MỘT THỜI TRẬN MẠC
Hồi ký của DƯƠNG THANH BIỂU
LỜI BẠT – TẬP SÁCH:
BẮT MẮT, BĂT LÒNG
Lớn tuổi dễ mỏi mắt, mỏi cổ mỗi khi đọc nhiều, nên thường chỉ chọn những cái “đáng đọc”. Bởi thế, khi anh Dương Thanh Biểu nhờ coi gấp bản thảo tập I cuốn hồi ký: “Một thời trận mạc”, tập I của cuốn Hồi ký, nên tôi đã “lỡ để quên”. Có tới mấy lần anh thúc giục qua điện thoại, mới nhớ ra.
Thật bất ngờ. “Một thời trận mạc” đã hút hả tôi ngay từ những dòng đầu, chương đầu… rồi suốt cả mấy trăm trang liền mạch cho tới chữ cuối cùng. Nói là đọc liền mạch thì cũng chưa hẳn đúng, bởi rất nhiều chỗ, nhiều đoạn tôi phải dừng lại để suy ngẫm, để tự vấn…và quá nhiều đoạn tôi đã bật khóc, phải nén xúc động rồi mới đọc tiếp được. Sau nữa, tôi còn đọc đi, đọc lại tới hai, ba lần có dư. Cho dù ai cũng biết: Hồi ký là chuyện tư riêng của một người, nhớ lại những gì người ta từng trải, từng chứng kiến…được ghi lại bằng chữ, cốt truyền giữ dài lâu… Nghe ra có vẻ lạ. Vì xưa nay những hồi ký “đáng đọc” thường là của những vị quyền uy chức trọng, những vị có công Khai Quốc công thần, đằng này lại chỉ là của một người lính có cái tên bình dị: Dương Thanh Biểu, mới sản sinh dăm bảy đầu sách gì đấy.
Ấy vậy mà “Một thời trận mạc” của Dương Thanh Biểu lại có sức bắt mắt, bắt lòng đến lạ lùng. Suốt 5 chương “Một thời trận mạc”, với: Ký ức tuổi thơ – Nhập ngũ – Hành quân đi B – Chiến trường Tây Nguyên – Trận cuối cùng và ngày trở về lần lần in đẫm dấu ấn trong tôi. Cho dù tất cả đều là hồi tưởng, là chuyện cá nhân, thậm chí rất riêng tư của Dương Thanh Biểu. Tất cả đều sâu lắng, mặn mà đằm thắm, gợi nhớ, gợi yêu thương đến cháy dạ cháy lòng: Về làng Ngũ Phúc trải dài ven bờ sông Lam, nơi tác giả cất tiếng chào đời. Nơi sông, núi ôm ấp lấy xóm làng như mẹ hiền ôm ấp chăm bẵm con thơ. Làng dịu hiền nhưng ăm ắp kỳ tích, sự tích của những chiến công. Làng với biết bao kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ, của đời người. Làng như chiếc nôi kỳ diệu, như tổ ấm của gia đình, của dân làng Ngũ Phúc để Dương Thanh Biểu và bè bạn vì nó mà biết sống, biết nghĩ suy, biết xếp đặt lợi ích chung riêng, hăng hái lên đường ra trận, cứu nước. Hồi tưởng của Dương Thanh Biểu về làng Ngũ Phúc một thời dân tộc hừng hực khí thế chống Mỹ; về hậu phương với tiền tuyến, về người ở lại với người ra đi sẽ là khúc bi hùng cho thế hệ sau của làng nhớ về, biết về: Đất nước của ta có những thời như thế! Cho dù hôm nay và mai này muôn vạn lần đổi thay, xin đừng bao giờ quên đi quá khư: Quá khứ của tình người – Tình Đất Nước – Người đi, người ở gắn bện, gửi trao nhân lên ý chí cách mạng phi thường trong mỗi con người (ấy là tôi-đọc rồi, tôi nghĩ thế).
Ngày ấy – Dương Thanh Biểu hành quân vào chiến trường miền Nam, tức đi B. Đem theo nỗi nhớ của làng, của tổ ấm gia đình, của người yêu…Biểu vượt lên gian khổ, khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh…Nhiều lúc lung lay, sợ hãi, cái chết kề bên, gia đình mất mát nặng nề, ngỡ tưởng gục ngã…nhưng rồi những kỷ niệm lại vực anh đứng dậy, vượt lên… Tôi bật khóc, bởi trong đêm mưa rả rích, sau trận chiếm lĩnh đồi Cháy để đánh địch đổ bộ xuống Động Nóc, Biểu cùng 3 chiến sĩ nữa được lệnh của Chính trị viên Nguyễn Hữu Thu chuyển thi hài tử sĩ Nguyễn Hồng Sơn, quê ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên qua bờ Bắc sông Bến Hải trước khi trời sáng. Với lời dặn dò kỹ lưỡng: “…Các đồng chí cố gắng bám sát nhau đi, giữ bí mật, đề phòng thám báo, biệt kích mai phục và thú rừng…Vì tình đồng đội, các đồng chí không được khạc nhổ trước anh linh đồng chí mình”. Trời tồi như mực, mưa trơn, đường dốc, cáng tử sỹ nặng…Nước của xác tử sỹ trộn với nước mưa theo đòn cáng chảy vào người nhơn nhớt. Tới bờ Nam Bến Hải, mưa như trút. Nước sông dâng cao. Các chiến sỹ phải buộc cáng cẩn thận vào cây, rồi thay phiên nhau bồng súng gác thi hài tử sỹ, chờ cho mưa ngớt, nước sông rút để qua”…Khâm phục Biểu và đồng đội của anh nơi chiến trường Tây Nguyên với những trận vây lấn cứ điểm Plâycần, Đăk Siêng (Kon Tum) tác giả kể lại giàu tượng thanh, tượng hình nên khi đọc cảm giác mình cũng đang trong chiến trận cùng với các anh. Ở đây ta được chứng kiến những tấm gương quyết chiến quyết thắng đến hơi thở cuối cùng, viên đạn cuối cùng của Tiểu đội Trưởng Vương Tử Hoàng…của Loan, Hồng, Thực, Biểu sống chết vi nhau, giữ vững trận địa đến cùng…
Kết cục, vì vết thương quá nặng, Biểu phải tuân lệnh trên, rời Tây Nguyên năm 1973 ra Bắc điiều trị. Lúc trở về quê thì bao buồn đau ập đến: Gia cảnh tan nát. Cha chết vì bom. Nhà cửa tiêu điều. Chị gái vẫn ở vậy. Các em đi ở đợ. Người yêu cũng chết vì bom Mỹ mà cho tới lúc này Biểu mới hay biết!…
Nhưng rồi tình làng, nghĩa xóm trong nghèo nàn yêu thương…Nhưng rồi ý chí của những ngày ở chiến trận đã vực dậy,dồn tụ nên sức mạnh để Biểu lại gắng vượt lên, bước tiếp vào trận chiến mới – Cuộc chiến không tiếng súng.
Dù những trang viết rất kiệm từ, mới chỉ ghi lại “một thời” trong cuộc đời của mình, nhưng cái dễ dàng đi vào lòng người đọc giống như một áng văn, bởi tác giả kể thật, nói thật tâm tư, suy nghĩ của mình ở những thời khắc cam go nhất, không hùng biện, không che đậy và cũng chẳng hề lên gân, lên cốt như đâu đó ta thường gặp.
Tác giả chưa phải là nhà văn, nhưng có lẽ cuộc sống thực đã tạo cho Biểu giàu cảm xúc. Sự rung động của con tim người viết đã chảy vào dòng chữ. Viết từ con tim, từ trải nghiệm cuộc đời, nên thấm đẫm chất nhân văn. Tin rằng “Một thời trận mạc” sẽ lưu giữ lâu bền trong lòng người đọc, sẽ lan tỏa rộng rãi với đời, dù đấy chỉ là những trang hồi ký của người chiến sỹ chưa có tên tuổi trên văn đàn.
Ấy là suy nghĩ của tôi. Xin đừng nghĩ đây là lời quảng cáo sách. Bởi cảm nhận là quyền của bạn đọc. Rất có thể người đọc còn nhận ra nhiều điều sâu xa hơn thế ở “Một thời trận mạc”!
Nhà văn-Nhà báo
Nguyễn Uyển
MỘT THỜI TRẬN MẠC
Chương I:
Kí ức tuổi thơ
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
(Quê hương- Thơ Đỗ Trung Quân)
Tôi muốn mở đầu tập hồi kí bằng mấy câu thơ ngọt ngào ấy. Ai xa quê hương mà chẳng thương chẳng nhớ, thứ tình thương không thể dễ dãi phơi bày với ai, nó ngậm ngùi lắng sâu vào tiềm thức mỗi người như rễ cây bám vào đất mẹ. Ai cũng có trong mình một quê hương gắn với những kỉ niệm buồn vui tạo thành miền nhớ, miền thương. Và, làng Ngũ Phúc, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của tôi chính là niềm thương miền nhớ ấy.
Gia đình tôi có sáu chị em như 6 cái tàu há mồm. Cha, Mẹ tôi ngày ngày làm lũng ruộng đồng vất vả. nuôi nấng mấy chị em tôi. Tôi còn bé, mỗi lần bón cơm, Mẹ thường bảo “Ăn khỏe, chóng lớn còn làm giúp Cha giúp Mẹ”, rồi có lúc Mẹ nựng: “Con trai gắng học thành tài, sau này Cha, Mẹ còn trông mong”. Nhà tôi nghèo và thiếu thốn trăm bề nhưng ước mơ lớn nhất của Cha, Mẹ tôi là cho chị em tôi đi học nên người. Những lúc rảnh, Cha Mẹ tôi vẫn kể về gia đình, về ông bà nội ngoại đã vất vả nuôi Cha, Mẹ tôi khôn lớn như thế nào. Cũng vì nhà nghèo, lại đông con, phải lo từng bữa cơm nên không thể có điều kiện cho con đi học. Tôi cũng thích đi học lắm. Tôi còn nhớ, Cha làm cho tôi cái bảng ở gần góc sân, viết mẫu một số chữ cho tôi nhìn để viết theo. Tôi bắt chước nhưng chẳng có nét nào giống được nét chữ của Cha. Tôi viết lên đó mà toàn những nét chữ cong cong, nguệch ngoạc, viết lên bảng chán thì tôi vẽ xuống đất. Vết que cày xuống nền đất, tôi viết chữ kéo dài khắp nhà. Viết mãi chữ O nhưng chẳng có chữ nào tròn trịa, chữ nào cũng bị méo mó, mặc dù tôi đã cố gắng, đường cong chưa được nối liền nhau đã thấy bị méo, tôi chống chế: “Sau này đi học, cô giáo dạy, con sẽ viết đẹp hơn”. Cha Mẹ cười hiền từ và xoa đầu tôi.
