Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Chiến thắng Buôn Ma Thuột dưới góc nhìn của các vị tướng

Cập nhật lúc 02:31, Thứ Sáu, 19/03/2010 (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak (10 – 3 – 1975 --10 – 3 - 2010), Báo Dak Lak điện tử trích đăng một số phân tích, đánh giá của các tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam về sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự phối hợp nhịp nhàng của Tỉnh ủy Dak Lak và các lực lượng vũ trang địa phương; sự chỉ đạo và nghệ thuật quân sự của quân đội ta trong trận đánh Buôn Ma Thuột.

Thiếu thướng, PGS.TS Trịnh Vương Hồng, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Chiến thắng Tây Nguyên 1975 – một thành công xuất sắc về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta.
                                                              
Trước ngày hướng chủ yếu tiến công mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột, trên đường 14 (bắc thị xã Buôn Ma Thuột 80 km) hai trung đoàn 48 và 9 (Sư đoàn 320) đã đánh cắt giao thông ở Ea H’Leo (6-3), tiến công giải phóng quận lỵ Thuần Mẫn (8-3); trên hướng nam thị xã Buôn Ma Thuột 50 km, Sư đoàn 10 nổ súng tiến công và làm chủ quận lỵ Đức Lập, Dak Sắk, Dak Song (9-3) đưa thị xã Buôn Ma Thuột vào thế hoàn toàn bị cô lập. Và khi các đơn vị thực hành tác chiến đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột lần lượt “bóc vỏ” từ vòng ngoài đến vòng trong kết hợp với thọc sâu đột phá liên tục trong vòng 32 giờ (ngày 10 và 11-3), làm chủ mục tiêu, bắt sống toàn bộ bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của một tỉnh lỵ thì việc ứng cứu cho nhau tức thời là điều vô vọng. Vì vậy, khi đánh giá thành tích của các đơn vị đã lập công xuất sắc ở thị xã Buôn Ma Thuột cùng với Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn đặc công 198 và các đơn vị binh chủng, không thể không kể đến công lao của Sư đoàn 968, Sư đoàn 320, Sư đoàn 10 – những đơn vị đã vượt qua không ít gian khổ hi sinh để tạo dựng cho thế trận then chốt quyết định, kể cả việc nghi binh thu hút toàn bộ hỏa lực địch, tạo thuận lợi cho đơn vị bạn; đồng thời để có được chiến công “chặt Buôn Ma Thuột rung cả Tây Nguyên” không thể không nói đến công sức của các đơn vị hậu cần, kỹ thuật, đặc biệt là công lao của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, trực tiếp là đồng bào tỉnh Dak Lak. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là dấu son trong lịch sử chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng, của các cấp chỉ huy và nỗ lực của tất cả cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bất khuất kiên cường.
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên.
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên.    Ảnh: T.L
Sau khi bị “đòn điểm trúng huyệt” ở Buôn Ma Thuột, Bộ chỉ huy Quân khu 2 địch ở Pleiku lập tức điều động Sư đoàn 23 được mệnh danh là “Sư đoàn Nam bình, Bắc phạt, cao nguyên trấn” và liên đoàn biệt động quân 21 đang trấn giữ Pleiku và Kon Tum “thực thi tái chiếm thị xã Buôn Ma Thuột” với tham vọng “khôi phục lại tình hình như trước ngày 11-3”. Tuy nhiên mọi cố gắng của Quân khu 2 địch vào “canh bạc khát nước” đều chỉ là vô vọng vì nó không nằm ngoài dự kiến của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên. Qua hai ngày (10 và 11-3), trong lúc Liên đoàn 21 biệt động quân đổ bộ xuống Buôn Hồ, Đạt Lý chưa kịp “giải tỏa đường 14 chiếm lại Thuần Mẫn” đã bị Trung đoàn 9 (Sư đoàn 320) và Trung đoàn 25 (Mặt trận Tây Nguyên) đánh trả và truy lung quyết liệt đến nỗi “không biết chạy về hướng nào để bảo toàn lực lượng”. Tiếp theo đó, chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy “như thiêu thân lao vào lửa” sử dụng gần 150 lần chiếc máy bay lên thẳng đổ cấp tập Trung đoàn 45, pháo đội 232 xuống điểm cao 581 – đường 21 phía đông thị xã (ngày 12, 13-3), đổ Trung đoàn 44 và Sở chỉ huy Sư đoàn 23 xuống Phước An (ngày 15, 16-3) “quyết tái chiếm bằng được Buôn Ma Thuột”. Song tất cả lực lượng phản kích của Sư đoàn 23 và bộ phận còn lại của Liên đoàn 21 biệt động quân đã bị bộ đội Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 chủ động đón đánh ngay khi chúng vừa tiếp đất. Qua 5 ngày (14 đến 18 - 3) bộ đội ta trên hướng này đã tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động quân 21 ngụy, đập tan cuộc phản kích của địch, làm tiêu tan khả năng tái chiếm Buôn Ma Thuột của quân đội Sài Gòn. Chiến thắng đập tan cuộc đột kích của địch ở phía đông thị xã Buôn Ma Thuột là trận then chốt thứ hai của chiến dịch, nó báo hiệu sự sụp đổ không cưỡng lại được của địch trên toàn bộ chiến trường Tây Nguyên. Vì thế, ngay từ khi trận đánh then chốt chưa kết thúc, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định: nếu Quân khu 2 bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn, thị xã Buôn Ma Thuột và một số quận lỵ bị mất, đường 19 bị chia