Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Chiến dịch Tây Nguyên: Vô tiền khoáng hậu

Cập nhật: 21.46pm 26-04-2010 /
Trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975, chiến dịch Tây Nguyên là sự kiện mở đầu và quan trọng bậc nhất, tạo tiền đề cho chiến thắng 20/4 vĩ đại của dân tộc. Cùng nghe Trung tường Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tổng tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên kể về sự kiện này.

Nghệ thuật nghi binh

Chiến dịch Tây Nguyên (Chiến dịch 275) là  sự kiện mở đầu cho cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975. Lúc đó Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là người thay mặt Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội nhận lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Tây Nguyên.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng. Ngày xưa giặc Pháp tuyên bố ai chiếm được Tây Nguyên thì sẽ chiếm được 3 nước Đông Dương. Đến khi giặc Mỹ đổ quân Việt Nam, chúng cũng nhận thấy được tầm quan trọng của mặt trận này nên đã điều những sư đoàn mạnh nhất vào đây. Đáng kể là sư đoàn không quân “Anh cả đỏ” khét tiếng, sư đoàn 4 bộ binh và sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới” nổi tiếng tinh nhuệ và tàn bạo.

Bộ chính trị nhận thấy việc chiếm Tây Nguyên sẽ tạo thuận lợi để giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung và Sài Gòn. Quân địch đóng ở Tây Nguyên với lực lượng vô cùng mạnh, trong khi trên Tây Nguyên, ta chỉ có 2 sư đoàn, việc phối hợp với lực lượng tăng cường là cực kỳ khó khăn. Nhưng quân ta đã dùng chiến thuật nghi binh để đánh lạc hướng kẻ địch, lừa địch tưởng rằng ta sẽ đánh ở phía Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) và hút đại bộ phận địch lên đó.

Các hoạt động nghi binh của ta cũng hết sức nghệ thuật, hoàn toàn đánh lừa địch. Ta tổ chức nhiều trận đánh giả để lừa địch quân ta vẫn còn ở phía Bắc. Nhận thấy các đài vô tuyến điện của quân ta, địch có thể định vị bằng công nghệ cao, ta đánh phải tương kế tựu kế đánh lừa địch. Quân ta vẫn giữ nguyên 3 máy vô tuyến điện như cũ, hàng ngày phát sóng các thông tin một cách đều đặn như khi ta vẫn ở đó. Bên cạnh, quân ta để nguyên đường dây điện thoại như cũ, đánh lạc hướng hoàn toàn sự định vị của địch.

Khi địch vẫn cho rằng quân ta đang đóng ở phía Bắc, thì chúng ta gồm khoảng 3 vạn quân, hàng nghìn xe ô tô, hàng trăn xe pháo binh, xe tăng, cao xạ bí mật đi vào miền Nam Tây Nguyên bằng đường hậu phương, giáp biên giới, rất xa tầm kiểm soát của địch.

Trên đường di chuyển, các hoạt động ngụy trang của quân ta  hết sức an toàn, chặt chẽ. Ngoài các biện pháp ngụy trang thông thường, để xóa dấu vết của xe ô tô, xe tăng, ban đêm quân đội ta đã cho chặt cây, chẻ đôi để lát đường. Các cây bị chặt cũng phải chặt sát gốc. Mùa khô ở Tây Nguyên lá khô rụng rất nhiều lập tức che khuất những gốc cây bị chặt. Cứ như thế, cả đoàn quân giải phóng Việt Nam ròng rã 1 tháng trời từ từ tiến vào Buôn Ma Thuột, gây bất ngờ lớn cho cả Mỹ lẫn Ngụy.

Giải phóng Tây Nguyên

Đêm 10/3, quân ta bắt đầu đánh vào Buôn Ma Thuột, nhưng lúc đó, quân địch không tin rằng ta đã đưa quân vào sát đến đây. Thậm chí tên Nguyễn Thế Quang là sư phó sư đoàn 3, Tổng chỉ huy lực lượng địch ở khu vực này còn tuyên bố rằng, quân ta sẽ sớm rút ra ngay sáng hôm sau chứ không thể trụ lại lâu được. Nhưng chúng không hề biết xe tăng, pháo binh, cao xạ của quân ta đã áp sát.

Chỉ trong 32 giờ đồng hồ, quân ta đã chiếm đóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột. Nhưng lúc đánh vào đây, quân địch ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều với hơn 6 vạn quân chủ lực gồm 1 sư đoàn không quân, 2 sư đoàn ngụy, 7 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn thiết giáp, 4 sư đoàn pháo tầm xa vô cùng mạnh. Lúc quân ta đánh vào Buôm Ma Thuột phải trói chặt những cánh quân này của địch, không cho chúng tiến vào. Tất cả các đường từ Kon Tum, Playku, đường từ Bình Định, đường từ Ninh Hòa là 3 con đường chiến lược để địch có thể tiến vào Buôn Ma Thuột đều bị quân ta chặn đứng bằng 2 sư đoàn. Cắt đứt mọi hướng liên lạc của địch. Cuối cùng địch còn lại sư đoàn 23 đổ quân xuống phía đông hòng cứu vãn Buôn Ma Thuột, nhưng ngay lập tức bị sư đoàn 10 của quân ta chờ sẵn, tiêu diệt hoàn toàn.

Ngày 16 trở đi, quân  địch tháo chạy nhưng quân ta vẫn chưa tha cho chúng. Nhận thấy con đường duy nhất mà địch có thể chạy trốn là đường 7, khu vực Cheo Reo - Phú Bổn, quân ta lập chức cho trung đoàn 64 ngày đêm vượt đường, chặn cầu cắt đường chặn địch lại. Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên lập tức bị chặn đứng. Chúng đành phải tháo bỏ toàn bộ xe tăng, pháo…để thoát thân. Còn 1 số khác vượt lên được cũng bị chúng ta đón đầu, đuổi về Phú Yên và tiêu diệt toàn bộ.

Chỉ trong mấy ngày đêm, quân ta hoàn toàn giải phóng Tây Nguyên. Sau đó chúng ta còn giải phóng thêm 3 tỉnh đồng bằng là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Như vậy lúc này, toàn bộ chiến trường miền Nam của địch bị chặt đứt làm 3 khúc. Khúc giữa là của ta, gồm 3 tỉnh đồng bằng và 4 tỉnh trên Tây Nguyên. Khúc phía Bắc của địch là Huế và Đà Nẵng và khúc phía Nam là từ Tây Nguyên trở vào cũng được quân ta giải phóng 1 thời gian sau đó.

Như vậy chiến thắng chiến dịch Tây Nguyên không chỉ là giải phóng Tây Nguyên, giải phóng 3 tỉnh đồng bằng, đó còn là sự đột biến về mặt chiến lược, chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ tấn công chiến lược phát triển thành tổng tấn công chiến lược, thế trận của địch bị đập tan. Từ 30% - 40% lực lượng quân địch đã bị tiêu diệt ở chiến dịch Tây Nguyên. Hơn nữa, chiến thắng này cũng khiến thế trận của địch bị chia làm 3 khúc, mà ta là khúc giữa, cắt đứt liên lạc từ 2 khúc còn lại của địch. Đây cũng là tiền đề cho đại thắng Mùa xuân 1975 vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

(Báo vnmedia.vn)