Tôi còn nhớ cảnh cha mẹ tôi chân lấm tay bùn từ sáng sớm đến chiều tối, khi ông mặt trời đã khuất sau dãy núi Thiên Nhẫn xa mờ mới về. Theo lời chị Liên, thời bầy giờ, Cha Mẹ tôi làm khá nhiều ruộng. Chủ yếu trồng giống lúa ré, lúa lốc, gạo rất thơm, ngon nhưng thời gian một vụ là sáu tháng, năng xuất rất thấp. Mỗi năm chỉ cấy một vụ chính là vụ chiêm. Năm nào bị chuột, sâu hại hoặc hạn hán thì coi như mất toi. Còn vụ mùa thì rất bấp bênh... Nam Lộc quê tôi lại hay bị lũ, lụt. Tôi còn nhớ trận lụt tháng 8 năm 1954, cả xã bị ngập trong nước. Gia đình chúng tôi và bà con phải vào trong rú Trọc để ở. Cả xã bị trôi mất nhiều nóc nhà. Hầu như năm nào gia đình cũng chỉ đủ ăn 6 tháng. Thời gian còn lại vào dịp giáp hạt, ngày 3, tháng 8 là cả nhà không còn cái ăn. Để phòng giáp hạt, Mẹ tôi thường chuẩn bị một chum khoai lang đã được thái mỏng, phơi khô, lúc nào hết gạo, lấy khoai ra nấu nhừ để ăn cho đỡ đói. Có lúc phải ăn cả củ chuối và rau má.
Thế mà số phận tôi chẳng được may mắn như những đứa trẻ khác. Mẹ tôi đột ngột ra đi khi tôi còn quá nhỏ. Suốt ngày, suốt tháng tôi ngơ ngác vào ra trong căn nhà vắng bóng Mẹ. Mới hôm nào, thấy cái nón nhấp nhô của Mẹ ngoài đầu ngõ, chân tay còn lấm bùn đen, tôi và các chị, em đã thi nhau chạy ra đón Mẹ. Người Mẹ đẫm mồ hôi mà chúng tôi cứ tíu tít như những chú gà con lách tách. Rồi những khi Mẹ ngồi sẩy, sàng những hạt đỗ, hạt thóc, tôi vẫn thường đứng bên Mẹ, mặc cho Mẹ tha hồ quát và nhắc nhở, vì sợ vỏ lúa, vỏ đỗ dính vào người sẽ bị dặm và mẩn ngứa. Mặc cho trời nóng rát gió Lào, trước bậc thềm nhà, gần cái võng Mẹ vẫn ru những điệu hát ầu ơ nhẹ nhàng êm ái và ngồi quạt cho chúng tôi trong những giấc ngủ ngon lành, thế mà giờ đây Mẹ không còn nữa!
Tôi nhìn Mẹ nằm ngay ngắn trên chiếc giường giữa nhà. Mẹ như đang chìm vào giấc ngủ ngon lành. Cha và chị em tôi ngồi ôm nhau khóc bên giường mẹ như đàn gà vỡ tổ, mắt đỏ hoe và nhợt nhạt tựa hồ như đã cạn ráo tự bao giờ. Mẹ mất lúc tôi vừa 6 tuổi. Cái tuổi lẽ ra luôn được đôi tay mẹ vỗ về, chiều chuộng. Nhưng lúc này tôi phải mặc áo tang với vành khăn trắng trên đầu và ngơ ngác nhìn mọi người. Mẹ nằm im bất động giữa mọi người, khuôn mặt Mẹ hiền từ, đôi mắt nhắm nghiền không thể mở to nhìn chị em chúng tôi được nữa. Mẹ không nói và hôn tôi như mọi ngày, bàn tay Mẹ cũng không còn cử động và xoa đầu tôi được nữa. Tôi gào lên: “Mẹ ơi, Mẹ đừng đi đâu... Mẹ đừng chết...con nhớ Mẹ lắm... con yêu Mẹ. Mẹ ơi...”. Nhưng tôi cũng không làm gì được để Mẹ trở về với chị em tôi. Đưa mẹ đi có bà con họ hàng, cô bác xóm làng. Ai cũng khóc, cúi đầu bước đi lặng lẽ. Cha ôm tôi vào lòng, nước mắt chảy dài. Tôi cũng chưa thấy Cha khóc bao giờ. Thế mà hôm nay đôi mắt Cha trĩu nặng, trũng xuống sâu hoẳm.
Mẹ ra đi làm cả tuổi thơ tôi trống vắng. Tôi sống trong tình thương của Cha, của chị, của các em và người thân bên cạnh, nhưng làm sao tôi hết nhớ Mẹ, làm sao để tình thương tôi được trọn vẹn. Những ngày đầu, tôi nhớ Mẹ, cứ đứng tựa cửa nhà mà khóc hoài. Tôi như đứa trẻ lơ ngơ, chẳng còn thích thú gì trò chơi của đám bạn, cứ nghĩ đến mỗi lần đi đâu về hoặc vào ra không thấy bóng Mẹ, là tôi khóc. Có đêm tôi mơ thấy Mẹ trở về trong ngôi nhà của Cha con chúng tôi, Mẹ ôm tôi và khóc nhạt nhòa, tôi được Mẹ bế trên tay và thiếp đi lúc nào không biết, nhưng khi tỉnh dậy thì không còn thấy Mẹ ở bên nữa, tôi lại khóc. Những lúc đó chị gái tôi dỗ dành: “Nín đi em. Mẹ đang đi chợ mua bánh cho em đấy”. Tôi giẫy lên: “Không phải đâu. Mẹ ơi. Mẹ đâu rồi”…Chị gái ôm tôi vào lòng mà nước mắt tuôn trào làm ướt cả má tôi. Chi Liên lấy vạt áo lau nước mắt cho tôi. Tôi biết chị cũng rất nhớ Mẹ. Trong đêm khuya, tôi chạy lại nơi Cha nằm. Lúc này Cha tôi cũng chưa ngủ. Cha ôm tôi vào lòng vỗ về, xoa đầu động viên tôi. Cha nhìn vào hư không với ánh mắt buồn rười rượi, có lẽ Cha không muốn khóc trước mặt tôi lần nữa. Tôi biết, Cha yêu thương Mẹ, yêu thương chị em chúng tôi lắm. Mẹ mất, mọi gánh nặng của gia đình lại đổ dồn lên đôi vai vốn đã gầy guộc của Cha. Tôi không còn thấy Cha có thời gian ngồi kể chuyện cho chúng tôi nghe như trước nữa. Có những chiều, nhìn Cha gánh lúa về, cái đòn gánh cong oằn trên lưng, chiếc áo nâu bị sờn rách hai vai, mồ hôi làm áo ướt sũng từ vai áo xuống lưng. Có những đêm bị cảm mệt, Cha nằm rên hừ hừ, nhưng sáng dậy Cha đã quang gánh ra đồng. Tuổi càng cao, sức Cha càng yếu, bước chân thêm chậm chạp nhưng công việc của Cha chẳng san sẻ cho ai. Cha vất vả biết nhường nào. Tôi rất thương Cha, mong ngày mong đêm cho chóng lớn để đỡ đần, Mẹ, Cha.
Tôi là con trai duy nhất nhưng không vì thế mà được cưng chiều. Hai chị gái của tôi ngày càng lớn cũng chẳng học hành được bao nhiêu. Chị Liên là cả, chị Lam là thứ. Hai chị giống nhau như lột, khuôn mặt trái xoan giống Cha, nuớc da trắng hồng giống mẹ, hai chị ngày càng lớn và xinh xắn có tiếng trong làng Ngũ Phúc. Nhưng lúc nào cũng theo Cha ra đồng. Tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao, cả nhà làm quần quật suốt ngày mà không đủ ăn. Có những hôm tôi ngủ dậy, trong nhà vắng tanh, tôi biết Cha và hai chị đã đi làm từ sáng sớm. Nồi cơm thổi vẫn còn nóng trên bếp, Cha và hai chị phần cho tôi. Cha và hai chị chẳng để tôi đói bao giờ. Có hôm ngủ dậy, tôi thấy hai Chị đang cuốc đất trồng rau ngoài vườn, khi thì tưới cây, khi thì cắt những bó rau lang về băm cho lợn ăn. Tôi hào hứng giúp hai chị một tay nhưng các chị không muốn cho tôi làm. Chị bảo tôi vụng về, lỡ dao xén vào tay là chị lại bị mắng lây. Trong hoàn cảnh ấy, tôi chỉ biết đỡ đần chị những việc như quét cái nhà, cái sân, rửa ấm chén. Tôi vừa làm vừa ngó cổ ra chỗ chị ngồi để hóng chuyện. Tiếng chị băm rau cho lợn nghe “phập phập” vui tai. Chị làm việc gì cũng nhanh và đâu vào đó, chỉ một loáng là xong. Buổi sáng tôi mới tranh thủ đọc bài, viết bài, giải toán, đến trưa đã thấy chị cơm nước tươm tất, lợn cũng no căng bụng, nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, chẳng còn thứ gì để tôi phải làm, tôi phục chị lắm.
Được đi học là cả một hạnh phúc lớn lao đối với tôi, trong khi có biết bao những người bạn bằng tuổi tôi phải chăn trâu, cắt cỏ, trông em giúp gia đình, suốt ngày lầm lũi, chân tay lấm láp những vết xước, vết chai lì…không thể đến trường. Nhìn tôi, nhiều đứa ao ước. Có đứa nói: “ Mày là đứa sướng nhất rồi”!- Có đứa nói thế. Được đi học ai chẳng thích, bởi vậy tôi thấy mình càng phải quyết tâm hơn để cho Cha vui. Cha tôi luôn động viên tôi cố gắng học hành giỏi giang, chị em yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Hai chị gái tôi ngày càng chăm chỉ lo toan mọi công việc. Từ ngày Mẹ mất, các chị ra dáng người lớn lắm. Có lẽ các chị là con gái chăm chỉ, khéo léo đảm đang mọi việc trong gia đình, thành thử hai chị rất quí và chiều tôi. Từng món ăn do các chị nấu chẳng khác gì Mẹ làm. Có lẽ do chị em tôi sớm thiếu vắng tình thương của Mẹ mà khôn lớn hơn tuổi. Chị thương Cha và chúng tôi bằng cách riêng của mình. Tôi còn nhớ, có lần Cha bị sốt li bì nằm trên giường, tôi lúng túng chẳng biết làm gì. Chị Liên ngồi bóp đầu, trán cho Cha, rồi chị sai tôi ra vườn hái cho chị nắm lá tía tô, hành, rửa sạch nấu cháo cho Cha ăn. Nồi cháo chín dưới bếp khi bưng lên mời Cha tỏa mùi thơm ngon, tôi mới thấy các chị thật đảm, chẳng biết chị học được những bài thuốc đó của Mẹ từ khi nào. Có lần, tôi sang nhà bạn chơi, không để ý nên tôi đã bị con chó nhà bạn đợp vào chân chảy máu, tôi cho đất bột vào vết thương cho cầm máu, định giấu chị và Cha nhưng vết cắn đau buốt và sâu quá khiến tôi đành khai thật, chị mắng tôi và bảo: “Bị chó cắn là nguy hiểm lắm”! Nói rồi, chị rửa vết thương cho tôi bằng nước muối để sát trùng và nặn máu ở những vết răng chó cắn ra. Tôi bị một trận đau nhớ đời.