cắt, thì lực lượng hiện co cụm ở Pleiku có thể buộc phải rút lui chiến lược, bỏ Tây Nguyên về đồng bằng để bảo toàn lực lượng. Theo dự kiến đó, Bộ chỉ huy tối cao của ta đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên cần điều động lực lượng hình thành ngay thế trận bao vây Pleiku, đánh cắt đường bộ, khống chế đường không, triệt đường rút chạy của địch. Nhận định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã diễn ra đúng với thực tế. Ngày 16 – 3, Đại tướng Văn Tiến Dũng đại diện Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường lệnh cho Bộ tư lệnh chiến dịch: “Địch đã rút chạy theo đường số 7, tổ chức lực lượng truy kích ngay”. Căn cứ tình hình và lực lượng bố trí trên chiến trường, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định điều động Sư đoàn 320 đang triển khai đội hình ở Buôn Hồ và Thuần Mẫn sẵn sàng diệt viện của địch trên đường 14 và chẩn bị giải phóng Cheo Reo đã được lệnh chặn đánh và truy kích Quân khu 2 địch rút chạy. Chỉ huy Sư đoàn 320 đã cho Trung đoàn 64 đứng chân ở phía đông đường 14 vận động tức tốc ra đường 7 (chân đèo Tu Na) đánh vào đội hình Quân khu 2 địch đang rút chạy, chặn đứng lực lượng cơ bản của địch ở thung lũng Cheo Reo. Ngày 17-3, thị xã Cheo Reo trở thành tụ điểm tập trung hàng chục vạn binh lính địch và dân chúng bị cưỡng ép chạy theo, cùng với trên 2000 xe cơ giới các loại xếp hàng 3 hàng 7 chen nhau tháo chạy hỗn loạn. Chớp thời cơ, Sư đoàn 320 đã tập trung toàn bộ đội hình nhanh chóng đánh chiếm thị xã Cheo Reo, sau đó dùng bộ binh cơ giới truy kích địch rút chạy theo đường số 7 từ phía đông Cheo Reo đến quận lỵ Củng Sơn. Thế là, từ ngày 17 đến 24-3, bằng đợt truy kích thần tốc, táo bạo ta đã tiêu diệt và làm tan rã hầu hết tập đoàn quân địch rút chạy, thu và phá hủy toàn bộ phương tiện chiến tranh của chúng mang theo. Điều quan trọng hơn là ta đã đập tan ý đồ co cụm về phòng thủ miền duyên hải. Chiến thắng trong trận then chốt thứ 3 – truy kích địch trên đường số 7 của chiến dịch Tây Nguyên càng làm cho địch thêm suy yếu trầm trọng, tan rã nhanh chóng hơn, tạo bước chuyển hết sức thuận lợi cho chiến trường toàn miền Nam.
Lực lượng vũ trang tỉnh Dak Lak diễu binh trong Lễ mít tinh  Kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột,
Lực lượng vũ trang tỉnh Dak Lak diễu binh trong Lễ mít tinh Kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột.          Ảnh Giang Nam
Như vậy, trải qua hơn 20 ngày (từ ngày 4 đến 25-3) thực hành tiến công địch trên năm tỉnh Tây Nguyên, quân và dân Tây Nguyên đã diệt và làm tan rã Quân khu 2 ngụy với hai sư đoàn bộ binh (22, 23), một sư đoàn không quân, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, 8 liên đoàn biệt động quân, lữ đoàn 3 dù, 10 tiểu đoàn pháo binh…loại khỏi vòng chiến đấu (kể cả bắt sống) 30 nghìn lính chủ lực ngụy, diệt và làm tan rã (chủ yếu là phóng thích) hàng chục nghì lính bảo an dân vệ, phòng vệ dân sự và lực lượng cảnh sát, thu và phá hủy hàng trăm máy bay, hàng nghìn xe quân sự, hàng trăm khẩu pháo lớn nhỏ và rất nhiều kho tàng của địch ở Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn, Quảng Đức, Dak Lak.
Chiến thắng to lớn, toàn diện trong chiến dịch Tây Nguyên không chỉ khẳng định sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh chiến dịch, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân nhiều bài học quý báu về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và phương thức tác chiến. Đó là những nét đặc sắc về nghệ thuật chọn hướng tiến công chủ yếu (nam Tây Nguyên) và mục tiêu tiến công then chốt (thị xã Buôn Ma Thuột) trong giai đoạn đầu là rất đúng và rất hiểm. Rõ ràng đánh vào Buôn Ma Thuột (mục tiêu địch hoàn toàn bất ngờ), ta không chỉ điểm trúng huyệt, đúng nơi hiểm yếu nhất của địch mà còn tạo điều kiện mở ra các hướng phát triển chia cắt địch về chiến dịch, chiến lược; đồng thời trong quá trình chỉ đạo tác chiến chiến dịch, ta còn chủ động tạo được ưu thế tập trung lực lượng, từ đó có thể điều phối chặt chẽ lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động của Bộ tăng cường tác chiến ở những nơi trọng yếu. Biểu hiện nổi bật nhất là trong trận đột phá Buôn Ma Thuột, ta đã tập trung lực lượng lớn đến gấp 4 đến 5 lần đối phương và tiến công trong thế áp đảo quân địch. Nhưng trong hai trận then chốt đánh quân địch phản kích ở Phước An và đánh quân địch rút chạy ở đường số 7 ta chỉ sử dụng lực lượng bằng hoặc ít hơn quân địch nhiều lần mà vẫn giành chiến thắng. Với ý nghĩa đó, chiến thắng Tây Nguyên tháng 3 – 1975 chẳng những tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng, thế trận giữa ta và địch mà còn dẫn tới sự sụp đổ về chiến lược, tạo ra bước ngoặt quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta thắng lợi hoàn toàn.
Trích từ " Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chiến thắng Buôn Ma Thuột"
http://baodaklak.vn

Không có nhận xét nào: