Từ trái qua: trung tướng Khuất Duy Tiến, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ông Huỳnh Văn Cần nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Dak Lak, trung tướng Tiêu Văn Mẫn, đại tá Phạm Duy Tân |
Bài viết của cộng tác viên SIU H’KẾT
Tháng 3 năm 2010 nhân dịp Binh đoàn Tây Nguyên kỷ niệm
tròn 35 năm thành lập, một số tướng lĩnh một thời gắn bó với Tây Nguyên từ Hà
Nội vào dự. Tôi sinh ra ở Tây Nguyên, luôn tự hào vùng đất gian khổ nhưng rất
đỗi hào hùng trong kháng chiến đã luyện tâm rèn trí nên nhiều vị tướng lĩnh,
anh hùng, những người con bất khuất của Tây Nguyên. Một đồng nghiệp cho tôi
biết dự kỷ niệm Binh đoàn xong, các tướng lĩnh sẽ sang Dak Lak, từng nghe ba mẹ
kể, lần này gặp những người tài ba thao lược làm nên những chiến thắng đi vào
lịch sử của dân tộc, tôi thực sự háo hức.
Chiếc xe Toyota biển số đỏ rời thành phố Pleiku lúc 6 giờ 30 phút
sáng, 10 giờ đã có mặt tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ngồi trong xe có trung
tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên rồi Tư lênh
Binh đoàn Tây Nguyên; trung tướng Khuất Duy Tiến người chỉ huy trung đoàn 64 sư
đoàn 320 hai lần đánh bại lữ dù 3 nguỵ, và sau này là Tư lệnh Binh đoàn Tây
Nguyên, trung tướng Tiêu Văn Mẫn, Tư lệnh Binh đoàn, sau nữa là Chính uỷ Quân
khu 5, đại tá Phạm Duy Tân, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên. Đều đã ở
tuổi “xưa nay hiếm”, các tưỡng lĩnh chợt trẻ lại với ký ức một thời gửi gắm
tuổi trẻ ở Tây Nguyên. Chiếc xe bon êm ru trên Quốc lộ 14 trải nhựa phẳng láng
với quãng đường gần hai trăm cây số từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột chỉ vài giờ
đồng hồ, vậy mà trước đây người lính Tây Nguyên phải tính bằng năm, bằng tháng;
đánh đổi bằng cả tuổi trẻ, xương máu để có được bước hành quân đàng hoàng hoà
vào chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.
Trước khi sang Buôn Ma Thuột, các tướng lĩnh đã thăm
lại chiến trường Gia Lai, Kon Tum, nơi Mặt trận giao cho sư đoàn 320 đánh nghi
binh thu hút địch mà bỏ ngỏ Buôn Ma Thuột trong những ngày cuối cùng chúng ta
quyết định tấn công giải phóng Tây Nguyên. Ai nấy bồi hồi nhớ lại mùa hè năm
1972 phía bờ Tây sông Pô Cô, điểm cao 1049, địch gọi là căn cứ Đen Ta và điểm
cao 1015, căn cứ Sạc-Ly gắn bao kỷ niệm vui buồn của chiến tranh. Ngày ấy Mặt
trận giao cho sư đoàn 320 giải quyết hai căn cứ quan trọng không ít khó khăn
này. Trung đoàn 52 tấn công căn cứ Đen Ta thuận lợi, nhưng không truy kích tàn
binh để chúng co cụm lại gọi cứu viện chiếm lại. Trung đoàn 64 do trung đoàn
trưởng Khuất Duy Tiến chỉ huy đánh thận trọng hơn, sáng sớm hai trận địa pháo
122 và Đ74 cùng cối 120 ly của ta nã chính xác xuống căn cứ địch do tiểu đoàn
dù 11 chốt giữ sau đó hai tiểu đoàn bộ binh được lệnh xung phong. Hướng tiến
công của tiểu đoàn 9 là hướng chủ yếu, địch tập trung hoả lực trút về hướng cửa
mở của đại đội 10 làm bộ đội ta không tiến công lên được. Trước tình hình đó
đại đội trưởng Lưu luồn dưới làn đạn vụt đứng dậy chỉ huy tổ 3 người của trung
đội 3 mở cửa, chiến sĩ Diệp ôm bộc phá lao lên đánh nổ tung hàng rào cuối cùng.