Mẹ tôi mất được một thời gian thì Cha tôi tục huyền. Tôi nghĩ đến cuộc sống trước mắt đã khó khăn rồi sẽ thêm khó khăn hơn, rồi tôi lại nghĩ sẽ bị dì quát mắng, hắt hủi chị em tôi như mụ dì ghẻ trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám mà tôi được học từ lớp một. Vì vậy, thời gian đầu tôi buồn thiu, cứ ra vào lầm lũi nhìn Cha mà không dám nói vì sợ Cha buồn. Nhưng rồi, tất cả đều khác với những gì tôi tưởng tượng và lo lắng .Về nhà tôi, dì lo toan cửa nhà chu đáo hơn. Chị tôi cũng bớt vất vả đi nhiều, thấy vậy tôi cũng thấy quí dì hơn. Dì thương tôi như tình thương của một người mẹ. Nhưng thật không may, dì sinh được em gái thứ tư thì bị mắc bệnh thần kinh. Cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn, ai cũng sợ và lo lắng. Tôi thương dì mà chẳng biết làm cách nào để dì khỏi bệnh. Mỗi lần lên cơn là mỗi lần dì xé hết quần áo mặc trên người, trong nhà có gì là dì vơ lấy, đập vỡ hết. Nhiều lúc, Cha tôi phải nhờ người trói chân, tay dì lại. Mỗi lần dì lên cơn là gia đình tôi như có đám tang, căng thẳng, và sợ hãi. Nhiều lúc, nhìn dì bị trói, tôi cứ như người có lỗi, thương dì chảy cả nước mắt. Cha tôi là người vất vả nhất, thỉnh thoảng có anh Loan (con bác ruột) sang trông dì giúp Cha. Căn bệnh quái ác hoành hành dì tôi đến tận lúc cuối đời.
Xã Nam Lộc quê tôi có 17 xóm và được chia thành 4 làng. Từ xóm 1 đến xóm 5 gọi là làng Vạn Thọ; từ xóm 6 đến xóm 13 gọi là làng Vạn Lộc; từ xóm 14 đến xóm 15 gọi là làng Đặng Xá; xóm 16 và 17 là làng Ngũ Phúc- nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Làng tôi nho nhỏ trải dọc ven bờ sông Lam, chúng tôi thường gọi là sông Cấy. Tôi thấy cả sông cả núi như ôm ấp lấy làng tôi như mẹ hiền ôm ấp con thơ. Sông Cấy ở phía đông, phía tây là dãy núi Thiên Nhẫn. Cứ mỗi độ hè về, dãy núi che chắn những trận gió Lào nóng rát, còn dòng sông kia sẽ thổi lên những làn gió hiu hiu như tắm mát cho cái làng Ngũ Phúc. Tôi nghĩ, nếu có người nào vẽ cảnh quê hương tôi thành những bức tranh thì đẹp lắm đấy. Hội tụ của làng Ngũ Phúc có sông, có núi, đâu đâu cũng một màu xanh trù phú.
Thiên Nhẫn là tên một dãy núi nằm giáp ranh giữa các huyện Hương Sơn, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh với huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Minh xâm lược thế kỷ thứ 15, sau khi rút quân vào vùng này, Lê Lợi đã cho xây dựng trên núi Thiên Nhẫn một thành đá chạy dài hàng trăm mét gọi là thành Lục Niên. Dấu vết còn lại của thành Lục Niên hiện nay là một dãy đá được xếp dựng đứng trên đỉnh núi. Sau cuộc kháng chiến thành công nhân dân Tây Sơn đã xây dựng đền Trúc thờ vị Anh hùng dân tộc ngay bên bờ sông Ngàn Phố. Năm 2004, đền Trúc đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Cha còn kể cho tôi nghe, dãy núi Thiên Nhẫn này đã từng in dấu chân của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung- Nguyễn Huệ mấy lần đi qua trong sự nghiệp đại nghĩa xóa bỏ sự lộng hành của chúa Trịnh và dẹp tan quân xâm lược Mãn Thanh. Dân quê tôi thời ấy đã sớm nhận ra chính tà và hết lòng ủng hô Tây Sơn. Dưới chân núi Thiên Nhẫn, Quang Trung đã cùng Nguyễn Thiếp đàm đạo bàn luận về thời cuộc và đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Hiền sĩ Nguyễn Thiếp từng được vua Quang Trung tin cậy trao phó Viện Sùng chính. Đây là một công trình văn hóa tuy đơn sơ nhưng tiêu biểu cho sự tương tri, tương đắc giữa Quang Trung hoàng đế và La Sơn phu tử. Núi Thiên Nhẫn, nơi còn lưu lại bài thơ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp:
Chi chít liền những rú,
Trông như ngựa chạy vòng
Miền nam mờ ngọn núi,
Cõi bắc uốn khúc sông.
Bóng chùa Thiên Nhẫn ánh.
Suối vọt Lục Niên kề
Tùng cúc nay còn đó
Phong trần vẫn chưa về...
Vẫn còn đây những di tích ghi nhận các sự kiện lịch sử ấy như đền Trong, đền Ngoài...Thủa chăn trâu, chúng tôi đã nhiều lần vào các đền này để đánh trận giả.
Dãy Thiên Nhẫn trải dài đến làng Ngũ Phúc thì chia làm hai nhánh, gồm hai dãy rú, bà con gọi là rú Trọc và rú Lại Hái. Dưới chân hai núi này là con Khe Hương, nước chảy quanh năm chẳng bao giờ cạn. Khe Hương rất đẹp và thơ mộng. Cái đẹp của thiên nhiên nhẹ nhàng, thanh mát. Dù nắng rát gió Lào có hanh hao, gay gắt vào những ngày hè oi bức nhưng đứng bên con nước này thì mọi cảm giác đó đều không còn nữa. Cái mát của gió thiên nhiên ban tặng, của những tán lá cây rung rinh râm mát, của hơi nước tỏa ra như xua tan đi tất cả oi bức.
Mỗi lần đến đây, tôi thường dừng chân thật lâu để ngắm nhìn những hàng cây bên Khe Hương như ngắm một điều kì diệu, mà tôi không thể giải thích nổi. Dưới làn nước trong xanh là tầng tầng lớp lớp đá cuội đủ màu sắc đẹp như ngọc bích. Thi thoảng có những bãi cát vàng trải dài dọc bờ khe như tấm lụa hồng gợn sóng. Hai bờ khe là những hàng cây cối tốt tươi quanh năm. Đó là những hàng cây Mưng – ngoài Bắc gọi là cây Lộc Vừng - xum xuê, trải ra một màu xanh bất tận. Bởi thế, Khe Hương còn có tên là Khe Mưng. Những buổi trưa hè oi ả, lũ con nít chăn trâu chúng tôi thường tụ tập bên bờ khe, dưới các tán cây Mưng để tán gẫu. Đứa nào cũng trần truồng như nhộng, leo lên và bám vào các cành Mưng rồi thi nhau lao xuống nước như mũi tên. Chúng tôi nhảy từ trên cành cao, đầu xuống trước, hai tay dọc theo thân người, khi tiếp nước chỉ phát ra tiếng động rất khẽ. Khi toàn thân người đã xuống dưới nước thì lượn một vòng như con rái cá, sau đó ngoi lên mặt nước để thở. Tiếp đó bơi vào bờ và lại leo lên cây Mưng và lao tiếp. Cứ như vậy, chúng tôi thi nhau nhảy cho đến khi mệt thì dừng. Đây là trò chơi nguy hiểm nhưng chúng tôi không thể bỏ được.
Cứ mỗi độ xuân về hoa Mưng đua nhau khoe sắc thắm. Hoa Mưng có sức gợi nhớ bằng thứ hương thơm, ngọt ngào quyến rũ nhưng điều kỳ diệu và thật ấn tượng, bắt mắt nhất với mọi người là bởi thứ hoa này có màu đỏ rực rỡ. Hoa nở thành từng dây, mọc thành từng chùm, mỏng mảnh đung đưa, lay nhẹ, cựa mình trong gió rồi thi thoảng rủ xuống mặt nước đẹp như người con gái đang làm dáng, đứng khoe mình trên dòng nước biếc xanh. Những cánh hoa hình thù giống như những cây tăm đỏ, chụm lại với nhau dưới cuống, còn cánh thì nở bung ra như khoe hết màu đỏ thắm. Không phải ai cũng thấy hoa Mưng nở rộ bởi loài hoa này chỉ nở vẻn vẹn trong hai đến ba tuần vào độ giữa xuân và thu. Hoa Mưng nở vào ban đêm để rồi sẽ tàn lịm khi ông mặt trời thức dậy, như giận dỗi, làm nũng với thời tiết khắc nghiệt của gió Lào. Hoa Mưng đỏ xen lẫn màu xanh của lá, màu của nước, màu của mây trời, lại được những tia nắng thu nhè nhẹ chiếu qua biến Khe Mưng thành bức tranh rực rỡ sắc màu. Khe Mưng như kiêu hãnh bởi vẻ đẹp huyền diệu của mình và làm cho cảnh sắc nơi đây vừa như một bức tranh thiên nhiên cổ kính, vừa như một miền quê yên ả, thanh bình, gợi nhớ, gợi thương.
Khe Mưng bắt nguồn từ xã Thanh Lâm huyện Thanh Chương, chảy qua xã Nam Lộc huyện Nam Đàn để rồi cuối cùng chảy ra sông Lam, như tô thêm kỳ vĩ cho con sông.
Sông Lam. Đó là một phần quê hương yêu dấu của tôi và cũng là một phần tâm hồn tôi. Sông chảy từ thăm thẳm đại ngàn về bao la biển cả trong cuộc hành trình hàng triệu năm, qua những đổi thay biến động dữ dội của trời đất và những thăng trầm dâu bể của con người.
Huyện Nam Đàn quê tôi được dòng sông Lam hiền hòa và xanh biếc phân chia làm hai, từ Nam Thượng đến Nam Cường để lại đôi bờ như anh em ruột thịt. Những lúc mưa to gió lớn, dòng sông mênh mang, ngầu đục chảy cuồn cuộn như con thú dữ, cuốn trôi những gì có thể, nhưng đôi bờ vẫn nắm chặt tay nhau gồng mình chống đỡ. Trời quang, mây tạnh, bên lở, bên bồi, để lại những lớp phù sa mát ngọt. Mùa nước cạn, dòng sông biêng biếc một màu xanh hiền hoà, mát dịu, đôi bờ lại vang ngân những khúc dân ca nặng tình, nặng nghĩa.
