Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Trích lược : LỊCH SỬ SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3



KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
  SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3
      (Chúng tôi xin giới thiệu bản trích lược lịch sử sư đoàn 10 do BLL sư đoàn 10 gửi đặng )
        Cuộc tiến công chiến lược Xuân – Hè năm 1972 của quân và dân Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Đắc Tô – Tân cảnh, giải phóng một vùng rộng lớn phía bắc tỉnh Kon Tum mở ra cục diện mới có lợi cho cách mạng ở Tây nguyên. Để đáp ứng yêu cầu giai đoạn cuối cuộc chiến tranh giải phóng cần có những đơn vị tập trung mạnh.


Được sự chuẩn y của Quân ủy trung ương và Bộ tổng tư lệnh, ngày 20 tháng 9 năm 1972, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 10 với thành phần gồm các trung đoàn bộ binh 66, 28, 95, 24 ( Trung đoàn 24 về đội hình sư đoàn tháng 6 năm 1973) và 8 tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật: tiểu đoàn đặc công 37, tiểu đoàn pháo cao xạ 30, tiểu đoàn  pháo hỗn hợp 32, tiểu đoàn pháo cơ giới 41, tiểu đoàn quân y 24, tiểu đoàn vận tải 25, tiểu đoàn thông tin 26 và tiểu đoàn công binh 31. Bộ tư lệnh và cơ quan mặt trận Cánh Đông được chuyển thành Bộ tư lệnh và cơ quan sư đoàn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quân giữ chức Sư đoàn trưởng, đồng chí Đặng Vũ Hiệp giữ chức Chính ủy, đồng chí Hồ Đệ giữ chức Sư đoàn phó, đồng chí Lã Ngọc Châu giữ chức Phó chính ủy.  Đây là những đơn vị có truyển thống chiến đấu rất vẻ vang từ kháng chiến chống Pháp, đồng thời cũng là những đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh. Sau khi thành lập, sư đoàn liên tục lập nhiều chiến công lớn, san bằng hàng loạt cứ điểm, cụm cứ điểm, giải phóng hầu hết tỉnh Kon Tum. Tiếp đó, sư đoàn tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và tiến xuống đồng bằng giải phóng thành phố Nha Trang, Cam Ranh. Trong đội hình Quân đoàn 3, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn 10 lập công xuất sắc đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu quân ngụy sài gòn, góp phần giải phóng Sài Gòn- Gia Định, cùng quân và dân cả nước hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

        Trận tiêu diệt quân Mỹ ở Ia Đrăng trong chiến dịch Plây Me lịch sử (11-1965) với khẩu hiệu “bám thắt lưng Mỹ mà đánh” của trung đoàn 66 đã trở thành phương châm tác chiến “đánh gần, diệt gọn” của bộ đội Tây Nguyên. Khi quân Mỹ còn dựa vào sức cơ động nhanh và hoả lực pháo mạnh, hùng hổ đổ quân hết nơi này đến nơi khác, các đơn vị trong sư đoàn đã biết hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của chúng, khôn khéo nghi binh, lừa dụ địch vào những khu vực do ta chọn sẵn để đánh những trận tiêu diệt, tiêu biểu là chiến dịch Sa Thầy (1966); chiến dịch Dak Tô 1 (mùa khô 1967), góp phần đánh bại mọi hình thức chiến thuật của chúng trên chiến trường. Trong những năm tiếp theo các lực lượng của sư đoàn đã đánh bại nhiều thủ đoạn tác chiến của quân ngụy, đánh thắng địch cả trong và ngoài công sự. Từ đánh vận động, đánh công sự vững chắc bằng sức mạnh chủ yếu của bộ binh và hiệp đồng binh chủng quy mô nhỏ, sư đoàn dã tiến lên đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô ngày càng lớn. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, các lực lượng của sư đoàn đã đập tan một cụm phòng thủ mạnh của địch ở băc KonTum, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang chung của toàn mặt trận.
        Chiến tranh đi vào giai đoạn cuối, sức mạnh và trình độ chiến đấu của sư đoàn cũng có bước phát triển mới cao hơn. Trong đội hình lớn của chiến dịch, Sư đoàn 10 đã tổ chức tiến công trận địa đánh bại quân địch trong các khu vực phòng ngự kiên cố của chúng ở khu vực Đức Lập, Buôn Ma Thuột, đập tan các cuộc phản kích lớn của địch như ở Phước An-NôngTrại-Chư Cúc, vận động tiến công phá vỡ các cụm phòng ngự lâm thời của địch ở Khánh Dương, Phượng Hoàng-MaĐrăc..Đặc bịêt sư đoàn đã thực hiện xuất sắc hình thức tiến công trong hành tiến, thọc sâu chiến dịch bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, góp phần giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn và đánh chiếm nhiều mục tiêu có giá trị chiến lược, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
        Trong cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam, sau hai năm bền bỉ chiến đấu phòng ngự trận địa, với các cách đánh trên, sư đoàn một lần nữa đã góp phần nhanh chóng sát cánh với các đơn vị của quân đội ta cùng lực lượng vũ trang cách mạng bạn giải phóng một loạt các thành phô, thị xã quanh Biển Hồ và nhiều địa bàn chiến lược quan trọng, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Cam-Pu-Chia.
        Một trong những thành công của sư đoàn trong những năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên là đã xây dựng được một tập thể những con người có ý chí, quyết tâm chiến đấu cao,
 có tinh thần tự lực, sáng tạo, biết cải tạo hoàn cảnh để tồn tại và chiến thắng kẻ thù. Ở sư đoàn, ai cũng phải tự rèn luyện để sử dụng thành thạo các loại vũ khí của ta, của địch, có thể làm được nhiệm vụ công binh, trinh sát, vận tải, cứu thương, biết làm nhà cửa, nương rẫy, đan lát, vá may…Khi gặp khó khăn, thiếu thốn vẫn bình tĩnh, tự tin tìm cách giải quyết. Từ sư đoàn trưởng đến chiến sĩ, mọi người luôn luôn dồn tâm sức cho trận đánh thắng lợi. Ai cũng khiêm tốn học hỏi, chịu thương chịu khó, không bao giờ thỏa mãn với thành tích đã đạt được, có ý thức chấp hành triệt để mệnh lệnh cấp trên; trước khó khăn chỉ một lòng xốc tới, biết lo xa, nhường nhịn, thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Ai cũng xung phong nhận phần khó về mình, dù việc đó phải hy sinh đến tính mạng. Một viên thuốc sốt rét lúc thiếu hoà ra cùng uống, một hạt muối, nắm rau, củ rừng cùng chia sẻ cho nhau. Càng khó khăn gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, tinh thần đòan kết giữa các cán bộ, chiến sĩ càng cao, ý chí chiến đấu càng vững vàng, kiên định.
        Đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó với đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương, đoàn kết Quốc tế là môt truyền thống tốt đẹp của sư đoàn. Ở bất cứ địa phương nào, dù ở vùng đồng bào Kinh hay đồng bào Thượng, ở rừng núi hay đồng bằng, đô thị, ở trong nước hay khi chiến đấu trên đất nước bạn, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn cũng luôn thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng, tận tình giúp đỡ đồng bào và nhân dân bạn trong lúc khó khăn.
        Những năm tháng chiến đấu và  xây dụng đã qua là niềm tự hào của cán bộ, chiên sĩ sư đoàn 10. Bằng mồ hôi và xương máu, sức lực và trí tuệ của mình, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang ta và tô đẹp truyền thống  “Đoàn kết, thống nhất, kiên cường, quyết thắng” của sư đoàn. Những truyền thống quý báu đó mãi mãi được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 10 kê tục phát huy trong hoàn cảnh mới .
Mỗi bước đi lên, mỗi chiến công của sư đoàn đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng của Bác Hồ vĩ đại, sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Tây Nguyên
Chặng đường chiến đấu và xây dựng với những chiến công oai hùng mà sư đoàn 10 đã dành được đã đi vào lịch sử. Những chíên công và kinh nghiệm phong phú đó luôn luôn là động lực lớn lao cổ vũ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn “nỗ lực vươn lên xây dựng thành sư đoàn chủ lực mạnh, tinh nhuệ, thiện chiến, có kỷ luật nghiêm, đời sống vật chất và tinh thần tốt, đoàn kêt nội bộ, đoàn kết quân dân, sẵn sàng hoàn thành và hoàn thành xuầt sắc mọi nhiệm vụ”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào thế kỷ thứ XXI, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra.