Cửa mở, trung đội 3 xông lên đánh chiếm chốt đầu cầu;
mũi đột phá thứ 2 của đại đội 10 do đại đội phó Hoà chỉ huy phát triển thuận
lợi, cửa mở, bộ đội ào ạt xông lên chi viện cho trung đội 3. Trên hướng của
tiểu đoàn 8, dưới sự chỉ huy tiểu đoàn trưởng Hiệp, súng hoả lực của ta bắn chính
xác vào các mục tiêu, chi viện cho tổ mở cửa đại đội 7 cùng đơn vị tiến lên
đánh chiếm căn cứ. Nhưng trên cao địch quan sát đã tập trung hoả lực bắn cản
đường bộ đội ta đồng thời gọi máy bay thả bom vào đội hình tiểu đoàn 8, tiểu
đoàn trưởng Hiệp và Chính trị viên The hy sinh. Tham mưu phó trung đoàn Phạm
Toán trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn 8. Cuộc chiến kéo dài sang ngày thứ 2, lợi
dụng địa thế dốc và trống trải, điạh chống trả quyết liệt hơn. Chúng huy động
pháo từ Ngọc Bờ Hiêng, điểm cao 966, Diên Bình, Dak Vát hỗ trợ bắn như vãi đạn
về phía các mũi tấn công của bộ đội trung doàn 64 tai căn cứ Sạc Ly.
Nếu tình hình kéo dài có thể hao tổn lực lượng, trung
đoàn trưởng Khuất Duy Tiến bàn bạc trong chỉ huy thay đổi chiến thuật tiến công
từ ngày sang đêm. Vào lúc 1 giờ sáng, tiểu đoàn 9 được sự tăng cường thêm tiểu
đoàn 3 của trung đoàn 48 tấn công dứt
điểm. Chỉ trong chớp nhoáng địch còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, ta đã hoàn
toàn làm chủ căn cứ Sạc Ly. Địch hoảng loạn bỏ chạy về hướng Ngọc Đi Ốc, nhưng
hai đại đội của tiểu đoàn 8 đón chặn. Đây là lần đầu tiên ở Tây Nguyên chúng ta tiêu
diệt gọn một tiểu đoàn dù của địch.
*
Cuộc chiến tranh lùi xa đã 36 năm, cũng từng ấy năm
Binh đoàn Tây Nguyên ra đời, ấn tượng khó quên đối với những người lính già đó
là cái ngày Buôn Ma Thuột thất thủ, Quân đoàn 2 nguỵ tháo chạy khỏi cao nguyên,
khi ấy con đường số 7 từ Cheo Reo kéo dài xuống Phú yên, đó là cuộc tháo chạy
của địch, cuộc truy kích của ta lớn nhất trong lịch sử chiến tranh. Xác xe
pháo, xác người chồng chất, lính tráng, dân thường hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau
mà chạy. Con lạc mẹ, vợ mất chồng, bỏ tất lại mà chạy. Tướng Khuất Duy Tiến nhớ
lại khi đó địch củng cố đội hình dùng 2 thiết đoàn tăng mở đường chạy về Củng
Sơn. Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64
trực tiếp bắn 2 quả B40 tiêu diệt 2 xe tăng địch làm chúng hoảng loạn tan tác.
Hợi vừa chỉ huy tiểu đội truy kích vừa kêu gọi địch đầu hàng, trong 2 ngày tiểu
đội của Hợi tiêu diệt 40 tên và bắt sống 46 tên địch, bắn cháy 9 xe tăng, xe
bọc thép.
Hơn hai vạn người dân Kon Tum, Pleiku chạy theo địch
di tản dồn cụm lại Cheo Reo, chính trung đoàn của ông đã nhường cơm xẻ áo
khuyên người dân trở về quê hương sinh sống. Sau này đại tá, Chính uỷ trung
đoàn 48 Đinh Hữu Tấn đã ví von một cách hình ảnh về cuộc tháo chạy khỏi Cao
nguyên của địch như sau: “Nếu trận Buôn Ma Thuột gây nên một vết trọng thương,
thì cuộc tháo chạy của địch trên đường 7 là nơi nguỵ mất nhiều máu nhất, dẫn
đến cái cơ thể Việt Nam Cộng hoà đang phì nộn bỗng choáng ngợp, thực sự ngã vật
xuống rồi thở hắt ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.