Cứ chiều chiều, con sông lại không thể vắng mặt những đứa trẻ chúng tôi. Ồn ào và líu nhíu. Sau cả ngày mải chơi, chăn trâu, được ngụp lặn dưới con sông này là đã thấy mát lẹm cả người. Mọi mệt nhọc, nóng bức như tan biến đi. Chỉ cần cởi áo vứt trên bờ là đứa nào đứa nấy thi nhau nhảy ào xuống sông. Mặt sông sóng sánh nước, những chỗ chúng tôi nhảy “tùm” thì nước bắn lên tung tóe. Có lúc chúng tôi còn thi nhau nhảy xem ai tạo thành tiếng đập vào nước kêu vang. Sông ầm ĩ lẫn trong tiếng chúng tôi đùa nhau. Chơi ở trên bờ như thế nào thì chúng tôi chơi dưới nước cũng như vậy. Những đứa nhỏ chưa biết bơi thì đứng trên bờ vừa nhìn vừa học tập đàn anh, chân muốn chạm vào nước rồi nhìn lớp đàn anh chị trổ tài những điệu bơi bướm, bơi ếch, bơi chó, bơi sải... Quê tôi, là con trai hay con gái, ai cũng biết bơi thì phải, mọi người bơi giỏi lắm, bé như chúng tôi đã biết bơi rồi. Có lẽ vì sông Lam chẳng bao giờ biết ngừng chảy theo dòng đời. Từ lúc nắng chiều nhạt cho đến khi nắng tắt hẳn, chúng tôi về nhà thì bờ sông mới chìm vào yên lặng. Sau đêm trăng thanh, gió mát, sông lại chờ đợi những tia nắng vàng óng ả. Những ngày mưa, sông đầy ắp nước. Sông cũng cho nhiều tôm cá, dân quê tôi hàng ngày vẫn thường trực bên chiếc thuyền của mình khi đi đánh cá ven sông. Những con cá bụng tròn căng, trắng phau, thân phận rủi ro đâm đầu vào lưới.
Sông cho nước, cho nhiều tôm cá nên quê tôi có thêm nghề chài lưới. Những con thuyền rẽ sóng đi qua, buồm cánh én đầy gió giữa mênh mang trời nước, vút bay lên giọng hò trong trẻo của xứ Nghệ:
“Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục.
Mới biết cuộc đời răng là nhục, là vinh.
Thuyền em lên thác xuống ghềnh.
Nước non là nghĩa, là tình ai ơi…”.
Câu hò da diết bên sông quen thuộc như những lời ru của mẹ đưa tôi chìm vào giấc ngủ trưa hè. Cứ mỗi lần ra sông, câu hò lại văng vẳng bên tai, lướt cùng với con thuyền trôi trên sông nước. Nghe mãi âm điệu của câu hò thấy thân quen, thắm nghĩa thắm tình. Xa quê, mà thiếu đi câu hò ấy, lại nao nao nỗi buồn vô cớ. Thấy nhớ quê hương da diết. Bây giờ, cứ mỗi lần nghĩ lại những ngày thơ ấu, tôi thấy xao xuyến, bùi ngùi và thèm khát tuổi thơ đầy ắp những kí ức xưa, ngọt ngào, sâu lắng. Tuổi nhỏ, tôi chưa cảm nhận được tình ý sâu sa của câu hò nhưng nghe nhiều lần đã thuộc lòng thành bài bản, ngân nga khúc dạo và thấy yêu con sông Lam, yêu ngôi làng Ngũ Phúc bé nhỏ của tôi hơn.
Một hôm, tôi tò mò hỏi Cha:
- Cha ơi, sông Lam chảy từ mô tới?
Cha khẽ cười, lấy tay chỉ về dãy núi mờ xa ở phía mặt trời lặn, âu yếm nói:
- Chỗ nớ. Con có nhìn rõ những dãy rú xa ngái tê không? Đó là dãy Trường Sơn. Sông Lam bắt đầu chảy từ chỗ nớ, con ạ!
- Răng lại gọi rú nớ là Trường Sơn rứa cha? -Tôi giật giật tay Cha hỏi lại.
- Người xưa đặt thế. Cũng như rú ở quê mình có tên là Thiên Nhẫn, Đại Huệ đó con. Con cố gắng học lên sẽ tìm hiểu thêm được nhiều điều!
Sau này, những bài giảng của thầy cô và những trang sách đã giúp tôi hiểu rõ hơn về con sông Lam và quê hương Nam Đàn của mình. Tôi thấy quê hương mình được nhắc đến nhiều trong sách vở. Từ những trang sách văn học cho đến những bài địa ly, lịch sử…
Thì ra, sông Lam bắt nguồn từ vùng Nậm Căn (Lào), của dãy Trường Sơn trùng trùng, điệp điệp. Phần chính của sông chảy qua Nghệ An, phần cuối qua Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, qua Đức Thọ, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh tạo thành biên giới của Nghệ An và Hà tĩnh, trước khi đổ ra biển Đông tại cửa Hội.
Không bao giờ cô độc, dòng Sông Lam bao dung và hiền hoà, ôm lấy các nhánh sông khác tạo thành dòng chảy mải miết bồi đắp phù sa mát ngọt cho đôi bờ.
Tôi thường nghe người ta nói núi sông là hội tụ linh khí của đất nước, mỗi vùng đất đều có những cặp sơn hà tiêu biểu. Ví như Hà nội có sông Nhị- núi Nùng, sông Đà- núi Tản; Nam Định có núi Vị- sông Côi; Thanh Hóa có núi Hàm Rồng- sông Mã; Quảng Trị có non Mai- sông Hãn; Huế có núi Ngự- sông Hương… Nghệ Tĩnh nói chung và Nam Đàn quê hương tôi nói riêng thì có núi Hồng – sông Lam. Vì thế ngàn đời nay, dân Ngũ Phúc quê tôi vẫn nhớ câu ca dao say đắm lòng người: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây, sông Lam hết nước thì đó đây mới hết tình”.
Nam Đàn có diện tích vào khoảng 296,88 cây số vuông, phía đông giáp hai huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, ngăn cách với biển Đông, phía tây giáp huyện Thanh Chương, bắc giáp huyện Đô Lương của Nghệ An và phía Nam giáp huyện Hương Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sa Nam là thị trấn huyện lỵ của Nam Đàn, cách thành phố Vinh 21 cây số đường bộ. Đây là một vùng quê vừa có đồng bằng, vừa có trung du, vừa có miền sơn cước, non nước đa dạng hữu tình. Ai đã lên chợ Sa Nam , đứng nhìn dòng Lam lững lờ trôi, những đoàn thuyền nối đuôi xuôi ngược, tiếng hát đò đưa theo nhịp chèo âm vang sông nước, hai bên bờ là bãi mía, nương ngô mượt mà tít tắp. Trước mặt là rú Đụn Sơn đẹp mê hồn.
Vào những đêm trăng sáng vằng vặc, Cha tôi thường vác chõng tre ra sân ngồi uống nước chè xanh, khi thì cùng mấy người hàng xóm bàn chuyện làm ăn, chuyện đánh cá, chăn bò, chuyện ngày mùa thu hoạch, chuyện thời tiết, chuyện thất thu… Rồi có hôm, tôi còn thức khuya ngồi bên Cha say sưa nhìn Cha chơi cờ tướng. Quan sát những quân cờ và cách đánh cờ của Cha chậm dãi và chín chắn lắm, chẳng mấy khi vội vàng, tôi nghiễm nhiên học được những hướng đi và cách chơi cờ. Có những đêm trăng sáng Cha ngồi kể chuyện xưa cho chúng tôi nghe. Gió mát thổi nhè nhẹ. Bóng trăng lồng bóng cây, những ánh sáng của trăng xuyên qua tán lá rồi phản xuống sân nhà tạo thành những hình thù, tôi tưởng tượng những ánh sáng ấy ra nhiều hình ảnh lắm. Bầu trời có biết bao nhiêu vì sao lấp lánh mà tôi không thể đếm hết. Tôi nhận thấy sự khác nhau giữa tên gọi các vì sao và hỏi Cha. Cha giải thích cho tôi về sao Hôm, sao Mai, sao Chổi, sao Diêm Vương, sao Bắc Đẩu…
Cứ mỗi buổi trưa hoặc tối, sau bữa cơm là đến giờ uống chè xanh tập thể. Có lẽ đây là phong tục tập quán quê tôi từ xưa truyền lại. Không ai ngồi uống một mình. Khi chè đã chín, Cha tôi chỉ đứng ngay trước cổng nhà gọi một tiếng thật to: “Mời các ông các bà sang nhà uống nác”. Tiếng gọi, đứng xa vài trăm mét cũng nghe thấy. Tiếng gọi cứ âm vang nhà này qua nhà khác. Mấy phút sau cả xóm kéo đến tụ tập quanh ấm nước. Vừa uống chè vừa kể chuyện tâm tình, chuyện trong làng, ngoài xóm, chuyện làm ăn, chuyện vui và có cả chuyện buồn. Qua ấm nước chè xanh, con người như thông cảm nhau hơn, gần gũi nhau hơn, tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà, gắn bó, và sẵn sàng giúp nhau khi có khó khăn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ nôn nao tiếng gọi mời nhau uống nước chè xanh ấy. Sau này nhạc sĩ An Thuyên đã thể hiện cảm xúc đẹp đẽ ấy qua ca khúc Ca dao em và tôi:
“ Để cùng đi hát dân ca quê mình.
Đê tôi sống giữa bao nhiêu ân tình.
Bao ân tình mộc mạc làng quê.
Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh.”
Vào buổi tối, sau chầu chè xanh, dưới ánh trăng óng vàng, chúng tôi lại quây quần bên nhau nghe Cha kể chuyện. Cha kể những câu chuyện về đời sống hàng ngày. Cha dạy cho chị em tôi biết ứng xử với người lớn, với bạn bè, thầy cô. Sau đó là những truyền thuyết, cổ tích, thần thoại. Tôi cứ nằng nặc đòi Cha kể rồi lại lim dim đôi mắt ngủ say sưa lúc nào không biết. Trong kho chuyện kể của Cha có một câu chuyện tôi không bao giờ quên được vì nó liên quan đến núi Đại Huệ quê tôi.
Chuyện kể rằng: Thời ấy có một người phụ nữ làm nghề muối ở Đồi Mơ (Mai Phụ) thuộc vùng đất Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã đến vùng rú Rẻ thuộc Nam Đàn bây giờ và ở đậu dưới mấy gốc mai, rồi sau đó sinh ra một cậu con trai. Ngày ngày, người mẹ trẻ lặng lẽ vào rừng nhặt củi, hái rau, xuống suối mò cua, bắt ốc, tần tảo nuôi con qua ngày đoạn tháng. Dân làng ai cũng thương cảm và giúp đỡ hai mẹ con rất nhiều. Mấy năm sau, không may người mẹ bị ốm mất. Cậu bé được một gia đình khá giả đem về nuôi nấng và đặt tên là Mai Thúc Loan. Càng lớn, Mai Thúc Loan càng khỏe mạnh, thân hình vạm vỡ, siêng năng cần cù. Mọi việc làng, việc xóm qua tay anh đều mau lẹ, trôi chảy.
