Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG TRUNG ĐOÀN 28-F10-QUÂN ĐOÀN 3


Nhân kỷ niệm ngày thành lập trung đoàn 28 chung tôi xin đăng lại bài viết của 
đại tá Nguyễn văn Mười
Trung đoàn của tôi
QĐND - Thứ Ba, 14/10/2008, 23:2 (GMT+7)
Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm truyền thống của Trung đoàn 28 anh hùng thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (15-10-1968) là nhiều kỷ niệm trong ký ức sâu thẳm trong lòng tôi lại tràn về mãnh liệt. Tôi không có mặt từ ngày đầu thành lập Trung đoàn, song tôi hiểu rất rõ và thuộc lòng lịch sử Trung đoàn. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Trung đoàn 28 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn thì 2 tiểu đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT là tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 và có thêm đại đội 10 cũng được phong tặng danh hiệu vẻ vang ấy. Ngồi một mình nhiều đêm, tôi đọc đi đọc lại nhiều trang trong cuốn Lịch sử Trung đoàn 28 dày 310 trang, trong đó có nhiều hình ảnh chiến đấu xây dựng và trưởng thành của Trung đoàn và có bức ảnh của tôi cùng các thủ trưởng Trung đoàn 28 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Mùa xuân năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi rời ghế nhà trường lên đường ra trận vào miền Nam chiến đấu. Những chàng trai trẻ lúc đó háo hức ra trận. Tôi cảm thấy đồng đội của mình ai cũng lạc quan, hừng hực khí thế lên đường đánh giặc cứu nước mà không mảy may gợn lên chút riêng tư. Chúng tôi nghe trên đài phát thanh và nhớ mãi bài thơ Xuân 71 của nhà thơ Tố Hữu với câu thơ mở đầu:
71 đến hiên ngang như người lính trẻ
Có lệnh là đi tư thế sẵn sàng
Sau 3 tháng ròng hành quân hối hả vượt Trường Sơn gian khổ, chúng tôi đã đến được với Trung đoàn 28 và bắt đầu những năm tháng chiến đấu khốc liệt trên chiến trường Tây Nguyên. Những địa danh Đắc Tô, Tân Cảnh, Diên Bình, Võ Định, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Pét, Plây Cần, Ngọc Mông, Ngọc Bay, Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bờ Biêng hay những đỉnh cao núi cao nhóc của Tây Nguyên như Chư Mom Ray đã trở nên quen thuộc… Nhiều đồng đội đã ngã xuống vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu khi làm công tác tử sĩ, tự tay mình chôn lấp đồng đội. Tay cầm xẻng đất mà lòng không muốn lấp lên thi thể đồng đội. Lúc đó, chúng tôi đã bật khóc nức nở và cả ngày hôm sau đã bỏ cơm không muốn ăn. Nhưng rồi cuộc sống chiến trường đã buộc chúng tôi phải làm quen, phải biết chịu đựng, sự hy sinh mất mát. Sau này tôi càng thấy đau xót và thấm thía hơn khi được nghe đồng chí Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Sư đoàn 10 của chúng tôi kể lại rằng: Đồng chí đã có dịp trở lại thăm Quân đoàn 3 và đã đi thăm nghĩa trang liệt sĩ của Sư đoàn 10 anh hùng. Đồng chí đã đọc đến tên người liệt sĩ cuối cùng của Sư đoàn là số 9.998; chỉ thiếu hai người nữa là đầy một vạn. Đồng chí đã nói trong buổi họp mặt bạn chiến đấu Sư đoàn 10 rằng, chúng ta về họp mặt tại Hà Nội, có một Sư đoàn 10 nằm dưới đất, một Sư đoàn 10 đang đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên bất khuất và có một Sư đoàn 10 đã nghỉ hưu là tất cả chúng ta may mắn còn sống sót đến hôm nay.
Những năm tháng chiến trường Tây Nguyên, chúng tôi không thể nào quên được. Đó là những trận B52 rải thảm, mặt đất rung chuyển, hầm kèo rung chuyển lắc lư, đó là những tốp máy bay trực thăng vũ trang bay lượn quần thảo bắn phá suốt ngày, những trận pháo bầy cấp tập cầy nát cả cánh rừng già. Những tháng mùa mưa tắc đường Trường Sơn, hàng tháng trời cả Trung đoàn ăn cháo loãng, mỗi người một ngày chỉ có một lạng gạo mà thôi. Đó là các món ăn độn của rừng Tây Nguyên: măng le, măng lồ ô, rau môn ngứa, rau tàu bay, rau sam, rau sắn, rau tai voi, môn thục... mà không phải lúc nào cũng dễ kiếm. Rồi những cơn sốt rét ác tính nôn ra cả mật xanh, mật vàng... Nhưng vui nhất là chuyện Trung đoàn tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh. Đúng vào dịp Tết năm 1975 Trung đoàn 28 cùng đội hình của Sư đoàn 10 hành quân về Buôn Ma Thuột. Cả đoàn xe ô tô được lệnh nghỉ 30 phút đón giao thừa. Chúng tôi xuống xe và được truyền lệnh không nói to, không phát ra ánh sáng để địch có thể phát hiện ra đội hình hành quân của quân ta. Chúng tôi chỉ kịp chia nhau vài hơi thuốc rê, vài ngụm nước, sau đó lại lên xe hành quân tiếp theo nhiệm vụ của Trung đoàn đánh vào căn cứ núi lửa huyện Đức Lập rồi tiến vào Buôn Ma Thuột. Sau đó, đội hình của Trung đoàn tiến đánh quân ngụy qua Phước An, đèo Phượng Hoàng, tiến thẳng vào Nha Trang, Cam Ranh, và chặng cuối cùng, Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Sáng 30-4-1975 khi đơn vị tiến thẳng vào Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, một trong 5 mục tiêu quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh đó là Dinh Độc Lập, Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Đô thành và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Lúc đó, tôi ở Ban chính trị của Trung đoàn 28 cùng với anh Lê Huy Tuyên chủ nhiệm chính trị. Chúng tôi chạy thẳng lên tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy. Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là người đàn ông khoảng gần 50 tuổi trông gầy gò nhưng vẻ mặt chất phác. Ông ta nói: “Tôi trông coi tòa nhà này và đang chờ các ông đến giải phóng”. Tay ông ta cầm một chùm chìa khóa to, chúng tôi yêu cầu ông ta dẫn ngay đi kiểm tra các phòng trong tòa nhà Bộ Tổng tham mưu. Ông ta nhanh nhẹn dẫn chúng tôi lên tầng 3 của tòa nhà đi qua các phòng mà trên cửa có hình ngôi sao trắng trên tấm biển màu xanh dương, qua phòng một sao, hai sao và đến một căn phòng bốn sao nằm ở tầng 3 chính giữa của tòa nhà. Phía ngoài cửa sổ có treo tấm biển lớn Bộ Tổng tham mưu, người đàn ông mở chìa khóa phòng và nói đây là phòng làm việc của Đại tướng Cao Văn Viên, rồi lần lượt dẫn chúng tôi đi mở cửa của tất cả các phòng một sao, hai sao bên cạnh đó một cách chính xác không hề nhầm lẫn chìa khóa các phòng. (Tôi nghĩ, nếu bây giờ còn sống thì ông ta cũng khoảng hơn 80 tuổi). Trong các phòng của tướng lĩnh ngụy có treo đầy cờ, huân chương cùng với lễ phục, mũ, kiếm sặc sỡ. Sau khi đi kiểm tra hết các phòng tôi chợt nhớ là hồi nhỏ mình đã được xem những đoạn phim lịch sử quân đội Xô-viết đập tan bọn Phát-xít khi tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Quảng trường Đỏ Ma-xcơ-va đã cầm những lá cờ của quân Phát-xít ném hàng đống trước Quảng trường Đỏ. Tôi đã báo cáo với đồng chí Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Lê Huy Tuyên đi cùng lúc đó là cần phải thu chiến lợi phẩm các cờ quạt, mũ kiếm, huân chương đó của quân ngụy. Thế rồi chúng tôi đã chuyển các chiến lợi phẩm đó xuống chất đầy một xe Jeep ở dưới sân tòa nhà.
Trong lúc tôi đang chuyển xuống dưới sân thì một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Tôi xuống đến góc sân của tòa nhà Bộ Tổng tham mưu thì bỗng nghe thấy tiếng xe tăng gầm rú chạy qua sân, tiếng súng nổ rộ lên. Một số tay súng bộ binh vận động theo xe tăng tiến vào sân tòa nhà Bộ Tổng tham mưu. Chưa nắm rõ lực lượng tiến công; theo phản xạ, tôi vội quẳng hết cờ quạt và chĩa súng về phía những người đang bắn và kéo mấy loạt liên thanh thị uy. Trong bụng tôi nghĩ rằng có lẽ bọn địch ở dưới hầm ngầm đã lên phản kích. Nhưng ngay lập tức tôi nghe thấy tiếng hô lớn “quay phim... quay phim...”. Tôi nhìn sang phía bên cạnh, có hai chiến sĩ quay phim quân đội ta đang cầm máy quay chạy theo bộ binh và xe tăng. Đúng quân ta rồi, hai phóng viên quay phim nói với tôi là bộ đội ta tiến nhanh quá chưa kịp quay hết cảnh tiến vào Bộ Tổng tham mưu cho nên đã đề nghị thủ trưởng Trung đoàn cho quay lại cảnh này. Do đang làm việc ở phía trong, tôi đã không được nghe phổ biến kế hoạch tổ chức quay phim của trung đoàn. Từ đó đến nay, không có dịp gặp lại hai nhà quay phim đó nhưng tôi biết được các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quay phim của mình bởi vì mỗi năm vào dịp 30-4 Đài truyền hình đã trích dẫn hình ảnh chiến dịch Hồ Chí Minh có hình ảnh các chiến sĩ của Trung đoàn 28 cùng với xe tăng đang tiến vào tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Chỉ còn vài ngày nữa chúng tôi cùng các đồng chí cựu chiến binh của Trung đoàn 28 sẽ họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của Trung đoàn tại Hà Nội. Tôi xin mượn lời của ban lãnh đạo Trung đoàn gửi Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 28 tại Hà Nội trong lần họp mặt vừa qua để làm lời kết cho kỷ niệm sâu sắc của mình: “Mỗi năm cứ đến ngày truyền thống vẻ vang của Trung đoàn là thêm một lần nhắc nhở cho cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn hôm nay biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những thành quả của Trung đoàn mà bằng sự hy sinh xương máu, mồ hôi công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn xây dựng nên.
Chúng tôi xin hứa với các đồng chí sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống “Đoàn kết-Thống nhất-Tự lực-Quyết thắng” của Trung đoàn 28 anh hùng, đồng thời cũng rất mong muốn ở bất cứ lĩnh vực hoạt động, công tác nào các đồng chí cũng luôn giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của quân đội, truyền thống của Trung đoàn 28 thân yêu của chúng ta.
Tây Nguyên ơi ai đã một lần qua đó
Suốt cuộc đời gắn bó nhớ thương nhau”.
NGUYỄN VĂN MƯỜI
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/56/56/58/40818/Default.aspx