Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

PHIÊN HIỆU ĐƠN VỊ MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN-B3(TLTham khảo)


Phiên hiệu đơn vị KT và các đơn vị chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên B3
Thứ Hai, 6.10.2008 | 16:18 (GMT + 7)
(LĐĐT) - Các liệt sỹ có phiên hiệu đơn vị KT là đã chiến đấu và hy sinh tại Mặt trận Tây Nguyên B3 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn cứ tài liệu lịch sử và hồi ký của các vị tướng lĩnh, có nhiều đơn vị đã tham gia chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên, cụ thể như sau:
- Tiểu đoàn pháo binh 200 gồm 148 cán bộ, chiến sỹ được lựa chọn từ hai tiểu đoàn pháo của F324 và F305, vào Tây Nguyên từ đầu năm 1961. Tháng 02.1967, trên cơ sở tiểu đoàn pháo binh 200, trung đoàn 40 pháo binh được thành lập, mang số hiệu tên huyện 40 ( Đắkglây Kon Tum )- để luôn nhớ tới nơi đứng chân của Tiểu đoàn 200, đơn vị pháo binh đầu tiên vào chiến trường B3. E40 pháo binh gồm có các tiểu đoàn 30, 31, 32, và 34. E40 đã chiến đấu ở B3 đến năm 1975.
- Trung đoàn 320 vào B3 từ tháng 9.1964, là trung đoàn đầu tiên đủ quân được chọn lọc từ 3 sư đoàn 304, 308, 350. Tiếp theo đó là các Trung đoàn bộ binh 101A thuộc F325A, Trung đoàn 33 (101B) thuộc F325B, tiểu đoàn 545 quân khu Tây Bắc và tiểu đoàn đặc công 952.

- Trung đoàn 66 ( gồm các tiểu đoàn 7,8,9 ) thuộc F304 xuất phát ngày 20/8/1965 từ  Thanh Hoá lên đường vào Tây Nguyên chiến đấu. Đầu tháng 11.1965, E66 kịp thời có mặt tại thung lũng Ia Đrăng để tham gia chiến dịch PlâyMe lịch sử. E66 đã lập công xuất sắc trong chiến dịch PlâyMe, được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân, nên còn gọi là Đoàn PlâyMe để ghi nhớ truyền thống của Trung đoàn và E66 đã chiến đấu ở Tây Nguyên cho đến năm 1975. 

- Sư đoàn 1 được thành lập tháng 12.1965 tại Mặt trận B3, gồm các Trung đoàn 66, 33, 320. Đầu năm 1967, Tây Nguyên được bổ sung tiểu đoàn 33 hoả tiễn ĐKZB và Trung đoàn bộ binh 174. Vào đến Tây Nguyên, E174 được biên chế vào đội hình của F1. Cuối năm 1968, F1gồm các Trung đoàn 33, 320 và 174 được lệnh cơ động vào miền Đông Nam Bộ và đến cuối năm 1969, F1 đã giải thể để đưa các Trung đoàn thọc sâu xuống đồng bằng sông Cửu Long chiến đấu .

- Trung đoàn 88 bộ binh thuộc F308, Trung đoàn 24A bộ binh thuộc Quân khu Tả ngạn và Sư đoàn 325B vào B3 từ đầu năm 1966. Vào đến Tây Nguyên, F325B được đổi thành F10 ( mang phiên hiệu Nông trường 10 ). Đến cuối năm 1966, một số Trung đoàn của Tây Nguyên được điều động vào Nam Bộ, đồng thời F10 chuyển sang hoạt động phân tán từng Trung đoàn để phù hợp tình hình chiến đấu trên chiến trường.

- Trung đoàn 95 từ mặt trận phía tây Thừa Thiên Huế chuyển lên chiến đấu ở Tây Nguyên từ giữa năm 1966 cho đến năm 1975.

- Sau Tết Mậu Thân 1968, Bộ Tổng Tư lệnh bổ sung cho Tây Nguyên các đơn vị: Trung đoàn 209 hành quân từ miền Bắc vào, Sư đoàn 325C ( thiếu 1 trung đoàn ) từ Khe Sanh - Quảng Trị đến, Trung đoàn 10 và 20 từ đồng bằng Khu 5 lên. Sau một thời gian ngắn hoạt động ở Tây Nguyên, hầu hết các đơn vị trên đã được Bộ Tổng Tư lệnh điều vào miền Đông Nam Bộ.

- Đến cuối năm 1968, khối chủ lực Tây Nguyên chỉ còn lại ba Trung đoàn bộ binh là 66, 95, 24A, Trung đoàn 40 pháo binh và một số tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật.

- Trung đoàn 28 thành lập ngày 15.10.1968 tại Quảng Bình với lực lượng gồm các tiểu đoàn 8A, 8B và tiểu đoàn 3 là những đơn vị độc lập của Mặt trận Trị Thiên. E28 vào B3 chiến đấu từ tháng 02.1969. Trong mấy tháng mùa mưa năm 1970, E28 phối hợp với E24A sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Hạ Lào, giải phóng thị xã AtôPơ. Sau đó, E28 đã chiến đấu ở Tây Nguyên đến năm 1975.

- Cuối năm 1971, E24A được điều động vào miền Đông Nam Bộ. Đầu năm 1972, Bộ Tổng tư lệnh đã bổ sung cho Tây Nguyên các đơn vị, gồm: Sư đoàn 320A, Trung đoàn 24B, Trung đoàn 7 công binh, Trung đoàn pháo binh 675, ba tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly, 01 tiểu đoàn xe tăng T54,  01 tiểu đoàn ô tô vận tải, 01 tiểu đoàn thông tin và Sư đoàn 2 QK5 cùng với khối chủ lực hiện có ở Tây Nguyên gồm 03 trung đoàn bộ binh 66, 95, 28 ; trung đoàn pháo binh 40; tiểu đoàn 631, các tiểu đoàn đặc công 37, 406 Kon Tum, cùng một số đơn vị binh chủng kỹ thuật để mở chiến dịch giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh.