Ngày ấy, ở vùng núi Nậy (Đại Huệ) có thứ vải ngon nức tiếng xa gần. Viên quan nhà Đường (Trung Quốc) được cắt đặt cai trị ở đây, biết rõ cung đình ở phương Bắc rất chuộng đặc sản này, đặc biệt là quí phi họ Dương- ái khanh của Thiên tử- người có quyền lực vô song. Đến mùa vải chín, quý phi hướng về phương Nam xa lắc, nóng lòng chờ nghe tiếng nhạc ngựa đưa vải về tiến Vua. Nhìn những mâm vải chín đỏ, căng vỏ được kính cẩn dâng lên, nàng nhoẻn miệng cười rất tươi. Từ đó người ta đặt tên cho loại vải này là “Phi tử tiếu”. Quan cai trị Quang Sở Khách ráo riết thúc ép dân An Nam, trước hết là dân vùng núi Đại Huệ, bất kể ngày đêm hái vải ngon nộp cho hắn và sai lính kị mã hỏa tốc chuyên chở về kinh đi Tràng An nhà Đường. Bị cướp đoạt đặc sản quê hương, bị bóc lột sức lao động thậm tệ, bị thúc bách, đánh đập trên đường tải vải, những người dân vùng núi Nậy hừng hực căm thù. Mai Thúc Loan, chàng trai da mặt đen sẫm, vóc dáng to lớn, vạm vỡ đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước thương dân thành cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc. Năm 722, sau khi dùng quả vải làm lễ ăn thề, mọi người tôn Mai Thúc Loan làm chủ soái, lấy Sa Nam làm căn cứ địa, núi Vệ trở thành sở chỉ huy cuộc chiến đấu và cũng là nơi đóng đô của ông sau này. Mai Thúc Loan được các nghĩa quân và nhân dân gọi là Vua Mai Đen mà sử sách gọi là Mai Hắc Đế.
Câu chuyện có cốt lõi lịch sử được truyền miệng, phần nào đã truyền vào tôi lòng yêu nước và tự hào về quê hương từ thửa nhỏ. Chúng tôi tự hào về ông như tự hào về vùng đất Nam Đàn “địa linh nhân kiệt”. Không phải vùng đất nào cũng có những con người tài giỏi như thế. Từ thời nhà Trần, năm Bính Thìn (1256) đời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Nguyên Phong 6 đã có ông Trương Xán, người Nam Đàn thi đỗ Trạng nguyên. Tính từ nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn , Nam Đàn có 36 vị đỗ Đại khoa Hán học. Truyền thống hiếu học đã có sẵn trong dòng máu quê hương và đã được chuyển lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong đó có lớp người chúng tôi. Với tôi, Vua Đen họ Mai vừa vĩ đại, vừa gần gũi.
Tôi cảm phục những anh hùng yêu nước, mặc dù chỉ được đọc, được nghe kể. Và dần dần tôi hình dung về mảnh đất quê mình với những thế hệ trước đây, họ là những tấm gương sáng trong lịch sử. Và có lẽ gần gũi và thân thuộc với tôi nhất vẫn là làng Sen quê Bác. Làng Sen thuộc xã Kim Liên, không xa xã Nam Lộc quê tôi lắm. Từ tuổi học trò, chúng tôi đã bảo với nhau rằng “chúng mình được ở cùng quê với Bác Hồ”. Có những buổi tranh luận, chúng tôi còn thi nhau tính xem nhà bạn nào gần nhà Bác nhất, rồi thi nhau nhắc lại những bài học, những câu chuyện kể về Bác, nhất là những chuyện dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng như “câu chuyện về quả táo của Bác Hồ cho một em thiếu nhi, em đã để dành, ai xin cũng không cho..., hay câu chuyện về ông Ké, câu chuyện về những ngày Tết thiếu nhi và rằm trung thu, Bác đã viết thư quan tâm đến các cháu thiếu niên nhi đồng, cùng với niềm vui, Bác căn dặn tuổi nhỏ học hành chăm ngoan…
Năm tôi vào học lớp một, tôi phấn đấu học giỏi để được Cha cho đi thăm nhà Bác. Cứ nghĩ đến niềm vui đó là tôi quyết tâm học bằng được. Tôi mường tượng ra nhiều cảnh ngôi nhà Bác lắm. Mặc dù tôi đã được nhìn thấy qua những hình ảnh minh họa trên trang sách nhưng đó chỉ là bề ngoài của ngôi nhà. Tôi nghĩ nhà Bác chắc nhiều thứ đồ và đẹp lắm vì ai cũng biết đến Bác. Bác là người đã từng đi nước ngoài, nổi tiếng khắp năm châu bốn bể. Trong tâm trí tuổi thơ tôi thì Bác là ông Tiên tài giỏi, hiền hậu và nhân từ vô cùng. Cha tôi kể rằng: Cha đã được gặp Bác trong lần Người về thăm quê sau 50 năm xa đất nước. Tôi mới chỉ thấy Bác trên phim ảnh, tôi ao ước được gặp Bác một lần, một lần thôi cũng sung sướng lắm rồi. Và rồi thì điều mơ ước được đi thăm nhà Bác cũng đã đến. Tôi vui sướng hồi hộp, thao thức không sao ngủ được. Cha đưa tôi đi, con đường ven theo các bờ ruộng, mắt tôi cứ mở to mà theo dõi cảnh thiên nhiên, những cánh đồng thơm ngát mùi lúa chín. Đi đến đâu, Cha tôi giới thiệu những phong cảnh đến đấy. Tai tôi dỏng lên nghe và cố nhớ lại con đường từ nhà mình đến nhà Bác nhưng tôi không thể nhớ nổi vì có nhiều ngả rẽ quá, hơn nữa có nhiều cảnh quan hấp dẫn khiến tôi không còn có thể để ý được. Tôi nóng lòng lắm, thỉnh thoảng lại hỏi Cha: “Sắp đến nhà Bác chưa, hả Cha?”. Nhà Bác đây rồi! Ngôi nhà tranh nép dưới bóng tre xanh, giống như nhiều ngôi nhà của người dân quê tôi. Chẳng có gì là đồ sộ và xung túc, mọi cái đều bình thường giản dị giống như trong những mẩu chuyện kể về cuộc đời Bác…Xung quanh cây trái xanh um, tươi tốt. Hàng râm bụt bên lối đi vừa ngang đầu tôi, lá xanh mướt, hoa nở to bằng chiếc bát ăn cơm, khoe sắc đỏ bóng, nhụy hoa vàng lay lay trong sáng sớm vẫn còn đẫm sương đêm. Hàng cây được tỉa đẹp, tạo thành lối đi thẳng tắp. Vườn khoai lang xanh tốt chẳng còn nhìn thấy đất, rung rinh mấy bông hoa tím nhạt trông thật đáng yêu. Hàng cau trước cửa ngôi nhà Bác cao vút, hương cau thơm mát. Mặc dù được nghe Cha kể và đọc được những bài học giản dị về Bác, nhưng tôi không nghĩ rằng mọi cái lại giản dị và gần với thiên nhiên như vậy. Cha tôi kể: Bác xa quê lâu lắm rồi, ngôi nhà Bác cũng yếu dần trong gió mưa, đời sống nhân dân cũng bớt khổ hơn trước, nên dân làng góp công góp sức dựng lại ngôi nhà của Bác để tỏ lòng biết ơn công lao của Bác- khi về thăm lại ngôi nhà của gia đình. Bác nhìn ngôi nhà và cảm động trước tấm lòng của bà con quê hương dành cho Bác. Tôi bước qua bậc cửa và lặng lẽ dõi theo những vật dụng trong ngôi nhà. Nắng sớm của vùng quê yên tĩnh, giọng cô thuyết minh ấm áp làm người nghe phải sụt sùi thương cho hoàn cảnh của gia đình Bác: Tại nơi đây, đêm đêm, thân phụ Bác miệt mài ôn luyện bài vở để dự kỳ thi sắp tới thì mẹ Bác cũng cần mẫn, nhịp nhàng đưa thoi dệt những tấm vải đem bán lấy tiền nuôi gia đình. Đây là chiếc chõng tre đã ngả bóng cùng thời gian, kia là chiếc võng đay đã từng chở những giấc mơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung (gọi theo tiếng địa phương là Côông)…cùng những câu hát, điệu hò xứ Nghệ của mẹ.
Những tối sau đó, Cha tôi lại chậm dãi kể cho tôi nghe về cuộc đời hoạt động của Bác, càng nghe càng bồi hồi xúc động. Từ những hành động và việc làm nhỏ của Bác đều có ý nghĩa đối với dân với nước. Bác quan tâm và thương yêu tất cả mọi người, đến mọi tầng lớp; ý nghĩ về dân tộc luôn canh cánh trong lòng đã thôi thúc Bác học tập và tìm con đường cứu dân, cứu nước. Tôi nghe cha kể, lòng thầm nhủ: mình cần phải cố gắng học hơn.
Từ nhỏ, tôi đã nghe câu phương ngôn theo truyền thuyết để lại “bao giờ Đại Huệ phân giải, bò đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”. Ý nghĩa của câu phương ngôn này thực hư ra sao, tôi không đoán được, nhưng núi Đại Huệ gần thị trấn Nam Đàn vẫn còn vết nứt đôi ở đỉnh. Có lần về viếng đền vua Mai Thúc Loan, tôi đã lên xem thì vẫn còn những vết nứt sâu. Còn khe bò đái ở Nam Thượng, đối diện với núi Đại Huệ bây giờ đã cạn khô. Dân làng quê tôi nói: “Bác Hồ sinh ra vào thời điểm trên”. Quê hương Nam Đàn đã sinh ra một người con, một vị lãnh tụ của cả dân tộc…
*
* *
Có nhiều chuyện, nhiều điều để hồi tưởng về tuổi thơ nhưng có lẽ với cái mốc thời gian ngày 5 tháng 8 năm 1964 thì tôi nhớ mãi. Đó là ngày đầu tiên máy bay Mỹ ném bom xuống miền Bắc nước ta…
Chiều thu. Bầu trời như được ai đó nâng cao hơn, trong xanh vời vợi. Những đám mây trắng bồng bềnh bay lên từ phía biển…Tôi và đám bạn dắt nhau đi dọc bờ sông và nhẩm đọc bài vè của bọn trẻ con mục đồng Ngũ Phúc vừa đặt ra mấy hôm nay:
Mẹ cho túi đầy
Ve vẻ vè ve
Cái vè ăn vải
Bà cho một quảy
Chén hết ba ngày
Hai hôm hết sạch
Vải này ngon thật
Vỏ đỏ ruột trong
Đi xuống tắm sông
Rồi về Rú Nậy
Ông vua Đen thấy
Cho một gánh to…
Vừa đọc vè vừa ngắm sông trong cảnh thanh bình và ai cũng hy vọng rằng sự yên bình này sẽ là bất diệt...
