Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Hồ sơ điện tử về liệt sĩ

Công tác chính trị
Viết theo yêu cầu bạn đọc
Hồ sơ điện tử về liệt sĩ 
 QĐND - Thứ Sáu, 19/08/2011, 23:45 (GMT+7)
QĐND - Ngay sau khi biết tin Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) tổ chức lớp tập huấn chuyển giao phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ cho các đơn vị, Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ thân nhân các gia đình liệt sĩ gọi đến hỏi rõ hơn về những tiện ích của phần mềm này trong việc tra cứu thông tin về liệt sĩ? Những thắc mắc của thân nhân liệt sĩ xoay quanh các câu hỏi: Cần tra cứu thì tra cứu ở đâu? Thủ tục thế nào? Thông tin có được sau khi tra cứu gồm những gì...?. Đáp ứng yêu cầu của nhiều thân nhân các liệt sĩ, chúng tôi xin cung cấp thêm những thông tin liên quan.  

Tra cứu ngay tại Bộ CHQS các tỉnh, thành phố
Theo thông tin từ Cục Chính sách thì từ ngày 1-9-2011, các đơn vị bắt đầu ứng dụng phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ để cung cấp thông tin cho thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn mình quản lý dựa vào số liệu đã có. Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc chuyển giao phần mềm này về các đơn vị, Đại tá Ngô Công Đoàn, Trưởng phòng Hậu phương Quân đội, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nói:
Cán bộ chính sách các đơn vị đang tập huấn về phương pháp khai thác phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ.