 - Sư đoàn 10 được thành lập ngày 20. 9. 1972 tại huyện Đắk Tô, thành phần gồm 03 Trung đoàn bộ binh 28, 66, 95 và 8 tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật ( gồm : D37 đặc công, D30 pháo cao xạ, D32 pháo hỗn hợp, D41 pháo cơ giới, D24 quân y, D25 vận tải, D26 thông tin và D31 công binh ), đều là những đơn vị có truyền thống chiến đấu vẻ vang, đã trải qua nhiều năm gắn bó với địa bàn cao nguyên chiến lược. F10 còn có tên gọi là Đoàn Đắk Tô để luôn nhớ về nơi thành lập và truyền thống anh hùng của các đơn vị trong Sư đoàn đã lập công xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh tháng 4.1972. Giữa năm 1973, E24B được điều động về Sư đoàn 10, đến tháng 12.1973, E95 được tách ra khỏi F10 để tiếp tục nhiệm vụ đánh cắt giao thông, từ đó đến nay đội hình của F10 gồm 3 Trung đoàn 66, 28 và 24B.

Cả hai Trung đoàn 24A và 24B đều kế thừa truyền thống của Trung đoàn 42 từ thời chống Pháp ở vùng Tả ngạn sông Hồng, được Bác Hồ khen " Trung dũng và luôn luôn trung dũng ".Vào đến Tây Nguyên, E42 được đổi thành E24. E24A chiến đấu ở Tây Nguyên từ đầu năm 1966 đến cuối năm 1971 và từ 1972 đến 1975: chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. E24B chiến đấu ở Tây Nguyên từ đầu năm 1972 đến năm 1975.

- Trong thời gian từ tháng 01.1975 đến cuối tháng 3.1975, các đơn vị đã tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, gồm có :

F10; F320A; F316( từ Nghệ An hành quân vào ); F968; Trung đoàn 25; Trung đoàn 95; Trung đoàn 95B(thuộc F325); Trung đoàn đặc công 198; hai Trung đoàn pháo binh 40 và 675; ba Trung đoàn pháo cao xạ 232, 234 và 593; Trung đoàn xe tăng 273; hai Trung đoàn công binh 7 và 575 (thuộc Đoàn 559); Trung đoàn thông tin 29; 2 Tiểu đoàn vận tải và cầu phà ; 3 trạm sửa chữa xe pháo và các đội điều trị. Ngoài ra còn có các đơn vị phối hợp và phối thuộc ở các hướng, gồm : Sư đoàn 3 Sao Vàng của QK5 từ Bình Định hành quân đến đông An Khê-Gia Lai; Trung đoàn bộ binh 271; Tiểu đoàn đặc công 14 của Miền đến Gia Nghĩa ; Tiểu đoàn 21 của Sư đoàn 470 ( thuộc Đoàn 559 ) đến Bản Đôn.

F968 là Sư đoàn bộ binh, thuộc Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn- đường HCM. Từ cuối năm1974 trở về trước: F968 đóng quân ở bên Lào. Tháng 01.1975: F968 được điều động từ Hạ Lào về Mặt trận Tây Nguyên, bí mật luồn vào thay vị trí của F10 và F320A tại Kon Tum, Gia Lai, thực hiện kế hoạch nghi binh lừa địch để 2 Sư đoàn 10 và 320A bí mật hành quân về Đắk Lắk, tạo bất ngờ cho chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột . 

F320A kế thừa truyền thống của Sư đoàn 320( Đại đoàn Đồng Bằng ) được thành lập ngày 16.01.1951 ở Quân khu 3. F320A gồm 4 trung đoàn: 48, 52, 54 và 64. Năm 1968-1969: F320A chiến đấu ở Cam Lộ - Quảng Trị ; năm 1970-1971: chiến đấu ở đường 9 - Nam Lào; từ đầu năm 1972 đến năm 1975: chiến đấu ở Tây Nguyên.

F10 cùng với F320A là những Sư đoàn chủ lực mạnh của chiến trường B3, đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong đội hình F10 có các Trung đoàn 66, 28, 24B là những đơn vị có bề dày thành tích chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trung đoàn 66 đã hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân. Sau khi giải phóng Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột, F10 và F320A là lực lượng nòng cốt, vinh dự đứng trong đội hình Quân đoàn 3 được thành lập ngày 26.3.1975, tạo thành mũi tiến công quan trọng tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch HCM lịch sử.

Thân nhân liệt sỹ căn cứ giấy báo tử ghi phiên hiệu đơn vị KT, có thể liên hệ trực tiếp hoặc gửi thư đến Ban Chính sách Quân đoàn 3 ( địa chỉ: QL19 - phường Trà Bá - TP.PlâyKu - Gia Lai ) để biết cụ thể nơi hy sinh và phần mộ của liệt sỹ. Còn có thông tin gì thiếu sót, rất mong các Cựu Chiến binh bổ sung thêm để giúp các thân nhân, gia đình liệt sỹ giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân của mình.

(Nguyễn Phú Dũng, 337 đường Trần Phú - thị xã Kon Tum . ĐT 0982.017138)

http://laodong.com.vn/Home/Phien-hieu-don-vi-KT-va-cac-don-vi-chien-dau-tai-Mat-tran-Tay-Nguyen-B3/200810/109241.laodong