Bỗng dưng, sau câu vè cuối cùng là những tiếng động ầm ầm, dữ dội từ phía biển dội đến. Tiếng động ầm ầm như sấm trời ngày một gắt gao hơn. Tôi chưa hình dung được là tiếng gì thì đã thấy trên bầu trời trong xanh phía thành Vinh có mấy chiếc máy bay đen trũi đang lượn vòng như những quái vật hung hãn. Những chiếc máy bay đen trũi, bay cao và chúi đầu xuống hướng thành Vinh. Từ bụng nó phụt ra những vệt lửa đỏ rực, để lại đằng sau một vệt khói đen sẫm. Cũng có chiếc bổ nhào và ở bụng nó có những vật gì nom như những chấm đen rời khỏi thân máy bay và lao nhanh xuống đất. Tiếp đó là tiếng nổ rầm trời. Khói đen bốc lên cuồn cuộn như xắn ra từng miếng được. Từ mặt đất thành phố Vinh bốc lên những cột khói đen. Trên bầu trời, tiếng đạn phòng không của bộ đội nổ lụp đụp. Máy bay Mỹ ném bom xuống thành phố Vinh rồi! Nhiều người làm đồng nhốn nháo bỏ chạy về nhà.
Lần đầu tiên nghe tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm rít, tiếng bom đạn nổ ình oàng, tiếng người kêu thất thanh, nhìn các bạn mặt tái mét, tôi thấy sợ hãi vô cùng.. Làng Ngũ Phúc nhỏ bé, yên bình nay đột nhiên xáo động, nhớn nhác. Chỉ còn mấy ngày nữa là khai trường. Không hiểu rồi đây thầy và trò sống ra sao và học ra sao đây?
Tôi đang miên man nghĩ thì nghe tiếng Cha gọi thất thanh. Tôi nhằm hướng Cha mà chạy. Cha nắm tay tôi và bảo tiếp tục chạy thật nhanh về nhà.
Tối hôm đó, tôi nghe đài Tiếng nói Việt Nam thông báo rằng ngày hôm nay máy bay Mỹ không chỉ ném bom, bắn phá ở Vinh - Nghệ An mà còn đánh phá nhiều nơi từ Quảng Bình đến Quảng Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại trên quy mô lớn bằng không quân, hải quân ra miền Bắc XHCN. .
Những năm tôi học cấp II tại xã Nam Tân và cấp III tại xã Nam Hùng thì cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc đã leo đến nấc thang mới cao hơn. Nghe đài, đọc báo tôi cảm nhận cách mạng miền Nam đã có những bước phát triển mới, bất lợi cho Mỹ, Nguỵ. Cuộc “chiến tranh đặc biệt” - được tiến hành chủ yếu bằng quân đội Nguỵ với phương tiện vũ khí và sự yểm trợ của không quân, hải quân Mỹ - đã bị phá sản. Kế tiếp là cuộc “chiến tranh cục bộ” đang bị sa lầy. Nội dung của chiến lược này là sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động, chủ yếu để tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; quân Nguỵ làm lực lượng chiếm đóng, bình định, kìm kẹp nhân dân hòng đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng. Thực hiện chiến lược này, chúng đã đưa vào miền Nam ta hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ và quân đội một số nước chư hầu. Đồng thời, Mỹ đã sử dụng không quân, hải quân mở chiến dịch “Sấm rền”, điên cuồng đánh phá ác liệt với mưu đồ “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Đế quốc Mỹ đã leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Các tuyến đường bộ, đường sắt, cầu cống, cơ sở kinh tế, đê điều, đập nước, bệnh viện, trại an dưỡng, trường học, nhà thờ, đền chùa đều là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Làng Ngũ Phúc bé nhỏ của tôi suốt ngày nghe tiếng gầm rú điên loạn của máy bay phản lực Mỹ. Ban ngày máy bay gầm rú bắn phá thị trấn, cầu Mưng và ven đường quốc lộ 15, ban đêm đèn dù chúng giăng xuống dọc tuyến đường, nhất là hai bên cầu phao Nam Đàn. Cuộc chiến đã thật sự ập đến từng nhà với biết bao bất ổn, tai hoạ rình rập từng giờ, tùng phút.
Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy đã phát triển nhiều phong trào quần chúng sôi nổi, có tác dụng động viên tinh thần bà con nhất là tầng lớp thanh nhiên mới lớn như chúng tôi. Đó là các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Chắc tay búa, tay súng” của công nhân, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “ Tay cày, tay súng”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc” của nông dân, “Ba quyết tâm” của trí thức. Với học sinh chúng tôi thì phong trào “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã được xác định sẵn sàng lên đường vì tổ quốc thân yêu. Năm 1966, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Ngày 17.7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi động viên nhân dân Việt Nam : “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tư do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta lại xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”!
Những năm tháng đó, chúng tôi phải đội bom đến trường. Để phù hợp với hoàn cảnh thời chiến, bà con quê tôi đã sáng tạo ra chiếc đèn “phòng không”. Đó là chiếc đèn dầu hoả, được làm bằng lọ mực Cửu Long và đặt trong ống bơ hoặc ống nứa đã được khoét một ô hình chữ nhật đủ ánh sáng hắt ra vừa trang giấy. Khi có tiếng báo động, chỉ cần thổi nhẹ là đèn tắt ngay. Trên tấm bảng đen của thầy giáo cũng có một ngọn đèn dầu hoả được che chắn cẩn thận. Chỉ có một lỗ hở nhỏ để ánh sáng hắt ra vừa đủ diện tích tấm bảng đen. Trời chập choạng tối, chúng tôi đã phải tay đèn, tay sách í ới gọi nhau tới trường. Những lớp học sơ tán trong nhà dân bằng vách đất, mái lá, nửa chìm nửa nổi gắn liền với căn hầm được làm bằng kèo tre vững chắc. Ánh sáng đèn dầu vàng ệch nên con chữ trông mờ lắm. Học sinh chúng tôi đứa nào cũng căng mắt ra mà nhìn, cố gắng tiếp thu từ bài giảng, không bỏ sót con chữ nào. Mùi khói dầu bốc lên khét lẹt. Sau mỗi buổi học, hai lỗ mũi bám đầy muội đen. Chiếc đèn phòng không này đã gắn chặt với tôi trong thời gian học cấp hai và cấp ba như một người bạn tri kỷ nâng bước tôi trong những đêm tối trời đến lớp, thủ thỉ cùng tôi trong những đêm khuya học bài, sưởi ấm cho tôi trong những đợt mưa dầm, gió bấc, canh cho tôi những giấc ngủ ngon lành mỗi khi thiếp đi trên bàn học.
Chúng tôi được các thầy cô dạy cho ánh sáng của dân tộc và nhân loại. Biết đến những câu ca dao, tục ngữ...có từ xưa truyền lại, biết yêu tiếng việt. Được nhận thức giá trị nội dung, nghệ thuât tinh túy các tác phẩm văn học: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật Ký trong tù” của Hồ Chí Minh, “Từ ấy” hoặc “Việt Bắc”, “Gío Lộng” của Tố Hữu, “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, “Quê Hương” của Giang Nam… Được biết thế nào là định lý cạnh tam giác vuông của Pitago, định luật vạn vật hấp dẫn của Niutơn, lực đẩy trong nước và lực đòn bẩy của Accimet, thuyết tiến hoá của Đắcuyn. Đặc biệt là tuần hoàn các nguyên tố hoá học của Mendeleep đã được chúng tôi học thành “bài ca giá trị” cho dễ nhớ. Những định lý, định luật của của môn toán, môn lý được chúng tôi đọc trôi chảy. Chúng tôi ôn bài khi đi trên đường với nhau, cùng kiểm tra, tranh luận cả những đáp số của những bài toán khó. Bởi vậy mà con đường đi bộ của chúng tôi trở nên gần hơn, chẳng mấy chốc là đến trường và sớm về đến nhà mà không thấy mệt mỏi.
Nhiều lúc, thầy trò đang say mê với bài giảng, kẻng báo động vang lên chưa dứt thì máy bay Mỹ đã ập đến. Đèn phòng không được thổi tắt nhanh chóng. Thầy trò khẩn trương chạy ra giao thông hào. Phòng học tối om om, bóng đêm dày đặc đang bủa vây trong nỗi lo sợ. Máy bay gầm rít như xé toạc bầu trời. Thầy trò vội vã di xuống giao thông hào trú ẩn. Đây cũng là kết quả tập dượt nhiều lần nên khi có báo động không xảy ra tình trạng lộn xộn, nhốn nháo. Những khó khăn trong hoàn cảnh nghiệt ngã của thời chiến tranh khiến cho mỗi lớp học, mỗi hoạt động của học sinh chúng tôi đều trở nên nhanh nhẹn, khẩn trương và ý thức kỷ luật cao hơn. Nếp sống thời chiến đã thấm quen, trở thành phản xạ tự nhiên trong mỗi con người, mỗi học sinh chúng tôi. Khi tiếng gầm rít của máy bay Mỹ xa dần, chúng tôi mới bớt đi những lo lắng trong lòng. Những ánh đèn lại sáng dần lên soi những khuôn mặt trắng trong, chúng tôi nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, tiếp tục nghe giảng. Lớp học lại im phăng phắc khi từng lời sâu sắc, ân cần của thầy, cô sang sảng vang lên.
Tan buổi học thì cũng đã quá nửa đêm. Hai bát cơm độn khoai ăn vội cuối giờ chiều bây giờ đã bay đi đâu mất. Đứa nào cũng đói cồn cào. Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà. Nếu bây giờ có bắp ngô luộc hoặc củ khoai nướng dậy mùi thơm thì hẳn sẽ sáng mắt lên.
Tôi nhớ có lần, học về muộn. Trong lớp chỉ có tôi và cậu Sửu là cùng làng. May mà có bạn đi cùng nên tôi cũng bớt lo. Lần nào hai đứa cũng rủ nhau đi học và đợi nhau về. Lúc này khoảng gần 1 giờ sáng. Khi tôi và Sửu đi qua bãi tha ma, hai bên đường là bãi ngô xanh tốt. Mùa ngô ra hoa, ra bắp lá xanh mượt mà, thoang thoảng mùi hoa ngô ngầy ngậy. Chúng tôi nhìn thấy những bắp ngô rập rình bám trên thân cây mà thích mắt, lúc đầu còn thấy chúng bé hơn nắm tay tôi, ấy vậy mà chúng to lên rất nhanh, đến mùa thu hoạch thì chỉ còn lại những lá ngô già héo, những thân ngô được mang về làm củi đun cơm. Chẳng đứa nào bảo đứa nào, chúng tôi đều sợ hãi; bặt im đi qua bãi tha ma rồi mới dám nói chuyện với nhau. Đêm nay cũng như mọi đêm, chúng tôi đang đi thì thấy từ phía bãi tha ma có ai đó ném đất ra đường, về phía trước mặt. Tôi hoảng hồn và chỉ biết cắm đầu đi. Tôi thấy Sửu nắm lấy tay tôi, sợ hãi:
- Biểu ơi, có ma...a!