- Từ trước tới nay, trung bình mỗi ngày Phòng Hậu phương Quân đội tiếp đón từ 30 đến 40 thân nhân các liệt sĩ đến đề nghị được cung cấp thông tin về liệt sĩ, ngày cao điểm có thể lên tới 60-70 thân nhân. Số lượng này có chiều hướng tăng do nhu cầu cần biết thông tin về liệt sĩ của thân nhân ngày càng cao, điều này vừa gây ra tình trạng quá tải cho cơ quan, vừa gây tốn kém cho thân nhân trong việc đi lại.
Để giải quyết tình trạng trên và triển khai Kế hoạch số 1696 ngày 8-11-2010 của Tổng cục Chính trị được Bộ Quốc phòng phê duyệt về việc hoàn thiện và ứng dụng hồ sơ điện tử về liệt sĩ làm cơ sở tra cứu thông tin phục vụ việc giải quyết chính sách đối với quân nhân; phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và cung cấp thông tin cho thân nhân các liệt sĩ; thời gian qua, Cục Chính sách đã phối hợp với Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu) và Cục Cán bộ (Tổng cục Chính trị) tiến hành rà soát hồ sơ, danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cho phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ. Việc chuyển giao phần mềm trên cho Bộ CHQS các tỉnh, thành phố và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là cơ sở để các đơn vị trích lục, cung cấp thông tin về liệt sĩ theo quản lý ban đầu cho thân nhân các liệt sĩ có yêu cầu như: Đơn vị khi hy sinh; tọa độ hy sinh; nơi an táng...
Nói rõ thêm về vấn đề này, Đại tá Ngô Công Đoàn cho biết:
- Trong chiến tranh, theo quy định, sau khi quân nhân hy sinh, các đơn vị tổng hợp, lập danh sách báo tử lần 1 về Cục Chính sách với thông tin khá đầy đủ về liệt sĩ. Căn cứ vào danh sách của các đơn vị, Cục Chính sách tiến hành báo tử lần 2 về Bộ CHQS các tỉnh, thành phố với thông tin ngắn gọn, bảo đảm tính bí mật. Do vậy, nếu căn cứ vào những thông tin được ghi trong giấy báo tử, thân nhân các gia đình không thể xác định được đơn vị hoặc nơi hy sinh của người thân. Giờ đây, phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ sẽ cung cấp toàn bộ thông tin ban đầu về liệt sĩ cho thân nhân biết. Tuy nhiên, phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ chưa thể trả lời được thông tin về mộ liệt sĩ hiện nay.
       Trao đổi thêm với chúng tôi, sau khi dự lớp tập huấn về chuyển giao phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ, Trung tá Vũ Anh Tuấn, Trưởng ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa chia sẻ:
- Trước đây, khi thân nhân các liệt sĩ đến tra cứu thông tin, anh em chúng tôi phải lật từng bộ hồ sơ lưu trữ, xem xét kỹ lưỡng, nên có khi một ngày chỉ giải quyết được cho 3-4 thân nhân. Nay áp dụng phầm mềm này, tôi tin rằng việc tra cứu thông tin về liệt sĩ cho các thân nhân sẽ rất thuận tiện. Qua tập huấn, chúng tôi thấy rất rõ hiệu quả việc ứng dụng phần mềm này trong giải quyết công việc. Hiệu quả công việc tăng gấp 5-6 lần so với làm thủ công. Hơn nữa, việc phân cấp theo từng đơn vị, từng địa phương sẽ tạo điều kiện cho thân nhân các liệt sĩ tra cứu ngay tại địa phương mà không cần phải đến Cục Chính sách, hoặc tìm vào đơn vị mà người thân từng công tác, chiến đấu trước khi hy sinh. 
Thủ tục đơn giản, nhanh chóng 
Trao đổi với chúng tôi về thủ tục và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai phần mềm hồ sơ điện tử về liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Việt Dĩnh, Phó cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nói:
- Cùng với tổ chức tập huấn, Cục Chính sách cũng đã biên soạn tài liệu hướng dẫn cách quản lý, khai thác hồ sơ điện tử về liệt sĩ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở từng địa phương, đơn vị; đồng thời quy định rõ trường hợp được cung cấp thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, những trường hợp sau đây sẽ được cơ quan chính sách cung cấp thông tin về liệt sĩ: Các đơn vị, các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thân nhân của liệt sĩ theo quy định tại Điều 14, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; anh, chị, em ruột của liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ và đang hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; người được ủy quyền của gia đình liệt sĩ.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Việt Dĩnh, khi đến yêu cầu đơn vị cung cấp thông tin về liệt sĩ, thân nhân các liệt sĩ cần làm đơn đề nghị, trong đó nêu rõ lý do xin cung cấp thông tin và quan hệ với liệt sĩ (đơn có xác nhận của UBND xã, phường; trường hợp được ủy quyền phải có giấy ủy quyền của gia đình liệt sĩ, có xác nhận của chính quyền địa phương); chứng minh thư (hoặc giấy tờ tùy thân khác); giấy báo tử liệt sĩ (trường hợp không có giấy báo tử phải có giấy tờ khác về liệt sĩ do cơ quan Nhà nước cấp như: Bằng Tổ quốc ghi công; Huân chương kháng chiến…
Về phía các đơn vị: Phải có trách nhiệm tiếp nhận đơn, kiểm tra giấy tờ của người đề nghị theo quy định và phải trích lục khách quan, chính xác hồ sơ, cung cấp thông tin về liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ bằng văn bản theo quy định. Trường hợp chưa thể trả lời ngay thì cấp phiếu hẹn cho thân nhân các liệt sĩ và cung cấp thông tin trong thời gian sớm nhất theo lịch đã hẹn. Nếu trong hồ sơ điện tử chưa có thông tin liên quan đến liệt sĩ thì thông báo cho thân nhân các liệt sĩ biết và ghi lại những yếu tố liên quan đến liệt sĩ để tiến hành xác minh, so sánh, đối chiếu, phản ánh về Cục Chính sách nhằm tiếp tục bổ sung vào hồ sơ điện tử về liệt sĩ. "Nghiêm cấm mọi hành vi in sao dữ liệu, cung cấp sai đối tượng hay gây phiền hà cho thân nhân các liệt sĩ"- Đại tá Nguyễn Việt Dĩnh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Duy Thành
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/10/90/90/157963/Default.aspx