguy. Nếu như không có em, chắc gì anh đã có đủ niềm tin yêu để   sống và chiến thắng như những ngày qua…
Tôi muốn được ngồi với em mãi mãi giữa cánh đồng mênh mang gió. Muốn được hòa nhập vào ngọn khói nhang thơm để gần gũi em hơn. Cuộc sống của tôi trước mắt là cả một gánh nặng. Tôi còn phải gánh trách nhiệm của một người con, người cháu, người em, người anh và người lính. Từ biệt em, tôi trở về làng Ngũ Phúc. Bước đi lững thững giũa đường làng mà đôi bàn chân, bàn tay rã rời, chẳng có gì có thể làm tôi vui được. Mất mát của tôi sao mà lớn lao thế. Ông trời sao không để tôi và em được bên nhau để cùng vun vén cho cuộc sống? Tôi về làng thăm hỏi bà con họ hàng, thăm và gửi gắm những gia đình mà các em tôi đang ở.
Cũng thật may, trong đau đớn tột cùng, trong những mất mát to lớn, tự sâu thẳm trái tim tôi vẫn còn nguyên vẹn phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Tôi nghĩ: đã là người lính thì không thể không có bản lĩnh và lòng quyết tâm. Trong đạn bom tôi đã biết vượt qua mình, vượt qua nỗi sợ hãi chết chóc để chiến thắng như một người lính thực thụ. Bây giờ, tôi phải vượt qua nỗi bất hạnh của cuộc đời để sống cuộc sống có ý nghĩa nhất. Bên những mất mát thiệt thòi, tôi còn có niềm tự hào vinh dự là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó, từ mặt trận trở về trong tư thế của người làm chủ, quê mẹ thân yêu đã mở rộng vòng tay đón tôi. Nhiều người đã an ủi động viên tôi bằng tấm lòng chia sẻ, thông cảm. Tôi vô cùng biết ơn họ và cả những người không còn có mặt ở trên đời này nữa như Cha tôi, em Thoa và nhiều đồng đội vẫn can dự vào cuộc sống của tôi bằng dòng tâm linh huyền nhiệm, linh  thiêng .
Trong hành trình sắp tới của tôi, luôn có mặt những người thân yêu như thế. Đi đâu. Ở đâu. Trái tim vẫn in đậm hình ảnh làng Ngũ Phúc nhỏ bé của tôi bên dòng sông Lam thao thiết suốt đêm ngày…


                                                                         Hà Nội – Xuân Canh Dần - 2010