Đêm như mực mài. Chỉ có hai đứa lò dò ngoài đường, nghe nói đến ma, tôi sởn hết cả gai ốc, hai thái dương cũng gai lên. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ma và cũng không bao giờ tin đó là thật... Nhưng hôm nay thì tôi tin. Đang lo sợ thì đất đá cứ tới tấp ném vào chúng tôi. Nỗi khiếp sợ bao trùm. Chắc trong bãi ngô sẽ có nhiều con ma với những hình thù quái dị đang sẵn sàng bắt chúng tôi. Lúc này tôi lại nhớ đến câu chuyện con ma có lưỡi dài chuyên đi giết người mà chị Liên đã kể.
Tôi muốn chạy trước mà thằng Sửu cứ bám chặt vào vạt áo làm tôi càng luống cuống. Bỗng lại thêm mấy con đom đóm dập dờn trước mặt. Phải chăng là con ma có lưỡi dài đón đường? Đang nghĩ về ma thì đất đá lại tiếp tục ném ra. Thôi chết, ma thật rồi! Lợi dụng sức khoẻ hơn nên tôi cố bứt phá chạy trước, Sửu chạy sau. Để chạy cho nhanh, Sửu phải vứt hết tất cả sách vở, tôi cũng vứt theo. Càng chạy thì tiếng chân người chạy sau càng theo sát hơn…
Về đến cổng, hai đứa thở ra cả tai, quay lại thì chẳng thấy gì. Hai đứa hú hồn như vừa trải qua một cơn hoạn nạn khủng khiếp. Tôi chưa kịp nói thì thằng Sửu vừa thở hổn hển, vừa kể cho Cha tôi nghe chuyện ma đuổi. Cha nghe chuyện rồi nhanh chóng ra khỏi nhà, tới bãi tha ma xem sự tình như thế nào và nhặt sách vở về cho chúng tôi. Hỏi ra mới biết, đó là trò đùa rất nguy hiểm của mấy ông bảo vệ bãi ngô. Ôi, trêu đùa kiểu đó thì thật là khủng khiếp. Nhưng cũng sau hôm đó, tôi và Sửu đi học cũng thấy đỡ sợ hơn.
Trong hoàn cảnh ấy, không ai kêu khổ, bởi chúng tôi biết, Cha Mẹ mình còn vất vả gấp bội phần để lo cho mình học tập. Có lần, chị cả tôi bàn với Cha rằng:
-Thằng Mỹ cứ ném bom hoài như thế này, đồng áng, ruộng vườn không làm được thì lấy gì mà ăn. Không hiểu nhà mình sống ra làm sao? Nghe vậy, Cha nhìn chị em tôi với ánh mắt suy tư và đưa tay chỉ cánh đồng lúa đang thì con gái:
-Thì cánh đồng này cũng đã bị mấy loạt bom rồi. Nhưng lúa vẫn xanh tươi.
-Con cứ gắng học đi, con sẽ không phải đói đâu.
Tôi biết Cha cũng rất suy tư về những khó khăn do chiến tranh đưa đến. Tôi rất xúc động về sự quan tâm, về tấm lòng hiếu học của Cha đối với việc học của con cái. Chẳng bao giờ tôi lại quên được tấm lòng vàng của Cha dành cho chị em tôi. Do vậy, không có cách nào khác là phải học thật tốt để không phụ lòng Cha.
Thời gian gần đây, làng Ngũ Phúc bé nhỏ của tôi đã có những thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ, nhiều cô gái đã ra tiền tuyến. Nhìn lớp lớp các đàn anh, đàn chị mặc bộ quần áo xanh với chiếc mũ tai bèo tôi thấy ai cũng lớn hẳn lên, khỏe mạnh hơn và chững chạc lắm. Những lần tiễn các anh chị lên đường, chúng tôi đều có mặt đông đủ. Có những đêm khuya, ra đứng đầu đường quốc lộ 15A nhìn bộ đội, thanh niên xung phong hành quân về phía Nam mà lòng tôi vô cùng háo hức muốn trở thành anh bộ đôi ngay lập tức. Trong đoàn quân ấy, có ai mang chiếc đài đi theo (có thể là cán bộ) vẳng ra tiếng hát:
Anh vẫn hành quân
Trên đường ra chiến dịch
Mé đồi quê anh bước
Trăng non ló đỉnh rừng
Anh vẫn hành quân
Lưng đèo qua bãi suối
Súng ngang đầu anh gối
Anh đi khắp chiến trường…
Tiếng hát cứ cao dần với ca từ dung dị và âm hưởng hùng hồn theo nhịp bước quân hành, làm cho đêm khuya quê tôi bổng như bừng thức dậy. Khi về nhà, tôi nằm xuống giường mà vẫn văng vẳng bài hát “Anh vẫn hành quân”. Không hiểu sau này mình lớn lên có được hãnh diện là anh giải phóng quân để được theo bước các anh bộ đội kia không?
Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn, xã Nam Lộc quê tôi suốt ngày phải nghe tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Bom giặc ném xuống quê tôi không theo một quy luật nào. Lúc đầu, máy bay chỉ ném bom vào buổi trưa đến chiều, sau đó chúng ném cả ban đêm và có lúc chẳng trừ thời gian nào. Máy bay từ biển vào, rồi có chiếc ném bom ở đâu đó khi bay qua quê tôi lại trút nốt số bom còn lại trước khi bay ra biển. Ban đêm, pháo sáng giăng đầy dọc tuyến đường 15A chạy qua làng tôi như những cặp mắt cú vọ.
Những năm học cấp III Nam Đàn, tôi được bầu làm bí thư chi đoàn của lớp. Trong thời kì chiến tranh chống Mỹ cứu nứơc, phong trào thanh niên và công tác đoàn sôi nổi lắm. Trong lớp, mọi người đều nhiệt tình và hăng hái tham gia, chúng tôi ngày một lớn và là đoàn viên nên ai cũng thể hiện được vai trò và trách nhiệm tiền phong của mình. Cũng lúc này, Đoàn phát động phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, phong trào “chắc tay súng, vững tay búa”, thanh thiếu niên dấy lên phong trào học tập tấm gương của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Đài, báo đưa tin về những tấm gương chiến đấu anh dũng, hy sinh xuất hiện trên đảo Cồn Cỏ, đảo Bạch Long Vĩ, cầu Hàm Rồng, lực lượng Tên lửa phòng không, không quân, lực lượng nữ dân quân và lão dân quân ở Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Tĩnh...Hình ảnh của mẹ Suốt, Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh... là những tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng Cách mạng của nhân dân miền Bắc. Đây là một giai đoạn lịch sử mà quần chúng nói chung và thanh niên chúng tôi nói riêng được giác ngộ cách mạng rất cao, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bốc lên ngùn ngụt, là thời đại “ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ”.
Càng ngày, chúng tôi càng thích nghi cuộc sống thời chiến. Đối với học sinh chúng tôi, đứa nào cũng biết cách tránh máy bay, cũng chịu khó, chịu khổ mê say học hành và tham gia nhiệt tình công tác đoàn thể. Là Bí thư, tôi tổ chức cho chi đoàn kết nghĩa với các đơn vị bộ đội đóng quân gần trường. Chúng tôi tổ chức cho các đoàn viên đến thăm và động viên các anh bộ đội, tặng quà cho các chiến sĩ phòng không. Quà thời ấy giản đơn lắm, chỉ là những chiếc khăn tay tự tạo có thêu mấy chữ “Quyết thắng”, “Niềm tin”, “Trường Sơn” của các bạn đoàn viên gái khéo tay, hoặc mấy cuốn sổ tay bìa các tông, giấy vàng có chép những bài thơ quen thuộc của Tố Hữu, Lê Anh Xuân hay là những vòng lá nguỵ trang do chúng tôi làm. Chúng tôi lấy cả những bông hoa bưởi, ép khô kẹp vào quyển sổ tay thơm lắm. Thỉnh thoảng chúng tôi cùng với các anh lính tổ chức giao lưu văn nghệ, hay diễn đàn về ý tưởng người đoàn viên thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Trong các buổi giao lưu văn nghệ ấy, thế nào tôi cũng ngâm bài thơ: Đường hành quân của Lưu Trọng Lư:
“Vượt núi, băng sông,
Chân tôi bước giữa hương đồng cỏ nội.
Vòng là nguỵ trang đã bao lần thay lá mới.
Tôi mang trong lòng tiếng gọi của quê hương.
“Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”.
Tiếng hát năm xưa bay bổng diệu kỳ.
Như chấp cánh trong tôi người lính trẻ…”
Bài thơ như tiếng gọi thanh niên lên đường đánh Mỹ. Nó là bài thơ gối đầu giường của mỗi chúng tôi. Ai cũng bảo bài thơ đã hay mà người thể hiện cũng thật hay. Riêng tôi, mỗi lần ngâm bài thơ này như mình đã là anh bộ đội đang hùng dũng hành quân về phía Nam đánh giặc.
Các chiến sĩ đơn vị bộ đội kết nghĩa phần lớn còn rất trẻ, các anh chỉ hơn chúng tôi vài ba tuổi nên rất dễ hoà nhập với nhau. Các anh bộ đội rất hay hát, có chiến sĩ hát rất hay. Những buổi sinh hoạt kết nghĩa là những kỷ niệm khó quên giữa chúng tôi và đơn vị bộ đội. Nhìn những anh bộ đội trẻ trung mặc trên mình bộ quần áo vải Tô Châu xanh lá cây, đầu đội mũ cối có gắn sao trông thật xinh xắn và chững chạc. Thấy các anh đẹp hơn và thầm mong có ngày mình cũng trở thành anh bộ đội như thế. Qua những bài học, những bài hát, bài thơ hừng hực khí thế chiến đấu của thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong tâm trí chúng tôi đẹp nhất vẫn là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ giải phóng quân.