DANH SÁCH, ĐƠN VỊ ĐƯỢC TẶNG
 DANH HIỆU ANH HÙNG LLVTND

  I – ĐƠN VỊ
       SƯ ĐOÀN BỘ BINH 10 QUÂN ĐOÀN 3
        Sư đoàn 10 là một trong những sư đoàn bộ binh trẻ tuổi nhất của quân đội ta. Thành lập tháng 9 năm 1972, gồm các trung đoàn 66, 28, 95 ở chiến trường Tây Nguyên, sư đoàn đã nêu cao truyền thống chiến đấu dũng cảm, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, tiêu diệt nhiều đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ và quân ngụy, diệt gần 14.000 tên, diệt gọn 2 lữ đoàn, 2 trung đoàn, 10 tiểu đoàn, 2 chi đoàn thiết giáp, bắt 4.200 tên nguỵ, phá huỷ hơn 900 xe quân sự, 20 khẩu pháo, bắn rơi 17 máy bay, thu hơn 10.000 súng.
        Năm 1974, sư đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng giải phóng KonTum, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta vận chuyển hành quân vào chiến trường được thuận lợi.
        Mùa xuân năm 1975, sư đoàn mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, đánh nhiều trận xuất sắc đạt hiệu qủa chiến đấu cao. Từ ngày 9 đến 25 tháng 3 năm 1975 sư đoàn đã diệt quân lỵ Đức Lập, hành quân thần tốc, chốt chặn kiên cường diệt địch rút chạy ở Khánh Dương, đèo Phượng Hoàng, tiêu diệt và làm tan rã 1 sư đoàn, 2 trung đoàn, 1 lữ đoàn ngụy.
        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn chiến đấu trong đội hình quân đoàn tiến công ở cánh quân phía tây bắc Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và trại huấn luyện Quang Trung, phối hợp với đơn vị bạn đánh chiếm bộ tổng tham mưu nguỵ.
        Sư đoàn đã được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công giải phóng (1 hạng nhất, 1 hạng nhì). Các trung đoàn đều được tặng thưởng Huân chương Công quân, có 1 trung đoàn, 1 tiểu đoàn, 5 đại đội và 1cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng.
        Ngày 12 tháng 9 năm 1975, Sư đoàn bộ binh 10 được Chủ Tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

SƯ ĐOÀN BỘ BINH 10 QUÂN ĐOÀN 3
(Tuyên dương lần thứ hai)
        Trong kháng chiến chồng Mỹ, cứu nước, đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc, đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        Từ sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975) đến tháng 9 năm 1977, đơn vị làm nhiệm vụ thu phục Phun-rô ở Lâm Đồng, đã sâu sát nhân dân, phát động quần chúng phát hiện bọn Phun-rô hoạt động, chỉ cho bộ đội bao vây diệt 56 tên, bắt 100 tên, gọi hàng 200 tên (trong đó có 2 đại tá, 4 đại uý), dẹp được một vụ bạo loạn của lực lượng phản động ở xã Châu Sơn, huyện Đơn Dương, góp phần tích cực cùng các lực lượng khác giữ vững an ninh trật tự ở Lâm Đồng.
        Từ cuối năm 1977 đến tháng 6 năm 1977, chiến đấu ở biên giới Tây Nam, đơn vị đã nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực dánh dịch, diệt 9.400 tên, bắt 2.062 tên. Trong đó diệt gọn 1 trung đoàn, 1 tiểu đoàn, 6 đại dội địch; đánh thiệt hại nặng 10 trung đoàn, tiểu đoàn khác. Làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn đã giải phóng thị xã Công Pông Thơm, Xiêm Riệp, Bát Đom Boong, Pua Sát, có hàng chục vạn dân, thu hơn 37.000 súng các loại, 50 xe quân sự (có 13 xe bọc thép).
        Đặc biệt đơn vị đã bắt liên lạc với lực lượng nổi dậy ở quân khu 203 và đón  được ông Hêng Xom-rin ra vùng giải phóng.
        Làm tốt công tác phát động quần chúng đưa 2 vạn dân về quê cũ làm ăn; xây dựng chính quyền ở 10 xã, 430 ấp thuộc các tỉnh Công Pông Chàm, Công Pông Thơm, Bát Đom Boong; thành lập được 5 đại đội bộ đội huyện, 5.000 dân quân, được cán bộ và nhân dân bạn tin yêu.
        Trong đợt chiến đấu ở biên giới Tây Nam đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất.
        Ngày 20 tháng 12 năm 1979, sư đoàn bộ binh 10 dược Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Viật Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 66
MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN

        Trung đoàn 66 vào chiến trường Tây Nguyên tháng 8 năm 1965, từ đó đến năm 1972, trung đoàn 66 thường được giao nhiệm vụ có nhiều khó khăn, ác liệt nhưng trong điều kiện, hoàn cảnh  nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung đoàn đã vận động linh hoạt các hình thức chiến thuật phục kích, vận động tiến công kết hợp chốt, bao vây đánh dứt điểm quân địch trong công sự vững chắc; đánh thắng các đơn vị Mỹ thuộc sư đoàn 1 “Ky binh bay”, sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đơi”, sư đoàn 4 bộ binh, lữ đoàn dù 173 và đánh thắng nhiều chiến đoàn ngụy.
        Trung đoàn đã đánh 350 trận lớn nhỏ, diệt 11.500 tên địch (có 4.000 tên Mỹ); tiêu diệt và đánh bại thiệt hại nặng 1 chiến đoàn, 19 tiểu đoàn, 15 đại đội (có 2 tiểu đoàn và 11 đại đội Mỹ); hiệp đồng cùng đơn vị ban tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 1 chiến đoàn và 5 tiểu đoàn khác; bắn rơi và phá huỷ 328 máy bay, phá huỷ 47 khẩu pháo, 9 kho đạn và xăng dầu, trên 120 lô cốt và nhà lính; bắn cháy 50 xe quân sự; bắt 360 tên địch; thu 1200 súng, 20 máy thông tin và nhiều đồ dùng quân sự. Trung đoàn 66 là đơn vị chủ yếu tiêu diệt gọn tiểu đoàn Mỹ đầu tiên thuộc sư đoàn kỵ binh thông vận trong chiến dịch Plây Me lịch sử.
        Các đơn vị của trung đoàn đều đánh giỏi, các tiểu đoàn đều diệt gọn tiểu đoàn địch, hầu hết các đại đội bộ binh của trung đoàn dều diệt gọn đại đôi địch.
        Trung đoàn đã được thưởng 4 Huân chương Quân công Giải phóng (1 hạng nhì, 3 hạng ba); có 1 đại đội đươc tuyên dương danh hiệu Anh hùng.
        Ngày 19 tháng 5 năm 1972, trung đoàn bộ binh 66 được chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 66
SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3
(Tuyên dương lần thứ hai)
       
        Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị lập được nhiều thành tích xuất sắc, đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1972).
        Từ tháng 10 năm 1977 đến tháng 6 năm 1979, trung đoàn liên tục chiến đấu ở chiến trường Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Đơn vị có quyết tâm cao, đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng đều giỏi, có sức cơ động cao, tấn công mạnh, lập nhiều thành tích xuất sắc. Trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, đánh chiếm 3 sở chỉ huy trung đoàn, sư đoàn địch, giải phóng 2 thị xã (Xiêm Rịêp và Pua Sát)…
        Tích cực truy quét tàn quân địch, làm tốt nhiệm vụ phát động quần chúng, giúp bạn xây dựng chính quyền ở 20 xã, được cán bộ và nhân dân bạn tin yêu.
         Trong chiến đấu ở biên giới Tây Nam, đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.
        Ngày 20 tháng 12 năm1979, trung đoàn bộ binh 66 được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 24
SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3
        Từ năm 1971 đến tháng 4 năm 1975, trung đoàn 24 hoạt động ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, trung đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, càng đánh càng trưởng thành nhanh chóng; đánh địch trong công sự vững chắc, đánh tập kích, đánh vận động, đánh phục kích, đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng trong đội hình lớn đều giỏi, đã diệt gọn 13 tiểu đoàn, hai chi đoàn địch, đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn, diệt 5.300 tên, bắt 100 tên (có 3 đại tá); phá huỷ và bắn rơi 10 máy bay, thu 398 máy bay, 67 khẩu pháo, 2.000 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch.
        Đặc biệt Xuân 1975, trung đoàn đã đánh nhiều trận xuất sắc, giành thắng lợi lớn, dẫn đầu các trung đoàn trong sư đoàn về thành tích chiến đấu.
        Từ ngày 9 đến 17 tháng 3 năm 1975, trung đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ với xe tăng và pháo binhta đánh chiếm hậu cứ sư đoàn 23 nguỵ trong thị xã Buôn Ma Thuột. Sau đó, cơ động đánh địch trên đường 21, tiến đánh địch ở Ninh Hoà, Nha Trang và quân cảng Cam Ranh. Là lực lượng chủ yếu diệt lữ đoàn dù số 3 nguỵ.
        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 26 đến 30 tháng 4, trung đoàn làm nhiệm vụ thọc sâu của quân đoàn, đơn vị đã đánh nhanh, đánh mạnh vào sân bay Tân Sơn Nhất, diệt sở chỉ huy sư đoàn 5 không quân, sở chỉ huy sư đoàn dù nguỵ, làm chủ hoàn toàn sân bay, quản lý tốt 398 máy bay. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
        Trung đoàn đã được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất. Các tiểu đoàn trong trung đoàn đều được tặng thưởng huân chương. Có một tiểu đoàn được tặng danh hiệu Anh hùng.
        Ngày 3 tháng 6 năm 1976, trung đoàn bộ binh 24 đươc Chủ tịch nước Việt Nam dận chủ cộng hoà tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vủ trang nhân dân.








TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 24
SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3
(Tuyên dương lần thứ hai)

        Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị lập nhiều thành tích xuất sắc, đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        Từ tháng 12 năm 1977 đến tháng 6 năm 1979, trung đoàn 24 liên tục chiên đấu ở chiến trường Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế, đơn vị đã nêu cao quyết tâm, cơ động nhanh, tiến công mạnh, vận dụng linh hoạt nhiều hính thức chiến thuật. Trung đoàn đã diệt trên 3.000 tên dịch, bắt 897 tên; diệt 5 đại đội, đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn khác, thu trên 2.700 súng các loại        (có 12 khẩu pháo 105 ly), phá huỷ trên 100 xe quân sự (có 8 xe tăng và xe bọc thép), giải phóng thị xã Công Pông Thơm và Bát Đom Boong.
        Đơn vị đã giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở  41 ấp, xây dựng 38 đội dân quân có trên 450 đội viên, thành lập 1 đại đội bộ đội huyện.
        Trong chiến đấu ở Tây Nam, đơn vị đã được tặng thưởng hai Huân chương Quân công (1 hạng nhì, 1 hạng ba).
        Ngày 28 tháng 8 năm 1981, trung đoàn bộ binh 24 được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
       
TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 28
SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3
        Trung đoàn 28 hoạt động ở chiến trưòng Tây Nguyên từ năm 1968 đến mùa xuân năm 1975, đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt, liên tục chiến đấu trên nhiều địa bàn, đánh thắng nhiều đối tượng quân địch, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trung đoàn đã diệt gần hai vạn quân địch, có 1.000 Mỹ, bắt 1.350 tên nguỵ. Trong đó diệt gọn 13 tiểu đoàn, dánh thiệt hại nặng hai trung đoàn, 5 tiểu đoàn. Phá huỷ hơn 300 xe quân sự và nhiểu phương tiện chiến tranh khác của địch. Đặc biệt tronh năm 1974 và Tổng tiến công Xuân 1975, trung đoàn đã có những bước tiến nhảy vọt trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh nhiều trận then chốt giành thắng lợi, có tác dụng cổ vũ các đơn vị trong toàn mặt trận.
        Ngày 17 tháng 3 năm 1974, trung đoàn bao vây công kích địch ở điểm cao 867 (bắc Kon Tum), diệt gọn 1 tiểu đoàn biệt động giết 218 tên bắt 203 tên.
        Ngày 14 tháng 7 năm 1974, trong vòng một giờ đồng hồ, trung đoàn đã tiêu diệt 1 tiểu đoàn ngụy ở tây bắc Kon Tum. Có tác dụng cổ vũ lớn các đơn vị trong sư đoàn hăng hái đánh địch trong mùa mưa
        Trong chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 10 đến 31 tháng 3 năm 1975, sau khi tham gia đánh địch ở Đức Lập, Buôn Ma Thuột, trung đoàn cơ động đánh địch trên chặng đường 21. Đã đánh thiệt hại nặng cơ sở chỉ huy sư đoàn 23, trung đoàn 44, trung đoàn 45, hai tiểu đoàn dù ngụy. Góp phần tích cực giải phóng quận lỵ Đăk Song, Khánh Dương, cảng Cam Ranh.
        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 26 đến 30 tháng 4 năm 1975, trung đoàn tiến công địch ở trại huấn luyện Quang Trung, góp phần chủ yếu cùng đơn vị bạn đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy
        Đơn vị đã được khen thưởng 2 Huân chương Quân công giải phóng (3 hạng nhì, 1 hạng 3).
        Ngày 15 tháng 1 năm 1976, trung đoàn bộ binh 28 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 3
TRUNG ĐOÀN 28 SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3

        Từ năm 1969 đến tháng 4 năm 1975, tiểu đoàn 3 chiến đấu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đơn vị càng đánh, càng trưởng thành, đánh độc lập, đánh trong đội hình trung đoàn, đánh tập kích, đánh địch trong công sự vững chắc, đánh vây lấn, đánh giữ chốt kết hợp vân động tiến công đều giỏi. Cán bộ, chiến sĩ chiến đấu dũng cảm mưu trí, tiến công kiên quyết, chốt giữ kiên cường, có tác phong đánh nhanh, diệt gọn. Tiểu đoàn đã diệt 4 tiểu đoàn, 12 đại đội, đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn khác, diệt 4.000 tên địch, bắt 255 tên, phá huỷ 131 xe quân sự (có 50 xe tăng, xe bọc thép); thu hơn một nghìn súng các loại (có 30 khẩu pháo từ 105 đến 175 ly), góp phần cùng trung đoàn diệt gọn 5 tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn khác.
        Đặc biệt trong chiến dịch Hố Chí Minh tiểu đoàn 3 đã cùng trung đoàn tiến công trại huấn luyện Quang Trung, phát trển vào Sài Gòn và đánh  chiếm bộ tổng tham mưu nguỵ. Đơn vị đã được tặng thưởng 3 huân chương Quân công giải phóng hạng nhất, 2 lần là đơn vị “Thành đồng Quyết thắng”. Có 1 đại đội được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
         Ngày 3 tháng 6 năm 1976, tĩểu đoàn bộ binh 3 đã được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 4
TRUNG ĐOÀN 24 SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3

        Từ tháng 12 năm 1971 đến tháng  4 năm 1975, tiểu đoàn 4chiến đấu ở khu 5 và Nam Bộ. Đơn vị vận dụng linh hoạt nhều hình thức chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc, đánh vận động đều giỏi,diệt gần 2.000 tên địch, bắt 217 tên (có 1đại tá). Trong đó diệt gọn 1tiểu đoàn, 1sở chỉ huy sư đoàn;đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn, phá huỷ 41 xe quân sự ; 18 khẩu pháo bắn rơi 4 máy bay,thu 9.760 súng cac loại, 70 se quân sự, 95 máy thông tin.
        Tháng 3 năm 1974, tiểu đoàn 4 làm nhiệm vụ đánh địch ở điểm cao 1000 (đông bắc Kon Tum). Mặc dù địch dựa vào công sự vững chắc chống trả quyết liệt, nhưng đơn vị vẫn tìm cách vượt qua, nhanh chóng chia cắt địch để diệt. Kết quả đã diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn khác
        Trong 2 ngày 10 và 11 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn 4 đảm nhiệm một hướng tiến công địch ở thị xã Buôn Ma Thuột. Đơn vị đã hiệp đồng chặt chẽ cùng xe tăng ta nhanh chóng đánh chiếm khu truyền tin của bộ tham mưu sư đoàn 23 nguỵ, làm cho địch không chỉ huy được
        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tiểu đoàn làm nhiệm vụ dẫn đầu mũi thọc sâu tiến công sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị đã chiến đấu rất dũng cảm, táo bạo, nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn dù nguỵ, diệt và bắt hàng ngàn tên địch, tạo thuận lợi cho các đơn vị bạn phát triển đánh chiếm toàn bộ sân bay.
        Đơn vị đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương  Chiến công hạng nhì.
        Ngày 15 tháng 1 năm 1976, tiểu đoàn bộ binh 4 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng  vũ trang nhân dân.



TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 4
TRUNG ĐOÀN 24 SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3
(Tuyên dương lần thứ hai)
       
        Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị lập nhiêu thành tích xuất sắc, đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân..
        Từ tháng 12 năm 1977 đến tháng 6 năm 1979, tiểu đoàn 4 liên tục chiến đấu ở chiên trường Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, đơn vị thường đảm nhận nhiệm vụ khó khăn trên hướng chủ yếu của trung đoàn. Cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần tích cực tiến công, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, đã diệt trên 1100 tên địch, bắt 283 tên, diệt gọn 3 đại đội, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác, thu trên 800 súng các loại, 80 xe quân sự (có 14 xe tăng, xe bọc thép). Góp phần cùng đơn vị bạn giải phóng hàng chục vạn dân ở các tỉnh Công Pông Sơn, Bát Đom Boong  
        Tích cực làm công tác phát động quần chúng giúp bạn xây dựng lực lượng cách mạng ở 13 ấp,xã.
        Đơn vị đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba và 2 huân chươ Chiến công hạng nhất
        Ngày 20 tháng 12 năm 1979, tiểu đoàn bộ binh 4được chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 7
TRUNG ĐOÀN 66 SƯ ĐOÀN 10
 MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN

        Tiểu đoàn 7 vào chiến trường từ tháng 8 năm1965, là đơn vị chủ công của trung đoàn, đã khắc phục nhiều gian khổ, khó khăn, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật, đánh độc lập, đánh hiệp đồng đều giỏi. Qua 7 năm chiến đấu, tiểu đoàn đã đánh hơn 60 trận (có ½ số trận quy mô tiểu đoàn), lập nhiều thành tích xuất sắc. Đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 10 tiểu đoàn, diệt 150 đại đội (có 7 đại đội Mỹ), bắn rơi 45 máy bay, phá huỷ 14 khẩu pháo, bắt 250 tù binh, thu 450 súng và 85 máy thông tin, góp phần tích cực cùng các đơn vị bạn tiêu diệt 2 tiểu đoàn Mỹ - Ngụy khác. Trong chiến dịch Plây Me (1965), tiểu đoàn vừa vào tới chiến trường chưa kịp nghỉ ngơi đã nhanh chóng tiếp cận, bao vây, công kích liên tục, có mũi đánh giáp lá cà với địch, diêt gọn 1 đại đội Mỹ, làm chủ trận địa, tạo thuân lợi cho các đơn vị khác chặn đánh tiêu diệt gọn tiểu đoàn Mỹ
        Trong chiến dịch Bu Prăng cuối năm 1969, tiểu đoàn 7 đã diệt gọn 1 tiểu đoàn Ngụy; chiên dịch Đắc Xiêng tháng 4 năm 1970 tiểu đoàn lại diệt gọn 1 tiểu đoàn Ngụy khác.
        Tháng 3 năm 1971, tiểu đoàn đã bao vây nhanh, công kích liên tục, diệt gọn 1 tiểu đoàn Nguỵ tại điểm cao 935. Tiếp đó tiểu đoàn 7 lại diệt gọn 1 cụm bộ pháo hỗ hợp tương đương 1 tiểu đoàn tại điểm cao 1001 (Ngọc Rinh Rua).
        Trận đánh Plây Cần và Đắc Xiêng từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 10 năm 1972, tiểu đoàn đã góp phần tích cực cùng trung đoàn diệt 2 tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc.
        Tiểu đoàn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quâncông giải phóng hạng ba, 6 Huân chương Chiến công giải phóng hạng (3 hạng nhất, 1 hạng nhì, 2 hạng ba). Có một đại đội được tặng danh hiệu Anh hùng.
        Ngày 20 tháng 12 năm 1973, tiểu đoàn 7 được Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 9
TRUNG ĐOÀN 66 SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3

        Từ ngày 10 năm 1977 đến tháng 6 năm 1979, tiểu doàn 9 liên tục chiến đâú ở chiến trường Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Đơn vị đã nêu cao quyết tâm , tiến công mạnh, thọc sâu nhanh, chốt giữ địa bàn vững chắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tiểu đoàn đã  diệt gần 900 tên địch, bắt 145 tên; diệt 4 đại đội địch, thu 335 súng các loại, 28 xe quân sự, 2 máy bay. Cùng các đơn vị bạn giải phóng các thị xã Xiêm Riệp và Pua Sát, với hàng vạn dân.
        Tiểu đoàn giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở cấp 6. Trích phần lương thực, thực phẩm của đơn vị để cứu đói và tổ chức đưa hàng ngìn người dân về những khu vực có điều kiện làm ăn, ổn định đời sống.
        Trong chiến đấu ở biên giới Tây Nam đơn vị đã đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công  hạng nhất.
        Ngày 20 tháng 12 năm 1979, tiểu đoàn bộ binh 9 được Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ĐẠI ĐỘI PHÁO BINH 2
TIỂU ĐOÀN 32 SƯ ĐOÀN 10 MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN

         Từ năm 1966 đến năm 1973, đại đội 2 chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Tuy mang vác nặng, cơ động trên địa hình có nhiều đèo dốc khó đi, nhung đơn vị đã khắc ohục khó khăn, chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu. Đại đội dã phá huỷ 97 khẩu pháo, cối (có 37 pháo 105, 155, 175 ly), 20 kho xăng, đạn, 18 xe quân sự (có 12 xe bọc thép), 7 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh khác, diệt hàng trăm tên địch.
        Trận plây Ghi-răng (Kon Tum) tháng 11 năm 1966, đơn vị trinh sát địch kỹ, chuẩn bị chu đáo, giữ đựơc bí mật, đã bắn trúng các mục tiêu được phân công và mục tiêu xuất hiện trong diễn biến chiến đấu, phá huỷ hầu hết các lô cốt, 4 khẩu pháo 105 ly, 2 cối 106, 7 ly, tạo thuận lợi cho bộ binh diệt gọn 1 tiểu đoàn Mỹ. Đây là trận đầu đại đội ra quân đã lập công xuất sắc. Các trận bao vây đánh lấn: Đăc Xiêng (1970), Ngọc Rinh Rua (1971), Đắc Tô-Tân Cảnh (1972), trận nào đơn vị cũng bắn trúng mục tiêu, chi viện cho bộ binh ta chiến đấu thắng lợi.
        Đại đội đã được tặng thưởng 8 Huân chương Chiến công giải phóng các hạng, 3 lần là Đơn vị Thành đồng quyết thắng.
Ngày 20 tháng 12 năm 1973, đại đội pháo binh 2 được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 2 TIỂU ĐOÀN 7
TRUNG ĐOÀN 66 MẶT TRÂN TÂY NGUYÊN
       
        Từ tháng 8 năm 1965 đại đội binh 2 chiến đấu ở Tây Nguyên. Đơn vị đã đánh 20 trận diệt gọn 2 đại đội ngụy, 3 đại đội và 2 trung đội Mỹ, thu 90 súng các loại, 4 máy vô tuyến điện…Đơn vị còn phối hợp với các đại đội khác trong tiểu đoàn diệt hàng nghìn tên Mỹ-Ngụy. Trận Đức Vinh ngày 3 tháng 7 năm 1966, (diệt hơn 1000 tên), nêu kỷ lục đầu tiên đại đội ta diệt gọn đại đội Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Trận điểm cao 823 ngày 11 tháng 11 năm 1967, đơn vị đã tích cực bám sát, bao vây, chia cắt địch ra từng bợ phận, góp phần quan trọng cùng các đại đội bạn điệt gón 2 đại đội và tiểu đoàn bộ quân dù Mỹ. Ngày 30 tháng 3 năm 1968, đánh vào Chư Tăng Kra, đơn vị bí mật tiếp cận, bất ngờ nổ súng, diệt gọn 1 đại đội Mỹ, thu 20 súng, 3 máy vô tuyến điện. Trong 5 ngày (tháng 5 năm 1969), đơn vị đánh 2 lần vào vị trí Ngọc Dơ Lang có công sự vững chắc, diệt gọn 2 đại đội ngụy, thu súng, 2 máy vô tuyến điện…
        Đơn vị chú trọng xây dựng nội bộ tốt, 100 phần trăm cán bộ và chiến sĩ trong đại đội đã được khen thưởng, đơn vị đào tạo được nhiều cán bộ bổ xung cho các đơn vị bạn (trong 5 năm đã đào tạo được 180 cán bộ tiểu đội, 120 cán bộ trung đội,72 cán bộ đại đội).
        Đại đội được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và hạng nhì, 2 lần được tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”
        Ngày 15 tháng 2 năm 1970, đại đội bộ binh 2 được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 2
TIỂU ĐOÀN 7 TRUNG ĐOÀN 66 SƯ ĐOÀN 10
(Tuyên dương lần thứ hai)

        Địa đội 2 lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970.
        Từ năm 1970 đến năm 1973, đại đội đã đánh thắng hàng chục trận. Là đại đội bộ binh tiêu diệt nhiều đại đội địch nhất trên chiến trương Tây Nguyên. Đơn vị có tác phong chiến đấu tốt đã nổ súng là thọc sâu, chia cắt, bao vây diệt nhiều địch, bắt tù binh, thu vũ khí, giải quyết tốt thương binh, liệt sĩ. Đaị đội đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, 11 đại đội địch, bắt 50 tù binh; bắn rơi 4 máy bay, cúng các đơn vị khác trong tiểu đoàn tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn địch.
        Trận đánh điểm cao 935 ngày 27 tháng 3 năm 1971, đại đội 2 bao vây công kích địch liên tục, góp phần quan trọng cùng đại đội bạn diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy. Trận Ngọc Rinh Rua ngày 31 tháng 3 năm 1971 (đánh địch trong công sự vững chắc trên điểm cao giữa ban ngày), khi tiểu đoàn gặp khó khăn, đại đội đã dũng cảm thọc sâu vào vị trí địch, tạo thuận lợi cho tiểu đoàn diệt gọn 1 tiểu đoàn hỗn hợp bộ binh và pháo binh quân nguỵ.
        Hè thu 1972, đại đội 2 đã chiến đấu liên tục, diệt nhiều địch. Nổi bật là trận đánh quân địch nống lấn ra tây băc Kon Tum, đại đội đã góp phần chủ yếu cùng tiểu đoàn diệt 2 tiểu đoàn nguỵ.
        Đại đội đã được tăng thưởng 1 Huân chương Quân công giải phóng hạng ba, 5 Huân chương Chiến công giải phóng (2 hạng nhất, 3 hạng nhì).
        Ngày 23 thang 9 năm 1973, đại đội bộ binh 2 được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


ĐẠI ĐỘI PHÁO BINH 5
TIỂU ĐOÀN 11 TRUNG ĐOÀN 4 SƯ ĐOÀN 10
QUÂN ĐOÀN 3

        Từ năm 1971 đến tháng 4 năm 1975, đại đội pháo binh 5 tham gia chiến đấu ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Tuy cơ động nhiều trên đại hình rừng núi, mang vác nặng, điều kiện sinh hoạt thiêú thốn, nhưng đơn vị luôn nêu cao quyết tâm vượt khó khăn, ác liệt, đánh giỏi, bắn trúng, chi viện đắc lực cho bộ buinh ta chiến đấu thắng lợi. Đại đội 5 đã đánh hơn 30 trận, trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phá huỷ 19 khẩu pháo 155 và 105 ly, 17 xe quân sự, 23 kho xăng đạn, 15 xe quân sự, 47 lô cốt, diệt hàng nghìn tên địch, chi viện đắc lực cho đơn vị bạn chiến đấu.
        Đại đội đã được tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công giải phóng (4 hạng nhì, 3 hạng ba).
        Ngày 15 tháng 1 năm 1976, đại đội pháo binh 5 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.




ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 6
TIỂU ĐOÀN 8 TRUNG ĐOÀN 66 SƯ ĐOÀN 10
QUÂN ĐOÀN 3

        Từ tháng 8 năm 1966 đến tháng 3 năm 1975, đại đội bộ binh 6 chiến đấu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong các trận đánh, đơn vị thường được giao nhiệm vụ ở hướng chủ yếu của tiểu đoàn. Cán bộ, chiến sĩ luôn quyết tâm cao, đã nổ súng là xung phong, nhanh chóng thọc sâu, chia cắt địch để tiêu diệt.
        Đại đội đã diệt gọn 4 đại đội địch (có 3 đại đội Mỹ), đánh thiệt hại nặng 8 đại đội khác; diệt hơn 1.000 tên địch (có 500 Mỹ), bắt 2.584 tên, bắn rơi 9 máy bay, thu hơn 200 súng. Góp phần tích cực cùng tiểu đoàn diệt gọn 6 tiểu đoàn địch.
        Đơn vị đã được tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công giải phóng (1 hạng nhất, 2 hạng nhì, 3 hạng ba) Được quân khu tặng cờ “Tấn công dũng mãnh, đánh giỏi diệt gọn”, 3 lần được tặng danh hiệu “Đơn vị Anh dũng diệt Mỹ”.
        Ngày 20 tháng 10 năm 1976, đại đội bộ binh 6 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lưc lượng vũ trang nhân dân.

ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 10
TIỂU D0OÀN 3 TRUNG ĐOÀN 28 SƯ ĐOÀN 10
MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN

        Đại đội bộ binh 10 từ năm 1969 đến năm 1973 tuy hoạt động trên địa hình rừng núi, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ốm đau bệnh tật nhiều, lại thường đảm nhiệm hướng chủ yếu của tiểu đoàn trên các trận đánh, nhưng đơn vị có quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt chiến đấu dũng cảm, mưu trí đã diệt gần 1.100 tên địch, bắt 100 tên ngụy. Có 6 đại đội, 1 chi đội bọc thép, 1 sở chỉ huy tiểu đoàn địch bị diệt gọn; bắn cháy 28 xe quân sự(có 22 xe tăng, xe bọc thép). Thu 150 súng các loại, góp phần tích cực cùng tiểu đoàn diệt gọn 4 tiểu đoàn địch.
        Trận Chư Hinh (Kon Tum) từ ngày 9 đến ngày 24 tháng 3 năm 1969, đơn vị cùng với tiểu đoàn bao vây đánh lấn 1 tiểu đoàn Mỹ. Mặc dù bom đạn địch rất ác liệt, đơn vị tích cực tiến công địch, khẹp chặt vòng vây và tiêu diệt từng bộ phận quân địch nống ra giải toả. Kết quả đã diệt gần 100 tên Mỹ, góp phần tích cực cùng tiểu đoàn đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn Mỹ, buộc chúng phải rút khỏi Chư Hinh.
        Từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1972, đại đội làm nhiệm vụ chốt chặn đường 14 đoạn Võ Định –Diên Bình (bắc thị xã Kon Tum) đã đánh hơn 10 trận diệt 250 tên địch, diệt gọn 1 chi đội xe tăng (12 chiếc) góp phần cùng tiểu đoàn cắt đứt giao thông địch trên đường 14 trong 40 ngày.
        Đơn vị đã được khen thưởng 5 huân chương Chiến công giải phóng (2 hạng nhì, 3 hạng ba ), được tặng cờ “Dũng mạnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn ”, là đơn vị “Thành công Quyết thắng “.
        Ngày 20 tháng 12 năm 1973, đại hội bộ binh 10 được Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùnh lực lương vũ trang nhân dân.


ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 11
TIỂU ĐOÀN 9 TRUNG ĐOÀN 66 SƯ ĐOÀN 10
QUÂN ĐOÀN 3
       
        Từ năm 1969 đên tháng 4 năm 1973, đại đội bộ binh 11 liên tục chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Trong các trận đánh, đơn vị thường đảm nhiệm hướng chủ yếu của tiểu đoàn. Cán bộ chiến sĩ đại đội 11 chiến đấu dũng cảm mưu trí, dù khó khăn, ác liệt thế nào cũng kiên quyết vượt qua, giành thắng lợi cho trận đánh. Đại đội đã diệt gọn 1000 tên địch (có 2429 Mỹ), bắt 243 tên. Trong đó diệt gọn 3 đại đội (có 2 đại đội Mỹ ), đánh thiệt hại nặng 6 đại đội, phá huỷ 3 khẩu pháo, cối, 6 xe quân sự, bắn rơi 4 máy bay, thu 300 khẩu súng. Góp phần tích cực cùng tiểu đoàn diệt gọn 9 tiểu đoàn, 12 đại đội địch.
        Đơn vị đã được tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công giải phóng (1 hạng hai, 5 hạng ba), được tặng danh hiệu “Đơn vị Anh dũng diệt Mỹ”.
        Ngày 20 tháng 10 năm 1976, đại đội bộ binh 11 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lương  vũ trang nhân dân.

ĐẠI ĐỘI PHÁO BINH ĐKZ 15
TRUNG ĐOÀN 66 SƯ ĐOÀN 10 QUÂN ĐOÀN 3

        Từ năm 1965 đến tháng 4 năm 1975, đại đ6ị pháo binh ĐKZ 15 chiến đấu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tuy mang vác nặng, cơ động nhiều trên địa hình rừng núi, đơn vị luôn có quyết tâm cao càng đánh càng trưởng thành, đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng đều giỏi.
        Đại đội đã phá huỷ 33 khẩu pháo, 45 xe quân sự, 15 máy bay, 390 lô cốt,12 kho xăng, đạn, gần 100 nhà lính; diệt hơn 1.000 tên địch, bắt 23 tên, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến  đấu thắng lợi.
        Đơn vị được tặng thưởng 9 Huân chương Chiến công giải phóng (1 hạng nhất, 1 hạng nhì, 7 hạng ba), 3 lần là “Đơn vị Quyết thắng”, được tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng diệt Mỹ”.
        Ngày 3 tháng 6 năm 1976, đại đội pháo ĐKZ 15 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

II CÁ NHÂN

ANH HÙNG : HOÀNG KHẮC DƯỢC

        Hoàng Khắc Dược anh sinh 1917, dân tộc kinh, quê ở xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, nhập ngũ 1947. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc trung đoàn 66 Đoàn 304, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Cuối năm 1946, giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, chúng tiến công đánh chiếm thành phố Nam Định. Hoàng Khắc Dược tham gia tự vệ cùng bộ đội chiến đấu liên tiêp 13 ngày liền trong thành Nam Định. Đồng chí đã dùng mã tấu lựu đạn chiến đấu, tự mình đem 1 thương binh và 1 tử sĩ ra phía sau.Trong trận đánh quân nhảy dù (tháng 1 năm 1947), đồng chí đã dùng mã tấu chém chết 3 tên địch , thu 2 súng.
        chiến đấu đã anh dũng  như vậy, khi đươc phân công làm công tác nuôi quân, Hoàng Khắc Dược cũng rất chịu khó, với một tinh thần trách nhiệm rất cao. Bảy năm làm công tác nuôi quân, Hoàng Khắc Dược vẫn luôn luôn phấn khởi, không hề kêu ca phàn nàn, dù gặp nhiều khó khăn thiếu thốn vẫn tìm mọi cách khắc phục, bảo đảm nuôi dưỡng bộ đội chu đáo. Nết chí công vô tư, hết lòng thương  yêu đồng đội, phục vụ đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ .
        năm 1954, có lần máy bay địch bắn phá và thả bom na-pan đốt cháy lán trại. Đơn vị đi công tác, chỉ còn anh nuôi ở nhà, Hoàng Khắc Dược dũng cảm xông vào chữa cháy và cùng tổ nuôi quân đưa hết bộc phá, địa lôi và nhiều dụng cụ khác ra ngoài an toàn .
        Trong chiến dịch Tây Bắc (năm 1952 ), đơn vị hành quân xa, đồng chí đã chuẩn bị đầy đủ và tỉ mỉ lương thực thực phẩm cho bộ đội. Nhiều đêm đồng chí thức đến 2, 3 giờ sáng. Ban ngày nấu cơm, kiếm củi chiều tối lại đi 8 ÷ 9 cây số tìm mua thức ăn, Hoàng Khắc Dược vẫn vui vẻ phục vụ chu đáo cho bộ đội. Có lần, một mình  đồng chí bảo đảm nuôi dưỡng 30 đồng chí ốm mà  vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ một thời gian ngắn anh em đều hồi phục sức khoẻ và trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
        Chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954, trong những ngày truy kích ở Trung Lào, Hoàng Khắc Dược thường gánh nặng  30 ÷ 40 kg, chạy theo đơn vị, bảo đảm đầy đủ cơm, nước cho bộ đội. Có thời kỳ thiếu gạo, mỗi ngày bộ đội chỉ được ăn có 2 lạng, Hoàng Khắc Dược gương mẫu chấp hành và vận động tổ nuôi quân bớt phần của mình giành cho các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Bản thân có những lần bị ốm đau, nhưng đồng chí vẫn bền bỉ làm nhiệm vụ trong suất chiến dịch, góp phần cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc
        Là một tiểu đội trưởng nuôi quân gương mẫu về mọi mặt, Hoàng Khắc Dược, với đức tinh khiêm tốn, giản dị, liêm khiết và tinh thần trách nhiệm phục vụ cao, rất xứng đáng với lòng tin yêu, mến phục của toàn đơn vị
        Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, một Huân Chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân Chương chiến công hạng ba, 6 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ Thi đua của đại đoàn.
        Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Hoàng khắc Dược được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
                               