Những cuốn sổ tay nhỏ nhắn xinh xắn của chúng tôi ở trang đầu thường được ghi đậm lời của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”, lời anh Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Trên pháp trường của quân thù, trước khi hy sinh, anh Trỗi vẫn gọi Bác ba lần: “Hồ Chí Minh muôn năm…”. Nghe đài, đọc báo, tôi cảm phục anh Lê Mã Lương vô cùng. Anh học giỏi, bố là liệt sĩ, được cử đi học nước ngoài nhưng anh đã từ chối vinh hạnh ấy và viết đơn tình nguyện vào bộ đội, xung phong ra chiến trường đánh giặc. Tôi không nói quá đâu, nhưng thời chiến tranh bom đạn khốc liệt dữ dội ấy, những người như Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân và Lê Mã Lương là thần tượng số một của chúng tôi. Được đi bộ đội cũng đâu phải là dễ, chúng tôi vẫn mong ước với nhau sẽ có ngày được mang ba lô con cóc vượt đỉnh Trường Sơn, được là anh giải phóng quân xông pha nơi tiền tuyến mịt mù khói lửa.
Những trận đánh vang dội, những chiến công lẫy lừng, những câu chuyện huyền thoại, những ca khúc say đắm và những bài thơ ngọt ngào nhất thời ấy đều gắn liền với anh bộ đội, anh giải phóng quân. Đài nói về anh, báo viết về anh, sách giáo khoa viết về anh. Anh là hình ảnh trung tâm của cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của dân tộc. Từ nhà trường đến thôn quê, đâu đâu cũng bàn tán về chiến công của anh bội đội. Có thể nói, chưa bao giờ trong các buổi phát thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam, hình ảnh người lính, hình ảnh anh giải phóng quân lại được tôn vinh, được đề cao ở một tầm vóc hoành tráng như vậy. Các anh như những linh hồn của cuộc chiến tranh, truyền cho chúng tôi lòng yêu nước và ý chí tự cường bất khuất của dân tộc. Khí thế thời đại đã cộng hưởng vào chúng tôi một cách tự nhiên như thế! Chẳng có ai phải nhắc nhở hay giáo huấn nhiều, chúng tôi nhìn nhau mà làm, nhìn nhau mà theo gương, mà học tập một cách tự giác. Trong lớp tôi, những bạn gái khi nghe về tấm gương của các chiến sĩ thường trầm trồ khen ngợi một cách thán phục. Còn cánh bạn trai thì mơ ước mình nay mai cũng trở thành anh giải phóng quân.
Mặc dù công việc nhà rất bận bịu, sáng đi học, chiều về gánh phân, nhổ mạ, có hôm còn đi cày, bừa nữa. Nhưng công việc học hành, công việc chi đoàn đều hoàn thành tốt. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của tôi, có lần, thầy giáo chủ nhiệm lớp 9 vỗ vai nói ân cần:
- Biểu à. Hoàn cảnh của em, các thầy biết mà. Em cố gắng học tốt, rèn luyện tốt thì chắc chắn sẽ thành công em ạ. Nếu không có gì mới thì thế nào khi tốt nghiệp cấp III em cũng được xét đi học nước ngoài!
Tôi lí nhí vâng lời thầy. Tôi biết thấy chủ nhiệm rất thông cảm với hoàn cảnh gia đình tôi. Tôi xúc động trước sự quan tâm của thầy. Tôi sẽ cố gắng học tốt hơn nữa, rèn luyện tốt hơn nữa để không phụ lòng tốt của thầy, Cha và chị em đã dành cho tôi.
Từ khi nghe thầy động viên và cho biết thông tin đó, tôi vui lắm. Nhiều đêm đi học về đã khuya, tôi không vội ngủ mà chịu khổ xem lại bài, làm xong hết bài tập. Cha thấy tôi học nhiều nên cũng yên tâm. Nhiều lúc Cha thấy tôi thức khuya, sợ tôi ốm nên đã giục tôi đi ngủ. Cứ nghĩ đến việc được đi học nước ngoài khi ấy là mơ ước lớn nhất của đám học sinh cấp III chúng tôi, tôi thấy trong ngực rộn ràng một niềm vui khó tả.
Tôi tưởng tượng ra nhiều cảnh lắm, chỉ thấy toàn những niềm vui thôi. Mà thực tế được đặt chân ra nước ngoài đi học có nghĩa là chúng tôi sẽ được đặt chân đến đất nước Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu mà lúc bấy giờ chúng tôi xem như thiên đường trên trái đất. Đặc biệt là Liên Xô, tổ quốc thân yêu của Paven, Tônhia- những nhân vật vô cùng quen thuộc trong “Thép đã tôi thế đấy”. Liên Xô là thành trì chủ nghĩa xã hội, là quê hương của Lômônôxốp, của Lênin, của Gagarin người đầu tiên của trái đất bay vào vũ trụ. Liên Xô là niềm tự hào vô cùng tận của chúng tôi...
Chao ôi, những suy nghĩ, những tưởng tượng đã khiến cho tôi tràn ngập những niềm vui và hạnh phúc. Chỉ cần một năm nữa, một năm nữa thôi thì tôi sẽ tốt nghiệp lớp 10 với bảng xếp: loại giỏi và những điều thầy chủ nhiệm nói với tôi sẽ trở thành hiện thực. Tôi hiếm khi thấy nụ cười trên khuôn mặt Cha. Có lẽ cuộc sống quá khó khăn mà Cha chưa lo hết được cho các con nên không thể nở một nụ cười rạng rỡ.
Trong những ngày Xuân 1968, học sinh chúng tôi được sống trong không khí rạo rực của khí thế cách mạng. Tôi còn nhớ, sáng ngày 1 -1 - 1968, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bài thơ chúc tết của Bác Hồ:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Tiến lên toàn thắng ắt về ta.
Đúng một tháng sau, vào dịp tết Nguyên đán, đài, báo lại đưa tin dồn dập về sự kiện các lực luợng vũ trang và nhân dân miền Nam đã mở cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt tại 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn. Lực lượng cách mạng đã tiến công vào các cơ quan đầu não trung ương, địa phương, đánh vào cả Mỹ và Nguỵ ở cả 3 vùng chiến lược. Cùng với thắng lợi rực rõ của quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đầu Xuân năm 1968 đã tạo ra bước ngoặt, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Pa-ri. Lúc này nghe đài, đọc báo thích lắm. Lời thơ của Bác làm nức lòng quân dân cả nước. Trong thời khắc lịch sử ấy, bài thơ Xuân 1968 có ý nghĩa đặc biệt. Lúc này, cánh học sinh chúng tôi nghe đài, đọc báo mà cứ ngỡ Tổ quốc ta thống nhất đến nơi rồi.
Bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được cất cao, vang lên sau mỗi bản tin chiến thắng. Xóm làng vui vầy, nhà nhà phấn chấn hẳn lên.
Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù.
Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô.
Cái cảm giác miền Nam sắp được giải phóng cứ tràn dâng, rạo rực trong lòng mọi người. Ai cũng bảo: Mỹ, Nguỵ sắp chết đến nơi rồi! Tôi cũng nghĩ thế và phân vân rằng: gia đình mình chưa có ai đi bộ đội mà cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược cũng sắp kết thúc. Theo chính sách, gia đình mình chỉ có một con trai nên không phải đi bộ đội. Nhưng nhiều gia đình như mình không có người đi bộ đội thì hỏi làm sao thực hiện các chính sách khác được. Hay là mình xin đi bộ đội, vào Nam đánh giặc, góp phần nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mình không tham gia đánh Mỹ cứu nước lần này thì cũng không còn dịp nào nữa, cuộc chiến đấu đang sục sôi và rất cần sức trẻ ở phía trước, không thể ngồi ủ rụ ở nhà để chờ đợi cuộc chiến đấu thắng lợi, phải dũng cảm lao vào cuộc chiến đấu cùng các chiến sĩ đang xung phong trên mặt trận. Đến lúc này câu nói của Lê Mã Lương càng thấm thía trong trái tim tôi, thôi thúc tôi lên đường đánh Mỹ. Đánh xong giặc Mỹ, mình lại trở về đi học vẫn không muộn. Khi ấy, mình có đi học cũng thấy yên tâm hơn.
Suy nghĩ ấy cứ chín dần trong tôi, nung nấu thành ý chí, quyết tâm mà tôi cảm nhận rất rõ ràng nếu tôi không đi bộ đội trong dịp này thì mọi cái đều vô nghĩa. Cuộc chiến tranh kéo dài từ khi tôi còn nhỏ, tôi mới chỉ là một cậu học trò chưa có đóng góp gì. Tôi đã được chứng kiến biết bao nỗi đau của những người dân có người thân hy sinh ngoài mặt trận. Chiến trường luôn cần những người con trai ra trận. Những người con gái còn xung phong ra tiền tuyến huống hồ một người như tôi. Sức trai trẻ và có quyết tâm chiến đấu mà không ra chiến trường thì sau này sẽ hối hận. Có nhiều đêm, tôi không sao chợp mắt nổi, vừa nghĩ đến chiến trường và những đoàn quân đêm đêm hành quân qua làng Ngũ Phúc mà lòng bồi hồi, xao xuyến: nhất định tôi phải đi bộ đội, phải có mặt để cùng tham gia với đồng đội, đồng chí của mình trên chiến hào đánh Mỹ. Rồi tôi nghĩ đến hình ảnh mình khi mặc bộ quần áo bộ đội vải Tô Châu xanh, tôi sẽ nổi bật trước mắt mọi người, chắc là khoẻ khoắn và nhìn chững chạc lắm...
Nếu vậy, nhiều người sẽ nhìn tôi và đặt ra những câu hỏi rằng: “Sao không đi học ở nước ngoài”. Tôi sẽ mỉm cười tự hào mà trả lời rằng: “Đất nước còn giặc thì mình chưa đi”. Suốt mấy ngày liền, tôi nung nấu suy nghĩ, mọi cái tưởng chừng đơn giản nhưng không phải dễ dàng nói ra, nhất là một người khó tính như Cha tôi, luôn lo lắng và kì vọng vào đứa con của mình. Tôi biết nói với Cha và chị ra sao và bắt đầu như thế nào? Tôi sẽ tính ra sao nếu Cha buồn, nếu chị lo? Nỗi lo lắng và buồn phiền của Cha về sự ra đi của Mẹ và bệnh tật của dì đã đủ làm cho cả cuộc đời Cha mệt mỏi rồi. Ý chí và quyết tâm đi bộ đội thì không bao giờ tôi thay đổi, nhưng đặt vấn đề như thế nào với Cha và chị thì phải tính toán cho kỹ.
Tiếng đài phát thanh mỗi khi vang lên, tôi lại thấy trách nhiệm của mình càng cao hơn. Mỗi lần nghe tiếng phát thanh cất lên, đang làm việc gì tôi cũng nghển cổ lên nghe ngóng, cứ như chờ đợi và mong ngóng một niềm vui. Ý nghĩ đó như bốc thành ngọn lửa cháy trong trái tim tôi. Thôi thúc và giục giã tôi lên đường nhập ngũ. Tôi không hình dung ra hết được cuộc chiến trước mắt nhưng khi nghe đài, báo và hình ảnh những chú bộ đội hành quân qua làng Ngũ Phúc, tôi thấy họ đáng tự hào lắm, đáng khâm phục lắm.
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.