Anh Hùng : Lê Văn Nổ


Anh hùng Lê Văn Nổ (tức Lê Cường), sinh năm 1928, dân tộc Kinh, quê ở xã Hùng Sơn, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, chính trị viên phó đại đội bộ binh 59 tiểu đoàn 664, trung đoàn 42, Quân khu Tả Ngạn
        Từ khi nhập ngũ ( 3- 1950 ) đến tháng 4 năm 1954, Lê Văn Nổ đã đánh 20 trận trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ với nhiệm vụ chuyên đánh bộc phá, đồng chí phá nhiều hàng rào, lô cốt, hầm ngầm, ụ súng địch, tạo điều kiện cho bộ đội đánh thắng .Trận Triệu Nội (5-1952), sau khi phá xong mấy lớp hàng rào ngoài, tiểu đội tiến sâu vào bên trong thì gặp một hàng rào rộng 8 mét, sâu đến cổ, giữa có rào thép gai cản lại, Lê Văn Nổ đã ôm bộc phá lăn xuống quyết tâm phá rào, bộc phá nổ gây sức ép bị ngất di, tỉnh dậy đồng chí tiếp tục dùng bộc phá diệt thêm 1 hầm ngầm, 1 hoả điểm của địch. Trận La Tiến (1-1954), khi mở xong cửa mở, địch ở lô cốt đầu cầu bắn ra dữ dội, cả tiểu đội thương vong, Lê Văn Nổ vừa bò vừa vần khối thuốc bộc phá áp sát, đánh sập lô cốt, tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn 4 đại đội địch. Đầu năm 1954, đơn vị Lê Văn Nô đánh đồn Nghĩa Lộ (đường 5), địch có 2 đại đội Âu-Phi thường xuyên chiếm giữ để kiểm soát đường sắt Hà Nội-Hài Phòng. Khi đơn vị mở xong cửa mở thì địch bắn ra mạnh. Đồng chí dũng cảm ôm bộc phá 10 kg lên đánh sập ngôi nhà, mở đường cho đơn vị diệt gọn 2 đại đội địch gồm 200 tên. Năm 1955, được phân công làm công tác vận động quần chúng, Lê Văn Nổ kiên trì cùng anh em trong tổ vận động được 500 đồng bào công giáo ở laị làm ăn không vào Nam theo địch.
        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, Chiến sĩ thi đua của Quân khu Tả Ngạn. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Lê Văn Nổ được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG
LÊ XUÂN PHÔI
(Liệt sĩ)
        Lê Xuân Phôi (tức Bình), tên khai sinh là Lê Xương Phôi sinh tháng 7 năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở thôn Đa Gía, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nhập ngũ tháng 3 năm 1947. Khi hy sinh đồng chí là đại uý, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh 8 trung đoàn 66 Mặt trận Tây Nguyên (nay là Quân đoàn 3), đảng viên Đảng Cộng sản.
        Lê Xuân Phôi sớm giác ngộ cách mạng, năm 17 tuổi đồng chí tình nguyện vào bộ đội; trưởng thành từ chiến sĩ liên lạc lên cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn. Ở cương vị nào đồng chí cũng đem hết sức mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lê Xuân Phôi đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Bắc Bắc, Trung Du, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, Plây Me…. trận nào đồng chí cũng lập công xuất sắc.
        Thành tích tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp:
        Trận chống càn ở Vĩnh Phúc trong chiến dịch Trung Du (tháng 1 năm 1952) trên hướng đơn vị đồng chí phụ trách, địch đông gấp nhiều lần, với hoả lực mạnh, chúng tập trung đánh phá quyết liệt vào đội hình ta. Trung đội trưởng hy sinh, Lê Xuân Phôi là trung đội phó, tuy bị thương vẫn lên chỉ huy trung đội chiến đấu diệt hàng chục tên địch, đánh lui nhiều đợt phản kích của chúng, giữ vững trận địa. Trận này, Lê Xuân Phôi được tặng bằng khen và được đơn vị nêu gương học tập.
        Trận tập kích cụm quân địch ở bản Ban trong chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953), với cương vị là trung đội trưởng xung kích, Lê Xuân Phôi xông xáo dẫn đầu đơn vị thọc sâu, đánh chia cắt quân địch, diệt hàng chục tên làm chủ trận địa.
        Trận đánh phản kích ở bản Bông trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Xuân Phôi là trung đội trưởng đại liên, đã chỉ huy trung đội chiến đấu dũng cảm diệt nhiều tên địch. Trận đánh diễn ra quyết liệt, bộ đội bị thương vong nhiều. Đồng chí chỉ huy bộ binh hi sinh, Lê Xuân Phôi đã lên chỉ huy cả hai lực lược chiến đấu đánh lui nhiều đợt phàn kích của địch, diệt gần 100 tên, giữ vững trận địa, bảo vệ an toàn thương binh. Trận này, Lê Xuân Phôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.
        Trong kháng chiến chống Mỹ:
        Trận ngày 17 tháng 11 năm 1965, tại thung lũng Ia Đrăng trong chiến dịch Plây Me lịch sử, đây là trận đầu tiên chủ lực quân đội ta giao chiến với đơn vị sừng sỏ số 1 của quân đội viễn chinh Mỹ ở chiến trường miền Trung. Sau khi tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 66 diệt gọn 2 đại đội Mỹ, nhưng cả hai tiểu đoàn của ta đều bị tiêu hao, để tập trung lực lượng giáng đòn quyết định diệt gọn tiểu đoàn Mỹ, Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh điều gấp tiểu đoàn 8 đang trên đường hành quân từ Bắc vào còn cách khu tác chiến vài chục ki-lô-mét. Nắm được ý định tác chiến trên, Lê Xuân Phôi tổ chức bộ đội cắt rừng hành quân suốt đêm 16 tháng 11 đến trưa ngày 17 tháng 11, tiểu đoàn 8 đã tới Ia Đrăng. Phát hiện được quân Mỹ, đồng chí vượt lên đầu trực tiếp tổ chức và chỉ huy bộ đội triển khai chiến đấu. Lê Xuân Phôi luôn tìm các gò đất cao để đứng quan sát địch và chỉ huy bộ đội. Đồng chí luôn có mặt ở những nơi gay cấn nhất của trận đánh, động viên bộ đội “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”. Khẩu hiệu “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”đã lan nhanh trong đơn vị và trở thành phương trâm tác chiến cổ vũ toàn tiểu đoàn lập công (Đinh Văn Đế, Trương Văn Bở dùng lê và dao găm đâm chết 5 tên Mỹ, Cao Đình Thơ bằng đường lê chích xác hạ 1 tên Mỹ…). Trận đánh ở thung lũng Ia Đrăng kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ, tiểu đoàn 8 đã diệt gọn đại đội hành quân của lữ đoàn 3 và toàn bộ lực lượng còn lại của tiểu đoàn 1 thuộc sư đoàn “Kỵ binh không vận” số 1 của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên. Trận gần kết thúc, Lê Xuân Phôi bị thương nặng, ruột lòi ra, đồng chí tự dùng tấm khăn dù ngụy trang băng vết thương, tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
        Trận đánh quyết định này buộc quân Mỹ phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên quân Mỹ phải rút khỏi chiến trường Miền Nam.
        Khi còn sống, Lê Xuân Phôi luôn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt, nhất là quyết tâm chiến đấu. Vì vậy, khi tiểu đoàn 8 đang hành quân gặp Mỹ, cán bộ chiến sĩ hạ ba lô là đánh được ngay và đánh thắng. Đồng chí có tác phong sâu sát, gương mẫu được anh em trong đơn vị tin yêu.
        Lê Xuân Phôi được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 lần là chiến sĩ Chiến sĩ thi đua, được tặng 6 bằng khen.
        Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Lê Xuân Phôi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

ANH HÙNG
NGUYỄN HỒNG QUẢNG

        Anh hùng Nguyễn Hồng Quảng sinh năm 1942, dân tộc Mường, quê ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, đại đội trưởng đại đội cao xạ 48 tiểu tiểu đoàn 44 mặt trận Tây Nguyên.
        Nguyễn Hồng Quảng liên tục chiến đấu trên các chiến trường Lào, miền Bắc, miền Nam, anh đã đánh 330 trận, cùng đơn vị bắn rơi nhiều máy bay địch. Ngày 19 tháng 2 năm 1965, tại Sầm Nưa (Lào), đơn vị vừa hành quân nghỉ lại thì máy bay địch ập đến bắn phá vào bộ đội ta, sau một hồi chiến đấu đánh trả địch đơn vị của anh đã bắn rơi 8 máy bay F 105, có một chiếc rơi cách trận địa 500 mét. Ngày 15 tháng 6 năm 1965, đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ bạn, máy bay địch bắn phá dữ dội, đơn vị kịp thời nổ súng đánh trả. Trận đánh kết thúc, đơn vị bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Về nước đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng
(Thanh Hoá), Nguyễn Hồng Quảng chỉ huy đơn vị đánh 200 trận, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, có trận diệt 5 chiếc. Đầu năm 1969 , địch sử dụng  56 lần chiếc máy bay ném hàng chục tấn bom và 3 quả tên lửa vào trận địa, Nguyễn Hồng Quảng bình tĩnh chỉ huy đơn vị nổ súng kịp thời. Trận này đơn vị bắn rơi 4 máy bay địch. Ngày 10 tháng 5 năm 1969, anh chỉ huy đơn vị đánh biệt kích địch, chờ địch vào gần, đơn vị nổ súng diệt 44 tên, sau đó đánh lui 9 đợt phản kích, bắn rơi 2 máy bay trực thăng của địch.
        Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân Chương Chiến công (1 hạng nhì, 1 hạng ba ). Ngày 15 tháng 2 năm 1970, Nguyễn Hồng Quảng được Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 


Anh Hùng
PHẠM VĂN VƯỢNG

        Phạm Văn Vượng sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Đồng Lý, huyện lý, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 4 năm 1963, tái ngũ tháng 9 năm 1967. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 66 Sư đoàn 10 thuộc mặt trận Tây Nguyên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Tháng 4 năm 1963, sau khi hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự,  Phạm Văn Vượng phục viên về địa phương; đến tháng 2 năm 1967, tái ngũ.
        Từ năm 1967 đến năm 1973, Phạm Văn Vượng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ trung đoàn. Ở cương vị nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu nhiều trận. Đơn vị do Phạm Văn Vượng phụ trách đã diệt được hàng nghìn tên địch.
        Trận đánh điểm cao 883 ở Bu Prăng, thu đông năm 1969, Phạm Văn Vượng chỉ với 1 đại đội (có 28 chiến sĩ) chiến đấu suốt 2 ngày liền với 1 tiểu đoàn địch. Khi mất liên lạc với trên, anh bình tĩnh chỉ huy đơn vị, kiên quyết tiến công địch, diệt gọn 2 trung đội, thu 13 súng, 2 máy vô tuyến điện, bọn địch còn lại phải bỏ chạy.
        Trận đánh điểm cao 935 ở Ngọc Tô Ba, ngày 27 tháng 2 năm 1971, Phạm Văn Vượng phát huy mạnh mẽ hoả lực được trang bị để vây ép địch. Địch bỏ chạy, đồng chí nhanh chóng chỉ huy đơn vị truy nã. Trận này đơn vị đổng chí đã góp phần quan trọng cùng đơn vị bạn diệt gọn 1 tiểu đoàn địch.
        Trong trận đánh điểm cao 1001 (Ngọc Rinh Rua) ngày 31 tháng 3  năm 1971, 1 tiểu đoàn địch lợi dụng cộng sự vững chắc, bắn ra dữ dội và nhiều lần phản kích nên các mũi của ta chưa tiến vào được. Phạm Văn Vượng nắm chắc thủ đoạn của địch, hạ quyết tâm chính xác, tổ chức lực lượng đánh vào chỗ sơ hở của địch, chia cắt chúng ra từng bộ phận nhỏ để tiêu diệt. Kết quả trân này, đơn vị Phạm Văn Vượng đã diệt 1 tiều đoàn lính ngụy.
        Trận đánh Tân Cảnh ngày 24 tháng 4 năm 1972, Phạm Văn Vượng bình tĩnh, dũng cảm chỉ thị từng mục tiêu cho đơn vị đánh. Khi bị thương, đồng chí không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu cho tới trận đánh két thúc. Trận này đơn vị Phạm Văn Vượng đã góp phần tích cực cùng trung đoàn diệt gọn sở chỉ huy sư 22 và 1 trung đoàn nguỵ.
        Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.
         Ngày 23 tháng 9 năm 1973, Phạm Văn Vượng được chính phủ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG
NGUYỄN ĐÌNH KIỆP

        Nguyễn Đình Kiệp sinh năm 1943, dân tộc Kinh,  quê ở xã Nghi Thu, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ an, nhập ngũ tháng 10 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu tá trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 66 Sư đoàn 10 quân đoàn 3, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Từ năm 1965 đến tháng 4 năm 1975, Nguyễn Đình Kiệp chiến đấu ở Tây Nguyên. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ trung đoàn, đồng chí luôn luôn thể hiện quyết tâm chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có trận, bản thân dẫn đầu 1 đại đội có (23 tay súng) tiến công 1 tiểu đoàn địch, diệt gọn 1 đại đội, 4 trận khác, Nguyễn Đình Kiệp chỉ huy tiểu  đoàn diệt 4 tiểu đoàn Mỹ - Ngụy gây khí thế thi đua diệt gọn đơn vị địch trong toàn Mặt trận Tây Nguyên. Hai lần bị thương, đồng chí đều ở lại trận địa tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi giành thắng lợi.
        Trong mùa Xuân 1975, Nguyển Đình Kiệp chỉ huy trung đoàn 66 đánh 10 trận đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tính chung, bản thân chỉ huy đơn vị diệt 2.000 tên, bắt hơn 400 tên địch.
        Khi làm cán bộ đại đội, đồng chí góp công sức xây dựng đại đội 2 trở thành Đơn vị Anh hùng. Khi làm cán bộ tiểu đoàn rồi trung đoàn, Nguyễn Đình Kiệp cũng là người có nhiều thành tích xây dựng tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 trở thành Đon vị Anh hùng.
        Đồng chí được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 3 lần là Chiến sĩ thi đua, 4 lần là Dũng sĩ.
        Ngày 12 tháng 9 năm 1975, Nguyễn Đình Kiệp được chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG
BÙI VĂN BỊN

        Bùi Văn Bịn (tức Bùi Văn Thế) sinh năm 1949, dân tộc Mường, quê ở xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, nhập ngũ tháng 7 năm 1968. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là trung uý, tiểu đoàn phó tiểu đoàn bộ binh 4 trung đoàn 24 Sư 10 Quân đoàn 3, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Từ năm 1970 đến mùa xuân năm 1975, Bùi Văn Bịn chiến đấu tại chiến trường tây Nguyên. Từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên quyết tiến công địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bùi Văn Bịn chiến đấu 48 trận, góp phần chỉ huy đơn vị diệt gần 1.000 tên địch. Riêng đồng chí diệt 53 tên, bắt sống 3 tên.
        Ngày 10 và 11 tháng 3 năm 1975, Bùi Văn Bịn chỉ huy 1 đại đội đảm nhận hướng đột kích chủ yếu đánh vào sư đoàn bộ binh 23 nguỵ ở Buôn Ma Thuột. Địch ngoan cố chống cự, phản kích quyết liệt. Đơn vị bị thương vong một số. Đồng chí bĩnh tĩnh đến từng trung đội, động viên các chiến sĩ, điều động tập trung hoả lực, bố chí lại lực lượng tiếp tục tiến công công địch một cách ngoan cường. Sau khi diệt gần hết các hoả điểm và xung phong vào khu vực sư đoàn bộ 23 nguỵ, Bùi Văn Bịn bị thương nặng nhưng vẫn cố gắng gượng dậy động viên bộ đội xung phong lên diệt nốt địch, làm chủ trận địa.
        Bùi văn Bịn là một cán bộ chỉ huy gương mẫu, không ngừng học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt.
        đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua, 2 lần là Dũng sĩ và được tặng 5 bằng khen.
        Ngày 15 tháng 1 năm 1976, Bùi Văn Bịn đươc Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ANH HÙNG
TRẦN MINH XUNG
(Liệt sĩ)

        Trần Minh Xung sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 4 năm 1974. Khi hi sinh, đồng chí là thiếu uý, đại đội trưởng đại đội bộ binh 10 tiểu đoàn 6 trung đoàn 24 sư đoàn bộ binh 10  quân đoàn 3, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trần Minh Xung tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, lập thành tích xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.
        Từ tháng 12 năm 1977 đến tháng 4 năm 1978, Trần Minh Xung chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, đồng chí luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, trong tình huống khó khăn, luôn dẫn đầu đơn vị. Đồng chí đã chỉ huy đại đội diệt trên 150 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng, thu trên 20 khẩu súng các loại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bản thân diệt gần 20 tên địch, thu 4 súng.
        Trong trận đánh ngày 1 tháng 4 năm 1978 ở Pơ Loong (tỉnh Công Pông Chàm), , tuy địch đông gấp nhiều lần, liên tục tổ chức tấn công vào trận địa của đơn vị, Trần Minh xung vừa chỉ huy chiến đấu vừa trực tiếp sử dụng 4 loại (AK, B40, B41, M79) đánh địch, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Trận đánh kéo dài, trong đơn vị một số bị thương vong, Trần minh Xung vẫn bình tĩnh tổ chức lực lượng còn lại kiên quyết giữ vửng trận địa, bản thân dùng nhiều loại súng cừng anh em chiến đấu. khi bị thương, đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu và hy sinh. Hành động dũng cảm của Trần Minh Xung đã góp phần cổ vũ đơn vị chiến đấu giữ vững được trận địa. Riêng trận này, Trần Minh Xung diệt được 11 tên địch.
        Khi còn sống, Trần Minh Xung luôn gương mẫu, cần cù, đoàn kết thương yêu đồng đội, được anh em yêu mến.
        Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba.
        Ngày 28 tháng 8 năm 1981, Trần Minh Xung được Chủ tịch Hội dồng Nhà nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tác giả : Đại tá Lê Hải Triều
-----------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Quang Thanh  (BLL sư đoàn 10 tại Đắc lăk - Trích lược )
NR: 0500 3880555.: 0945619797